Từ năm 2016 tới nay, nhiều trạm thu phí BOT từ Bắc vào Nam như cầu Hạc Trì (Phú Thọ), Bờ Đậu (Thái Nguyên), Quốc lộ 6 (Lương Sơn, Hòa Bình), Tào Xuyên (Thanh Hóa), Bến Thủy 1 (Nghệ An), Cầu Rác (Hà Tĩnh), Quán Hàu (Quảng Bình), Cai Lậy (Tiền Giang), Biên Hòa (Đồng Nai)… bị người dân phản đối dữ dội, liên tục do có những điều phi lý khó chấp nhận.

Vô lý hết sức!

Dự án BOT cầu Hạc Trì bắc qua sông Lô được xây dựng nhằm thay thế cầu đường bộ – đường sắt Việt Trì có tổng mức đầu tư hơn 1.900 tỉ đồng theo hình thức BOT. Sáng 4-3-2016, hàng chục người dân địa phương đã đưa xe ra tụ tập tại trạm thu phí cầu Hạc Trì (cầu Việt Trì mới) để phản đối việc chủ đầu tư dựng trụ bê-tông ngăn ôtô chạy lên cầu Việt Trì cũ. Ba tháng sau, Tổng cục Đường bộ Việt Nam phải sửa chữa cầu Việt Trì cũ, bỏ trụ bê-tông để xe 7 chỗ trở xuống lưu thông qua cầu này.

Trạm BOT sai chỗ vẫn cố thủ - Ảnh 1.

Sau khi bị người dân phản đối, chủ đầu tư giảm 100% giá vé cho một số phương tiện qua trạm BOT Bến Thủy 1 Ảnh: ĐỨC NGỌC

Dù đi vào hoạt động từ tháng 5 nhưng đến nay, trạm thu phí BOT Bờ Đậu (Thái Nguyên) đặt trên Quốc lộ 3 cũ vẫn chưa thể tiến hành thu phí do bị người dân phản đối nhiều lần vì cho rằng không đi đường nhưng vẫn phải trả phí.

Theo người dân, tại khu vực này có 2 trạm thu phí, một trạm đặt tại đường cao tốc Thái Nguyên – Bắc Kạn, trạm còn lại đặt trên Quốc lộ 3 cũ. Hai trạm này được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho phép nhà đầu tư xây dựng để hoàn số vốn 2.700 tỉ đồng xây mới tuyến cao tốc Thái Nguyên – Chợ Mới và nâng cấp Quốc lộ 3. Mới đây, Thanh tra Chính phủ khẳng định việc quyết định đầu tư ghép việc cải tạo, nâng cấp 7 km Quốc lộ 3 với đầu tư xây dựng mới đường Thái Nguyên – Chợ Mới và đặt thu phí ở 2 nơi là không hợp lý.

Tại Nghệ An, từ cuối năm 2016, người dân 2 đầu cầu Bến Thủy 1 (Nghệ An) và Hà Tĩnh phản ứng gay gắt việc mức phí qua trạm Bến Thủy 1 quá cao. Không những vậy, dù họ không sử dụng tuyến đường tránh TP Vinh nhưng vẫn phải chịu phí khi qua cầu. Cuối cùng, chủ đầu tư đồng ý giảm 100% phí qua trạm BOT Bến Thủy 1 cho các phương tiện loại 1, loại 2 và xe buýt của người dân TP Vinh, huyện Hưng Nguyên (tỉnh Nghệ An); thị xã Hồng Lĩnh, huyện Nghi Xuân (tỉnh Hà Tĩnh).

Tại tỉnh Hà Tĩnh, trạm thu phí BOT Cầu Rác được đưa vào sử dụng từ năm 2009 nhằm thu phí hoàn vốn cho dự án BOT xây dựng Quốc lộ 1 đoạn tránh TP Hà Tĩnh. Việc này vấp phải sự phản ứng của người dân 2 huyện Cẩm Xuyên và Kỳ An. Cuối tháng 4-2017, Bộ GTVT có văn bản yêu cầu chủ đầu tư giảm 100% phí đối với người dân 2 huyện này khi qua trạm BOT Cầu Rác.

Đầu tháng 9 vừa qua, bức xúc vì không đi qua đường cao tốc mà vẫn phải trả phí, nhiều tài xế đã liên tiếp nhiều ngày phản đối bằng cách dùng tiền lẻ trả phí qua trạm BOT số 1 trên Quốc lộ 5 cũ (đoạn qua tỉnh Hưng Yên). Theo phản ánh của tài xế, việc trạm BOT này thu phí để hỗ trợ hoàn vốn của Quốc lộ 5 mới (cao tốc Hà Nội – Hải Phòng) là vô lý.

“Tiền đâu mua lại trạm?”

Theo báo cáo của Bộ GTVT, cả nước có 88 trạm thu phí BOT trên các tuyến quốc lộ. Trong đó, bộ quản lý 73 trạm (55 trạm đang thu, 18 trạm chưa thu thuộc các dự án đang đầu tư), UBND các tỉnh quản lý 15 trạm.

Tại cuộc họp báo của Bộ GTVT mới đây, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc có di dời vị trí trạm BOT Cai Lậy hay không, ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Đối tác công – tư (Bộ GTVT), khẳng định trạm này đặt đúng vị trí. “Thời điểm đó đã nghiên cứu các phương án: Mở rộng toàn bộ Quốc lộ 1 và không xây dựng tuyến tránh; đặt trạm thu giá trên tuyến tránh; đặt trạm thu giá trên tuyến chính, nâng cấp cải tạo tuyến chính và xây dựng tuyến chính. Trong đó, phương án thứ 3 là ưu việt nhất” – ông Huy giải thích.

Khi được hỏi nhà nước có mua lại trạm BOT này không, ông Huy “vặn” lại: “Tại sao phải làm BOT? Ngân sách đang hết sức khó khăn, không cân đối được thì mới phải làm BOT. Vậy lấy tiền đâu để mua lại trạm?”.

Tại buổi tọa đàm “Dự án BOT – Chính sách và giải pháp” do Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp với Viện Nghiên cứu chính sách, pháp luật và phát triển tổ chức mới đây, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng không thể không xử lý những bất cập của BOT. “Vấn đề đầu tiên là thu phí BOT như kiểu trấn lột, người ta không đi trên đường BOT thì không thể thu phí. Đường tránh một chỗ, đặt trạm thu phí chỗ khác là không thể được. Trả 1 đồng thôi mà bất công, người dân cũng không chịu, vì vậy phải dời trạm thu phí” – ông Dũng quả quyết.

Lên kế hoạch tuyên truyền về BOT Biên Hòa

Ngày 17-10, Sở GTVT tỉnh Đồng Nai đã tổ chức họp cùng Văn phòng UBND tỉnh, Ban Tuyên giáo, công an, các sở – ngành, huyện Trảng Bom, lãnh đạo UBND 4 xã xung quanh trạm BOT Biên Hòa. Nội dung cuộc họp là “Xây dựng kế hoạch tuyên truyền các nội dung liên quan đến dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Quốc lộ 1 đoạn tránh TP Biên Hòa” (một cách nói tránh về BOT tuyến tránh Biên Hòa – PV). Tuy nhiên, toàn bộ nội dung cuộc họp không được cơ quan chức năng cũng như chủ đầu tư thông tin cho báo chí.

X.HOÀNG

 

“Trò gian lận”

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, cho rằng nếu người dân đi trên những con đường được đầu tư bằng tiền của nhà nước – tức cũng chính là tiền của người dân – nhưng dân phải nộp phí cho tư nhân thì rõ ràng đây là trò gian lận. “Vậy thì nếu tư nhân không tham ô của nhà nước thì cũng là chiếm đoạt của người dân chứ không đúng nghĩa BOT” – luật sư Đức phân tích.

 

NGUYỄN THẾ