113. Muốn làm đúng luật đâu có dễ!

Muốn làm đúng luật đâu có dễ!

(NQL) – Việc xác định các tỷ lệ tối thiểu để thông qua các quyết định là một trong những yếu tố sống còn đối với doanh nghiệp. Tuy nhiên, gần 3 năm qua, mặc dù văn bản đã chỉ rõ, nhưng việc áp dụng vẫn còn nằm trong vòng bế tắc mơ hồ.   
Tưởng đã rõ như ban ngày

Luật Doanh nghiệp năm 1999 trước đây quy định các tỷ lệ tối thiểu để tổ chức các cuộc họp của Hội đồng thành viên công ty TNHH là có số thành viên dự họp đại diện ít nhất 65%; của cuộc họp Đại hội đồng cổ đông công ty cổ phần là có số cổ đông dự họp đại diện ít nhất 51% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Nhưng đến Luật Doanh nghiệp năm 2005, tỷ lệ này bất ngờ được nâng lên thành 75% và 65% (Điều 51 và 103). Tương tự là tỷ lệ tối thiểu để biểu quyết thông qua các vấn đề đối với hai loại hình công ty này cũng được nâng từ 51% lên 65% (Điều 53 và 104). Ngoài ra tỷ lệ biểu quyết đối với một số vấn đề quan trọng của công ty còn được nâng từ 65% lên 75%.

Đó là những cái chốt nhằm bảo vệ nhà đầu tư nhỏ, nhưng lại gây trở ngại lớn cho việc thông qua các quyết định, tăng thêm nhiều trường hợp bế tắc trong thực tế quản trị công ty, đồng thời cũng đi ngược lại với thông lệ quốc tế. Vì vậy, Nghị quyết số 71/2006/QH11 ngày 29-11-2006 của Quốc hội Phê chuẩn Nghị định thư gia nhập Hiệp định thành lập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã chỉnh sửa lại bằng cách cho phép “Áp dụng trực tiếp các cam kết của Việt Nam được ghi tại Phụ lục đính kèm”. Phụ lục áp dụng kèm theo Nghị quyết nêu ra 7 đạo luật, trong đó có Luật Doanh nghiệp năm 2005. Cụ thể, phần nội dung áp dụng đối với các điều 51, 52, 103 và 104 của Luật Doanh nghiệp như sau:

Công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần được quyền quy định trong Điều lệ công ty các nội dung sau:

  1. Số đại diện cần thiết để tổ chức cuộc họp và hình thức thông qua quyết định của Hội đồng thành viên, Đại hội đồng cổ đông;
  2. Các vấn đề thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng thành viên, Đại hội đồng cổ đông;
  3. Tỉ lệ đa số phiếu cần thiết (kể cả tỷ lệ đa số 51%) để thông qua các quyết định của Hội đồng thành viên, Đại hội đồng cổ đông.”

Nghị quyết của Quốc hội có giá trị pháp lý ngang luật. Vì vậy việc cho phép thay đổi các tỷ lệ nói trên đồng nghĩa với việc sửa đổi các nội dung liên quan trong Luật Doanh nghiệp, giảm các tỷ lệ tối thiểu từ 65% và 75% xuống 51%.

Ngày 24-10-2007 Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã có Công văn số 11388/NHNN-CNH về việc thực hiện Nghị quyết số 71, trong đó hướng dẫn các ngân hàng thương mại cổ phần có thể áp dụng tỷ lệ tối thiểu là 51% như Nghị quyết 71/2006/QH11.

Không ngờ ngày tối như đêm

Tuy nhiên, quan điểm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (cơ quan chủ trì soạn thảo Luật Doanh nghiệp) về vấn đề trên thì lại hoàn toàn khác. Tại Công văn số 771/BKH-TCT ngày 26-12-2007, phúc đáp Công văn số 109/UBKT12 của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội ngày 18-12-2007 và Công văn số 88/CV-HP của Công ty Cổ phần Hà Phong ngày 12-11-2007 về việc giải thích nội dung Nghị quyết 71/2006/QH11, Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư đã giải thích rằng: Tỷ lệ tối thiểu 51% ghi trong Nghị quyết số 71/2006/QH11 nói trên chỉ được áp dụng đối với các công ty liên doanh giữa Việt Nam với nước ngoài và chỉ được áp dụng đối với các công ty hoạt động trong lĩnh vực thương mại dịch vụ, chứ không áp dụng với các công ty khác. Theo Công văn này, thì dường như Nghị quyết của Quốc hội đã có sự nhầm lẫn kiểu “vơ đũa cả nắm”. Trước đó, Dự thảo 4, Nghị định Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số cam kết về đầu tư của Việt Nam với WTO do Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo và lấy ý kiến từ năm 2007 thì đã đưa ra quan điểm áp dụng tỷ lệ 51% cho tất cả các loại hình doanh nghiệp. Nhưng đáng tiếc là đến nay nó vẫn chỉ là dự thảo.

Trước nữa, tại khoản 1, Điều 20, Điều lệ mẫu áp dụng cho các công ty niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán, Trung tâm giao dịch chứng khoán, ban hành kèm theo Quyết định số 15/2007/QĐ-BTC ngày 19-3-2007 của Bộ trưởng Bộ Tài chính thì lại đưa ra tỷ lệ tối thiểu là 65%. Đặc biệt, ngoài Công văn số 11388/NHNN-CNH hướng dẫn áp dụng tỷ lệ 51% nói trên, trước đó Ngân hàng Nhà nước còn có Công văn số 2217/NHNN-CNH ngày 19-3-2007 về việc áp dụng quy định của Luật Doanh nghiệp, cũng yêu cầu thực hiện theo tỷ lệ 65%.

Gần đây, một loạt văn bản khác cũng trực tiếp hay gián tiếp cho rằng phải áp dụng tỷ lệ tối thiểu 65% và 75%, như: Công văn của Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) hồi giữa tháng 3-2009; Công văn số 431/UBCK-QLPH ngày 25-3-2009 của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước; Công văn số 3069/BKH-PTDN ngày 04-5-2009 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Nghị định số 59/2009/NĐ-CP ngày 16-7-2009 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của ngân hàng thương mại. Chỉ riêng Ngân hàng Nhà nước, đã thể hiện quan điểm trái ngược nhau bằng 4 văn bản: Một Công văn khẳng định tỷ lệ 65%, một Công văn khác ấn định con số 51%, đồng thời đã soạn thảo Nghị định số 59/2009/NĐ-CP theo hướng ủng hộ tỷ lệ 65% và trình Dự luật các tổ chức tín dụng (đã thông qua Chính phủ và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tháng 9-2009) trong đó bảo vệ tỷ lệ là 51%.

Bảng tổng hợp tỷ lệ dự họp (lần 1) và tỷ lệ thông qua các vấn đề thông thường của công ty cổ phần và TNHH:
TTNgàySố văn bảnTỷ lệ dự họpTỷ lệ thông qua
ĐHĐCDHĐTVTại

cuộc họp

Lấy ý

kiến VB

129-11-200560/2005/QH1165%75%65%75%
229-11-200671/2006/QH1151%51%51%51%
319-03-200715/2007/QĐ-BTC65%75%65%75%
419-03-20072217/NHNN-CNH65%75%65%75%
524-10-200711388/NHNN-CNH51%51%51%51%
626-12-2007771/BKH-TCT65%75%65%75%
725-03-2009431/UBCK-QLPH65%75%65%75%
804-05-20093069/BKH-PTDN65%75%65%75%
916-07-200959/2009/NĐ-CP65%75%65%75%
1016-06-2010Luật các TCTD65%51%51%

Tất cả các văn bản trên đều không có giá trị giải thích chính thức việc áp dụng các tỷ lệ tối thiểu của Luật Doanh nghiệp. Vì theo Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 cũng như năm 1996, thì chỉ có Uỷ ban Thường vụ Quốc hội mới có thẩm quyền giải thích luật (cũng tương tự như quy định của Luật này trước đây). Tuy nhiên, với một loạt văn bản như trên, các công ty thực sự hoang mang, không biết đường nào mà lần. Vậy là câu chữ trong văn bản luật và Nghị quyết của Quốc hội đã rành rành như thế, nhưng vẫn không biết thế nào là đúng. Nghị quyết của Quốc hội nhầm lẫn hay người đọc hiểu nhầm? Ai trả lời câu hỏi này cho hàng trăm ngàn doanh nghiệp đang phải lấy luật làm khuôn vàng thước ngọc tuân theo?

Và những điều mơ hồ khác

Luật Doanh nghiệp quy định cuộc họp Hội đồng thành viên hoặc Đại hội đồng cổ đông được tiến hành khi đạt được tỷ lệ tối thiểu là 75% hoặc 65% nói trên là điều kiện đối với cuộc họp được triệu tập lần thứ nhất. Trường hợp cuộc họp lần thứ nhất không đủ tỷ lệ đó, thì cuộc họp lần thứ hai chỉ cần đạt tỷ lệ tối thiểu 50% (đối với Hội đồng thành viên) hoặc 51% (đối với Đại hội đồng cổ đông). Tuy nhiên nếu cứ theo đúng câu chữ của Nghị quyết số 71/2006/QH11, lần thứ nhất chỉ cần tối thiểu 51%, vậy thì lần thứ hai không lẽ cũng lại là 51%? Như vậy, thì khác nào vô hiệu hoá cơ chế giải quyết tình trạng bế tắc đối với cuộc họp lần thứ nhất của công ty theo Luật Doanh nghiệp?

Luật Doanh nghiệp quy định tỷ lệ biểu quyết các vấn đề quan trọng của công ty tại cuộc họp hoặc mọi quyết định được thông qua theo hình thức lấy ý kiến bằng văn bản phải được thông qua với tỷ lệ 75%. Nếu theo như Nghị quyết số 71/2006/QH11 thì mọi vấn đề đều có thể áp dụng tỷ lệ tối thiểu 51%. Như thế thì lại đánh đồng những vấn đề đại sự với vấn đề nhỏ nhặt của công ty?

Cách lý sự của Bộ Kế hoạch và Đầu tư rằng, Nghị quyết số 71/2006/QH11 chỉ áp dụng đối với các công ty liên doanh, nhưng chính khái niệm “liên doanh” thì đã bị xoá sổ trong Luật Doanh nghiệp. Theo đó, từ ngày 01-01-2006 trở đi, chỉ còn một số doanh nghiệp không làm thủ tục chuyển đổi thì vẫn giữ lại tên gọi này, còn nhiều doanh nghiệp liên doanh trước đó sẽ được chuyển đổi thành công ty TNHH hoặc công ty cổ phần và việc thành lập mới cũng không còn gọi là doanh nghiệp liên doanh nữa. Chính Công văn số 771/BKH-TCT cũng đã băn khoăn về khái niệm công ty liên doanh rằng “Đây là điểm tương đối khó phân biệt bởi trong Luật Doanh nghiệp 2005 không còn khái niệm “liên doanh””.

Tạp chí Nhà Quản lý số 71/2009 có bài “Cần tôn trọng Nghị quyết 71/2006/NQ-QH11!” của Luật gia Cao Bá Khoát. Nhưng biết tôn trọng thế nào đây, khi mà không khẳng định được tỷ lệ tối thiểu nào là hợp pháp? Cộng đồng doanh nghiệp vẫn ngày đêm ngóng chờ việc “giải mã” vấn đề pháp lý nói trên.

———————————————

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC. 


Bài đăng trên số 76/10-2009, Tạp chí Nhà Quản lý:

  • Đăng lại:

http://sunlaw.com.vn/news/muon-lam-dung-luat-dau-co-de.aspx

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.393. Đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng pháp...

Đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng pháp luật đáp ứng yêu cầu phát...

Trích dẫn 

3.913. Giá vàng ngày một "nóng", có nên nắm giữ...

Giá vàng ngày một "nóng", có nên nắm giữ dài hạn? (KTCK) - Giá vàng tăng...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 232,504