113. Quyền của công dân, tiền của doanh nghiệp.

(ANVI) – Góp ý Dự thảo Luật Tiếp cận thông tin:

Dự luật Tiếp cận thông tin là một bước đột phá lấp bớt lỗ hổng thăm thẳm suốt bảy chục năm qua về quyền được biết của công dân. Nó cần được xem xét về mọi khía cạnh để có thể đáp ứng được kỳ vọng của công chúng nói chung và của doanh nghiệp nói riêng.

Có cần mở rộng quyền tiếp cận?

Dự luật này cụ thể hoá một trong những quyền Hiến định cơ bản của công dân, đó là quyền được thông tin. Tuy nhiên, Hiến pháp dành riêng quyền này cho người dân trong mối quan hệ Nhà nước – Công dân, chứ không phải là dành cho mọi đối tượng. Dự luật mở rộng quyền tiếp cận thông tin cho mọi cá nhân, tổ chức là điều khác với quy định của Hiến pháp.

Việc tiếp cận thông tin của các tổ chức là cơ quan, đơn vị nhà nước thì đã và sẽ tiếp tục được quy định một cách chi ly, bắt buộc trong hàng trăm văn bản liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các tổ chức này.

Việc tiếp cận thông tin của báo chí cần được quy định rõ hơn, cụ thể hơn và khác biệt hơn trong Luật Báo chí. Nếu cơ quan báo chí cũng chỉ được phép tiếp cận thông tin với cách thức, phạm vi giống như đối với một cá nhân, thì sẽ là không đầy đủ, không toàn diện và đặc biệt là không kịp thời (thời hạn cung cấp thông tin theo Dự luật là 10 ngày, chưa kể việc được nới thêm mà không có giới hạn về thời gian). Cứ thực hiện đúng theo quy định của Dự luật này, thì báo chí khó hoàn thành sứ mệnh đáp ứng nhanh chóng, kịp thời, chính xác quyền được thông tin của công chúng.

Còn thông tin mà doanh nghiệp yêu cầu là để phục vụ hoạt động kinh doanh, thì rõ ràng thuộc về một phạm vi khác hẳn với quyền được thông tin của công dân. Không nên quy định về quyền tiếp cận thông tin của doanh nghiệp bằng kênh này. Nó cần được quy định trong các văn bản về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước phục vụ quản lý kinh tế và kinh doanh. Ví dụ cơ quan nhà nước các cấp đã được giao trách nhiệm cụ thể trong việc cung cấp thông tin pháp lý cho doanh nghiệp theo Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28-5-2008 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

Mục đích và nội dung đòi hỏi tiếp cận thông tin của cá nhân, báo chí, doanh nghiệp và các tổ chức khác là hoàn toàn khác nhau. Do vậy, Luật này chỉ nên quy định về quyền của công dân đúng như Điều 69 của Hiến pháp đã ấn định.

Doanh nghiệp sẽ tiếp cận được gì?

Tuy Hiến pháp không quy định về quyền tiếp cận thông tin của các tổ chức, nhưng nếu Dự luật vẫn dành quyền này cho doanh nghiệp, thì lại thêm một cơ hội tốt cho doanh nghiệp. Có điều, nếu Quốc hội đồng ý thì Dự luật cần quy định đủ rõ để tránh biến thành hư quyền.

Quyền tiếp cận thông tin của cá nhân hay doanh nghiệp đều có những hạn chế giống nhau. Cản trở lớn nhất là “bức tường” thông tin bí mật, nhất là bí mật nhà nước. Tuy bí mật nhà nước đã được quy định tương đối cụ thể tại hàng chục văn bản quy phạm pháp luật một cách cụ thể, chặt chẽ, nhưng trên thực tế thì nó vẫn mênh mông, mờ ảo. Bất kỳ văn bản nào, thông tin nào cũng có thể bị “phong toả” bằng con dấu “Mật”, thậm chí là đóng dấu “miệng”. Rồi tình trạng đã chót đóng dấu mật vào văn bản không có gì là mật, cho nên cũng quên giải mật luôn, thế là thông tin cứ bị kiềm toả trong vòng bí mật. Bản thân văn bản mật không được công bố đã đành, lại còn tình trạng cả văn bản liệt kê cái gì là mật cũng trở thành bí mật. Ví dụ Quyết định số 151/2003/QĐ-BCA ngày 11-3-2003 của Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Danh mục bí mật Nhà nước độ Mật trong ngành Ngân hàng cũng không được đăng Công báo và đưa lên mạng thông tin điện tử. Vậy là mọi cá nhân và tổ chức làm sao biết được tài liệu nào của ngành Ngân hàng thuộc vào loại mật để còn giữ gìn, bảo vệ?

Còn bí mật đời tư và bí mật kinh doanh thì vẫn là một vùng trống pháp lý. Ngoài mấy chữ được nhắc đến trong Bộ luật Dân sự, chưa có quy định chỉ ra cái gì là bí mật đời tư và cái nào là bí mật kinh doanh. Lấy gì để kết luận rằng thông tin về một quan chức bị xử phạt về hành vi mua dâm liệu có phải là bí mật đời tư? Làm sao biết được số lượng hàng hoá mua bán của một công ty liệu có phải là bí mật kinh doanh?

Doanh nghiệp nói riêng, tổ chức và công dân nói chung không thể không lo ngại trước những vướng mắc muôn thuở về năng lực phục vụ của các cơ quan nhà nước. Trong khi rất nhiều sự vụ giải quyết quyền lợi kinh tế, dân sinh trực tiếp, sát sườn vẫn chưa được đáp ứng theo đúng luật định, thì làm thế nào để có thể thực thi được thứ quyền thuộc loại “cao xa” gián tiếp này?

Việc thiếu luật đã hạn chế rất lớn, thậm chí vô hiệu hoá quyền được thông tin. Sớm đưa luật vào cuộc sống sẽ đạt mục đích của Luật là “nhằm bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của cá nhân, tổ chức; bảo đảm tính công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan nhà nước và góp phần phòng, chống tham nhũng”. Tại sao lại phải duy rì “nạn đói” thông tin bằng việc quy định hiệu lực của Luật tận hai năm sau khi ban hành? Cần sớm được thực hiện quyền tiếp cận thông tin, vì có nhiều cơ quan đã đủ mọi điểu kiện cung cấp thông tin, nhất là cung cấp trên trang thông tin điện tử. Chỉ tính riêng ngành Ngân hàng, đã có tới hàng trăm công văn mang tính bắt buộc nhưng rất khó tìm kiếm vì không được công khai trên mạng thông tin điện tử. Thông tin đối với doanh nghiệp là tiền bạc, chậm hoặc khó tiếp cận thông tin là một sự thiệt hại về kinh tế. Do vậy, chỉ cần để lùi thời hạn hiệu lực đối với một số cách thức và một số cơ quan cần phải có thêm thời gian để thực thi.

Tại sao lại thu hẹp trách nhiệm?

Về trách nhiệm cung cấp thông tin, Dự luật chỉ đề cập đến các cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, trách nhiệm này cần được mở rộng hơn, mà không nên đồng nhất với trách nhiệm quản lý của Nhà nước. Không thể bỏ qua trách nhiệm cung cấp thông tin của các cơ quan sinh ra để phục vụ nhân dân, tồn tại chủ yếu bằng tiền thuế của dân và có vai trò tương tự như cơ quan nhà nước. Đó là các tổ chức chính trị – xã hội như Đảng, Mặt trận Tổ quốc, Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Liên đoàn Lao động,…

Không phải vô cớ mà Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cho phép các tổ chức chính trị – xã hội được phối hợp với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội hoặc Chính phủ ban hành văn bản quy phạm pháp luật dưới hình thức Nghị quyết liên tịch để tham gia quản lý nhà nước.

Tiếp cận hay tự do thông tin?

Tiếp cận thông tin chỉ là một phần quyền tự do thông tin, tự do ngôn luận. Theo Điều 19 Tuyên ngôn Nhân quyền của Liên hợp quốc năm 1948, thì quyền tự do ngôn luận được xác định bao gồm: Tự do tìm kiếm, tiếp cận, thu nhận và truyền bá thông tin, không phân biệt lĩnh vực, hình thức, phương tiện tuyên truyền và phạm vi địa lý.[1] Nếu Dự luật chỉ dừng lại ở quyền tiếp cận thông tin từ một nguồn duy nhất là các cơ quan nhà nước, thì còn là nửa vời, thiếu toàn diện, ít ý nghĩa thực tế và chưa thực chất. Do vậy cần phát triển lên thành Luật Tự do thông tin, để đồng thời luật hoá được cả một nhóm quyền gắn bó chặt chẽ với nhau, không thể chia tách, đó là quyền tự do ngôn luận, quyền tự do báo chí và quyền được thông tin của công dân đã được ghi nhận trong cùng một câu của Hiến pháp. Cụ thể, Dự luật cần điều chỉnh cả việc tiếp cận các nguồn thông tin khác và luật hoá việc truyền bá thông tin của công dân theo đúng những gì đã được thừa nhận trong Hiến pháp cũng như trong Tuyên ngôn Nhân quyền. Làm như vậy còn đồng thời hiện thực hoá cả các quyền của công dân trong việc “tham gia quản lý Nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận các vấn đề chung của cả nước và địa phương, kiến nghị với cơ quan Nhà nước” đã được quy định tại Điều 53 của Hiến pháp.

Ngoài ra, về nguyên tắc không nên quy định phải nộp phí để được thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân đã được khẳng định trong Hiến pháp. Nếu chỉ vì điều kiện thực tế Nhà nước không lo nổi, cần phải thu phí, thì cũng cần xác định rõ nguyên tắc trong Dự luật là chỉ thu một phần phí phục vụ trực tiếp cho việc cung cấp thông tin (như sao chụp tài liệu, cước phí bưu điện). Quyền tiếp cận thông tin của công dân sẽ vướng rào cản và sẽ mất đi rất nhiều ý nghĩa khi phải đóng tiền cho cả chi phí đầu tư xây dựng kho dữ liệu thông tin, trang bị máy móc, thiết bị và trả công cho cán bộ, công chức liên quan. Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp thì không nhất thiết được hưởng quyền nhận thông tin giá rẻ như với công dân.

Tóm lại, nếu không phân biệt rạch ròi giữa quyền của công dân với tổ chức, thì sẽ làm mờ đi, thậm chí là hạ thấp quyền cơ bản của công dân. Nếu chỉ giải quyết một phần trong tổng thể quyền tự do thông tin của con người, thì sẽ cho ra đời một đạo luật khiếm khuyết và không biết đến bao giờ mới xoá được “món nợ” của Nhà nước pháp quyền với nhân dân.

[1] Nguồn Dự thảo Tờ trình về Dự luật chú thích: Khoản 2 Điều 19 của Tuyên ngôn thế giới về quyền con người quy định: “Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận. Quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt thông tin, ý kiến, không phân biệt lĩnh vực, hình thức tuyên truyền bằng miệng, bằng bản viết, in hoặc dưới hình thức nghệ thuật, thông qua bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng nào tuỳ theo sự lựa chọn của họ”.

Nguồn Tạp chí Nhà Quản lý: “Điều 19: Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận và bầy tỏ quan điểm; kể cả tự do bảo lưu ý kiến không phụ thuộc vào bất cứ sự can thiệp nào, cũng như tự do tìm kiếm, thu nhận, truyền bá thông tin và ý kiến bằng bất cứ phương tiện thông tin đại chúng nào và không giới hạn về biên giới.”

 

—————————–

ĐC: Công ty Luật ANVI, tầng 2, Tòa nhà Savina, số 1 Đinh Lễ, phố Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, HN

FB: Trương Thanh Đức (www.facebook.com/LSTruongThanhDuc)

E-mail: duc.tt @anvilaw.com

Web: www.anvilaw.com

ĐT: 090.345.9070

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

436. Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài...

Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài sản công. Cố vấn: Luật...

Phỏng vấn 

4.414. Lấp lỗ hổng quản lý trong đầu tư trực...

Lấp lỗ hổng quản lý trong đầu tư trực tuyến tiền ảo, tài chính, chứng...

Trích dẫn 

3.969. Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ...

Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ xấu gia tăng nhưng tốt...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 235,607