Theo nguồn tin của Nhadautu.vn, bà Trương Mỹ Lan cùng 9 thành viên khác trong gia đình đã rút hồ sơ xin thôi quốc tịch Việt Nam và được trả hồ sơ vào tháng 6/2015.
Trước đó, giữa năm 2014, bà Trương Mỹ Lan cùng Trương Lập Hưng, Trương Mễ, Trương Huệ Nhi, Trương Chí Trung, Ngô Thanh Nhã, Trương Lập Tân, Trương Huệ Vân, Trương Lập Phát và Lâm Thị Hoà đồng loạt xin thôi quốc tịch Việt Nam.
Bà Trương Mỹ Lan được biết đến là chủ của Vạn Thịnh Phát, một trong những tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam, sở hữu nhiều bất động sản có giá trị lớn, chiếm 1/3 diện tích khu đất “vàng” đắt đỏ nhất TP.HCM. Điều này rất đáng lưu ý, bởi nếu thôi quốc tịch Việt Nam, đồng nghĩa với việc không còn là công dân Việt Nam, bà Lan sẽ như một người nước ngoài ở Việt Nam và sẽ phải tuân theo những quy định về sở hữu tài sản bất động sản Việt Nam dành cho người nước ngoài.
Trao đổi về trường hợp của bà Trương Mỹ Lan, vị chuyên gia tài chính – ngân hàng Việt kiều, hiện đang sinh sống ở Việt Nam, ông Nguyễn Trí Hiếu cho rằng đây là trường hợp khó lý giải và cũng là “xưa nay hiếm”.
Lấy ví dụ từ chính bản thân, vị chuyên gia cho biết: “Chẳng dại gì mà lại từ bỏ quốc tịch Việt Nam – nơi mình sinh ra”. Và ông cũng chưa bao giờ có ý định từ bỏ quốc tịch Việt Nam.
Lý giải về việc có trường hợp muốn từ bỏ quốc tịch Việt Nam, vị chuyên gia cho rằng có thể do quốc gia họ chuẩn bị xin nhập tích yêu cầu công dân chỉ được mang một quốc tịch duy nhất là của họ. Và ở những quốc gia này trước khi nhập tịch họ yêu cầu người nhập tịch phải tuyên thệ chỉ có một quốc tịch của quốc gia đó.
Vị chuyên gia cho rằng có thể do người xin rút “có điều gì khó nói”.
Riêng về quyền sở hữu tài sản giữa công dân Việt Nam tại Việt Nam và người không mang quốc tịch Việt Nam khác gì nhau, vị chuyên gia này cho biết có sự khác nhau khá lớn. Cụ thể, có những tài sản khi không còn là công dân Việt Nam sẽ không còn được sở hữu nữa. Bởi theo Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi, người nước ngoài có thể sở hữu nhà đất ở Việt Nam, nhưng trừ những khu vực đất được coi là thuộc an ninh quốc phòng. Vì thế, ngay cả khi đã sở hữu số bất động sản đó từ trước rồi nhưng nếu khi không còn là công dân Việt Nam thì người đó buộc phải từ bỏ số bất động đó. Cùng với đó, quy định về sở hữu và sử dụng đất của người nước ngoài tại Việt Nam cũng còn khá ngặt nghèo về các điều kiện phải đáp ứng.
Theo luật sư Trương Thanh Đức cho biết, việc thôi quốc tịch ở Việt Nam cần có sự cho phép của Chủ tịch nước và được đăng tải trên công báo. Tuy nhiên, hiện nay thường Việt Kiều sẽ sở hữu ít nhất 2 quốc tịch là Việt Nam và một nước nào đó chứ chưa thấy trường hợp nào từ bỏ quốc tịch Việt Nam để nhập quốc tịch khác.
Nếu rút quốc tịch Việt Nam, có nghĩa là người đó sẽ như một công dân nước ngoài khi ở Việt Nam, chịu những quy định về đầu tư, mua bán như người nước ngoài, như doanh nghiệp FDI vào Việt Nam và khi vào Việt Nam phải khai báo nhập cảnh.
Tuy nhiên, nếu trường hợp cụ thể là đã có sẵn nhiều tài sản bất động sản trong nước thì chưa thấy quy định về việc ứng xử thế nào với tài sản đó khi chuyển từ công dân Việt Nam sang công dân nước ngoài – ông Đức chia sẻ.
——————
Nhà Đầu tư (Xã hội) 27-10-2017:
(173/802)