100a. 10 sự kiện pháp lý về ngân hàng thương mai năm 2008.

10 sự kiện pháp lý về ngân hàng thương mai năm 2008.

(TCTT) – Năm 2008 đã diễn ra nhiều sự biến động lớn trong hoạt động ngân hàng. Dưới đây xin đề cập đến 10 sự kiện pháp lý về ngân hàng thương mại xảy ra trong năm.
  1. Tái quản trần lãi suất cho vay:

Sau 6 năm bãi bỏ việc khống chế giới hạn lãi suất cho vay, từ ngày 19-5-2008, NHNN đã thiết lập lại trần lãi suất cho vay không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản, để đối phó với tình trạng lạm phát gia tăng mạnh và việc các ngân hàng thương mại đua nhau tăng lãi suất, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường tín dụng.

Thực ra cơ chế trần lãi suất đã được quy định trở lại từ ngày 01-01-2006 trong Bộ luật Dân sự năm 2005, nhưng các ngân hàng đều bỏ qua và vô tư vi phạm.[1] Đến khi bất ngờ phải thực hiện theo đúng luật, thì lại bị xử lý quá nghiêm khắc và cứng nhắc, gây bức xúc cho dư luận. Nhưng điều quan trọng là thiếu cơ sở pháp lý để xử phạt đối với vi phạm vượt trần lãi suất cho vay, vì đã không được đề cập đến trong các quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng.

Như vậy, trần lãi suất cho vay trong hạn thì đã được thực hiện theo đúng quy định hiện hành, tuy nhiên trần lãi suất cho vay quá hạn thì lại chưa được áp dụng theo đúng quy định của Bộ luật Dân sự. Nếu như trước năm 2006, quy định lãi suất quá hạn không được vượt quá 150% lãi suất trong hạn, thì khoản 5, Điều 474, Bộ luật Dân sự năm 2005 đã quy định khác hẳn, đó là lãi suất quá hạn được tính “theo lãi suất cơ bản”.[2]

Vì quy định về trần lãi suất cho vay nói trên quá bất hợp lý, nên đã được đưa ra Quốc hội bàn thảo lần thứ hai để xem xét. Tuy nhiên do chưa được chấp nhận thay đổi, nên hiện nay vẫn buộc phải tuân thủ giới hạn tối đa bằng 150% lãi suất cơ bản.

Trong năm 2008, lãi suất cơ bản đã được thay đổi kỷ lục tới 8 lần, với mức lãi suất biến động lớn từ 8,5% lên đến 14%, rồi lại quay về 8,5% năm. Cùng với việc đó, lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc và lãi suất tái chiết khấu cũng được thay đổi nhiều lần.

  1. Giới hạn trần lãi suất huy động:

Mức lãi suất huy động nói chung, trần lãi suất huy động nói riêng đã được bãi bỏ 12 năm (theo Quyết định số 38/QĐ-NHNN ngày 28-12-1995) cũng lại được tái lập cùng với việc tái quản trần lãi suất cho vay trong năm 2008.

Về mặt pháp lý, trần lãi suất huy động cũng chỉ được quy định tại Bộ luật Dân sự. Theo đó, thì việc đi vay của ngân hàng cũng chính là việc cho vay của người gửi tiền, do vậy trần lãi suất huy động trong trường hợp này cũng chính là trần lãi suất cho vay. Tuy nhiên, NHNN đã đặt ra trần lãi suất huy động thấp hơn trần lãi suất cho vay để bảo đảm tính hợp lý trong hoạt động ngân hàng.

Trần lãi suất huy động cũng chưa được ban hành dưới hình thức văn bản quy phạm pháp luật, mà chỉ dưới hình thức các Công văn của NHNN. Tuy nhiên, nó vẫn được các ngân hàng chấp hành một cách nghiêm túc để bảo đảm thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ và sự an toàn của cả Hệ thống.

  1. Khống chế phí cho vay:

Trong năm 2008, cùng với việc quản trần lãi suất cho vay và trần lãi suất huy động, các ngân hàng thương mại cũng phải thực hiện yêu cầu không được cộng thêm các khoản phí vào lãi suất cho vay.

Việc gộp cả phí cho vay vào lãi suất để khống chế trần lãi suất cho vay không vượt quá 150% lãi suất cơ bản là không hợp lý, nhất là các loại phí không tính theo dư nợ mà chỉ áp dụng đối với một số trường hợp như phí thẩm định tài sản bảo đảm tiền vay, phí gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ,… Việc thu phí có tác dụng bảo đảm cho sự công bằng hơn đối với từng khoản vay cụ thể đòi hỏi chi phí thực tế khác nhau. Luật các Tổ chức tín dụng cũng như Quy chế cho vay do NHNN ban hành đã có quy định cho phép thu hoặc ít nhất cũng không cấm việc thu phí liên quan đến hoạt động cho vay. Và việc cấm thu phí cũng mới chỉ được thể hiện bằng các công văn, chứ không phải là văn bản quy phạm pháp luật.

Đặc biệt, Nghị định số 202/2004/NĐ-CP ngày 10-12-2004 của Chính phủ về Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng cũng như Thông tư số 01/2005/TT-NHNN ngày 10-3-2005 của Thống đốc NHNN Hướng dẫn thi hành Nghị định này đều không có chế tài xử phạt việc cho vay, huy động và thu phí tín dụng vượt giới hạn tối đa. Do vậy, chưa có cơ sở pháp lý để xử phạt các ngân hàng vi phạm những giới hạn này. Sau khi, thị trường tín dụng đã đi vào ổn định, thì cần dỡ bỏ những ràng buộc pháp lý tạm thời nói trên.

  1. Chưa thu phí rút tiền từ ATM:

Việc thu phí 1.000 đồng trên mỗi giao dịch rút tiền từ ATM đã được đặt ra mấy lần trong năm, nhưng do bị dư luận phản đối dữ dội, nên NHNN đã đề nghị tạm thời dừng lại. Mặc dù khoản phí này và việc thu phí dịch vụ là hoàn toàn cần thiết, hợp lý và không thuộc diện quản lý của Nhà nước. Đây là một quan hệ cung cấp và sử dụng dịch vụ tự nguyện, sòng phẳng. Khách hàng có toàn quyền lựa chọn đến quẩy giao dịch rút tiền miễn phí hoặc trả phí để hưởng thêm dịch vụ giá trị gia tăng rút tiền mặt từ ATM.

Khoản lợi từ việc sử dụng tiền gửi của khách hàng chỉ bù đắp được một phần trong số hàng mấy nghìn tỷ đồng chi phí đầu tư và duy trì hoạt động của ATM. Tuy nhiên thật khó khăn trước việc thay đổi thói quen của hàng triệu khách hàng từ chỗ miễn phí toàn bộ sang việc phải trả tiền cho mọi trường hợp. Nếu như đặt ra lộ trình phù hợp, thì việc thu phí là hoàn toàn khả thi và sẽ nhận được sự đồng thuận cao. Ví dụ, giai đoạn đầu, có thể chỉ thu phí đối với những giao dịch đạt một mức tiền nào đó. Nếu một số người không muốn trả số phí này, có nghĩa là người ta rất khó khăn hoặc chưa đồng tình, thì cũng nên tạm thời chấp nhận.

  1. Nới rộng biên độ và quản chặt tỷ giá:

Do thị trường biến động lớn và liên tục, nên trong năm NHNN đã nới rộng biên độ tỷ giá mua bán giao ngay giữa VND và USD 4 lần, từ ± 0,5% lên ±3% so với tỷ giá bình quân liên ngân hàng. Đây cũng là mật độ điều chỉnh dày chưa từng có trong lịch sử ngành Ngân hàng.

Trong những thời điểm khan hiếm ngoại tệ, giá thị trường tăng cao, các ngân hàng thương mại sẽ lỗ lớn nếu bán theo đúng tỷ giá quy định, vì giá mua vào có khi đã cao hơn giá bán ra, nếu theo tỷ giá chính thức. Do vậy, một số ngân hàng đã lách vi phạm giới hạn tỷ giá với đồng USD, bằng cách giao dịch qua ngoại tệ thứ ba. Việc này không vi phạm trực tiếp quy định về tỷ giá mua bán USD, tuy nhiên vẫn bị NHNN “tuýt còi”, cấm bán USD qua ngoại tệ thứ ba. Và cũng tương tự như việc thu phí tín dụng, các ngân hàng thương mại cũng không được phép thu phí tư vấn, môi giới, cung cấp thông tin cho khách hàng như vẫn làm nhiều năm trước đây. Đối với phần ngoại tệ mua của NHNN thì phải bán đúng tỷ giá là “phải đạo”, nhưng đối với số ngoại tệ mua trên thị trường tự do với giá cao, thì việc khống chế đồng loạt như nhau là chưa hợp lý và trên thực tế đã gây ra những khoản lỗ lớn cho một số ngân hàng.

Về mặt pháp lý, những hạn chế bổ sung nói trên cũng mới chỉ được thể hiện bằng các công văn, chứ chưa được ghi nhận dưới hình thức văn bản quy phạm pháp luật.  Điều này cũng cho thấy, một loạt vấn đề về điều hành thị trường tiền tệ còn bị động, chạy theo sự vụ.

  1. Hoãn việc thông qua Luật các Tổ chức tín dụng:

Luật các Tổ chức tín dụng và Luật NHNN Việt Nam sau 10 năm thực hiện, mặc dù đã được sửa đổi, bổ sung năm 2004 nhưng vẫn còn bộc lộ nhiều khiếm khuyết cần thiết phải thay đổi sớm để đáp ứng được yêu cầu quản lý và kinh doanh của ngành Ngân hàng.

Việc ban hành các đạo luật mới thay thế hai đạo luật này đã được Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng luật năm 2008. Tuy nhiên, trong quá trình soạn thảo, do còn nhiều nội dung chưa thống nhất, cộng với tình hình kinh tế xã hội có nhiều biến động phức tạp, nên NHNN đã xin hoãn lại đến năm 2010.

Như vậy, phần về tổ chức và quản trị của các ngân hàng thương mại cổ phần vẫn tiếp tục phải thực hiện theo các văn bản dưới luật, trong đó có nhiều nội dung mâu thuẫn với Luật Doanh nghiệp.[3] Để tạm thời giải quyết tình trạng này, Một Nghị định “đóng thế luật” về tổ chức và hoạt động ngân hàng đã được trình lên Chính phủ từ năm 2007, nhưng vẫn chưa được ban hành. Điều này đã gây ra nhiều khó khăn, trở ngại về mặt pháp lý cho các ngân hàng thương mại.

  1. Áp dụng mức vốn pháp định 1.000 tỷ đồng:

Theo Danh mục mức vốn pháp định của các TCTD, ban hành kèm theo Nghị định số 141/2006/NĐ-CP ngày 05-12-2006 của Chính phủ, thì hết năm 2008, các ngân hàng thương mại phải đạt mức vốn điều lệ tối thiểu là 1.000 tỷ đồng. Theo NHNN, thì có 10 ngân hàng chưa hoàn thành thủ tục tăng vốn bằng mức pháp định vào cuối năm, nhưng đều đã có phương án để có thể đáp ứng được điều kiện trên.

Đây là một sự thách thức lớn đối với quy mô hoạt động và hiệu quả kinh doanh của một số ngân hàng. Không có quy định này, các ngân hàng nhỏ vẫn có chỗ đứng trong thị trường và mang lại hiệu quả tốt cho cổ đông. Bị ép trở thành ngân hàng lớn, nhất là trong lúc thị trường vô cùng khó khăn hiện nay, các ngân hàng này sẽ phải đối mặt với thách thức ghê gớm về năng lực quản trị và tỷ suất lợi nhuận trên vốn điều lệ. Đặc biệt là chỉ trong hai năm tới còn phải tiếp tục với sức ép tăng vốn điều lệ lên mức tối thiểu 3.000 đồng theo quy định.

Cùng với việc đó, điều kiện thành lập chi nhánh ngân hàng cũng thay đổi từ chỗ chỉ đòi hỏi số vốn điều lệ tương ứng với mỗi chi nhánh là 20 tỷ đồng đã tăng lên 50 tỷ đồng, riêng các chi nhánh tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là 100 tỷ đồng.

  1. Xuất hiện 3 ngân hàng cổ phần sau 12 năm dừng cấp phép:

Sau 12 năm, mới lại cấp phép thành lập các ngân hàng thương mại cổ phần hoàn toàn mới. Trong năm 2008 và thời gian trước đó, đã có hàng loạt đề nghị thành lập ngân hàng thương mại cổ phần mới, bất kể những điều kiện đặt ra rất khắt khe. Do sự khủng hoảng về kinh tế, tài chính, nên dư luận đã phản đối mạnh mẽ việc cho phép thành lập thêm ngân hàng. Cuối cùng chỉ cấp phép thành lập được 3 ngân hàng thương mại cổ phần là Liên Việt, Tiên Phong và Bảo Việt. Trong đó duy nhất Bảo Việt là tập đoàn được phép thành lập ngân hàng, với việc góp tới 52% số vốn điều lệ. BaoViet Bank đã trở thành một ngân hàng đầu tiên là công ty con nằm trong một Tập đoàn tài chính, bảo hiểm (Tập đoàn duy nhất đã được cổ phần hoá từ Tổng công ty 91).

Việc tạm dừng cấp phép thành lập các ngân hàng cổ phần, nhất là 6 trong số 9 ngân hàng đã được NHNN chấp thuận về nguyên tắc, tuy được dư luận đồng tình, nhưng lại gây ra nhiều hậu quả pháp lý tương đối phức tạp. Phải xử lý nhiều hợp đồng lớn về mua chương trình phần mềm, thuê trụ sở, đầu tư tài sản, tuyển dụng lao động,… Và đặc biệt phức tạp trước nhiều giao dịch phát hành và mua bán, chuyển nhượng cổ phần của ngân hàng cả chính thức cũng bên ngoài.

  1. Cấp phép thành lập 5 ngân hàng nước ngoài đầu tiên:

Lần đầu tiên đã cho phép thành lập 5 ngân hàng 100% vốn nước ngoài là HSBC (Anh), Standard Chartered (Anh), ANZ (Úc), Shinhan (Hàn Quốc) và Hong Leong (Malaysia). Trước đây tại Việt Nam mới chỉ có chi nhánh ngân hàng nước ngoài (37 chi nhánh) và ngân hàng liên doanh với nước ngoài (5 ngân hàng).

Cùng với lộ trình mở cửa cho các ngân hàng nước ngoài, từ năm 2009 trở đi sẽ có sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa các ngân hàng trong nước và ngoài nước.

  1. Cổ phần hoá ngân hàng thương mại nhà nước:

Năm 2008, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), là một ngân hàng thương mại nhà nước đầu tiên được cổ phần hoá với nhiều khó khăn, trắc trở và chậm trễ. Việc cổ phần hoá này đã khơi lại những tranh cãi pháp lý về cổ phần hoá công ty nhà nước, như khi nào được coi là thời điểm bán cổ phần lần đầu, ai là người có quyền bán cổ phần lần đầu, ngày hoàn thành việc bán cổ phần lần đầu và ngân hàng hoạt động theo luật nào sau khi cổ phần hoá.[4]

Việc tổ chức bán đấu giá cổ phần để tiến hành cổ phần hoá Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) cũng đã diễn ra. Chỉ một thời gian ngắn nữa, các ngân hàng thương mại nhà nước còn lại cũng sẽ chuyển sang hoạt động dưới hình thức ngân hàng thương mại cổ phần.

Tuy Vietcombank đã thay đổi cơ bản về đặc điểm pháp lý, chuyển sang hoạt động theo loại hình công ty cổ phần theo Luật Doanh nghiệp, nhưng vì nhà nước còn sở hữu tới gần 91% vốn điều lệ, nên Vietcombank vẫn chưa dứt ra khỏi một doanh nghiệp nhà nước. Tình trạng tương tự cũng sẽ diễn ra đối với VietinBank và các ngân hàng thương mại nhà nước khác trong những năm đầu cổ phần hoá.

————————————–

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC. 

——

Bài viết gửi đăng Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ


 

[1] Xem “Vấn đề lãi suất cơ bản và quy định lãi suất cho vay không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản” – Tạp chí Ngân hàng số 11/2005 (Luật sư Trương Thanh Đức).

[2] Xem “Cơ sở pháp lý áp dụng lãi suất quá hạn” – Tạp chí Ngân hàng số 13/7-2008 (Luật sư Trương Thanh Đức).

[3] Xem “Không thể có hệ thống ngân hàng lành mạnh nếu như yếu về cơ sở pháp lý” – Tạp chí Ngân hàng số 8 tháng 4-2008 (Luật sư Trương Thanh Đức).

[4] Xem “Trao đổi một số vấn đề pháp lý về cổ phần hoá ngân hàng” – Tạp chí Ngân hàng số 18/9-2008 (Luật sư Trương Thanh Đức).

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.393. Đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng pháp...

Đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng pháp luật đáp ứng yêu cầu phát...

Trích dẫn 

3.913. Giá vàng ngày một "nóng", có nên nắm giữ...

Giá vàng ngày một "nóng", có nên nắm giữ dài hạn? (KTCK) - Giá vàng tăng...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 232,494