107. Dự thảo Nghị định thay thế NĐ 139/2007/NĐ-CP: Còn nhiều quy định trái luật

(ĐBND) – Đóng góp vào dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 139/2007/NĐ-CP, Dự thảo Nghị định Hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp, hầu hết các luật gia, doanh nghiệp đều cho rằng: Dự thảo có nhiều quy định mới mang tính đột phá giải thoát nhiều trường hợp bế tắc cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, vẫn còn có những quy định trái với Luật Doanh nghiệp, chồng chéo cần được chỉnh sửa.

Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng:  Chính vì sự mạnh dạn vượt bậc của dự thảo, với những nội dung bao trùm cả thông tư lẫn Luật Doanh nghiệp, nên dẫn đến nhiều điểm bất cập, có nhiều điều trái Luật. Chẳng hạn, Điều khoản 17.2.a và 17.2.b quy định: Trường hợp người đại diện theo pháp luật vắng mặt tại Việt Nam quá 30 ngày thì “người được uỷ quyền vẫn tiếp tục làm người đại diện theo pháp luật” của doanh nghiệp cho đến khi người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp trở lại Việt Nam. Quy định này là trái với nguyên tắc về người đại diện theo pháp luật được quy định trong Bộ luật Dân sự và Luật Doanh nghiệp. Trường hợp này chỉ có thể quy định là “người được ủy quyền vẫn tiếp tục thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật” của doanh nghiệp, chứ không thể làm người đại diện theo pháp luật, vì như vậy thì đồng thời sẽ có 2 người đại diện theo pháp luật.

Một điểm nữa rất đáng chú ý là Điều khoản 20.2 quy định: “Trình tự, thủ tục và kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo hoặc khởi kiện thực hiện tương ứng theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo hoặc pháp luật về tố tụng dân sự.” Quy định thực hiện “theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo” là sai, vì pháp luật khiếu nại chỉ điều chỉnh quan hệ khiếu nại đối với các “quyết định hành chính, hành vi hành chính các cơ quan nhà nước” hoặc “quyết định kỷ luật cán bộ, công chức” chứ không thể áp dụng Luật Khiếu nại, tố cáo vào giải quyết mâu thuẫn giữa các thành viên công ty với Giám đốc và Chủ tịch hội đồng thành viên. Tương tự như vậy là quy định tại Điều khoản 27.2.

Tại Điều khoản 22.1, riêng với quy định: “Tất cả thành viên, người đại diện thành viên dự họp phải ký vào biên bản họp Hội đồng thành viên. Trường hợp thành viên, người đại diện thành viên không đồng ý về một hoặc một số nội dung đã được Hội đồng thành viên thông qua và từ chối ký biên bản cuộc họp đó của Hội đồng thành viên, thì chữ ký xác nhận việc tham dự họp của họ được coi là chữ ký của họ tại biên bản họp Hội đồng thành viên” cũng được cho là trái luật. Vì quy định này đã biến chữ ký tham dự họp thành chữ ký đồng ý vô điều kiện với biên bản họp. Trường hợp này, chỉ có thể quy định theo hướng, coi như thành viên vắng mặt “ký” không đồng tình với toàn bộ nội dung biên bản, đồng thời nhanh chóng sửa luật theo hướng không nhất thiết phải yêu cầu tất cả thành viên ký vào Biên bản họp, mà chỉ cần chữ ký của Chủ tọa và thư ký, còn ý chí của các thành viên đã được thể hiện rõ qua thủ tục và kết quả biểu quyết.

Với Điều khoản 28.1 quy định: “Nếu Điều lệ công ty không quy định khác hoặc cổ đông có liên quan không có ý kiến khác bằng văn bản, các thành viên độc lập của Hội đồng quản trị đương nhiên là người đại diện theo ủy quyền của tất cả các cổ đông không tham dự họp Đại hội đồng cổ đông”, ông Đức cho rằng đây là nội dung trái với quy định rất cụ thể tại Điều 101 của Luật Doanh nghiệp là: “Việc uỷ quyền cho người đại diện dự họp Đại hội đồng cổ đông phải lập thành văn bản theo mẫu của công ty và phải có chữ ký của cổ đông ủy quyền và người được uỷ quyền dự họp. Và “Người được uỷ quyền dự họp Đại hội đồng cổ đông phải nộp văn bản uỷ quyền trước khi vào phòng họp.”

Các luật gia cũng cho rằng Điều khoản 31.2 quy định: Trường hợp cuộc họp Hội đồng quản trị được triệu tập lần thứ hai, thì “cuộc họp được tiến hành nếu có hơn một nửa số thành viên Hội đồng quản trị dự họp” là trái với Luật Doanh nghiệp. Vì Luật chỉ quy định việc triệu tập các cuộc họp lần thứ hai đối với họp Hội đồng thành viên và Đại hội đồng cổ đông, còn với Hội đồng quản trị, thì chỉ quy định một tỷ lệ dự họp hợp pháp là 75%. Còn tại Điều 37 quy định về việc chuyển đổi doanh nghiệp tư nhân thành công ty trách nhiệm hữu hạn cũng trái luật, vì Luật Doanh nghiệp chỉ quy định một số trường hợp chuyển đổi công ty, trong đó không có quy định về việc chuyển đổi doanh nghiệp tư nhân thành công ty trách nhiệm hữu hạn.

Hải Dương

———————————————————-

Báo Đại biểu Nhân nhân ngày 03-4-2010:

http://nguoidaibieu.com.vn/Trangchu/VN/tabid/66/CatID/40/ContentID/101447/Default.aspx

 

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Bình luận 

427. Bình luận về Luật siêu dễ: Hồi hộp đến...

(VTV3) Bình luận về Luật siêu dễ: Hồi hộp đến phút cuối với chủ đề...

Phỏng vấn 

4.362. Xôn xao "nghi án" trang cờ bạc trực tuyến...

Xôn xao "nghi án" trang cờ bạc trực tuyến quảng cáo trá hình thông qua...

Trích dẫn 

3.859. Sửa Luật Chứng khoán: Vẫn còn đó không...

Sửa Luật Chứng khoán: Vẫn còn đó không ít băn khoăn. (DĐDN) - Việc...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 223,849