108. Tháo ngòi quản trị doanh nghiệp

(ĐT) – Nguyên tắc tối đa hoá lợi ích của cổ đông gắn với lợi ích và sự phát triển lâu dài của công ty mà Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp (DN) tuân thủ, đang mở ra nhiều hướng giải quyết các phát sinh trong nội bộ quản trị DN.

Cụ thể, hàng loạt ách tắc lâu nay liên quan đến xác định trách nhiệm và quyền hạn dựa trên vốn điều lệ thực góp hay cam kết; người đại diện theo pháp luật của DN khi rời khỏi Việt Nam quá 30 ngày mà không thực hiện trách nhiệm ủy quyền, hoặc không quay trở lại đúng hẹn; tính pháp lý của biên bản họp hội đồng thành viên khi có thành viên không thực hiện yêu cầu ký vào biên bản hay các vấn đề liên quan để cổ đông không thực hiện nghĩa vụ dự họp đại hội đồng cổ đông… sẽ có thể được tháo gỡ theo những cách xử lý khá mềm dẻo, linh hoạt và thực tiễn trong nội dung Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 139/2007/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật DN. Trong khá nhiều cuộc hội thảo lấy ý kiến, các quan điểm đồng thuận cho rằng, tính đột phá của Dự thảo đã hoá giải những ách tắc trong quản trị nội bộ công ty.

Tuy nhiên, chính tính mềm dẻo mà Dự thảo đang vận dụng lại vướng phải băn khoăn không nhỏ về cơ sở pháp lý của các đề xuất. Thậm chí, LS. Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, khá nhiều điều khoản tại Dự thảo đang vượt quá khung khổ pháp lý, thậm chí trái với quy định của Luật DN, Luật Dân sự…

“Luật DN không thiết kế các quy định cần thiết để xử lý tình huống éo le do người đại diện pháp luật của DN vì nhiều lý do rời công việc quá thời hạn không trở về… Nhưng Dự thảo Nghị định lại đi quá xa bằng việc đưa ra một loạt quy định, như người được ủy quyền, hoặc thành viên còn lại trong công ty sẽ được làm người đại diện theo pháp luật…”, LS. Đức phân tích.

Về điểm này, LS. Lê Nga (Công ty Luật Thiên Cơ) cũng cho rằng, nên quy định thủ tục bầu/bổ nhiệm người thay thế thay vì cơ chế đương nhiên, vì rất có thể, người được ủy quyền không muốn nhận trách nhiệm này.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Đình Cung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cơ quan soạn thảo Dự thảo Nghị định bình luận, các ý kiến góp ý là rất cần thiết và quan trọng đối với Ban soạn thảo, nhằm hoàn thiện Dự thảo theo đúng mục tiêu cao nhất là đảm bảo nguyên tắc nhất quán về quản trị công ty mà pháp luật về DN đang điều chỉnh.

“Chúng tôi cũng muốn chia sẻ cách tiếp cận mềm, dựa trên thực tiễn mà Ban soạn thảo đang áp dụng. Thứ nhất, mô hình quản trị công ty xuyên suốt từ khi xây dựng Luật DN là mô hình tối đa hoá lợi ích của các cổ đông trên cơ sở lợi ích và sự phát triển lâu dài của công ty. Nghĩa là mục tiêu đảm bảo lợi ích của cổ đông phải dựa trên và không tách biệt với lợi ích của công ty. Điều này khác với nhiều nước, nhất là mô hình Anh – Mỹ, khi mục tiêu và đối tượng chính của quản trị công ty là các cổ đông. Thứ hai, sự tiến bộ mà Dự thảo Nghị định hướng tới là giải quyết được các vấn đề cụ thể, nhưng không phải là cá biệt, của thực tiễn trên cơ sở mô hình quản trị mà Việt Nam đang theo đuổi”, ông Cung nói và đồng tình với quan điểm là không được trái với các quy định của pháp luật liên quan.

Trên nguyên tắc này, Ban soạn thảo Dự thảo Nghị định đề xuất xử lý tiếp các phát sinh thực tiễn liên quan đến người đại diện theo pháp luật của DN, nhằm tạo điều kiện cho DN hoạt động liên tục, đảm bảo lợi ích của các bên liên quan.

Tương tự, đề xuất các thành viên độc lập của HĐQT đương nhiên là người đại diện theo ủy quyền dự đại hội cổ đông của cổ đông không dự họp mà không cần văn bản ủy quyền được xây dựng trên nguyên tắc gắn trách nhiệm và nghĩa vụ của cổ đông với lợi ích của công ty. “Có ý kiến cho rằng, nội dung này vi phạm Luật Dân sự về ủy quyền. Tuy nhiên, về bản chất, nội dung sự việc mà Luật Dân sự và Luật DN đề cập khác nhau về phạm vi ảnh hưởng của việc ủy quyền. Ở đây, dự họp đại hội đồng cổ đông không chỉ là quyền, mà còn là nghĩa vụ của cổ đông, nó ảnh huởng trực tiếp tới quyền lợi của cổ đông khác, lợi ích của công ty và các bên liên quan. Do vậy, Dự thảo đưa ra cơ chế ủy quyền đương nhiên nhằm đảm bảo lợi ích lâu dài cho hoạt động của công ty, đặt yêu cầu cao hơn cho cổ đông. Đề xuất này cũng cân nhắc thêm thực tiễn của Việt Nam hiện tại khi các cổ đông chưa ý thức rõ quyền, trách nhiệm của mình…”, ông Cung phân tích thêm.

Lợi ích của công ty và đặc thù cổ đông đầu cơ nhiều hơn đầu tư của Việt Nam cũng là lý do mà Ban soạn thảo đề xuất việc chi trả cổ tức theo thị giá tại thời điểm chi trả, thay vì mệnh giá hay hướng giải quyết tính hợp lệ của biên bản hội đồng thành viên khi thiếu chữ ký của thành viên có mặt.

“Phải khẳng định rõ rằng, biên bản này đã được hội đồng thành viên nhất trí thông qua. Việc xử lý tình huống thiếu chữ ký của thành viên có mặt bằng chữ ký tham dự chỉ có giá trị đảm bảo tính hợp lệ của biên bản khi công ty tiến hành các thủ tục tiếp sau, chứ không có ý nghĩa thay đổi nội dung biên bản đã được thông qua, cũng không thay đổi ý kiến của các thành viên, kể cả thành viên từ chối ký biên bản”, ông Cung nhấn mạnh.

Bảo Duy

—————————————

Báo Đầu tư ngày 19-4-2010:

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.393. Đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng pháp...

Đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng pháp luật đáp ứng yêu cầu phát...

Trích dẫn 

3.913. Giá vàng ngày một "nóng", có nên nắm giữ...

Giá vàng ngày một "nóng", có nên nắm giữ dài hạn? (KTCK) - Giá vàng tăng...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 232,477