1.862. Vụ khăn lụa Khaisilk 2 nhãn mác: Vi phạm pháp luật và đạo đức kinh doanh

(VOVVN) – Chuyên gia cho rằng, việc giả mạo nhãn hiệu, xuất xứ của khăn lụa Khaisilk là vi phạm pháp luật và đạo đức kinh doanh, không thể chấp nhận được.

Chủ tịch Tập đoàn Khai Silk vừa lên tiếng thừa nhận thương hiệu Khaisilk có bán lụa tơ tằm xuất xứ từ Trung Quốc, với tỷ lệ hàng Trung Quốc/hàng Việt Nam là 50/50. Dù ông chủ của thương hiệu Khaisilk đã “cúi đầu xin lỗi” khách hàng nhưng một số chuyên gia kinh tế, nhà quản lý, luật sư cho rằng Khaisilk không thể “xin lỗi suông”.

Tập đoàn Khai Silk đã thừa nhận bán khăn “made in China” nhưng lại mang thương hiệu Khaisilk (Ảnh: Facebook Dang Nhu Quynh)

Bất chấp vì lợi nhuận?

Chia sẻ với VOV.VN, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho biết, mặc dầu số đông các doanh nghiệp tuân thủ pháp luật và thực hiện đạo đức kinh doanh nhưng một số ít doanh nghiệp Việt hoạt động trái pháp luật và đạo đức kinh doanh.

Câu hỏi đặt ra là nguyên nhân gì dẫn đến những hành động phi đạo đức của một số doanh nghiệp này? Theo TS. Hiếu, câu trả lời cần một nghiên cứu sâu về việc này. Tuy nhiên, ông Hiếu nhận định, nguyên nhân của hiện tượng này là mục tiêu lợi nhuận đã khiến không ít doanh nghiệp phá vỡ những giá trị đạo đức xã hội và kinh doanh để hưởng lợi, họ sẵn sàng “ăn gian, nói dối” miễn là làm sao đạt được điều mong muốn.

TS. Hiếu bức xúc nêu thực tế: Đáng buồn là hiện tượng này hình như không phải cá biệt. Một thí dụ điển hình là hằng ngày trên nhiều chương trình TV kể cả các chương trình TV quốc gia, nhiều hãng thuốc quảng cáo thực phẩm chức năng khi quảng cáo thì nêu ra những công dụng chữa nhiều bệnh như tiểu đường, suy thận, viêm gan, cột sống lão hóa, nhưng phần cuối của quảng cáo nói rằng “đây là thực phẩm chức năng chứ không phải thuốc chữa bệnh” thì cho chạy rất nhanh.

TS. Nguyễn Trí Hiếu

Điều mà đáng báo động hơn, theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, là người Việt đã quá quen với hiện tượng “ăn gian, nói dối”, và vì thế một Khaisilk hay có thêm vài Khaisilk thì nhiều doanh nghiệp hay nhiều người cũng thấy như bình thường.

VOV.VN – Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh vừa đề nghị Cục Quản lý thị trường kiểm tra vụ việc liên quan đến xuất xứ hàng hóa của Tập đoàn Khaisilk.

Nhẹ nhất là xử phạt gian lận thương mại, hàng giả

Trao đổi về thông tin gian lận thương hiệu gây chấn động dư luận của Khaisilk, Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường Trần Hùng cho rằng, việc “nhập nhằng” xuất xứ khăn lụa của Tập đoàn Khaisilk đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của thương hiệu Việt. Đây là sự việc rất đáng buồn cho một thương hiệu sau bao nhiêu năm gầy dựng, giữ gìn.

Ông Hùng đánh giá, sự việc của Khaisilk đã gây nên một chấn động rất lớn bởi rất nhiều người đã và đang tin tưởng thương hiệu Khaisilk. Khăn lụa Khaisilk thường được dùng làm quà cho các đối tác, bạn bè quốc tế khi sang Việt Nam để ngoại giao hay hợp tác kinh doanh. Điều này sẽ ảnh hưởng đến “cái nhìn” của bạn bè quốc tế vào những sản phẩm, thương hiệu có xuất xứ từ Việt Nam. Việc mất uy tín của thương hiệu chỉ là một phần nhưng tổn thất lớn nhất chính là việc mất niềm tin trong nhân dân.

Theo ông Hùng, các cơ quan chức năng như lực lượng Quản lý thị trường, Cảnh sát kinh tế cần nhanh chóng vào cuộc để tìm hiểu ngọn ngành vụ việc.

Theo quan điểm của Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, vụ việc gian lận của Khaisilk nhẹ nhất là xử phạt gian lận thương mại, hàng giả. Còn nếu nặng thì có thể chiếu theo tội lừa đảo khách hàng.

Luật sư Đức cho hay, người tiêu dùng cần giữ lại hóa đơn, chứng từ, sản phẩm để chứng minh sản phẩm đó bị làm giả, lừa đảo. Khi chứng minh hàng mua đó rồi thì bước tiếp theo là khởi kiện với cơ quan pháp luật.

Tình tiết đáng chú ý là trong 60 chiếc khăn mà đại lý của Khaisilk tại Hà Nội bán cho khách hàng, ban đầu đại lý này nói chỉ 1 cái lấy thêm ở chỗ khác là được sản xuất từ Trung Quốc, còn 59 cái khác vẫn là hàng Việt Nam. Nhưng sau đó đại diện của Khaisilk thừa nhận số hàng trên là hàng Trung Quốc.

LS. Đức cho rằng, vấn đề 59 chiếc mới đầu nói là hàng của Việt Nam, 1 cái là hàng Trung Quốc, sau đó xác nhận lại là hàng Trung Quốc thì đây là tiền hậu bất nhất, lảng tránh dư luận….

Theo ông Đức, quyền lực người tiêu dùng hiện nay là họ có quyền tẩy chay, còn nếu để pháp lý vào cuộc thì có thể mất thời gian thêm nữa. Doanh nghiệp sợ nhất là người tiêu dùng tẩy chay hàng hoá, sợ không bán được hàng, chứ không sợ bị luật pháp xử phạt hành chính. Xử phạt vài trăm triệu đồng đối với họ chẳng thấm tháp gì.

LS. Đức cho rằng, việc cần làm là Khaisilk dũng cảm đứng ra đền bù thiệt hại cho người tiêu dùng cả về vật chất và tinh thần nếu muốn lấy lại niềm tin của người tiêu dùng./.

Trần Ngọc/VOV.VN

——————

VOV.VN (Kinh tế) 26-10-2017:

http://vov.vn/kinh-te/vu-khan-lua-khaisilk-2-nhan-mac-vi-pham-phap-luat-va-dao-duc-kinh-doanh-687713.vov

(310/967)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.427. Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng.

Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng. (HTV1) - Chương trình có...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,426