(NH) – Ngày 26/6, Viện Nghiên cứu Truyền thông Phát triển (RED) phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Tài chính tổ chức Hội thảo: “Thuế tài sản và một số gợi ý chính sách cho Việt Nam”.
Nghiên cứu của Ban Chính sách Tài chính công, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) về kinh nghiệm thuế tài sản ở các nước cho thấy, đối tượng chịu thuế chủ yếu của thuế tài sản thường là nhà, đất và tài sản gắn liền với đất với tỷ trọng thu trong tổng thu từ thuế khá lớn.
Một điểm chung là hầu hết các quốc gia áp dụng thuế suất tương đối, rất ít nước áp dụng theo giá trị thuế tuyệt đối, hoặc áp dụng đồng thời cả hai. Bên cạnh đó, biểu thuế suất thường được thiết kế với nhiều mức, có sự phân biệt giữa các khu vực/vùng, mục đích sử dụng thực tế và thường theo cách đánh lũy tiến…
Những kinh nghiệm trên mở ra một số gợi ý cho Việt Nam. Cụ thể, theo Ban Chính sách Tài chính công, phạm vi thuế tài sản nên áp dụng đối với nhà, đất và nên có miễn, giảm đối với nhà, đất là tài sản công, sử dụng cho mục đích phúc lợi công cộng… Đồng thời, nên quy định ngưỡng diện tích chịu thuế.
Để xác định giá nhà, đất tính thuế trong ngắn hạn có thể căn cứ theo khung giá nhà, đất do UBND cấp tỉnh quy định. Tuy nhiên về trung và dài hạn cần xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về nhà, đất, trong đó bao gồm cả giá nhà, đất trên thị trường. Một khuyến nghị quan trọng khác là nên đánh thuế lũy tiến nhằm mục đích phân phối lại và đảm bảo công bằng.
Dù về cơ bản đồng tình với các khuyến nghị này, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng trước hết cần định danh chính xác là thuế gì. Bên cạnh đó, chỉ nên đánh thuế vào các tài sản có giá trị lớn và vào những người có khả năng nộp thuế. Đồng thời, nên bắt đầu từ mức thuế khởi điểm rất thấp, và nên công bố lộ trình tăng rõ ràng để tránh việc khi chuyển sang luật mới lập tức thuế tăng lên vài lần thì sẽ tác động lớn đến người dân, thị trường bất động sản…
ĐP
————
Thời báo Ngân hàng (Kinh tế) 26-6-2018:
http://thoibaonganhang.vn/thue-tai-san-can-phu-hop-va-cong-bang-77128.html
(108/468)