(MTG) – Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng không nên cào bằng việc đánh thuế tài sản giữa nhà giàu và nhà nghèo. Thay vào đó, nên áp mức thuế tài sản khởi điểm gấp 10 lần với người có nhiều tài sản.
Phát biểu tại hội thảo “Thuế tài sản và một số gợi ý chính sách cho Việt Nam” tổ chức chiều 26.6, LS Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng nếu thuế tài sản được áp dụng thì không nên tách rời nhà và đất cũng như phải có biểu thuế lũy tiến để tránh bất công.
Dự thảo của Bộ Tài chính hiện tại đề xuất mức thuế với nhà là 0,4% và với đất cũng là 0,4%. Tuy nhiên, LS Đức cho là mức thuế nên để mức thấp, có thể là 0,1% và có lộ trình tăng dần sau đó khoảng 10 năm. Đặc biệt, cần có biểu thuế lũy tiến, có thể gấp ít nhất 10 lần mức khởi điểm với người có nhiều tài sản. Ví dụ, mức thuế thấp nhất là 0,1% và với người có nhiều tài sản, mức thuế ít nhất là 10%.
Với dự thảo đánh thuế tài sản hiện nay của Bộ Tài chính, LS Trương Thanh Đức cho là đang cào bằng giữa người có thu nhập cao và thu nhập thấp.
LS Trương Thanh Đức tại hội thảo – Ảnh: TN
“Như vậy là không công bằng và không đạt được mục tiêu đánh thuế. Thêm vào đó cũng không nên tách riêng khoản thuế với nhà và đất như đề xuất, bởi vì nhà và đất là tổng thể, nếu tách ra lại thành vô duyên”, ông Đức nêu ý kiến.
Ông cũng đề xuất nên để ngưỡng giá trị chịu thuế với nhà có giá trị 5 tỉ đồng, theo mức giá thị trường thay vì giá cố định của Ủy ban Nhân dân tỉnh/thành phố quy định, tránh tình trạng đánh thuế vào người có thu nhập thấp. Song ông cũng nhìn nhận là phải có dữ liệu nhà, đất bởi vì sẽ có thể xuất hiện tình trạng người có 10 cái nhà nhưng mức độ nộp thuế có khi thấp hơn người chỉ có 1 nhà.
Chia sẻ tại hội thảo về kinh nghiệm một nước phát triển như Canada, ông Nicolas Drouin, chuyên gia phát triển tại Đại sứ quán Canada tại Việt Nam cho rằng thuế tài sản ở Canada được xem xét dựa trên nguyên tắc: số tiền nộp thuế phụ thuộc vào giá trị tài sản sở hữu. Canada chỉ áp dụng một mức thuế chung cho cả nhà và đất.
“Ở Canada, thuế tài sản là nguồn thu chính của các địa phương và do các địa phương quản lý, thường được dùng để trang trải các dịch vụ do chính quyền đô thị cung cấp, như giáo dục, văn hóa giải trí, y tế, phúc lợi, nhà ở (cho người cao tuổi, nhà cho thuê giá thấp), giao thông vận tải…”, ông Nicolas Drouin cho hay
Lấy ví dụ cụ thể ở bang Ontario, ông Nicolas Drouin cho biết chính quyền bang Ontario được ban hành luật, đưa ra các chính sách về thuế tài sản và quy định mức thuế giáo dục. Chính quyền đô thị sẽ xác định nhu cầu thu ngân sách, xác định mức thuế áp dụng tại đô thị và thực hiện thu thuế tài sản. Cứ 4 năm/lần, Tập đoàn định giá tài sản Ontario sẽ định giá khoảng 5 triệu tài sản.
Dưới góc nhìn từ phía cơ quan quản lý, bà Lê Thị Mai Liên, Trưởng ban Chính sách tài chính công, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) cho biết sau khi tham khảo kinh nghiệm của một số nước về chính sách thuế tài sản thì Bộ Tài chính nhìn nhận thuế tài sản chỉ áp dụng đối với nhà, đất (thay thế thuế sử dụng đất nông nghiệp và thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, bổ sung thêm thuế đối với nhà), có miễn, giảm đối với nhà, đất là tài sản công, nhà đất sử dụng cho mục đích tôn giáo, phúc lợi công cộng. Các khoản thu khác đối với tài sản (lệ phí trước bạ, thuế chuyển quyền sử dụng đất,…) giữ nguyên theo quy định hiện hành.
Theo bà Liên, hiện nay đã có 174/193 nước áp dụng thuế tài sản và trở thành nguồn thu quan trọng, ngày càng tăng của các quốc gia, giúp tăng tính tự chủ, tự quyền của các địa phương. Các nước thường thu thuế cả nhà và đất. Bên cạnh đó, thuế tài sản đánh vào bất động sản cũng sẽ góp phần làm lành mạnh thị trường, tránh đầu cơ.
Vào tháng 4 vừa qua, Bộ Tài chính đã kiến nghị với Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc đưa dự án Luật Thuế tài sản vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa 14. Bộ đề xuất mức thuế suất 0,4% thuế tài sản với căn hộ chung cư, đất ở, đất xây nhà chung cư, đất kinh doanh…, có giá trị từ 700 triệu đồng (tính cho phần giá trị vượt 700 triệu đồng) mỗi năm.
Theo tính toán, nếu tính thuế suất 0,3%, từ nhà có giá trị 700 triệu trở lên, ngân sách thu về 23.300 tỉ đồng. Còn nếu tính thuế suất 0,4%, ngân sách thu về 31.000 tỉ đồng. Sau khi cân nhắc, Bộ Tài chính vẫn chọn phương án áp dụng thuế suất 0,4% để “phù hợp với quy định mức thuế suất thuế tài sản của các nước, khai thác tốt nguồn thu từ thuế tài sản, đảm bảo là nguồn thu ổn định, thực hiện mục tiêu cơ cấu lại thu ngân sách”. Trước đề xuất gây “ồn ào” dư luận của Bộ Tài chính, lãnh đạo Chính phủ khẳng định hiện tại chưa xem xét Luật Thuế tài sản.
Tuyết Nhung
————–
Một Thế giới (Kinh tế) 27-6-2018:
(383/1.083)