(ANTĐ) – Hiện nay chúng ta chưa quản lý được tài sản thì chưa thể tính đến chuyện đánh thuế. Đến số nhà nhiều khi còn không quản lý được số ngược, số xuôi, số chẵn, số lẻ thì làm sao quản lý được tài sản.
Đây là bình luận của luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI tại Hội thảo “Thuế tài sản – Một số gợi ý chính sách” do Viện Nghiên cứu Truyền thông Phát triển (RED) phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Tài chính tổ chức chiều nay, 26/6.
Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng việc đánh thuế tài sản là cần thiết, nhưng trước tiên cơ quan soạn thảo cần định danh chính xác đánh loại thuế gì. Nếu là thuế tài sản thì phải tiếp cận từ khía cạnh toàn bộ tài sản, rồi loại trừ những tài sản nào không phải đánh thuế để trừ đi. Còn nếu chỉ đánh trên thuế nhà và thuế đất thì nên gọi đúng là Thuế bất động sản và quyền sử dụng đất.
Ông Đức cũng lưu ý là thuế tài sản thì phải đánh vào người có nguồn thu, tức là người giàu và có thể đánh lũy tiến. Ví dụ, mức thuế thấp nhất có thể là 0,1% nhưng với người có nhiều tài sản thì có thể đánh tới 10%. Hơn nữa, phải làm sao tránh tình trạng thuế chồng thuế.
“Ví dụ một căn nhà 10 tỷ thì đánh thuế. Nhưng nếu có 2 căn nhà 1 tỷ, một nhà ở một nhà cho thuê thì chả có lý do gì để đánh. Đặc biệt khi cái nhà cho thuê đã phải nộp nhiều loại thuế như thuế môn bài, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập…” – vị luật sư nêu quan điểm.
Đặc biệt, luật sư Trương Thanh Đức lo ngại không thể đánh thuế tài sản nếu không quản lý được dữ liệu tài sản. “Đến số nhà nhiều khi còn không quản lý được số ngược, số xuôi, số chẵn, số lẻ thì làm sao quản lý được tài sản. Chúng ta chưa quản lý, thống kê được nhà đó của ai, giá trị bao nhiêu thì không thể đánh thuế được, phải quản lý được dữ liệu thì mới tính đến việc xử lý nó như thế nào” – ông nói.
Trước đó, biện luận về Luật Thuế tài sản, bà Lê Thị Mai Liên- Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính – Bộ Tài chính cho biết, hiện nay, thuế tài sản được áp dụng ở nhiều quốc gia trên thế giới với nhiều tên gọi khác nhau như: thuế bất động sản, thuế chuyển nhượng tài sản, thuế đăng kí tài sản, thuế thừa kế, thuế quà tặng.
“Nhìn chung, hầu hết các quốc gia không ban hành một sắc thuế tài sản riêng biệt bao quát tất cả các loại thuế liên quan đến tài sản, cũng như không có một khuôn mẫu chung thống nhất về thuế tài sản.”- bà Liên nói.
Theo đại diện Viện này, hầu hết các nước trên thế giới chỉ đánh thuế tài sản đối với bất động sản. Chỉ có một vài nước đánh thuế đối với động sản (ô tô, tàu bay, du thuyền) như Hàn Quốc, Kyzgystan, Bungari, Ác-hen-ti-na. Hàn Quốc đánh thuế tài sản theo giá trị hiện tại của tài sản (0,3% đối với tàu bay, du thuyền loại thông thường và 5% đối với du thuyền hạng sang).
Kyzgystan đánh thuế đối với phương tiện giao thông căn cứ vào dung tích xi lanh, loại xe, thời gian sử dụng hoặc tính trên 0,5% giá trị ghi sổ của tài sản. Bungari đánh thuế tài sản đối với ô tô dựa trên động cơ có hệ số điều chỉnh theo năm sản xuất xe.
“Theo thống kê của World Bank, hiện có 174/193 nước áp dụng thuế tài sản/thuế bất động sản/thuế nhà đất” – bà Liên thông tin.
Hà Loan
————
An ninh Thủ đô (Kinh doanh) 26-6-2018:
(421/730)