105. Luật Doanh nghiệp: Càng hướng dẫn, càng rối

(VNN) – Dự thảo hướng dẫn lại việc thi hành Luật Doanh nghiệp được cho là “làm khó” thêm cho doanh nghiệp khi vẫn có quá nhiều thủ tục không hợp với… thực tế.

Sau 4 năm ra đời, tình trạng “loạn hướng dẫn” ngay trong hệ thống cơ quan quản lý Nhà nước đã khiến cho Luật Doanh nghiệp bị kêu ca, than phiền triền miên. Và cũng chỉ mới thực hiện được gần 2 năm thì Nghị định 139/2007/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật này cũng rơi vào tình trạng tương tự.

Sáng qua (1/4), dự buổi mổ xẻ về bản dự thảo thay thế Nghị định trên, (do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI và Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương tổ chức), các chuyên gia luật đều lắc đầu cho rằng, lại có nhiều điểm vi phạm vào chính Luật Doanh nghiệp ở bản “chắp bút” mới nhất này.

Trái luật

Ông Ngô Đinh Cương, ĐH Luật thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội nói thẳng: “Dự thảo vi phạm quyền tự do kinh doanh quá lớn.”

Ông Cương phân tích: “Khi có những điều qui định về quyền khởi kiện, khiếu nại của thành viên đối với giám đốc, chủ tịch HĐTV và cụ thể hóa quyền ấy, tức là dự thảo hạn chế quyền tự do khởi kiện của thành viên cổ đông. Đó là quyền hiển nhiên”.

Luật sư Cao Bá Khoát, Công ty tư vấn doanh nghiệp K và cộng sự cho rằng, Luật Doanh nghiệp “va chạm” nhiều với Nghị quyết 71 của Quốc hội.

“Bên cạnh đó, dự thảo mới lại tăng thêm quyền lực cho cơ quan hành chính một cách “phi lý”, ở đây là phòng Đăng ký kinh doanh (ĐKKD). Đáng lẽ, cơ quan này chỉ chịu trách nhiệm về tính hợp lệ của hồ sơ ĐKKD thì nay, theo dự thảo, phòng ĐKKD có quyền giám sát trình tự, thủ tục, tiến hành họp và ra quyết định đại hội đồng cổ đông”.

“Như vậy, phòng ĐKKD không khác gì là cấp trên của doanh nghiệp”, ông Cương nhấn mạnh.

Đặc biệt, góp ý cho dự thảo, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI còn liệt kê hẳn một danh mục 12 qui định trong dự thảo trái với luật hiện hành.

Ví dụ, dự thảo qui định trường hợp các thành viên không đồng ý về nội dung họp và từ chối ký vào biên bản cuộc họp của HĐTV thì chữ ký xác nhận việc tham dự họp của họ, được coi là chữ ký của họ tại biên bản họp.

Ông Đức cho rằng, qui định này là trái luật vì đã biến chữ ký xác nhận tham dự họp thành chữ ký đồng ý vô điều kiện với nội dung cuộc họp.

“Trói” doanh nghiệp

Một số luật sư đã đề nghị dự thảo mới, hướng dẫn lại việc thi hành Luật Doanh nghiệp cần có quan niệm “thoáng” hơn về con dấu, về người đại diện trước pháp luật.

Người đại diện theo pháp luật không nhất thiết chỉ “được” có một người mà có thể là nhiều người, miễn là thể hiện đầy đủ trong giấy đăng ký kinh doanh”, ông Lê Nết, Công ty Luật LCT bày tỏ.

Ông cho hay, đã có những trường hợp, người đại diện trước pháp luật của công ty cổ phần, vốn là người của đơn vị chiếm 51% vốn trong công ty nhưng sau đó, vị này mang theo cả con dấu sang bên đơn vị chỉ chiếm 49% cổ phần công ty làm việc. Vì thế, bên đơn vị chiếm 51%, dù tỷ lệ vốn lớn nhưng không làm sao có quyền quyết định công việc khi con dấu đã bị chính “người nhà” chiếm dụng. Kiện tụng kéo dài nhiều năm mà chưa thể giải quyết.

Đồng tình quan điểm này nhưng ông Ngô Đinh Cương còn nặng lời hơn khi nhấn mạnh rằng, nhà làm luật đã can thiệp quá đáng vào hoạt động riêng của doanh nghiệp.

“Việc có bao nhiêu người đại diện trước pháp luật nên là phần tự chủ của doanh nghiệp, nhưng dự thảo chỉ cho có 1 người. Trong khi đó, với những công ty hợp danh là một pháp nhân, các thành viên hợp danh là bình đẳng với nhau, thì họ phải được cử người là đại diện pháp nhân”, ông Cương nói.

Tương tự như chuyện con dấu và người đại diện trước pháp luật, có thể quan niệm nhẹ nhàng về vấn đề vốn điều lệ, ông Lê Nết tiếp lời.

Theo ông Nết, những qui định ràng buộc về mức vốn điều lệ của doanh nghiệp là không cần thiết. Bởi đã có những công ty nước ngoài, vốn điều lệ 1USD mà nắm giữ hàng trăm triệu USD ở Việt Nam. Khi đến ngân hàng vay, người ta nhìn vào “tiền tươi thóc thật”, vào báo cáo sản xuất kinh doanh chứ không nhìn vào “vốn ảo” kia.

Với kinh nghiệm tiếp nhận hàng trăm vụ việc tranh chấp giữa các doanh nghiệp, các luật sư của Việt Nam vẫn cho rằng, bản hướng dẫn mới để thi hành Luật Doanh nghiệp lại “trói” doanh nghiệp chặt hơn.

Theo thông lệ, VCCI sẽ tổng hợp các ý kiến này để trình Chính phủ góp ý cho dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 139 trong thời gian tới.

Phạm Huyền

—————————————

Vietnamnet ngày 02-4-2010:

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu...

Mục "Bài viết" cập nhật các bài viết của các Luật sư ANVI đăng...

Bình luận 

431. Bình luận về Luật siêu dễ VTV3 - Chủ đề Luật...

Bình luận về Luật siêu dễ VTV3 - Chủ đề Luật Lao động. (VTV3)...

Phỏng vấn 

4.396. Quản lý thuế qua thương mại điện tử.

Quản lý thuế qua thương mại điện tử. (VTC1) Luật sư Trương Thanh Đức - Giám...

Trích dẫn 

3.903. Mở rộng phạm vi kiểm toán để dẹp nạn...

Mở rộng phạm vi kiểm toán để dẹp nạn tăng vốn ảo của doanh nghiệp. (ĐTM)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 230,907