(DĐDN) – Bất cứ ai dẫu uyên bác đến đâu cũng đều có thể mắc sai lầm, đều có định kiến và có thể bị những lợi ích cục bộ ảnh hưởng. Việc ban hành các chủ trương, chính sách cũng vậy, nếu không tiếp thu ý kiến phản biện từ các tầng lớp trong xã hội sẽ dễ dẫn đến thiếu sót, sai lệch. Trao đổi với DĐDN, Luật sư Trương Thanh Đức – Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Hàng Hải (Maritime Bank) nhận xét, báo chí là kênh tốt nhất tham gia phản biện xã hội.
- Ông đánh giá thế nào về tính phản biện của báo chí, trong thời gian qua?
Phản biện xã hội có thể được tiến hành qua nhiều kênh khác nhau. Người phản biện có thể gửi thẳng cho các cơ quan hữu quan, tham gia các hội thảo, và cũng có thể nêu ý kiến của mình trên báo chí. Trong những năm gần đây, báo chí đã là kênh chuyển tải các ý kiến phản biện xã hội đối với các chủ trương, chính sách của Nhà nước một cách rộng rãi, hiệu quả.
Sở dĩ báo chí là một kênh phản biện quan trọng bởi vì tính công khai, đại chúng của nó. Ý kiến trên báo chí có thể được nhiều người thảo luận, bàn cãi từ nhiều góc độ khác nhau. Một ý kiến độc đáo có thể gây cảm hứng cho hàng ngàn, hàng vạn người khác. Đây là một kênh rất hiệu quả cho trong việc thông tin, thảo luận và phản biện về các vấn đề liên quan đến cộng đồng, không chỉ tác động đến phía làm chính sách mà còn ảnh hưởng sâu rộng đến đông đảo công chúng.
Nhà nước ta cũng đã có các quy định pháp lý để thúc đẩy quá trình phản biện trong việc hình thành các chính sách, các quy định pháp lý. Đây là một bước tiến quan trọng của Việt Nam trong lĩnh vực này. Vấn đề là làm sao để thực hiện các quy định và thủ tục đó một cách hữu hiệu cũng như sửa đổi và điều chỉnh chúng một cách thích hợp?
Bên cạnh việc thông tin về các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội trong nước và quốc tế, báo chí đã đẩy mạnh phản biện những vấn đề mà dư luận xã hội quan tâm. Sự phản biện của báo chí đã giúp các cơ quan chức năng khá nhiều trong việc hoàn thiện cơ chế, chính sách chỉ đạo, điều hành, đồng thời cũng bảo đảm cho người dân có cơ hội cống hiến và cải thiện cuộc sống tốt hơn.
Báo chí từ chỗ chỉ đưa thông tin chung chung, hình thức; đã tiến đến mức mổ xẻ, phân tích nội dung sâu sắc, thuyết phục; phác họa vấn đề một cách toàn diện, đa chiều; cung cấp những thông tin dữ liệu chi tiết, đầy đủ cho các cơ quan tham mưu, hoạch định chính sách. Đặc biệt, báo chí đã thể hiện bản lĩnh trong phản biện, tranh luận một cách có lý lẽ, khoa học và mang tính xây dựng. Có thể nói, báo chí từ chỗ đưa tin đơn giản, một chiều, đã từng bước chuyển sang phản biện xã hội phong phú, đa chiều và sâu sắc.
Tuy nhiên, sự tham gia phản biện của báo chí trong một số quyết sách lớn của đất nước vẫn còn rụt rè và yếu ớt. Điều này một phần do sự hạn chế của người làm báo, nhưng lý do chính là hành lang pháp lý cho phản biện xã hội hiện nay chưa rõ ràng, minh bạch để khuyến khích báo chí và bảo vệ ngòi bút của người viết.
- Như vậy, phải chăng hiệu quả phản biện của báo chí hiện nay chưa cao. Ông có thể bắt mạch những nguyên nhân dẫn đến sự hạn chế này?
Mọi chủ trương, chính sách, mọi chương trình, kế hoạch của các cơ quan nhà nước không thể luôn luôn đúng và bám sát cuộc sống. Chính vì vậy, những chính sách mới cần được cân nhắc kỹ lưỡng, những quy định chưa phù hợp cần được kịp thời điều chỉnh, sửa sai để tránh khỏi những bất cập. Hai quá trình đó đều cùng giúp các chính sách, quy định phù hợp với quy luật, tình hình vận động, biến đổi, phát triển của cuộc sống.
Cùng với việc phổ biến chính sách, pháp luật từ trên xuống với mọi người, , báo chí còn thực hiện nhiệm vụ chuyển tải những thông tin phản hồi từ dưới lên để góp phần quan trọng vào sự điều chỉnh và hoàn thiện. Tiếng nói của các tầng lớp dân cư trong xã hội được chuyển tải qua báo chí nói riêng, phản biện xã hội nói chung nếu được coi trọng sẽ tạo được một hiệu ứng phản hồi rất tích cực. Dân hăng hái tham gia vào công việc chung, chất lượng chính sách sẽ được nâng cao, thì sẽ cải thiện được uy tín của giới lãnh đạo. Một chu trình như vậy sẽ làm cho các chính sách và quyết định tiếp theo càng tốt hơn.
Ngược lại, nếu tiếng nói của họ không được lắng nghe, không được phản hồi và tiếp thu, thì họ sẽ mất niềm tin vào vai trò làm chủ, xói mòn lòng tin vào nhà nước và họ không thèm nói hoặc ý kiến của họ sẽ không còn mang tính xây dựng. Nhà nước không nghe dân, thì tất yếu các chính sách, quy định sẽ ngày càng bảo thủ, xa rời thực tiễn, tất yếu sẽ sai lầm và đi ngược lại cuộc sống.
Tuy nhiên, có một thực tế, lời nói thẳng thật, thường không êm tai, thuận nhĩ, chẳng dễ nghe, mà đã khó nghe thì cũng khó được tiếp thu. Bên cạnh nhiều vấn đề phản biện xã hội được chấp nhận dẫn tới hoàn thiện chế độ, chính sách một cách hài hoà, hợp tình, hợp lý, thì cũng có không ít vấn đề chưa được xem xét một cách thấu đáo. Không ít chính sách, quy định được ban hành, mặc dù đã làm đủ các thủ tục tiếp nhận đủ loại phản biện xã hội nhưng vẫn “chết non”. Chính sách, pháp luật “chết yểu”, một phần là do năng lực, trình độ hạn chế của người làm chính sách, phần khác là do quan điểm “đẻ” ra quy định trước hết nhằm để “trói”, là do quyền lực trong tay nên khó quản thì cấm và là vì bài toán lợi ích cục bộ quá lớn của ngành, địa phương níu kéo, thúc ép. Khi hai luồng thông tin từ trên xuống và từ dưới lên chưa gặp nhau, khi lợi ích của hai phía không có chung đáp án, thì hậu quả chắc chắn sẽ bất lợi cho cả hai bên, cuối cùng là xã hội và nhân dân sẽ gánh đủ. Đây chính là lúc đòi hỏi những cá nhân, tổ chức trực tiếp ban hành chính sách phải có một bộ óc tỉnh táo và trung lập.
- Thưa ông, phải chăng chúng ta đang cần quy trình tiếp nhận phản biện khoa học và cởi mở?
Thực hiện chức năng phản biện xã hội, báo chí đang góp phần thúc đẩy quá trình dân chủ hóa xã hội. Đó là quá trình lấy đối thoại thay cho độc thoại. Thói quen độc thoại tự dành cho mình độc quyền chân lý, áp đặt tư duy, tùy tiện quy kết, theo nguyên lý loại trừ, ai không nghe ta tức là chống ta. Còn đối thoại là biết lắng nghe, nhất là lắng nghe những tiếng nói ngang tai, trái ngược, những ý kiến phản hồi “sù sì”, góc cạnh, nhằm làm phong phú thêm hiểu biết của mình để có thể loại cái bất hợp lý, giữ cái chân lý theo nguyên lý bổ sung.
Tư duy hiện đại là phải vượt qua định kiến, cố chấp, khuyến khích thái độ cầu thị, lắng nghe để tiếp nhận mọi loại thông tin, nhằm làm cho tri thức của mình luôn luôn mới mẻ, hiện đại và toàn diện. Có như thế mới tạo dựng được tâm thế ứng xử khoan dung, cởi mở, thúc đẩy sự hòa đồng, hợp tác, coi trọng và tin cậy lẫn nhau. Không có đối thoại cởi mở, thẳng thắn thì không thể có phản biện xã hội đúng nghĩa và không thể tạo ra động lực của phát triển. Mục tiêu của phản biện xã hội mà báo chí đang phấn đấu thực hiện là nhằm tạo nên sự cọ sát và đồng thuận xã hội. Đồng thuận xã hội là động lực của sự phát triển xã hội, đồng thuận càng cao thì sự phát triển càng bền vững.
- Về phía các cơ quan báo chí nói chung, từng nhà báo nói riêng cũng cần phải có cách tiếp cận, phản ánh, chuyển tải phản biện thật chuyên nghiệp và có tính xây dựng cao, thưa ông?
Những nhà báo thực thụ cần phải bằng mọi cách tập hợp, chuyển tải đầy đủ và trung thực các ý kiến phản biện tiêu biểu của các cá nhân, tổ chức đại diện cho mọi tầng lớp trong xã hội. Báo chí đã tham gia phản ánh được những vấn đề nóng bỏng của đất nước, nhưng chưa phải là tất cả và so với yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống thì vẫn còn xa kỳ vọng. Nhà báo và cơ quan báo chí nào thực sự đề cao trách nhiệm xã hội của mình, thì sẽ kiên trì theo đuổi đến cùng mục tiêu phản biện chân thực.
Cái khó nhưng thực sự cần đến vai trò quan trọng của báo chí là trở thành một “cỗ máy” giúp hai luồng gió ban hành và phản biện chính sách không thổi ngược nhau gây triệt tiêu nhau hay gây bão tố xung đột, mà chuyển hoá thành luồng gió mới mát lành, biến thành công năng ích nước lợi nhà.
Một cơ chế rõ ràng khuyến khích báo chí tham gia góp ý và phản biện mạnh mẽ sẽ giúp chính sách, pháp luật hiệu quả, sâu sát thực tiễn, phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của nhân dân.
– Xin cảm ơn ông!
Bá Tú
—————–
Diễn đàn Doanh nghiệp (Thời sự kinh doanh) số 49 (1.427) ngày 22-6-2011:
(1.794/1.794)
(Trả lời ngày 19-06-2011 tại 88 Láng Hạ)