103. Chỉ 1,2% luật sư có thể tranh tụng bằng tiếng Anh

(VNN) – Ngoài lí do để học hỏi thêm kinh nghiệm, còn một lí do khác khiến Trần Hồng chấp nhận mức lương 500.000 đồng/tháng là vì “không có ngoại ngữ”. Theo kết quả khảo sát do Bộ Tư pháp tiến hành năm 2008, chỉ có 1,2% số luật sư có thể sử dụng tiếng Anh thành thạo.

500 nghìn và 500 đô

Tốt nghiệp ĐH Luật Hà Nội, có bố công tác trong ngành tòa án, nên Trần Hồng khăn gói về quê làm việc. Thế nhưng, nghe nói còn rất lâu nữa mới có đợt thi biên chế ở tỉnh, Hồng trở lại Hà Nội để thử sức tại một văn phòng LS nhỏ.

2 tháng thử việc tưởng ngắn mà hóa dài, bởi không những chỉ nhận mức lương có 500.000 đồng/tháng, Hồng còn đối mặt với khó khăn của chính mình khi thiếu rất nhiều kĩ năng và kiến thức, làm đến việc gì, Hồng cũng bị va vấp.

Cuối cùng Hồng cũng trụ được ở đây gần 2 năm, khi đã đạt mức lương khoảng 3 triệu/tháng. Và từ đó, làm bước đệm để trúng tuyển vào làm pháp chế ở một tổng công ty lớn với thu nhập trung bình khoảng 10 triệu/tháng.

Hồng cho biết: ngoài việc cố gắng học hỏi để tích lũy kinh nghiệm, thì một lí do khác khiến cậu chấp nhận mức lương “bèo” là vì không có ngoại ngữ.

“Tôi có một ông anh làm tổng giám đốc tại một công ty lớn. Thời điểm tôi ra trường, ông ta đang tuyển một cử nhân luật để đi đàm phán ký kết hợp đồng với đối tác nước ngoài, lương tháng 3.000 USD. Tuy là anh em quá thân quen nhưng tôi đành chịu” – Hồng kể lại.

Yến (thứ 2 từ trái sang) và các bạn trong đội tuyển của Học viện Ngoại giao tham gia phiên tòa giả định Luật quốc tế Philip C.Jessup tại Mỹ năm 2008

Trong khi đó, Yến (SV Luật quốc tế, Học viện Ngoại giao) khiến nhiều người phải ngạc nhiên bởi khi đang là SV năm thứ 4, mức lương thực tập của Yến tại một văn phòng luật nước ngoài đã lên tới 260 USD/tháng. Sau đó, trong thời gian thử việc khi vừa ra trường, mức lương của Yến xấp xỉ 500 USD.

Yến lí giải: Ngoài các yếu tố khác thì một trong những nguyên nhân khiến công ty đó nhận em vào làm là họ cần người nói tiếng Anh tốt.

Yến là một trong những SV của Học viện Ngoại giao đã từng tham gia dự cuộc thi Phiên tòa giả định Luật quốc tế Philip C. Jessup tại Washington D.C, Mỹ vào năm 2008 (Cuộc thi Diễn án Luật quốc tế lớn nhất thế giới được tổ chức hàng năm từ năm 1959 tại Hoa Kỳ với sự tham gia của hơn 500 trường ĐH Luật tại hơn 80 quốc gia trên thế giới).

Trong cuộc thi này, bản tranh tụng bằng tiếng Anh của Yến và các bạn trong đội đã xếp thứ 38 trên tổng số 108 đội dự thi.

Yến cho biết: Trong số những bạn bè đi làm ở các văn phòng Luật thì hầu như không ai làm việc tại các văn phòng LS trong nước.

Nghe câu chuyện này, Hồng nhận định: “Dân Luật (ĐH Luật) có nhiều lợi thế, nhưng trình độ ngoại ngữ là một rào cản lớn nhất. Bọn mình đã có gạo mà lại không có nồi để nấu cơm, thế mới chán”.

Tiếng Anh chuyên ngành: Cực khó

Trong một căn phòng nhỏ khá mát mẻ, chỉ với gần 30 SV, song giờ học tiếng Anh chuyên ngành của lớp K49, năm thứ 3 khoa Luật kinh doanh, ĐH Kinh tế quốc dân diễn ra khá nặng nề. Mọi cánh cửa hầu hết đều được đóng lại để SV tập trung cao độ với môn học và có thể nhìn rõ màn hình máy chiếu.

Mặc dù giảng khá sôi nổi và thường xuyên có câu hỏi khuyến khích SV, nhưng TS Nguyễn Vũ Hoàng ít nhận được các câu trả lời.

Là lớp trưởng, đồng thời là chủ nhiệm CLB Tiếng Anh Pháp lý của khoa, Nguyễn Duy Hiếu nhận định đây là một trong những môn học khó nhất trong suốt 4 năm học.

Ông Nguyễn Hợp Toàn, trưởng khoa tự hào: “Bộ GD-ĐT quy định chỉ có 15 tín chỉ tiếng Anh, nhưng khoa Luật dạy tới 24 tín chỉ, trong đó có 6 tín chỉ tiếng Anh chuyên ngành (90 tiết). Bên cạnh đó, nhiều chuyên đề được giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh”.

Mặc dù vậy, thầy Toàn cũng thừa nhận: “Nói chung, kĩ năng tối thiểu thì đảm bảo chứ không giỏi lắm, độ thành thạo chưa phải là cao”.

Theo thầy Vũ Hoàng thì để học tốt môn này, ít nhất SV đã phải đạt trình độ C tiếng Anh. Tuy nhiên, thông thường, dù đã trải qua môn tiếng Anh cơ bản trong 1,5 năm đầu tiên, các SV cũng chỉ đạt được trình độ B là cùng. Do đó, “nếu cố gắng thì có thế nắm được, dịch được, chứ bảo thuyết trình thì khó, phải những ai thật chịu khó học”, thầy Hoàng nói.

“Luật đã rất khó rồi, tiếng Anh của Luật chắc chắn là cực khó” – thầy Hoàng khẳng định. Đã từng giảng dạy tại ĐH Luật Hà Nội, thầy Hoàng cũng cho rằng, vốn tiếng Anh của các cử nhân khi ra trường rất yếu.

Sơn (SV năm thứ 2, ĐH Luật) cho biết: Thông thường, SV chỉ học 2 kì tiếng Anh, tương đương khoảng 10 đơn vị học trình. Còn nếu muốn học ở lớp tiếng Anh chuyên ngành với các bài học hoàn toàn bằng tiếng Anh thì các SV phải thi đầu vào. Không nhiều SV đỗ được vào các lớp học này.

Thạc sĩ Phạm Lan Dung, Trưởng khoa Luật quốc tế, Học viện Ngoại giao nhận định: Ở các nước, người ta chả ái ngại việc luật sư có nói được tiếng Anh hay không. Nhưng ở Việt Nam thì đó lại là một khó khăn.

Khối lượng dạy ngoại ngữ ở các trường đã ít, kinh nghiệm dạy tiếng Anh chưa nhiều, khả năng tiếng Anh đầu vào của SV lại chưa tốt. Vì vậy, SV ra trường vẫn yếu ngoại ngữ.

LS Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI thừa nhận: Bản thân tôi cũng rất yếu ngoại ngữ. Có vụ nào cần thì phải đi  thuê các chuyên gia ở bên ngoài.

“Ngoại ngữ ảnh hưởng đến nhiều thứ, đến chuyện nghiên cứu, chứ không phải chỉ riêng là sau này đi làm đâu” – cô Dung nói..

Mặc dù những SV thi vào trường hầu hết đều có vốn tiếng Anh khá, song cô Dung cũng cho biết, những trường hợp như Yến chỉ chiếm khoảng 20%. Đó là những SV khá giỏi của lớp.

Với lượng tài liệu chuyên ngành bằng tiếng Anh khá đồ sộ do các giảng viên mang ở nước ngoài về, khoa còn thường xuyên mời các chuyên gia quốc tế đến nói chuyện, nhiều môn học và các buổi thảo luận hoàn toàn bằng tiếng Anh. Với cường độ đó, một số SV không thể theo kịp.

Trang Dũng (K33) là một ví dụ. Dũng cho rằng khả năng dịch, hiểu của mình cũng không đến nỗi nào, song trong các buổi thảo luận, cậu thường không dám tranh luận vì khả năng nói không được tốt.

Nguyễn Duy Hiếu tâm sự: những luật sư tương lai – không thể ngồi yên chờ cơ hội đến với mình mà phải tự hội nhập mình với nền tri thức toàn cầu. Do đó, câu lạc bộ tiếng Anh pháp lý thường xuyên tổ chức nhiều buổi thảo luận, các bản tin hàng tuần… để SV có thể nâng cao khả năng tiếng Anh chuyên ngành của mình.

Theo kết quả khảo sát về đánh giá nhu cầu dịch vụ pháp lý và thực trạng luật sư trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế do Bộ Tư pháp tiến hành năm 2008, chỉ có 1,2% số luật sư có thể sử dụng tiếng Anh thành thạo trong hoạt động chuyên môn, tham gia thương lượng, đàm phán và tranh tụng trực tiếp bằng tiếng Anh.

Ngoài ra, đội ngũ luật sư hành nghề chuyên sâu trong lĩnh vực luật pháp quốc tế (thương mại quốc tế, đầu tư quốc tế) còn đang trong giai đoạn hình thành.

Cô Phạm Lan Dung thì cung cấp một số liệu khác: “Theo một số liệu tôi nghe được ở các cuộc hội thảo thì chỉ có khoảng 5% luật sư là có thể sử dụng được ngoại ngữ. Tất cả các chương trình đào tạo Luật đều dạy ngoại ngữ, nhưng sử dụng có đạt được trình độ cao không… thì còn phải bàn”.

Phù Sa

—————————————

Vietnamnet ngày 19-3-2010:

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

436. Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài...

Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài sản công. Cố vấn: Luật...

Phỏng vấn 

4.416. Nhân viên ngân hàng lại dụ khách góp vốn...

Nhân viên ngân hàng lại dụ khách góp vốn vào công ty con, "núp bóng" gửi tiết kiệm. (TBTC)...

Trích dẫn 

3.969. Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ...

Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ xấu gia tăng nhưng tốt...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 236,143