(ĐV) – Nếu không phát hiện, xử lý nợ xấu kịp thời, nguy cơ lớn với hệ thống ngân hàng… có thể xảy ra bất cứ lúc nào
Liên quan tới báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia vừa công bố báo cáo tình hình kinh tế – tài chính 9 tháng đầu năm 2017. Theo đó, có rất nhiều tổ chức tín dụng đã thu được lãi nghìn tỷ nhờ vào việc tăng cường trích lập dự phòng nợ xấu và bán được tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu đã tồn tại trong nhiều năm.
Ngân hàng báo lãi nghìn tỷ |
Bình luận về vấn đề trên, Luật sư Trương Thanh Đức cho biết, bản chất của câu chuyện cũng giống như việc một doanh nghiệp bán hàng nhưng chưa thu được tiền hoặc tài sản của doanh nghiệp đã được đầu tư bây giờ mang bán thanh lý và thu tiền về.
“Ở đây cũng vậy, ngân hàng cho doanh nghiệp vay tiền rồi tính lợi nhuận dựa trên khoản thu về từ tiền lãi và tiền gốc.
Đó là trong trường hợp thuận, ngược lại, trong chiều hướng doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, ngân hàng không thu được tiền gốc, khoản vay trên sẽ bị liệt vào danh mục những khoản vay khó đòi, hay khoản vay thuộc nhóm nợ có khả năng bị mất vốn (nợ xấu, nợ quá hạn).
Đối với những khoản nợ này, ngân hàng bắt buộc phải trích lập một khoản dự phòng để phòng ngừa rủi ro. Tỉ lệ trích lập dự phòng là 50%, 60%… hay 100% sẽ tùy vào từng món nợ thuộc nợ nhóm 3, nhóm 4 hoặc nhóm 5.
Nếu ngân hàng thu được cả nợ gốc và nợ lãi về thì cũng đồng thời sẽ thu được cả khoản phí trích lập dự phòng rủi ro đó. Khoản lãi ngân hàng đang nói chính là khoảng thu tăng thêm hay còn gọi là khoản thu nhập khác”, ông Đức phân tích.
Theo ông Đức, về nguyên tắc, bất cứ khoản thu tăng thêm nào cho ngân hàng cũng có thể gọi là lãi, tuy nhiên, lãi từ hoạt động mua bán nợ xấu của ngân hàng thì không phải là lãi nhờ vào tăng trưởng kinh doanh của ngân hàng. Vì:
Thứ nhất, bán tài sản bảo đảm. Đây là vấn đề muôn thuở nhưng bắt buộc phải làm để giúp các ngân hàng giải quyết nợ xấu, xóa đi món nợ đã tồn tại trong ngân hàng từ nhiều năm. Để bán được món nợ đó, ngân hàng phải chấp nhận bán rẻ, bán tháo, thậm chí bán dưới vốn với mong muốn thu được đồng nào tốt đồng đó.
Thứ hai, về vấn đề tăng trích lập dự phòng. Nếu việc này được thực hiện tốt, một mặt sẽ giúp được ngân hàng giảm được nợ xấu, mặt khác còn giúp ngân hàng củng cố thêm năng lực về nguồn lực tài chính. Về nguyên tắc, đây là trách nhiệm của ngân hàng. Tuy nhiên, thời gian qua rất nhiều ngân hàng đã không thực hiện trích lập dự phòng đầy đủ mới dẫn tới những rủi ro.
Thứ ba, về hoạt động mua bán nợ. Theo đánh giá, việc mua bán nợ xấu có diễn ra sôi động hơn trong thời gian qua tuy nhiên chưa thể hiện được tín hiệu khả quan. Nếu việc mua bán nợ diễn ra với những hoạt động thực chất, những người mua lại nợ theo nhu cầu thực thì đó là điều rất tốt, nên khuyến khích.
Tuy nhiên, việc mua bán nợ vừa qua vẫn cho thấy mới chỉ là những động tác xử lý kỹ thuật, không giảm được nợ xấu.
“Chỉ khi nào biết rõ các khoản trích lập dự phòng, thu hồi nợ xấu… đã được các ngân hàng thực hiện đầy đủ, đúng quy định lúc đó khoản lợi nhuận theo báo cáo (nếu có) mới là lợi nhuận bền vững và đáng mừng.
Tuy nhiên, như đã nói, hiện nay việc trích lập dự phòng của các ngân hàng vẫn chưa được thực hiện một cách đầy đủ, ngay cả việc bán nợ xấu cho VAMC vẫn có quy định trích lập dự phòng kéo dài từ 5 -10 năm, như vậy cũng có nghĩa là những khoản nợ trên đã là những khoản nợ rất xấu, có ng uy cơ mất vốn nhưng không được trích lập đủ 100%. Rủi ro rất lớn.
Nếu đúng như vậy, đây vẫn chỉ là thao tác xử lý kỹ thuật lấy nguồn thu từ một số khoản khác để báo lãi lên lấy thành tích, trong khi trích lập dự phòng không đủ, do đó, những nguy cơ rủi ro vẫn rất lớn, không có gì đáng mừng.
Nó cũng tương tự như việc xử lý nợ xấu vậy, nói là giảm nợ xấu nhưng thực tế nợ xấu không giảm mà chỉ là thao tác kỹ thuật”, ông Đức nói.
Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, đứng về phía ngân hàng cũng có thể hiểu được tâm lý vui mừng của họ vì thay vì một đống nợ nằm chết trong nhiều năm thì nay họ đã xử lý được và có thêm được một khoản thu. Nhưng cần phải hiểu, đây chỉ là khoản thu tăng thêm nhờ xử lý được những tồn đọng cũ chứ không phải là khoản lãi có nhờ vào cải thiện được tăng trưởng của ngân hàng.
Do đó, nhiều ngân hàng thương mại yếu kém vẫn đang phải đổi diện với những nguy cơ rủi ro lớn.
Chính từ điều này, vị chuyên gia cho biết, yêu cầu tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại, vẫn “nóng” và cấp thiết hơn bao giờ hết.
“Do tình hình nợ xấu rất nguy cấp, trong khi hoạt động của các ngân hàng luôn rơi vào tình trạng yếu kém, bê bết, thậm chí có những lúc phải đứng trước nguy cơ mất khả năng thanh khoản của toàn hệ thống ngân hàng.
Trước tình hình đó, yêu cầu tái cấu trúc hệ thống ngân hàng được đặt ra cấp bách hơn bao giờ hết. Sau nhiều năm thực hiện, tới nay cũng có thể nhìn thấy một số tín hiệu bước đầu. Tuy nhiên, nếu không tích cực, giải quyết triệt để những tồn đọng cũ cộng thêm những nguy cơ mới thì mối nguy hiểm vẫn luôn rình rập, đe dọa tới an ninh, an toàn của cả hệ thống ngân hàng.
Vì vậy, hơn lúc nào hết, bây giờ cần phải thắt chặt yêu cầu phát hiện, kiểm tra, xử lý, kịp thời những sai phạm, yếu kém. Nếu không nguy cơ hàng nghìn tỉ nữa lại có thể ra đi bất cứ lúc nào”, ông Đức cảnh báo.
Hoài An
——————
Đất Việt (Tài chính) 19-10-2017:
http://baodatviet.vn/kinh-te/tai-chinh/ngan-hang-ho-hoi-bao-lai-tu-no-xau-co-nen-mung-3345336/
(822/1.173)