100. Cùng luật sư gỡ khó mốc 65%

(ĐTCK) – Mùa ĐHCĐ 2010, SACOM là DN niêm yết đầu tiên đại hội bất thành vì không đủ tỷ lệ 65% cổ phiếu có quyền biểu quyết dự họp. Không riêng SACOM, nhiều DN niêm yết khác, nhất là những DN quy mô lớn, cũng đang phải đối mặt với nguy cơ này. Một trong những giải pháp được nêu ra là ủy quyền hoặc ủy quyền đương nhiên việc dự họp và/hoặc biểu quyết cho HĐQT, cho Trung tâm Lưu ký chứng khoán (TTLK) hoặc cho một tổ chức độc lập. Tính khả thi của giải pháp này đến đâu? ĐTCK xin đăng tải ý kiến của một số luật sư xung quanh vấn đề này.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI

Nếu có chuyện uỷ quyền đương nhiên, thì cũng chỉ nên dừng lại ở mức uỷ quyền dự họp (cần có văn bản uỷ quyền, thể hiện ý chí của cổ đông), chứ không thể để uỷ quyền đương nhiên cả việc biểu quyết. Phá cái “còng” 65%, nhưng không thể phá sạch mọi cái “còng” khác.

Nếu mặc nhiên ủy quyền biểu quyết cho HĐQT thì sẽ vô tình vô hiệu hoá vai trò của ĐHCĐ. Vì thông thường, HĐQT quyết như thế nào thì ĐHCĐ gần như sẽ theo như thế, từ đó gây thiệt hại đến quyền lợi của cổ đông nhỏ. Bởi lẽ, cá nhân thành viên HĐQT được uỷ quyền sẽ biểu quyết có lợi cho chính họ, mà đó thường đồng thời là cổ đông lớn. Do vậy, trong trường hợp cổ đông nhỏ cần uỷ quyền biểu quyết, thì tốt nhất là uỷ quyền cho các thành viên HĐQT độc lập (nếu có).

Tất nhiên, cổ đông có thể uỷ quyền cho bất cứ ai dự họp và biểu quyết. Tuy nhiên, phải uỷ quyền cho một cá nhân cụ thể, chứ không phải uỷ quyền cho TTLK hay uỷ quyền cho HĐQT một cách chung chung. So sánh một cách tổng thể, lựa chọn ủy quyền cho HĐQT, TTLK hay các tổ chức độc lập (CTCK, quỹ đầu tư…), thì uỷ quyền cho tổ chức độc lập sẽ đảm bảo quyền lợi tối ưu cho cổ đông.

 

Luật sư Tống Minh Tuấn, Văn phòng luật sư Hoàng Minh

Khi thực hiện ủy quyền cho pháp nhân như TTLK, CTCK hay công ty quản lý quỹ, cần xem xét xem pháp luật có cho phép điều này hay không. Luật DN quy định, có thể ủy quyền cho người khác. Nhưng khái niệm “người” ở đây nên được hiểu là cá nhân hay tổ chức hay cả hai thì hiện nay vẫn chưa được rõ. Theo tôi, để đảm bảo tỷ lệ thành công cao hơn cho kỳ họp ĐHCĐ, nên cho phép ủy quyền lần 3, đề phòng trường hợp ủy quyền lần 2 bất thành.

Thực tế, có DN trong thông báo mời họp ĐHCĐ nêu rõ: “Nếu cổ đông không đăng ký dự họp (theo mẫu giấy đăng ký dự họp gửi kèm thư mời) và cũng không có ủy quyền khác thì HĐQT công ty coi như cổ đông ủy quyền biểu quyết tại ĐHCĐ”. Mặc dù vậy, đây chỉ là biện pháp để hỗ trợ DN thông qua các vấn đề cần biểu quyết. Tuy nhiên, nguy cơ bị cổ đông kiện (trong thời hạn 90 ngày kể từ khi khai mạc) sẽ cao hơn trường hợp DN tổ chức theo đúng trình tự mà luật cho phép. Còn ủy quyền cho TTLK, về thực chất, cơ quan này chỉ đóng vai trò quản lý sổ đăng ký cổ đông, không gắn bó với DN về mặt hoạt động và lợi ích. Đứng về mặt kinh tế, việc ủy quyền dự họp và biểu quyết cho một đơn vị không biết gì về hoạt động của DN sẽ đem lại phiền toái hơn là thuận tiện. Đứng về mặt luật pháp, điều lệ hoạt động của TTLK có cho phép họ nhận ủy quyền về việc này hay không, dù rằng việc ủy quyền này không có thù lao.

Một giải pháp khác để “thoát hiểm 65%” là DN nên chốt danh sách cổ đông dự họp muộn hơn (cận kề ngày tổ chức). Đồng thời, pháp luật nên có hướng dẫn về việc tổ chức ĐHCĐ trực tuyến hay đưa ra quy định hướng tới sự thành công lần đầu của đại hội.

 

Luật sư Trần Phương Bắc, Công ty hợp danh Luật Việt

Sẽ là vô nghĩa hoặc rất tốn kém cho DN nếu chỉ ủy quyền dự họp, mà không ủy quyền biểu quyết. Về mặt nguyên tắc, thành viên HĐQT là người do ĐHCĐ bầu, là người đại diện cho các cổ đông và chịu trách nhiệm trước cổ đông. Do vậy, một khi cổ đông đã tin tưởng để bầu làm người đại diện của mình, thì cũng có thể tin tưởng để ủy thác lòng tin bằng việc ủy quyền cho thành viên ĐHQT họp và biểu quyết tại ĐHCĐ. Tuy nhiên, thực tế tại Việt Nam cho thấy, đa số thành viên HĐQT đều là cổ đông lớn hoặc đại diện của cổ đông lớn. Do vậy, khi thực hiện vai trò của mình là thành viên HĐQT kiêm “cổ đông lớn”, thành viên HĐQT đó dễ bị mâu thuẫn quyền lợi với các cổ đông thiểu số.

Việc ủy quyền cho thành viên HĐQT độc lập có thể là một giải pháp tốt. Nhưng tính “độc lập” của họ cũng dễ bị “lung lay” khi nhiều DN có những chương trình khích lệ cho thành viên HĐQT, chẳng hạn như thưởng hoặc quyền mua cổ phần và việc minh bạch trong hoạt động kinh doanh của nhiều DN chưa được đề cao. Như vậy, tính độc lập của thành viên HĐQT độc lập cũng dễ phát sinh mâu thuẫn quyền lợi với cổ đông thiểu số.

Ở một số nước, thực tiễn đã hình thành mô hình quản trị DN với đa số là thành viên HĐQT độc lập hoặc các thành viên điều hành không phải là những cổ đông lớn, do vậy đã phần nào hài hòa quyền lợi giữa cổ đông lớn và cổ đông thiểu số. Các cổ đông có thể tin tưởng và ủy quyền dự họp, quyền biểu quyết cho các thành viên HĐQT.

 

Ông Nguyễn Hưng Quang, Giám đốc điều hành Văn phòng luật sư NHQUANG & ASSOCIATES

Chế định ủy quyền được quy định rất rõ ở Bộ luật Dân sự. Việc ủy quyền cho tổ chức là một đề tài khá thú vị của giới luật học hơn 10 năm nay. Nếu TTLK đảm nhận vai trò “được ủy quyền” thì phải xem lại một số vấn đề về mặt lý thuyết như: bên nhận ủy quyền là pháp nhân? trách nhiệm của pháp nhân khi nhận ủy quyền, trách nhiệm của cá nhân trong pháp nhân khi thực hiện hành vi được ủy quyền của pháp nhân? tính độc lập của TTLK, liệu Trung tâm có “lợi dụng” để can thiệp trực tiếp vào hoạt động kinh doanh của DN?…

Nếu tôi nhớ không nhầm thì tỷ lệ 65% đã bị bãi bỏ bởi Nghị quyết 71/2006/NQ-QH11 kể từ năm 2006. Không hiểu sao nhiều cơ quan vẫn nhầm là tỷ lệ 65% vẫn còn áp dụng. Tôi lưu ý là Nghị quyết 71 áp dụng quy tắc “áp dụng trực tiếp”, có nghĩa là không phải sửa lại luật, mà áp dụng ngay.

 

Diệu Trang thực hiện.

————————————-

Đầu tư Chứng khoán 18-3-2010:

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

436. Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài...

Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài sản công. Cố vấn: Luật...

Phỏng vấn 

4.416. Nhân viên ngân hàng lại dụ khách góp vốn...

Nhân viên ngân hàng lại dụ khách góp vốn vào công ty con, "núp bóng" gửi tiết kiệm. (TBTC)...

Trích dẫn 

3.969. Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ...

Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ xấu gia tăng nhưng tốt...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 236,142