(NLĐ) – Giải pháp giảm mức phí tại các trạm BOT đặt sai vị trí chỉ nhằm “hạ nhiệt” dư luận chứ không giải quyết được gốc rễ vấn đề, chưa tạo đồng thuận từ các tài xế
Từ 0 giờ ngày 16-10, trạm BOT tuyến tránh Biên Hòa đặt trên Quốc lộ 1 (xã Trung Hòa, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) dự kiến hoạt động trở lại với mức phí giảm 20%. Nghe tin, giới tài xế khẳng định sẽ tiếp tục dùng tiền lẻ để phản đối nhằm bảo vệ quyền lợi của mình. Trước đó, BOT Biên Hòa đã phải đóng cửa gần chục ngày vì tài xế nhiều lần dùng tiền lẻ mua vé qua trạm.
Bất hợp lý, bất thường, bất bình
“Chúng tôi sẽ đấu tranh tới cùng dưới mọi hình thức theo đúng quy định của pháp luật để giành lại quyền lợi của mình vì sự vô lý của trạm gây thiệt hại cho chúng tôi không hề nhỏ. Chưa cần đối thoại hay thanh tra thì những bất cập và vô lý tồn tại lâu nay của trạm BOT Biên Hòa, không chỉ quan chức mà người dân cũng dễ dàng thấy rõ, chỉ các vị là giả vờ, cố tình không thấy” – một tài xế khẳng định.
Trước thông tin BOT Biên Hòa sẽ giảm phí, cánh tài xế không đồng tình mà yêu cầu phải dời trạm về đúng vị trí, thậm chí cho rằng sẽ đề nghị Thanh tra Chính phủ vào cuộc hoặc kiện chủ đầu tư BOT này ra tòa.
Trạm BOT tuyến tránh Biên Hòa ngày 15-10 vẫn còn tạm ngưng hoạt động Ảnh: XUÂN HOÀNG
Một trạm thu phí gây nhiều bức xúc ở miền Bắc là BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ cũng giảm 25% giá vé từ ngày 15-10. Quyết định đã được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) chấp thuận. Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, hợp đồng, thời gian thu phí hoàn vốn cho dự án đầu tư nâng cấp tuyến Pháp Vân – Cầu Giẽ là 17 năm 2 tháng 18 ngày. Dự án bắt đầu thu phí hoàn vốn từ ngày 6-10-2015. Sau khi giảm giá vé, tính toán lại phương án tài chính, dự kiến thời gian thu khoảng 15 năm 4 tháng 18 ngày, thời điểm hoàn vốn dự kiến giảm so với hợp đồng đã ký 1 năm 10 tháng.
Về dự án này, kết quả thanh tra của Thanh tra Chính phủ mới đây cho thấy trước khi thực hiện, Bộ Tài chính đã có văn bản nêu rõ việc đặt trạm trên đường BOT để thu phí hoàn vốn cho nhà đầu tư chỉ được thực hiện khi dự án hoàn thành xây dựng và đưa vào sử dụng. “Tuy nhiên, dự án mới đầu tư giai đoạn 1 (sửa chữa, cải tạo các yếu tố hình học và rải thảm mặt đường cũ), vốn đầu tư chỉ chiếm 30% của dự án nhưng giá thu tương đương với giá thu đường cao tốc xây dựng mới Cầu Giẽ – Ninh Bình (1.500 đồng/km) là bất hợp lý và bất thường, cần làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân” – kết luận khẳng định. Rõ ràng dự án này có nhiều sai phạm nhưng việc giải quyết mới dừng ở giảm giá vé 25% nên chưa nhận được sự đồng tình của dư luận.
Vô nghĩa
Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI, trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) – thẳng thắn cho rằng việc giảm 25% giá vé qua trạm BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ chỉ là để “hạ nhiệt” trong thời điểm BOT đang gây ra nhiều bức xúc chứ không thay đổi gì về bản chất.
“Chỉ sửa chữa, cải tạo các yếu tố hình học và rải thảm mặt đường cũ mà thu phí như đường cao tốc mới. Cần phải làm rõ số tiền thu phí thực tế bao nhiêu? Đã hoàn vốn hay chưa, nếu đã hoàn vốn thì phải bỏ thu phí” – luật sư Đức nói.
Về việc Bộ GTVT xem xét giảm phí ở 54 trạm BOT trên cả nước, luật sư Trương Thanh Đức cho rằng điều mà dư luận cần là phải thông tin công khai từ đầu tư đến thu phí thực tế để tính toán mức phí bao nhiêu, thời gian thu bao lâu ở các dự án BOT. “Chứ giảm phí kiểu như BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ hay BOT Cai Lậy, BOT Biên Hòa… chẳng có ích lợi gì nhiều cho người dân. Việc giảm phí đó chỉ là cách giãn thời gian, tức là thu phí kéo dài hơn, trong khi càng kéo dài thì lãi suất ngân hàng tăng. Như vậy, về bài toán tổng thể thì việc giảm giá đó là vô nghĩa” – luật sư Đức phân tích.
Chuyên gia giao thông Nguyễn Vĩnh Hòa cũng cho rằng giải pháp Bộ GTVT đưa ra là giảm phí cho các trạm BOT nằm ngay Quốc lộ 1 chỉ nhằm “hạ nhiệt” dư luận chứ không giải quyết gốc rễ. Cái sai ở đây là ngay từ đầu, Bộ GTVT đã có những ký kết ràng buộc vị trí đặt trạm đối với chủ đầu tư. Vì thế, muốn dời trạm phải đền bù hợp đồng.
Còn ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Vận tải Hà Nội, cho rằng từ cái sai của cơ quan quản lý dẫn đến vướng mắc trong hợp đồng BOT với các nhà đầu tư.
“Cho nên để xảy ra những bất cập, sai phạm dẫn đến bức xúc trong dư luận, cần làm rõ trách nhiệm của những người nghiên cứu cũng như ký phê duyệt dự án BOT, ký hợp đồng BOT. Họ kém về trình độ hay là có vấn đề gì đó không minh bạch, dấm dúi với nhà đầu tư?” – ông Liên đặt vấn đề.
Trạm Cai Lậy sẽ thu phí tự động
Ngày 15-10, theo một nguồn tin, Công ty TNHH Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang (chủ đầu tư dự án BOT Cai Lậy) đã ký với Công ty TNHH Thu phí tự động VETC thực hiện gói thầu áp dụng công nghệ thu phí tự động. Tháng 12-2017, BOT Cai Lậy sẽ áp dụng 2 làn thu phí tự động, đến cuối năm 2019 thì thu phí cho toàn trạm.
Ông Nguyễn Phú Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang, cho rằng việc áp dụng công nghệ thu phí tự động không phải để ngăn chặn tài xế mang tiền lẻ qua trạm mà thực hiện theo quy định của Bộ GTVT. Theo đó, tất cả các trạm thu phí trên cả nước phải thực hiện thu phí tự động chứ không chỉ riêng BOT Cai Lậy.
Về lâu dài, theo ông Hiệp, BOT Cai Lậy chỉ có thể giảm giá vé chứ không dời trạm.
——————
Người lao động (Thời sự trong nước) 16-10-2017:
http://nld.com.vn/thoi-su/giam-phi-bot-la-du-sao-20171015222016709.htm
(255/1.207)