1.935. [Live NDH Talk 06] ‘Bitcoin và làn sóng Blockchain’

(NĐH) – Talk-show được điều phối bởi ông Nguyễn Duy Hưng – Chủ tịch HĐQT, TGĐ CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI), với sự tham gia của các chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ, pháp luật… và được tường thuật trực tiếp tại NDH.vn.

Chương trình sẽ được tường thuật trực tiếp trên trang NDH.vn và livestream trên fanpage Facebook của tòa soạn.

Like fanpage https://www.facebook.com/baondh/để theo dõi chương trình.

Người điều phối NDH TALK số 06 là ông Nguyễn Duy Hưng – Chủ tịch HĐQT, TGĐ CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI), Chủ tịch HĐQT PAN Group. Các diễn giả tham dự gồm Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI, ông Trần Hữu Đức – Thành viên Ban quản trị CLB Fintech Vietnam, ông Dominik Weil và ông Nguyễn Việt Bách đến từ Bitcoin.vn.

NDH talk 6 diễn ra sáng ngày 20/12

Mở đầu NDH talk 6, ông Nguyễn Duy Hưng phát biểu đề tài bitcoin được nhắc đến mọi nơi mọi chỗ, không chỉ ở Việt Nam hay tại Mỹ. Theo thống kê công ty môi giới số lượng người mở tài khoản tăng nhanh, đồng thời, kèm theo đó là sự tăng giá của tiền điện tử đến 4 lần trong 3 tháng. Tốc độ kiếm tiền do tăng giá nhanh hấp dẫn những người đầu cơ.

Buổi Talkshow mong muốn mang đến góc nhìn dễ hiểu về đồng tiền kỹ thuật, cơ hội từ đồng tiền này khá rõ ràng đến từ việc tăng giá nhưng kèm theo đó còn là rủi ro rất lớn. Sau đó, các diễn giả cũng đưa ra dự báo về tương lai về đồng tiền này.

Ông Nguyễn Duy Hưng

Mời anh Đức đưa ra những diễn giải dễ hiểu nhất?

Ông Trần Hữu Đức: Bitcoin không phải là trào lưu gần đây. Năm 2014 có làn sóng tương tự tuy nhiên sóng này ngắn hơn khi chỉ diễn ra trong vài tháng lên 1000 USD rồi rớt xuống. Bản thân tôi nhìn bitcoin theo hướng công nghệ nhiều hơn. Nếu hiện nay internet phổ biến dùng để truyền tải thông tin thì câu chuyện của blockchain là câu chuyện công nghệ làm sao chuyển giá giá trị từ người nay sang người kia, và bitcoin là một trong những ứng dụng đầu tiên.

Ông Trần Hữu Đức

Ông Nguyễn Duy Hưng: Là người đang tổ chức kinh doanh bitcoin, anh Dominik có thể giải thích rõ ràng nhất với nhà đầu tư?

Ông Dominik Weil: Công ty bitcoin Việt Nam thành lập cách đây 4 năm, mua bán bitcoin ở thị trường trong nước. Đây là hệ thống giao dịch ngang hàng giữa mọi người. Bitcoin là ứng dụng đầu của công nghệ blockchain, chống việc sao chép đồng tiền đó. Dưới góc độ nhà đầu tư, bitcoin cũng như công cụ đầu tư khác – một hình thức tài sản mới, mua khi xuống bán khi lên.

Đứng dưới góc độ cung cấp sản phẩm, đa số mọi người đổ xô vào thị trường chỉ để sinh lời, nói trắng ra là đầu cơ. Họ chỉ muốn mua, để lên giá thì bán.

Ông Dominik Weil

Ông Nguyễn Duy Hưng: Luật sư Đức, giống như tôi anh là người ngoại đạo, anh có cảm giác như thế nào về những gì đang diễn ra với bitcoin. Dưới góc nhìn của luật sư anh cảm nhận như thế nào?

Ông Trương Thanh Đức: Tôi cũng có chút quan tâm và hiểu biết trong lĩnh vực “bitcoin” nhưng không sâu và thực chất vẫn rất mơ hồ nên sẽ chỉ nói bề ngoài. Bản thân tôi 3 năm qua đã phát biểu về bitcoin trên 75 bài báo nhưng một phần chưa chính xác. Nhìn lại quá khứ, tôi thấy giống như cách đây 11 năm, mọi người lao vào môi giới chứng khoán, hầu hết nhân viên của tôi đều tham gia làm môi giới chứng khóa và kiếm thu nhập từ đây. Với bitcoin, về lý thuyết có thể lên 1 triệu bitcoin và có thể vỡ tất cả sau một đêm, vì nó không có bất cứ cơ sở nào để dựa vào. Theo quy định luật pháp tài sản sở hữu có 3 loại là vật, tiền và tài sản. Tuy nhiên, bitcoin không thuộc bất cứ hình thức nào theo luật mà có thể coi là một vật phẩm ảo hay ở Việt Nam có thể gọi là tiền ảo. Vì bản chất, bitcoin không phải là tiền, khái niệm tiền ảo khá đúng với Việt Nam nhưng có thể không đúng với thế giới.

Hiện tại vẫn chưa có luật cụ thể nào quy chế về bitcoin, nó không phải phương tiện thanh toán, không phải giấy tờ, tài sản hợp pháp để thanh toán. Tôi cũng muốn nói thêm, nếu chúng ta dùng bitcoin để thanh toàn thì ta cũng không phải là tội phạm mà tổ chức tín dụng chấp nhận thanh toán bitcoin và người tạo ra bitcoin mới có tội.

Luật sư Trương Thanh Đức

Ông Nguyễn Duy Hưng: Có một điều không phủ nhận là số lượng người quan tâm, sẵn sàng đầu cơ các đồng tiền này ngày càng lớn. Những người đầu tư có thể nhìn nhận những sản phẩm blockchain là tiền, tài sản hay như một công cụ để chuyển tiền ẩn danh. Ba khía cạnh trên đều hấp dẫn.

Theo các anh mọi người đang nhìn sản phẩm của blockchain mà cụ thể là các đồng tiền trên là gì?

Ông Trần Hữu Đức: Đây là câu chuyện khá phức tạp vì có yếu tố cách mạng công nghệ. Nhìn về quá khứ năm 1969 thì đây là thời điểm sơ khai của internet. Blockchain được coi là loại internet như vậy nhưng khác ở chỗ là chuyển giá trị và phải đảm bảo không bị copy giá trị. Cần phải có các yếu tố đầu tiên là tính năng an toàn, mạng lưới mở rộng… Trong câu chuyện blockchain có vẻ là câu chuyện tiền không thể tách rời. Tất cả những blockchain ra đời đều phải có kèm tiền tệ. Đối với dân công nghệ thì đây là xu thế tất yếu và mọi người cần chấp nhận. Đối với góc độ nhà đầu tư thì họ nhìn vào coin đó để đầu tư mang đậm tính đầu cơ.

Dưới góc độ của tôi thì tôi nhìn thấy nó đang khá nguy hiểm.

Ông Nguyễn Duy Hưng: Ý anh Đức là công nghệ ứng dụng blockchain trong thực tế cuộc sống là điều không tranh cãi. Mọi người quan tâm đến công nghệ mới nên sẵn sàng đầu tư vào ứng dụng ban đầu và hi vọng ứng dụng có thể sẵn sàng mở rộng ra.

Còn anh Trương Thanh Đức?

Ông Trương Thanh Đức: Pháp luật không cấm nhưng có được phép trao đổi, thanh toán hay không lại là câu hỏi khó và ranh giới rất mong manh. Năm trước tôi có thể đổi 1 bitcoin để lấy một cốc café, đó là sự trao đổi nhưng cũng là sự thanh toán trực tiếp trong một giao dịch. Khi mua tiền ảo thì cần tiền thật và mục đích của việc chuyển tiền ảo từ người này sang người kia, từ nước này sang nước kia giao dịch mua bán cần phải được kiểm soát. Các ngân hàng sẽ phải kiểm soát khi bitcoin được quy đổi sang lượng tiền lớn, rút ra nộp vào. Về bản chất, không thể tự nhiên mà bitcoin có thể thành tiền nếu không được kiểm soát.

Các diễn giả bàn luận tại NDH talk 6

Ông Nguyễn Duy Hưng: Dưới góc nhìn dân tài chính, tôi nghĩ chưa thể coi là tiền vì tiền cần NHTW, các nước công nhận và hiện cũng chưa có tỷ giá hối đoái. Biến động đồng tiền còn phải ảnh hưởng đến cán cân thanh toán, liên quan đến các đồng tiền khác. Đồng tiền dựa trên blockchain có thể thay thế các đồng tiền hiện tại nhưng tất cả chỉ là công nghệ được ứng dụng trong thanh toán. Cho đến thời điểm này, các sản phẩm trên chưa thể gọi là đồng tiền. Phần lớn mọi người đang coi đây là sản phẩm đầu cơ. Trong khi gắn với đầu cơ là câu chuyện của đa cấp với rất nhiều các cách bán khác nhau. Có những người quảng cáo bán hàng đa cấp nêu rõ các rủi ro khi đầu tư nhưng cuối cùng khi tư vấn vẫn mời chào đầu tư chỉ 1% tài sản. Trong khi 1% tài sản của thế giới rất lớn. Nếu là sản phẩm đầu cơ, vậy ai là người cuối cùng cầm cục than nóng? Khi đầu cơ quá lớn vấn đề sẽ là hậu quả về sau. Như bong bóng hoa tuylip, chỉ một nước Hà Lan cũng dẫn đến khủng hoảng kinh tế thế giới. Cùng đó, đồng tiền dựa trên công nghệ blockchain còn tạo sức hấp dẫn đối với một số quốc gia không minh bạch với chuyển tiền ẩn danh. Như việc mua đồng tiền ở Việt Nam và rút ở Liên Xô hay Mỹ thì đó đã là hành động chuyển tiền. Những người có nhu cầu chuyển tiền ẩn danh thì Nhà nước cần đưa ra giải pháp như có thể biến ẩn danh thành có danh và quản lý việc chuyển tiền.

Tóm lại, theo tôi, có 2 lý do để đồng tiền này tăng nhanh như thời gian qua gồm nó là công cụ đầu cơ và cũng là công cụ chuyển tiền ẩn danh. Nhà nước cần đưa ra giải pháp ngăn chặn việc này để giúp phân tách người làm ăn bài bản với người lợi dụng câu chuyện biến tướng thành bán hàng đa cấp, lừa đảo hay thực hiện việc chuyển tiền ẩn danh khó kiểm soát.

Số lượng người tham gia tăng thêm hàng ngày, số lượng đào bitcoin cũng tăng lên. Anh Dominik nhìn nhận thực trạng này như thế nào?

Ông Dominik Weil: Mọi giao dịch tiền điện tử đều được lưu lại trên hệ thống. Nếu khoản tiền lớn thì có thể bị để ý nên không thể có hành vi phạm pháp. Nói về những hành vi đa cấp, trước khi Chính phủ có những luật hướng dẫn, mọi người nên biết tự bảo vệ mình. Nếu có ai đến nói rằng đầu tư có thể thu về hàng trăm triệu USD thì không nên tin vì không có khoản đầu tư nào mang lại lợi nhuận khổng lồ như vậy. Trước khi đầu tư, phải đọc nguồn tin chính thống, đừng tin vào lời hứa hẹn.

Ông Trương Thanh Đức: Nếu có nhiều tiền muốn mua bitcoin để tránh lạm phát, tôi nghĩ nếu tiền đó là tiền hợp pháp thì chỉ cần gửi vào ngân hàng trong nước, không cần chạy sang bitcoin. Tuy nhiên, việc đầu cơ vào bitcoin vào thị trường hiện nay cũng có mặt tích cực là khuyến khích phát triển công nghệ blockchain, công nghệ mới là hứa hẹn. Đối với luật pháp, không có luật quy định rõ ràng về bitcoin và hoạt động đầu tư.

Bản thân tôi cũng không ủng hộ việc áp luật hình sự cho hoạt động đầu cơ. Với bitcoin, luật bảo vệ khi nhà đầu tư nộp tiền để mua bitcoin nhưng không nhận được thứ mong muốn sau khi thanh toán. Nhưng khi 1 người đã sở hữu bitcoin mà vì một yếu tố nào đó bị mất giá, biến mất thì luật không có quy định liên quan. Do vậy, đầu tư vào bitcoin không phải là đầu cơ mảo hiểm, mà là đầu cơ vô cùng vô cùng mạo hiểm.

Với sàn Bitcoin Việt Nam, pháp luật Việt Nam chưa chính thức cho phép là sàn bitcoin, mà chỉ là đơn vị tài chính, tư vấn môi giới. Rất khó để có một pháp luật nào quy định rõ ràng về bitcoin. Vì vậy, Việt Nam vẫn hướng đến việc cho phép nhân dân làm những điều luật không cấm, tương tự trong bitcoin chỉ cấm về hoạt động thanh toán.

Ông Nguyễn Duy Hưng: Làn sóng không hoàn toàn là ảo. Họ dùng tài nguyên thật, tổ chức kinh doanh thật nhưng chưa có khung pháp lý quản lý hay thu thuế. Đây là một lỗ hổng.

Câu lạc bộ Fintech của anh Đức hiện có ai nhập máy về?

Ông Trần Hữu Đức: Cũng có một vài bạn startup đã nhập máy đào bitcoin về và lập nên “farm” đào tiền ảo ở Lào, campuchia, Lâm Đồng và nhiều nơi khác. Hiện mức giá bây giờ người đào chắc chắn có lãi. Với góc độ trục công nghệ, hoạt động đào là bắt buộc và nếu không có người đào thì blockchain vô nghĩa. Họ cũng giống như những người tham gia mạng lưới internet. Nếu không còn ai làm thì giá trị ở đâu? cái block đầu tiên của bitcoin có ghi dòng “ngày hôm nay khai sinh ra công nghệ mới có thể cho ledging ngân hàng trung ương”. Thời điểm 2009 là thời điểm các ngân hàng trung ương vẫn còn tranh cãi về đưa ra gói cứu trợ khủng hoảng tiền tệ khiến giới trẻ giữ tiền không còn tin tưởng nữa. Dưới góc độ nhà quản lý họ luôn cố gắng áp khung pháp lý có sẵn vào hoạt động có sẵn. Dưới góc độ công nghệ thì họ luôn tìm những điều mới để vượt qua khuôn khổ. Bitcoin cũng sinh ra từ đây. Nhiều người không còn tin vào hệ thống tiền tệ thì mới ra bitcoin và niềm tin vào tiền ảo hình thành.

Ông Nguyễn Việt Bách

Ông Dominik Weil: Về chuyện giấy phép kinh doanh chúng tôi đã cố hết sức nhưng lúc đó Chính phủ chưa có mô hình phù hợp. Vì vậy chúng tôi hoạt động dưới hình thức tư vấn đầu tư. Nhìn vào bong bóng dotcom năm 1999-2000, bất cứ công ty nào có chữ dotcom trong tên đều là tăng trưởng phi mã. Bất cứ công ty lớn nào như Google hay Facebook đều trưởng thành từ bong bóng đó. Nếu so sánh, tiền điện tử cũng là bong bóng nhưng công nghệ gắn với tiền điện tử là công nghệ của tương lai, mỗi nhà đầu tư cần so sánh lợi nhuận và rủi ro, còn nhìn về lâu về dài chúng tôi vẫn tin tưởng vào tiền diện tử và blockchain.

Ông Trần Hữu Đức: Trong câu chuyện của blockchain có vai trò quan trọng của Nhà nước vì có nhiều trường hợp lừa đảo. Có nhiều loại tiền dựa trên mạng lưới blockchain như bitcoin, ethereum. Loại thứ 2 là tiền ảo sinh ra thông qua ICO dựa trên nền tảng khác mà phổ biến là dựa trên ethereum. Việc đầu tư vào ICO có nhiều rủi ro giống như bạn đang đầu tư vào startup, thực chất là hình thức gọi vốn trước khi thực hiện dự án thông qua phát hành tiền ảo. Hình thức đầu tư này đòi hỏi nhà đầu tư có nhiều kinh nghiệm. Sau này ICO được thổi phồng lên một cách quá đáng nhiều trường hợp các doanh nghiệp ICO lấy tiền xong bỏ trốn. Vì vậy vai trò Nhà nước rất quan trọng trong việc quản lý các trường hợp này để đảm bảo nhà đầu tư không mất tiền. Dưới góc độ sàn cần có hạ tầng về công nghệ, bảo mật để bảo vệ nhà đầu tư.

Câu chuyện thứ 2 là cho phép tiền ảo được trading. Hiện, ngay cả Hàn Quốc cũng đang thắt chặt việc ICO không cho ra đồng tiền mới. Những nỗ lực trên giúp thị trường trở nên minh bạch hơn.

Ông Nguyễn Duy Hưng: Tôi cũng đồng ý với anh Đức phải có sự quản lý của Nhà nước. Rủi ro khi bong bóng nổ có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế. Đây cũng là ngành kinh doanh tài chính nên buộc phải là ngành kinh doanh có điều kiện, tránh việc người cung cấp dịch vụ không phải chịu trách nhiệm. Tài sản ảo quản lý, lưu ký là vấn đề rất phức tạp. Nếu những người lưu ký có ý đồ xấu có thể thế chấp tài sản này, nhất là khi nó không sờ, nắm thấy được. Khi nhìn thấy rủi ro tiềm ẩn thì cần có quản lý Nhà nước. Đúng là mọi người cần có sự hiểu biết để tự kiềm chế lòng tham nhưng việc để nó phát triển rồi đổ vỡ sẽ có thể gây mất lòng tin với công nghệ. Quan trọng nhất của công nghệ mới là con người, nhân lực trong lĩnh vực này. Nếu không có khung pháp lý thì sẽ không quản lý, bảo vệ mọi người trước sự lừa đảo nếu có của hoạt động này.

Ông Domininik có đồng tình quan điểm này không?

Ông Dominik Weil: Về vấn đề ICO (Initial Coin Offering), đến 99% là tôi không tin tưởng. Trong buổi sinh hoạt ở Sài Gòn, nhiều tổ chức đề nghị chúng tôi tổ chức ICO nhưng chúng tôi đều từ chối. Các công ty ICO đều kiểm soát hoàn toàn số lượng, một khi biến mất thì toàn bộ số tiền cũng biến mất. Luật kiểm soát hoạt động đầu tư, sàn Trung Quốc dùng tiền vốn nhà đầu tư để đầu cơ bất động sản đã bị xử lý. Vì vậy, chúng tôi hoan nghênh luật để có cơ sở hoạt động hơn là phải tự mò mẫm.

Ông Trương Thanh Đức: Trước đây đã có nhiều tổ chức đã mời ông tư vấn về các quy định luật liên quan đến bitcoin. Tuy nhiên, hiện nay, Chính phủ không cấm việc đầu tư, đầu cơ bitcoin và về bản chất Chính phủ không cấm người dân mà Quốc hội mới được phép cấm.

Tôi nghĩ không nên đi theo hướng xây dựng luật bao quanh để kiểm soát bitcoin mà trước tiên các tổ chức cần phải ngồi lại với nhau để định nghĩa rõ ràng bitcoin là gì từ đó mới có thể đưa vào một luật cụ thể để kiểm soát. Nếu bitcoin là tiền thì sẽ dựa theo quy định về tiền để soát xét, nếu là công cụ tài chính thì sẽ theo luật tài chính. Việc cần làm là quản lý theo định nghĩa mà không phải tạo ra luật mới để kiểm soát.

Ông Nguyễn Duy Hưng: Tôi đồng ý với quan điểm của anh Đức về việc cần định nghĩa nó là gì, từ việc định nghĩa sẽ quyết định cách thức quản lý.

Vấn đề tiếp theo, cốt lõi của các đồng tiền là công nghệ blockchain. Hiện chúng ta đang nhầm lẫn tương lai của blockchain và giá trị của đồng tiền đang chưa được công nhận. Phải đến khi các quốc gia sử dụng công nghệ blockchain để phát hành tiền thay vì in tiền giấy lúc đó mới là tiền.

Anh Đức có thể cho biết công nghệ blockchain còn có thể ứng dụng vào các lĩnh vực nào khác?

Ông Dominik Weil: Về việc Chính phủ các quốc gia như Singapore, Nga muốn phát hành tiền điện tử riêng, chúng tôi rất ủng hộ. Vì chúng tôi khá vất vả khi làm việc với hệ thống ngân hàng do có lúc không biết tiền ở đâu. Nếu Chính phủ phát hành tiền điện tử có thể giúp minh bạch hóa hệ thống vì blockchain có thể theo dõi dòng tiền.

Với khía cạnh khác của đời sống, chúng tôi đã gặp những doanh nghiệp khởi nghiệp sử dụng blockchain để truy tìm nguồn gốc truy xuất của thực phẩm vì thông tin không bị mất hoặc sửa chữa khi đã được lưu.

Ông Trần Hữu Đức: Mọi người nói đến blockchain là internet of value – nơi lưu trữ giá trị và khi nói đến giá trị mọi người nghĩ ngay đến tiền. Đôi khi value ở đây là giấy tờ có giá trị như hồ sơ sức khỏe, giấy quyền sử dụng đất… Diễn đàn kinh tế thế giới đã liệt kê tất cả các ứng dụng của blockchain. Nhiều nơi sử dụng blockchain xử lý bài toán voting (biểu quyết) trong hội đồng quản trị của công ty. Một số công ty ứng dụng blockchain trong kiểm toán.

Có nhiều ứng dụng nhưng có 2 hướng sử dụng blockchain. Một là xu hướng không coi đây tiền tệ nữa mà chỉ sử dụng công nghệ blockchain lưu trữ dữ liệu một cách minh bạch. Hướng thứ 2 là tiếp tục đi theo là câu chuyện tiền tệ như bitcoin, ethereum…

Ông Nguyễn Duy Hưng: Bitcoin là sản phẩm ứng dụng công nghệ blockchain đang được quan tâm nhất, qua đó có thể giúp mọi người để ý đến blockchain. Bởi nếu chỉ nói Blockchain thì không ai quan tâm hay sẽ tương đối khó để thuyết phục. Có chính sách ủng hộ cho tri thức trẻ nghiên cứu về blockchain là cần thiết, để tạo đất cho các sản phẩm được ứng dụng tạo hiệu quả.

Nếu chỉ nhìn vào sự tăng giá của bitcoin mà khiến mọi người đổ xô đầu tư thì chỉ là sản phẩm đầu cơ và nó sẽ phá uy tín của đồng tiền ban đầu. Quả bóng coin vỡ thì khủng hoảng cũng sẽ không kém khủng hoảng trong quá khứ.

Ông Trương Thanh Đức: Hiện nay, bitcoin là một sản phẩm biểu hiện của công nghệ nhưng cũng là sản phẩm cần được thận trọng khi đầu tư. Nếu sau này có vấn đề xảy ra, thì NĐT không nên trách Nhà nước, chuyên gia không cảnh báo.

Q&A:

Khán giả: Công nghệ blockchain sẽ là di sản nếu bong bóng bitcoin đổ vỡ, hiện Bitcoin là bong bóng mấy tỷ đô la thì có nghi ngại đổ vỡ giống bong bóng dot.com?

Ông Nguyễn Duy Hưng: Thực ra quả bóng đó không ai xì được, lợi nhuận quá cao trong thời gian ngắn tiềm ẩn rủi ro. Không ai biết nó sẽ vỡ ở chỗ nào nhưng chắc chắn lên nhanh sẽ vỡ, không thể nào khác được.

Khán giả: Hiện Singapore cho thu thuế bằng bitcoin thì Việt Nam có thể coi nó là công cụ tài chính tương tự hay không?

Ông Nguyễn Duy Hưng: Singapore có thể áp dụng công nghệ blockchain nhưng không phải dùng bitcoin. Nếu thu thuế cần hình thành tỷ giá hối đoái, gắn với NHTW. Hiện người ta đang coi như là một mã chứng khoán được định vị bằng tiền Singapore. Người ta đang ứng dụng công nghệ blockchain dể thu thuế còn thu thuế bằng bitcoin thì không thể được.

Khán giả tham gia đóng góp ý kiến

Khán giả: Bitcoin và đồng tiền khác là ứng dụng điện tử thanh toán, người bán hàng đa cấp phần lớn đang dần chuyển sang bitcoin ở Việt Nam. Nếu Nhà nước đang nghiên cứu và cho phép ở góc độ vai trò tài chính thì có khả năng tạo ra 1 đồng tiền tương tự không?

Ông Nguyễn Duy Hưng: Công nghệ blockchain và tiền là hai vấn đề khác nhau. Các đồng tiền phát hành giữa các cá nhân với nhau thì đó là hàng đổi hàng, thay thế giao dịch truyền thống đang có chứ không phải thay thế đồng tiền đang thanh toán. Thừa nhận sự tồn tại của hàng hóa này chứ không có nghĩa coi đây là tiền.

Khán giả: Bitcoin là tiền hay hàng hóa. Bộ công thương đang nghiên cứu và họp xem bitcoin có phải là hàng hóa phái sinh. NHNN thì chưa coi bitcoin là đồng tiền, nhưng VN sẽ sớm cần đưa vào trong luật định.

Một câu hỏi cho Bitcoin.vn là công ty đang đóng thuế cho VN như thế nào và hình thức ra sao?

Ông Dominik Weil: Về việc đánh thuế trên thu nhập dựa trên tiền điện tử, một số nước như Mỹ đã làm rồi, từng có một số sự kiện khi Chính phủ ở một số quốc gia đưa luật quá chặt chẽ thì sẽ ảnh hưởng đến lĩnh vực này. Các công ty bị đuổi ra khỏi nước này sẽ sang quốc gia khác có luật dễ hơn. Công ty chúng tôi có đóng thuế dựa trên lương trả cho nhân viên.

Dự báo bitcoin 5 năm tới:

Ông Nguyễn Duy Hưng: Ứng dụng có bán được hay không phụ thuộc vào nhận thức của mọi người. Bitcoin hấp dẫn vì số lượng có hạn và là sản phẩm đầu tiên mà người ta có mong muốn trở thành tiền.

Điều cuối cùng, mong được lắng nghe mọi người đưa ra dự đoán giá trị của đồng bitcoin trong tương lai. Xu hướng đi lên được hỗ trợ bởi số lượng người tham gia ngày càng đông. Trong khi phần đi xuống lại là sự cạnh tranh của các đồng tiền khác. Sau quá trình rung lắc, bitcoin vẫn là đồng tiền uy tín lớn nhất.

Liệu 5 năm nữa, giá trị của đồng bitcoin sẽ đạt mức nào?

Ông Nguyễn Việt Bách: Trong vòng 1-2 năm nữa bitcoin vẫn có thể tăng, đến 50.000-100.000 USD. Tuy nhiên nhiều vấn đề đang xuất hiện, nhiều đồng tiền cạnh tranh và bitcoin cũng đang phân nhánh. Tôi nghĩ 5 năm nữa không thể tiếp tục tăng.

Ông Dominik Weil: Tôi đã từng dự đoán rất chính xác năm 2013 là bitcoin trong 5 năm nữa sẽ lên tới 5 con số. Trong tương lai, tôi tin tưởng đồng tiền này sẽ lên giá. Như câu hỏi của anh Đức Hoàng là tiền ảo có để lại gì không, bitcoin có để lại một hệ thống siêu máy tính để “đào” vì giao thức của đồng tiền rất tốn kém phần cứng và các loại tiền điện tử mới không dám áp dụng nữa. Vì vậy, giá của bitcoin sẽ tăng lên và dù bong bóng có vỡ vẫn để lại một hệ thống hạ tầng cơ sở nhất định.

Ông Trương Thanh Đức: Loại trừ các cơ sở và tiền tệ khác, đồng bitcoin có thể lên tới triệu đô, nhưng cũng có thể nhanh chóng biến mất. Và sau 5 năm, tôi nghĩ bitcoin sẽ gần về với số 0.

Ông Trần Hữu Đức: Thị trường này đang bị thao túng nhiều hơn, trong vòng năm sau và năm sau rất đáng để theo dõi. Các năm trước bitcoin mới phổ biến trong những người chơi chuyên bán và bán chuyên, cuối năm nay bắt đầu có sự tham gia của các tổ chức tài chính uy tín. 2 nguồn lực chính quyết định tương lai đồng bitcoin đó là cộng đồng những người ủng hộ, sử dụng bitcoin, tiếp tục tạo sản phẩm mới và những người phản đối trong đó có Chính phủ một số nước. Câu chuyện là 2 bên chiến đấu thế nào về tương lai bitcoin. Giá có thể về 0 cũng có thể tăng mạnh phụ thuộc bên nào thắng.

Ông Nguyễn Duy Hưng: Nếu bong bóng vỡ thì có thể để lại hạ tầng tốt. Nó sẽ lên giá rất nhiều nhưng giá trị này không có ý nghĩa. Phải có 1 NHTW mua thì giá trị của nó mới tăng nhưng giá trị ở đây là của công nghệ chứ không phải qua giao dịch mua bán.

Bong bóng bitcoin vỡ vẫn có thể để lại hạ tầng công nghệ tốt. Nhưng cần nhìn nhận đây chỉ là một sản phẩm sử dụng công nghệ blockchain. Nó sẽ lên giá rất nhiều nhưng giá này không có nghĩa. Cần nhìn nhận blockchain hay tất cả hạ tầng công nghệ là một công ty. Giao dịch mua bán sẽ cần phải có 1 ngân hàng trung ương mua. Giá trị của bitcoin sẽ tăng. Đấy sẽ là giá trị dựa trên công nghệ mà không phải dựa vào giao dịch cung – cầu như hiện tại.

Một vấn đề khác là sẽ rất khó để ai đó dùng công nghệ này vì không có người để đàm phán. Ai là người quyết định chuyển toàn bộ bitcoin cho một Chính phủ để tiếp tục dùng trong tương lai? Vẫn có trường hợp các Chính phủ sử dụng đồng tiền để thanh toán nhưng khi đã coi là phương tiện thanh toán thì bitcoin không thể biến động mạnh. Ví dụ như dịch vụ trả bằng bitcoin nhưng nếu phương tiện thanh toán này tăng giá thì trả bằng đồng nội tệ chắc chắn sẽ có lợi hơn.

Cần xác định cách nhìn nhận nó là hàng hóa hay công cụ. Nếu coi là hàng hóa nó sẽ không lên mãi được. Còn nếu coi là công cụ thì cần có bên đàm phán để chuyển đổi công cụ vào những việc hữu ích.

Không đưa ra dự đoán nhưng tôi đồng quan điểm với thần tượng của mình là Warrent Buffet.

Lời nói đầu:

Là một trong những chủ đề được giới tài chính quan tâm nhất trong năm 2017, bitcoin và cuộc chơi tiền ảo, tiền kỹ thuật số đã thực sự tạo nên một cơn sốt trên toàn cầu, thu hút hàng chục nghìn người tham gia mới mỗi ngày và đưa quy mô thị trường lên hàng trăm tỷ USD.

Tại Việt Nam, nơi được đánh giá là một trong những thị trường sôi động nhất, bên cạnh những mới mẻ và cơ hội, người tham gia vào cuộc chơi này cũng chịu không ít rủi ro: từ những bất trắc vốn có của mô hình mới đến những hoạt động lừa đảo, gian lận đa cấp núp bóng tiền ảo… Những rủi ro này ngày càng lớn theo quy mô đầu tư, trong bối cảnh mà Việt Nam, cũng như nhiều nước, chưa có một khuôn khổ pháp lý đầy đủ và cập nhật để điều chỉnh với các sản phẩm mới.

Một trong những mấu chốt của việc quản lý tiền ảo, tiền kỹ thuật số là việc xác định bản chất của nó là tiền tệ, hàng hóa hay một công cụ tài chính. Đây là câu hỏi lớn đặt ra với nhà chức trách, đòi hỏi một cách tiếp cận mang tính nền tảng, sáng suốt và dài hạn.

Ở góc độ bao trùm hơn, có thể thấy tiền ảo được xây dựng trên nền tảng blockchain (chuỗi khối) – công nghệ cho phép sao lưu dữ liệu dưới dạng sổ cái phân tán, được đánh giá là có thể tạo nên những thay đổi lớn, tích cực trong hoạt động tài chính những thập kỷ tới đây và là xu hướng không thể đảo ngược.

Nhằm đưa ra cái nhìn toàn diện, công bằng và thực tiễn nhất đối với “hiện tượng tiền ảo” cũng như nền tảng công nghệ blockchain; các rủi ro cũng như cơ hội mà tiền ảo và blockchain mang lại cho thị trường tài chính và nền kinh tế; qua đó gợi mở hướng tiếp cận phù hợp đối với thị trường và nhà quản lý,Tòa soạn báo NDH tổ chức buổi tọa đàm NDH TALK số 06 với chủ đề “Bitcoin và làn sóng Blockchain” vào lúc 9h hôm nay (Thứ tư, 20/12/2017).

NDH Talk là buổi talkshow được tổ chức định kỳ hàng quý với nội dung xoay quanh những vấn đề thời sự được giới kinh doanh quan tâm, ảnh hưởng lớn đến thị trường tài chính – chứng khoán.

Chương trình được điều phối bởi ông Nguyễn Duy Hưng – Chủ tịch HĐQT, TGĐ CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI), Chủ tịch HĐQT PAN Group. Khách mời tham gia là nhà quản lý, doanh nhân, chuyên gia… hàng đầu, có ảnh hưởng lớn trong lĩnh vực liên quan.

NDH Talk được truyền thông rộng rãi trên báo chí, các diễn đàn và mạng xã hội Facebook. Livestreaming các chương trình thu hút hàng chục nghìn lượt xem và hàng trăm comment tương tác.

Người đồng hành (Tiền tệ) 20-12-2017:

http://ndh.vn/live-ndh-talk-06-bitcoin-va-lan-song-blockchain–20171219060536668p149c166.news

(916/5.428)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

439. Bình luận về việc Đổi mới tư duy xây dựng pháp...

Bình luận về việc Đổi mới tư duy xây dựng pháp luật để thúc đẩy...

Phỏng vấn 

4.443. Hình thành các trung tâm tài chính quốc tế...

Hình thành các trung tâm tài chính quốc tế - tạo nguồn lực tăng tốc...

Trích dẫn 

4.000. Kỳ vọng Luật Các tổ chức tín dụng ngăn...

Kỳ vọng Luật Các tổ chức tín dụng ngăn sở hữu chéo: Có muốn làm...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 240,341