108. Phi pháp luật bất thành quản lý.

Phi pháp luật bất thành quản lý.

(NQL) – Qua hai chục năm vận hành nền kinh tế thị trường, đội ngũ các nhà quản lý đã phát triển vượt bậc cả về lượng và chất. Tuy nhiên, hầu hết các nhà quản lý ấy lại chưa được đào tạo bài bản về quản lý, trong đó có quản lý bằng pháp luật, mà chủ yếu là trưởng thành qua thực tế. Trong khi thực trạng quản lý hành chính nhà nước thì bất cập, chưa thật sự bứt khỏi quan liêu, bao cấp để chuyển sang dịch vụ công. Còn thực chất quản lý kinh tế và quản lý doanh nghiệp thì gần như là phải “xoá cờ”, dựng lại từ đầu.

Có một nghịch lý thường xảy ra, đó là khi bố trí nhân sự quản lý kinh doanh, người ta đã quá chú trọng đến tiêu chí phẩm chất chính trị (nếu có thì cũng không cần cho kinh doanh) và tiêu chí bằng cấp (trong đó không ít bằng rởm, bằng trang trí), mà xem nhẹ kỹ năng quản lý. Chẳng hạn, hiện nay không ít trường hợp, khi lựa chọn cán bộ để bổ nhiệm làm Trưởng ban quản lý dự án với số vốn nhiều chục tỷ đồng từ Ngân sách nhà nước, cấp có thẩm quyền đã rất yên tâm với những người được bổ nhiệm đã từng là Bí thư quận uỷ!

Thực tế đã xảy ra nhiều trường hợp cả cá nhân nhà quản lý và tập thể cơ quan phải trả giá. Trong nền kinh tế thị trường, mọi cái đều có giá, học phí không trả trước thì sẽ phải trả sau. Trả trước là đồng tiền khôn. Trả sau là nợ quá hạn, là nợ xấu, cho nên cái giá thường đắt hơn. Cùng với giao nhiệm vụ, nhà quản lý cần phải được đào tạo, bồi dưỡng những kiến thức tối thiểu và thiết yếu về công việc quản lý, về luật pháp. Khi người ta chưa được “võ trang” đầy đủ mà đã giao trọng trách, thì khác nào quẳng người chưa biết bơi xuống biển; đẩy người không biết bắn ra chiến trường; giao chiếc kéo và vải cho người chưa hề biết gì về may mặc,… Như vậy thì không chết là may; sặc nước, ngạt thở, sai đường, lạc lối, thương tật, tàn phế, thất thoát tài sản Nhà nước… là điều đương nhiên. Nguy hiểm hơn, đến khi phát hiện ra người “giữ ghế” không có khả năng quản lý, đã vi phạm nghiêm trọng pháp luật hoặc đã thất bại, tụt hậu, tha hoá, biến chất, thì lại không xử lý dứt điểm, kịp thời bằng pháp luật, mà cứ lùng nhùng tại vị hay đưa đẩy sang ngang, thậm chí còn được “đôn ghế” cao hơn. Điều này đã được dân gian đúc kết thành câu “vè”: Đã leo thì leo cho cao. Đã lên không xuống, đã vào không ra. Đó là cách quản lý bỏ qua pháp luật, là cách xử lý coi thường luật pháp. Thậm chí nghề quản lý và chuyên môn quản lý trong suốt nhiều năm ở nước ta dường như bị đồng nhất với cán bộ lãnh đạo. Không khỏi giật minh trước những bản lý lịch của ứng viên đại biểu Quốc hội ghi chuyên môn nghề nghiệp là “cán bộ”. Chữ “cán bộ” ở đây chắc không dùng để chỉ nhà quản lý, mà là để “ám chỉ” chỉ những người đang ở vị trí lãnh đạo (hẳn là lãnh đạo cấp cao rồi, chứ cán bộ xoàng xĩnh thì thường lại có nghề nghiệp hẳn hoi).

Hiểu biết và thực hiện nghiêm túc pháp luật là điều kiện không thể thiếu để tạo ra một đội ngũ quản lý chuyên nghiệp hơn, hiệu quả hơn, thực chất hơn. Mỗi lĩnh vực kinh doanh có hàng trăm văn bản pháp điều chỉnh trực tiếp, hàng ngàn văn bản liên quan gián tiếp. Do đó, nếu không có kiến thức nhất định về pháp luật, thì thật khó kiểm soát tốt công việc của mình, khó có thể thoát khỏi những “cái bẫy” được vô tình hay cố ý tạo ra. Đặc biệt là trong lúc luật pháp còn tranh tối, tranh sáng; tốt xấu còn vàng thau lẫn lộn như hiện nay, thì ranh giới của pháp luật nhiều khi trở thành yếu tố sống còn của doanh nghiệp. Từng có vụ án trọng điểm, trong đó một vị đứng đầu của một doanh nghiệp lớn đã ai oán thốt lên trước vành móng ngựa: Trước tôi, cùng thời với tôi và sau tôi, tất cả mọi người đều làm như thế, vậy mà chỉ mình tôi chịu tội (!?).

Quả nhiên, giữa pháp luật và thực tế hiện nay, nếu cứ căng dây kẻ chỉ ra, thì chẳng mấy nhà quản lý thoát khỏi vòng phạm pháp. Nhẹ thì ký hợp đồng lao động lách luật, nộp thiếu bảo hiểm xã hội, nặng thì “tiếp khách” không mời cứ đến bằng “phong bì” trên mức tình cảm, trốn tránh mọi khoản sưu cao, thuế nặng. Về ý thức chủ quan, có hai dạng vi phạm pháp luật mà các nhà quản lý thường mắc phải: Biết và không biết là vi phạm. Biết mà vẫn phải vi phạm thì quả là điều đau đớn. Không biết mà vi phạm thì thật là oan uổng. Xã hội càng văn minh, thì càng phải biết nhiều và tuân theo luật pháp. Không bao giờ trở lại cái thời “không biết không có tội”. Từ thành lập, hoạt động cho đến giải thể doanh nghiệp; từ tuyển dụng, sử dụng cho đến sa thải lao động; từ đầu tư, sản xuất, cho đến bán hàng; mọi quá trình từ bỏ chi phí, tạo doanh thu, đến kiếm lợi nhuận, tất tật cái gì pháp luật cũng can thiệp.

Đáng buồn là, nhiều cơ quan, doanh nghiệp vẫn thường tổ chức liên tục các buổi tuyên truyền nghị quyết trong giờ làm việc, nhưng lại chẳng hề phổ biến gì về pháp luật. Nghị quyết không thể thay thế được pháp luật, do vậy hiểu biết và chấp hành tốt mười nghị quyết không có ý nghĩa bằng chấp hành đúng một đạo luật. Không bao giờ có đạo đức kinh doanh đúng nghĩa, đạt được nghệ thuật kinh doanh đích thực và quản lý thành công thật sự, nếu không hiểu biết và tuân thủ pháp luật.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC. 

—-

Bài đăng trên mục Quản trị doanh nghiệp – Tạp chí Nhà Quản lý số 74/8-2009:

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

436. Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài...

Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài sản công. Cố vấn: Luật...

Phỏng vấn 

4.415. Ngân hàng 'nước rút' xác thực sinh trắc...

Ngân hàng 'nước rút' xác thực sinh trắc học trước giờ G. (NĐT) -...

Trích dẫn 

3.969. Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ...

Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ xấu gia tăng nhưng tốt...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 235,978