1.988. Luật sư kể chuyện lên sóng!

(TCT) – Với hơn 30 năm tận tụy với nghề, trải qua biết bao cương vị, góp ý và phản biện biết bao chính sách và bào chữa, bảo vệ thành công hàng trăm vụ án kinh tế lớn, đồng thời là tác giả của nhiều cuốn sách, bút ký, bài báo lắng đọng… Song, Luật sư Trương Thanh Đức luôn tâm niệm: đã là luật sư thì phải luôn hòa nhập cùng DN, người đân, đi sâu học hỏi, tìm hiểu chính sách và phải biết lắng nghe họ, để từ đó tìm ra những góc nhìn mới, góp phần bảo vệ công lý, các quyền tự do dân chủ của công dân. Cũng bởi lẽ đó, ông đã được Bộ Tư pháp trao tặng cho danh hiệu: “Luật sư vì cộng đồng” – một danh cao quý vốn chỉ được trao cho các hãng luật và luật sư tiêu biểu nhất cả nước. Dưới đây là phút trải lòng của Luật sư Đức với Tạp chí Thuế xoay quanh những câu chuyện vui buồn của nghề luật sư sau một năm vất vả cống hiến cho xã hội và cồng đồng DN.

Nhà báo: Chào Luật sư! Năm 2017 vừa trôi qua cũng là năm Luật sư Trương Thanh Đức để lại nhiều dấu ấn trong lòng bạn đọc, khi với tư cách là một nhà phản biện chính sách, có tần suất xuất hiện trên truyền hình và các trang báo một cách khá dày đặc. Luật sư nghĩ sao về điều này?

Luật sự: Tôi không nghĩ mình nổi tiếng theo nghĩa thông thường, mà chỉ là nổi tiếng vì tiếng nói bình luận, phản biện, chỗ nào cũng sẵn sàng lên tiếng!. Và cũng chỉ gói gọn trong lĩnh vực chính sách, pháp luật kinh doanh, thì cũng được nhiều người biết đến!.

Nhà báo: Từng được trao danh hiệu “Luật sư vì cộng đồng”, vậy luật sư có nhớ trong năm qua mình đã tham gia bao nhiều chương trình, cuộc phóng vấn không, kể cả trên báo chí và truyền hình?

Luật sư: Quả thực, đếm lại, tôi cũng giật mình vì một năm qua, lên báo hơi nhiều. Có tới 529 lượt bài trích dẫn ý kiến và 473 lượt bài phỏng vấn (ít thì 1 câu, nhiều thì cả bài)[1]. Tôi đã trả lời phỏng vấn từ các đài truyền hình VTV, VOV TV, TV Nhân Dân, TV Quốc hội, Truyền hình Thông tấn, VTC, HTV,… cho đến các báo chí các loại như Nhân Dân, Chính phủ, Vietnamnet, Diễn đàn DN,…. đều có cả, trong đó riêng VTV1 đã xuất hiện tới 34 lượt. Có vài ấn tượng trong năm qua, như 7 bài báo có phần phóng vấn tôi trong một ngày, hay có 3 kênh truyền hình hẹn phỏng vấn vào 1 giờ, trong đó có 2 chương trình phát trực tiếp, tất nhiên chỉ tham gia được 1.

Nhà báo: Sau mỗi lần tham gia trả lời như vậy, cảm giác của ông thế nào?

Luật sư: Cũng mất khá nhiều thời gian, cũng khó chịu khi bị quấy rầy nhiều, bất kể ngày đêm, trong giờ, ngoài giờ và địa điểm. Căng nhất là vẫn phải trả lời vì không được các bạn phóng viên tha miễn dù không nắm vững vấn đề, chưa kịp tìm hiểu kỹ nội dung cũng như quy định của pháp luật liên quan. Đôi khi cũng thấy phiền hà, mệt mỏi. Thú thật, đôi lúc cũng không dám nhấc máy trả lời. Tuy nhiên, cũng cảm thấy vui vì đã giúp đỡ được phóng viên và các cơ quan báo chí, vì đã nêu được ý kiến, quan điểm, khi với tư cách người dân, khi là luật sư, khi là chuyên gia (được báo chí tự phong).
Được cái mọi thứ đều rất linh hoạt và đa dạng. Chỉ một số ít phải đến trường quay, còn đa số là ở văn phòng công ty, ở các cuộc họp, ở quán cà phê, ở nhà riêng và nói chung là bất cứ nơi nào. Phương tiện thì cũng đủ thể loại từ gặp gỡ trực tiếp cho đến điện thoại, email.

Nhưng có lẽ thích nhất là tham gia các chương trình trực tiếp, vì tuy rất áp lực tâm lý, đề tài thì thường là vấn đề thời sự, nội dung thường quan trọng, nhưng vẫn nói được đúng ý mình, không bị cắt bớt, dù bị khống chế rất chặt chẽ về thời gian và nhất là nói xong là thôi, không mất thời gian quay dài, phát rất ít hoặc là phải quay đi quay lại, hỏi đi nói lại. Đã có lần chúng tôi đang được ghi hình, thì phải dừng lại để nhà đài làm một chương trình trực tiếp khác.

Tuy nhiên, truyền hình trực tiếp thì nhà đài lại phải chuẩn bị kỹ lưỡng hơn rất nhiều. Và tôi rất chia sẻ với áp lực của các bạn phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên trước các chương trình trực tiếp. Mà hiện nay có khi khán giả không biết, chứ mỗi ngày VTV1 phát nhiều giờ chương trình truyền hình trực tiếp, từ thời sự, chuyển động 24h, tài chính kinh doanh, bình luận và sự kiện, kinh tế cuối tuần,…

Nhà báo: Trong số những lần mà ông tham gia, trong năm qua chương trình nào được coi là quan trọng và ấn tượng với ông?

Luật sư: Nhìn chung các chương trình trực tiếp của VTV1 luôn để lại ấn tượng, nhưng năm qua ấn tượng tốt nhất của tôi là tham gia với Biên tập viên Quang Minh, trong chương trình nói về dừng quảng cáo trên YouTube, vì là chương trình truyền hình chính luận “Vấn đề hôm nay” và phát trực tiếp trước hàng triệu khán giả VTV1.

Nhà báo: Lên sóng truyền hình và các trang báo nhiều như vậy và toàn là những vấn đề nhạy cảm, có khi nào Luật sự bị “ném đá” không?

Luật sư: Ném đá vì “chém gió” trên báo chí thì nhìn chung là chưa bị gì. Nhưng ý kiến xây dựng pháp luật trong hội thảo được đưa lên báo chí thì năm qua đã “được ném đá” dữ dội. Đó là các tin bài và bình luận về ý kiến của tôi phát biểu tại Hội thảo sửa đổi các Luật thuế tại VCCI. Dư luận và nhiều người phản đối vì không hiểu rõ ý kiến để xuất đánh thuế thu nhập 5% đối với số tiền lãi vài trăm triệu trở lên gửi ngân hàng. Nhiều người tranh luận, bình luận, thậm chí nhắn tin chửi bới một cách vô văn hoá, vô căn cứ.

Tuy nhiên, tôi không ngại đối mặt và sẽ tiếp tục kiến nghị áp dụng chính sách thuế này. Cũng cần nói thêm rằng, trong khi tôi luôn lên tiếng ủng hộ việc giảm thuế và thuế suất, trong đó có thuế thu nhập cá nhân, đồng thời giảm phí và đơn giản hoá thủ tục hành chính, để tạo điều kiện thuận lợi cho DN và người dân, nhưng lại đề xuất đánh thêm khoản thuế trên. Giảm thuế để tăng thu, chứ không nên tăng thuế để tăng thu. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn cần mạnh dạn thực hiện việc điều chỉnh sự tăng giảm để thuế hợp lý hơn.

Nhà báo: Là luật sự có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn pháp lý kinh tế – tài chính – ngân hàng, và là nhà nghiên cứu, phản biện thực tế, có bao giờ ông nghĩ mình lại được giới báo chí “săn” nhiều đến vậy?

Luật sư: Tôi nghĩ đơn giản đó là duyên nợ, mình không cố tạo ra và cũng khó mà thoái thác. Nghề luật sư cũng như nghề báo, ngoài việc tích cóp kiến thức kỹ năng nghề nghiệp thì còn cần phải chia sẻ với mọi người và đóng góp cho cộng đồng. Mình chia sẻ thì sẽ nhận được sự sẻ chia, mình cởi mở thì sẽ nhận được sự mở lòng, mình nhiệt tình thì sẽ nhận được sự tận tình, mình vô tư thì sẽ nhận được sự tôn trọng. Mình giúp đỡ báo chí thì cũng nhận được sự trợ giúp tốt đẹp. Bởi lẽ đó, hầu như tôi không từ chối đề nghị của báo chí.

Nhà báo: Theo đuổi nghề luật đã hơn 30 năm, chắc hẳn ông có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ?

Luật sư: Kỷ niệm đáng nhớ trong quá trình hành nghề rất nhiều, niềm vui cũng lắm, mà nỗi buồn thì cũng nhiều vô kể. Nghề nghiệp cho tôi được dịp tiếp xúc với nhiều số phận, nhiều người trong số họ vướng vào lòng lao lý, oan ức, thua thiệt đau lòng lắm. Là luật sư của DN, của ngân hàng, chuyên tư vấn pháp luật kinh doanh, thương mại, nhưng tôi cũng đã từng tham gia đủ loại vụ án hình sự giết người, cướp của, hiếp dâm, tham ô, lừa đảo,…

Việc được tham gia cùng các luật sư đồng nghiệp nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bị cáo và đương sự trong các vụ đại án như Nguyễn Đức Kiên (Bầu Kiên – ACB), Huỳnh Thị Huỳnh Như (Vietinbank),… là kỷ niệm đáng nhớ, để lại nhiều dấu ấn đối với tôi. Bởi, qua đó chúng tôi cảm nhận sâu sắc được rất nhiều vấn đề từ nghề nghiệp, khách hàng, ngân hàng, pháp luật và câu chuyện nhân tình thế thái.

Nhà báo: Đọc những bài viết của ông được đăng tải trên báo, tôi nhận thấy ông luôn đau đáu với những chính sách bất cập hiện vẫn chưa được“cởi” cho DN, nhất là trong lĩnh vực tài chính ngân hàng. Ông có thể chia sẻ phần nào cảm xúc đó? làm thế nào để giải “bài toán” giữa một bên là yêu cầu của khách hàng và một bên là sự tuân thủ của pháp luật?

Luật sư: Chúng tôi tư vấn cho khách hàng làm sao để thực hiện đúng luật và các DN cũng không muốn vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, cái khó là rất nhiều trường hợp khiến tôi phải băn khoăn, không biết làm sao cho đúng, thậm chí không thể làm đúng luật.

Chẳng hạn: với DN khởi nghiệp, rất khó có thể đi vay vốn tại ngân hàng vì chưa có thương hiệu và sản phẩm, dịch vụ uy tín, đồng thời cũng thường không có tài sản bảo đảm. Khi đó, rất khó có thể vay vốn ngân hàng hoặc có vay thì cũng phải chấp nhận mức lãi suất cao. Họ buộc phải đi vay bên ngoài với lãi suất cao hơn vay ngân hàng. Nhưng họ lại gặp luật pháp tréo ngoe. Vay ngân hàng, lãi suất cao bao nhiêu vẫn hợp pháp, nhưng vay bên ngoài, lãi suất tối đa chỉ là 13,5%/năm (từ năm 2017 được tăng lên 20%/năm). Nếu vay với lãi suất cao hơn sẽ không được phép hạch toán vào chi phí.

Nhà báo: Vậy ông có lời khuyên nào cho giới trẻ, cụ thể thì để thành công trong nghề luật sư, điều gì là quan trọng?

Luật sư: Mỗi người có một sự lựa chọn khác nhau. Rất khó để nói rằng các bạn sinh viên mới ra trường phải làm thế này, thế kia thì sẽ thành công. Nhưng dù làm gì thì cũng cần học hỏi, tích luỹ kiến thức qua trường lớp, sách vở, báo chí và đặc biệt là từ thực tế cuộc sống. Có “vốn liếng” kiến thức, kinh nghiệm rồi, thì vấn đề còn lại là xử lý, sử dụng nó như thế nào, đó là kỹ năng. Tốt nhất là bằng công việc, trải nghiệm thực tế.

Nếu làm luật sư, thì cần phải biết khá nhiều về pháp luật và nhiều thứ khác nữa, dù chỉ làm một việc, dù chỉ chuyên sâu một thứ, dù không trực tiếp dùng đến. Khi đã nạp vào người đến một ngưỡng nào đó thì lúc cần, tức khắc sẽ bật ra, dù không thể nắm hết, nhớ hết được cụ thể, nhưng có thể định hình được về nguyên tắc nó là cái gì, ở đâu, cần xử lý thế nào. Tuy nhiên, cuối cùng thì vẫn phải áp vào từng điều khoản, quy định cụ thể và giấy trằng mực đen thế nào.

Xin cảm ơn Luật sư!

Bài, ảnh: Nguyễn Kiên

————-

Tạp chí Thuế số Tết 02-2018:

[1] Chưa kể 17 bài báo, 17 bài tham luận & 280 lượt phỏng vấn khác nhưng không theo dõi được lên bài khi nào.

Bài viết 

314. Bài 3: Khát vọng hùng cường - Thể chế tốt phải...

Bài 3: Khát vọng hùng cường - Thể chế tốt phải tạo ra sự đột phá. Luật sư Trương...

Bình luận 

443. Bình luận về việc sửa đổi Luật Các tổ...

Bình luận về việc sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng 2024. (tham...

Phỏng vấn 

4.466. Quyết liệt ngăn chặn quảng cáo lố.

Quyết liệt ngăn chặn quảng cáo lố. (TN) - Trong lúc cơ quan chức năng vẫn...

Trích dẫn 

4.040. Đề nghị bổ sung quy định về "chủ sở...

Đề nghị bổ sung quy định về "chủ sở hữu hưởng lợi" trong Dự thảo...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 245,263