(ANVI) – Hội thảo Doanh nghiệp tham gia xây dựng pháp luật kinh doanh:
VCCI ngày 24-3-2009
1. Muốn hay không vẫn phải quan tâm
Có thể phân chia văn bản pháp luật kinh doanh thành 3 loại: Thúc đẩy kinh doanh, vô thưởng vô phạt và ngáng trở kinh doanh. Pháp luật kinh doanh là sự sống còn của doanh nghiệp, vì vậy doanh nghiệp cần phải và cần thiết tham gia để phát huy cái thứ nhất, hạn chế cái thứ hai và loại bỏ cái thứ ba.
Doanh nghiệp là nền tảng kinh tế của một quốc gia, vì vậy nó đóng vai trò là trung tâm, là tình huống để hình thành nên các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh nền kinh tế thị trường. Cộng đồng doanh nghiệp muốn có tiếng nói quan trọng, thậm chí là quyết định, trong việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Trong nhiều trường hợp, mỗi văn bản pháp luật về kinh doanh được ban hành là một gánh nặng pháp lý, đồng thời cũng là một gánh nặng về tiền bạc đối với doanh nghiệp. Tối thiểu cũng phải tốn kém thời gian, chi phí để tìm hiểu và tuân thủ quy định; hơn nữa thì tăng thêm nghĩa vụ tài chính đối với doanh nghiệp. Vì vậy, doanh nghiệp đã, đang và sẽ quan tâm nhiều đến luật lệ kinh doanh, thậm chí còn muốn hiểu rõ để còn… lách luật.
Ví dụ, về khoản đóng góp bảo hiểm xã hội của người lao động, doanh nghiệp còn quan tâm hơn là chính người lao động hay Công đoàn. Khi thực hiện Bộ luật Lao động, thì doanh nghiệp chỉ phải đóng 17% bảo hiểm xã hội. Sau khi có Luật Bảo hiểm xã hội, thì tăng lên 18%. Đến khi có Luật Bảo hiểm y tế, thì chuẩn bị lên 20%. Nếu cộng cả phần đóng góp của người lao động, mà thực chất doanh nghiệp cũng phải lo chi trả, thì bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế tương ứng là từ 23% sẽ lên 25-28-30-32 và rồi 34% sau 5 năm nữa.[1] Đến nay, còn ít doanh nghiệp tính ra con số đóng góp 34% trên tổng quỹ tiền lương này. Chỉ biết rằng khi tỉ lệ tăng lên, thì doanh nghiệp sẽ tìm cách hạ thấp thu nhập tính bảo hiểm, vốn dĩ lâu nay đã ở mức khá thấp (Hợp đồng lao động chỉ ghi 30-50% mức lương).
2. Ngại tham gia hay chán tham gia?
Doanh nghiệp không tích cực, không mặn mà tham gia xây dựng các văn bản pháp luật, điều đó không sai. Tuy nhiên, nguyên nhân quan trọng không phải là thờ ơ, thiếu trách nhiệm, mà là do chán ngán, nản lòng, chẳng muốn tham gia.
Người ta không tham gia chắc là vì một trong 3 lý do: Không có vấn đề gì cần tham gia, không có khả năng tham gia hoặc không muốn tham gia. Hai lý do đầu là có nhưng không phải là chủ yếu. Vấn đề quan trọng nhất là người ta cảm thấy không có ý nghĩa tác dụng, cũng giống như tham gia ý kiến vào nhiều vấn đề khác trong đời sống xã hội lâu nay.
Hẳn nhiều doanh nghiệp đã tự rút ra bài học: Nói ra không được nghe thì quả là phí lời, chưa nói có khi còn bị “đì”, bị “trù” cho tới số.
Một trong những cái chán nữa là: Nhiều người đã nói rồi, nói mãi mà vẫn không tiếp thu, đôi khi do cơ quan soạn thảo không nghe, không đọc, không xem, không nhớ. Tham vấn nếu chỉ từ các kênh chính thống kiểu báo cáo hành chính, thì đã bỏ qua những nguồn thông tin dồi dào có giá trị. Đó là rất nhiều vấn đề xuất hiện năm này qua tháng khác trên các tạp chí, báo viết, báo hình, báo nói, báo điện tử, diễn đàn, blog, hội nghị,…
3. Tham vấn lấy lệ, mặc kệ chúng tôi!
Tham vấn xây dựng pháp luật là điều rất cần thiết, là bắt buộc trong quy trình xây dựng pháp luật. Tuy nhiên về cả nội dung và hình thức đều còn diễn ra tình trạng tham vấn hình thức, lấy lệ.
Về nội dung, các chuyên gia trong cuộc (Tổ biên tập và Ban soạn thảo) còn bị trói chân, trói tay, viết ít, lách nhiều, nói gì đến ý kiến của những người góp ý “vô hình” bên ngoài. Do đó, tranh cãi gay gắt triền miên, nhưng rồi cuối cùng vẫn giữ nguyên dự thảo.
Cách thức tham vấn kiểu cùng nhau “cưỡi ngựa xem hoa”, thì hoặc là hoa mắt, chóng mặt hoặc giẫm đạp lên hoa chứ làm sao chắt lọc được sản phẩm tinh hoa? Do đó, tất nhiên là không tránh khỏi trình trạng ý kiến tham gia như nước chảy bèo trôi, nước đổ đầu vịt, đá ném ao bèo.
Người khôn ngoan thì khen ngợi đôi ba câu cho phải phép. Người hiểu biết thì phán vài câu vô thưởng vô phạt. Muốn có ý kiến tham gia thật sự, thì đôi khi phải chấp nhận sự phản bác khó nghe, vì tham gia vô tư thì người ta không cần nguỵ trang sự thật để lấy lòng nhau.
Cách đây gần một năm, tại một cuộc lấy ý kiến của các ngân hàng, sau một số ý kiến phát biểu được đông đảo người dự tán đồng, có một vị Vụ trưởng đã kết luận thẳng toẹt rằng: Vì cầu thị nên mới tổ chức buổi họp này, chứ quyền của chúng tôi áp đặt thế nào thì các anh phải thực hiện như thế!? Lần sau không biết có còn ai muốn góp ý nữa hay không?
Nếu thật sự cầu thị, thì hãy tiếp thu mọi ý kiến để xử lý, kể cả khi người tham gia hiểu sai vấn đề, thì cũng vẫn phải tiếp nhận để chỉnh sửa cho giảm thiểu cách hiểu thế nào cũng được và tránh dẫn đến hiểu sai, hiểu nhầm chỉ vì diễn đạt thiếu rõ ràng.
Hãy mong chờ doanh nghiệp phát hiện và bình luận vấn đề một cách giản đơn, đời thường, nôm na. Đừng đòi hỏi doanh nghiệp phải lý giải sâu xa, dẫn dắt lô-gíc, tổng hợp bài bản, số liệu đầy đủ thì mới xem xét. Đó là phần việc tiếp theo của các chuyên gia, các đoàn thể, hiệp hội, như VCCI chẳng hạn; đặc biệt là trước các vấn đề mà ý kiến tham gia mâu thuẫn, đối lập nhau.
4. Dự thảo thì “lành”, ban hành mới “độc”
Mỗi câu, mỗi chữ của văn bản quy phạm pháp luật ban ra có thể làm “lên đời” hoặc “triệt hạ” hàng vạn doanh nghiệp. Câu chữ rõ ràng, dự thảo minh bạch, người soạn thảo cân nhắc thận trọng, người liên quan biết để tranh luận, phản biện, thì không được cả, chắc cũng được bảy tám phần mười.
Nhưng trên thực tế, không hiếm trường hợp người ta đưa ra nội dung dự thảo suôn sẻ, nhẹ nhàng, sạch sẽ, nhưng khi ban hành thì lại thấy có những cú chốt bất ngờ, những quy định rắn như đinh, trên trời rơi xuống. Chưa nói, tham gia được ở luật, thì lại không ổn ở nghị định, góp ý ở nghị định thì lại hỏng ở thông tư. Rồi hết luật này lại đến luật khác, có khi tưởng là vấn đề xã hội, nhưng lại là là kinh tế và doanh nghiệp vẫn là người chịu trận. Chẳng hạn như Luật Bảo hiểm y tế nói trên, vấn đề lớn nhất chính là doanh nghiệp phải đóng góp tăng lên gấp đôi.
Dù có săm soi dự thảo kỹ lưỡng đến đâu, thì cũng khó tránh khỏi sai sót, bất cập hoặc dự thảo trước bớt được cái này nhưng rồi dự thảo sau lại đẻ ra cái khác. Ví dụ, ý đồ soạn thảo chỉ yêu cầu 1 người có chứng chỉ hành nghề, nhưng các Điều 16, 18 và 19 của Luật Doanh nghiệp về Hồ sơ đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp lại viết rõ là phải có chứng chỉ hành nghề của “Giám đốc và cá nhân khác”, thì buộc phải hiểu là của 2 người trở lên. Do vậy, sửa đổi để hoàn thiện pháp luật là vô cùng cần thiết, quan trọng. Góp ý cái mới nặng về suy đoán chủ quan, còn góp ý văn bản hiện hành là sự cần thiết thực tế, khách quan, cụ thể, rõ ràng hơn nhiều. Thế nhưng, xây mới đã chậm, sửa đổi còn trì trệ hơn nhiều. Chẳng hạn, mấy năm loay hoay sửa có 1 Điều của Luật Nhà ở về việc cơi nới cho Việt kiều mua nhà mà chưa xong. Trong khi đáng lẽ đã phải sửa nhiều điều của Luật này từ lâu rồi. Ví dụ đời thuở nhà ai, nhận thế chấp mọi thứ hình thành trong tương lai thì được, nhưng riêng nhà ở thì đành bó tay, vì chỉ được phép giao dịch khi đã “Có giấy chứng nhận quyền sở hữu” (Điều 91, Luật Nhà ở)? Hay thuê nhà 3 tháng thì không phải công chứng, nhưng mượn nhà 3 ngày thì lại bắt công chứng (Điều 93, Luật Nhà ở)?
Trong lúc soạn thảo đã “bắn không nên”, mà lại khó khăn không chịu “đền đạn” thì việc tham vấn doanh nghiệp sẽ tiếp tục là hữu danh vô thực.
Nâng cao vai trò DN trong xây dựng pháp luật kinh doanh
…
Ông Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI nói: “Theo tôi, tác dụng của các hội thảo còn ít vì sự tham gia của doanh nghiệp nói chung còn hạn chế”. Ông nói thêm, nhiều khi chỉ là hình thức chứ không có ý nghĩa trên thực tế, đó là bức xúc đòi hỏi xã hội cần phải giải quyết. Ông Đức bày tỏ tin tưởng là VCCI sẽ làm được nhiều hơn nữa với vài trò là tổ chức đại diện cho doanh nghiệp, tập hợp ý kiến của các doanh nghiệp. Ông nói: “Có nhiều người nói rằng doanh nghiệp không nhiệt tình, không có cơ sở nhất định… nhưng theo tôi, không phải như thế. Khi doanh nghiệp đưa ý kiến, dù ý kiến nhỏ thôi thì chúng ta cũng nên lắng nghe để tiếp thu. Chúng ta nên tận dụng cái sức ép về truyền thông về tuyên truyền quảng bá tác động quốc hội và cơ quan khác. Góp ý các về những bất cập vô lý còn tồn tại làm ảnh hưởng tới doanh nghiệp trong các văn bản đã ban hành.
…
Đăng lại:
http://thongtinphapluatdansu.wordpress.com/2009/03/24/2513/
http://www.vntrades.com/tintuc/name-News-file-article-sid-42268.htm
Bàn tròn VNTRADES: Xây dựng luật: Để DN mặn mà!
….
Tham vấn “cưỡi ngựa xem hoa”
Nhiều DN tự bảo nhau, góp ý xây dựng luật phải khéo, bởi không cẩn thận sẽ bị “trù” cho tới số. Chính vì vậy, người khôn ngoan thì khen ngợi đôi ba câu cho phải phép. Người hiểu biết thì phán vài câu vô thưởng vô phạt. Theo các DN, nếu các nhà xây dựng luật muốn có ý kiến tham gia thật sự, thì đôi khi phải chấp nhận sự phản bác khó nghe, vì tham gia vô tư thì người ta không cần nguỵ trang sự thật để lấy lòng nhau.
Không chỉ có vậy, LS Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI đưa ra một ví dụ: Tại một cuộc lấy ý kiến của các ngân hàng, sau một số ý kiến phát biểu được đông đảo người dự tán đồng, có một vị Vụ trưởng đã kết luận thẳng toẹt rằng: “Vì cầu thị nên mới tổ chức buổi họp này, chứ quyền của chúng tôi áp đặt thế nào thì các anh phải thực hiện như thế”. Vậy, lần sau không biết có còn ai muốn góp ý nữa không?
Bên cạnh đó, nhiều DN phàn nàn, hình như cơ quan soạn thảo không nghe, không đọc, không xem, không nhớ các đóng góp của mình. Để rồi cuối cùng hậu quả, văn bản được ban hành nhiều bất cập. Cơ quan soạn thảo lại viện dẫn rất nhiều lý do để thoái thác.
Cuối cùng DN không thông thì muốn tìm hiểu rõ luật để còn… lách luật. Ví dụ, về khoản đóng góp bảo hiểm xã hội của người lao động, DN còn quan tâm hơn là chính người lao động hay Công đoàn. Khi thực hiện Bộ luật Lao động, thì DN chỉ phải đóng 17% bảo hiểm xã hội. Sau khi có Luật Bảo hiểm xã hội, thì tăng lên 18%. Đến khi có Luật Bảo hiểm y tế, thì chuẩn bị lên 20%. Nếu cộng cả phần đóng góp của người lao động, mà thực chất DN cũng phải lo chi trả, thì bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế tương ứng là 23%. Khi tỷ lệ đóng góp tăng lên, thì DN sẽ tìm cách hạ thấp thu nhập tính bảo hiểm, vốn dĩ lâu nay đã ở mức khá thấp (Hợp đồng lao động chỉ ghi 30-50% mức lương).
….
http://www.ktdt.com.vn/print.asp?newsid=137535
(Báo Kinh tế và Đô thị)
Doanh nghiệp không lên tiếng vì… đã nản lòng
Cập nhật lúc 08h09, Ngày 25/03/2009
Hanoinet – Hàng nghìn trong tổng số hơn 19.000 văn bản quy phạm pháp luật của nước ta có nội dung liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp tới hoạt động của doanh nghiệp.
Tuy nhiên quá trình xây dựng hầu hết các văn bản này lại thiếu đi tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp. Lỗi do cơ quan ban hành không tiếp thu góp ý hay doanh nghiệp đã thờ ơ?
Doanh nghiệp đã nản lòng
Theo luật sư Trương Thanh Đức – Chủ tịch Giám đốc Công ty Luật ANVI, phần lớn các doanh nghiệp hiện nay không mặn mà với việc góp ý xây dựng văn bản pháp luật. Tuy nhiên nguyên nhân quan trọng không phải vì doanh nghiệp ngại va chạm hay thờ ơ mà là do họ đã nản lòng, không muốn tham gia góp ý hay phản biện.
“Doanh nghiệp thấy chán, thấy nản lòng vì cảm thấy tiếng nói của mình không có trọng lượng, không có giá trị” – ông Đức giãi bày.
Chưa kể nhiều hội thảo do chính các Bộ ngành, cơ quan ban hành văn bản pháp luật đứng ra chủ trì nhưng lại nặng tính hình thức, tham vấn chỉ là lấy lệ. “Cách thức tham vấn kiểu cùng nhau “cưỡi ngựa xem hoa” thì hoặc là hoa mắt, chóng mặt hoặc giẫm đạp lên nhau chứ làm sao chắt lọc được sản phẩm tinh túy?” – đại diện một doanh nghiệp nói. Cách đây gần một năm, tại một cuộc hội thảo lấy ý kiến của các ngân hàng, sau một số ý kiến phát biểu được đông đảo mọi người tán đồng, có một vị vụ trưởng đã kết luận: Vì cầu thị nên mới tổ chức buổi họp này chứ quyền của chúng tôi áp đặt thế nào thì các anh phải thực hiện như thế! Kết luận này khiến những người ngồi dưới phải sững sờ.
Không mấy doanh nghiệp còn thiết tha, mặn mà với việc góp ý sửa đổi văn bản luật, nếu được mời tới góp ý thì chỉ nói dăm câu vô thưởng vô phạt vì thế một số điều luật, quy định trong nhiều nghị định, thông tư không chỉ xa với đời sống thực tiễn mà thậm chí còn gây cản trở tới hoạt động kinh doanh. Cuối cùng doanh nghiệp vẫn là người chịu trận.
….
Báo Đất Việt 25-3-2009
Doanh nghiệp ở đâu trong quá trình soạn thảo Luật?
…
LS Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, cho rằng do luật chưa thoả đáng nên mới nảy sinh hiện tượng “lách luật” trong kinh doanh. Chẳng hạn, khi thực hiện Bộ luật Lao động, DN chỉ phải đóng 17% bảo hiểm xã hội (BHXH) cho người lao động. Sau khi có Luật BHXH, DN phải đóng 18%. Đến khi có Luật Bảo hiểm y tế, mức đóng góp chuẩn bị tăng lên tương ứng 20%. Một DN vận tải tại Bắc Ninh thú nhận “khi tỷ lệ đóng góp liên tục tăng, DN tất yếu sẽ tìm cách hạ thấp thu nhập tính bảo hiểm để “lách” như trong hợp đồng lao động chỉ ghi 30-50% mức lương”.
….
[1] Bảng tổng hợp tỷ lệ đóng BHXH:
TT | Trách nhiệm đóng Bảo hiểm xã hội | Trước 01-2009 | Từ tháng 01-6/2009 | Từ tháng 7-12/2009 | Năm 2010 và 2011 | Năm 2012 và 2013 | Năm 2014 trở đi |
1 | Người lao động | 6% | 7% | 8% | 9% | 10% | 11% |
2 | Doanh nghiệp | 17% | 18% | 20% | 21% | 22% | 23% |
3 | Tổng cộng | 23% | 25% | 28% | 30% | 32% | 34% |
—————————–
ĐC: Công ty Luật ANVI, tầng 4, Tòa nhà Savina, số 1 Đinh Lễ, phố Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, HN
FB: Trương Thanh Đức (www.facebook.com/LSTruongThanhDuc)
E-mail: duc.tt @anvilaw.com
Web: www.anvilaw.com
ĐT: 090.345.9070