115. Ngân hàng tăng vốn điều lệ: Liệu hiệu quả có tăng theo?

(BD) – Hiện tại các ngân hàng (NH) đang rối trước thời hạn tháng 12 này phải bảo đảm mức vốn điều lệ là 3.000 tỷ đồng theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN). Năm 2012 là 5.000 tỷ đồng. Đến năm 2015 mức vốn điều lệ nâng lên là 10.000 tỷ đồng.

Tăng vốn để bảo đảm an toàn!

Ông Thomas Tobin, Tổng Giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam, cho rằng câu hỏi tăng vốn điều lệ có làm tăng chất lượng hoạt động của NH không là câu hỏi phức tạp mà nhiều NH trên thế giới vẫn đang đi tìm câu trả lời. NH cần đủ vốn để có thể linh hoạt trước sự biến động của thị trường. Vốn lớn là cần thiết khi thị trường bất ổn nhưng nó nên tương ứng với quy mô hoạt động và mức độ rủi ro của từng NH. “Một mức vốn điều lệ tối thiểu là cần thiết để bảo đảm cho NH mới thành lập có đủ khả năng để tăng trưởng và hoạt động an toàn. Nhưng sau đó, mức vốn này nên phù hợp với quy mô của từng NH”, ông nói.

Ông Tobin nói nhóm Banking Work Group do ông làm chủ tịch đồng ý rằng cần phải có quy định về mức vốn tối thiểu để bảo vệ thị trường và khách hàng của NH. “Tuy nhiên mức vốn tối thiểu và thời gian để đáp ứng mức vốn đó cần phải được suy xét thật kỹ. Chúng tôi nghĩ mức đề xuất gần đây nhất là 5.000 tỷ đồng cho năm 2012 và 10.000 tỷ đồng cho năm 2015 là quá nhiều và quá nhanh”, ông nhận xét. Nhiều chuyên gia tài chính ví von việc NHNN buộc các NH phải tăng mạnh vốn điều lệ trong thời gian ngắn giống như việc buộc thuyền nhỏ đang đánh bắt gần bờ phải nhanh chóng nâng cấp lên thuyền to để đẩy ra biển lớn. Liệu như vậy có an toàn hơn? Về lý thuyết, ai cũng rõ rằng tăng vốn không đồng nghĩa với việc tăng chất lượng tài sản có; phân loại nợ chính xác và giảm tỷ lệ nợ xấu; tăng chất lượng quản trị, điều hành; tăng hiệu suất lợi nhuận. Ngược lại, dù vốn thấp, nhưng quản lý tốt, thì cũng vẫn bảo đảm an toàn và hiệu quả. 

Không dễ tăng vốn!

Gần đây, NHNN đã cho phép một số NH có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng được niêm yết trên sàn chứng khoán để tăng cơ hội huy động đủ vốn điều lệ. Với việc trồi sụt chỉ số Index, cho thấy không có gì bảo đảm rằng NH lên sàn sẽ lập tức kiếm được gấp ba lần số vốn điều lệ hiện hữu. Như vậy, liệu có phải đã cho phép các NH đặt cược với thị trường chứng khoán tập trung? Và hậu quả giải thể, sáp nhập xảy ra trong trường hợp này chắc chắn là xấu hơn khi chưa cho niêm yết.

Trong tình hình hiện nay, nếu không thật sự cố gắng, nhiều NH sẽ không theo kịp mức tăng vốn này, vì để bảo đảm mức sinh lời hợp lý thì NH phải tăng trưởng lợi nhuận đồng thời mở rộng quy mô hoạt động tương ứng với tốc độ tăng vốn điều lệ. Có thực tế là một khi các NH tăng mạnh vốn huy động thì buộc họ cũng phải tăng mạnh việc cho vay để khiến số vốn vừa huy động được đem lại mức lợi nhuận hấp dẫn đối với những cổ đông đã bỏ tiền đầu tư. Tuy nhiên tình hình hiện nay đâu dễ đẩy nhanh vốn huy động và có thể phát sinh nhiều tiêu cực khi các NH chưa đạt chuẩn tìm cách tăng nhanh vốn huy động của mình. Thêm vào đó, với mức vốn huy động như hiện tại, các NH còn sử dụng chưa hết, tăng nữa thì biết để làm gì, và lấy lãi đâu ra để trả cổ tức cho cổ đông.

Cho đến cuối năm 2001, mức vốn pháp định đối với NH TMCP nông thôn chỉ là 5 tỷ đồng, NH TMCP đô thị là 50 – 70 tỷ đồng theo Nghị định số 82/1998/NĐ-CP ngày 3-10-1998. Đến cuối năm 2008, mức vốn pháp định đối với các NH TMCP (TMCP – không còn phân thành hai loại nông thôn và đô thị) là 1.000 tỷ đồng và cuối năm 2010 là 3.000 tỷ đồng theo Nghị định số 141/2006/NĐ-CP ngày 22-11-2006. “Như vậy là chỉ trong vòng 9 năm, các NH phải tăng vốn điều lệ đột biến lên gấp từ 50 – 600 lần. Đây là một gánh nặng quá sức tưởng tượng đối với phần lớn các NH. Đó còn là một sự ngược đời nếu xét trên khía cạnh hiệu quả đầu tư vốn: yêu cầu tăng vốn lên đến 70 – 80%/năm, cao gấp đôi tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành NH, chỉ khoảng dưới 30%/năm trong 9 năm qua”, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Pháp chế BAOVIET BANK, nhận xét.

Theo LS Trương Thanh Đức, trong lúc nhiều NH đang khó nhọc bước tới cái mốc 3.000 tỷ đồng, thì Thống đốc NHNN lại cảnh báo, sẽ tăng vốn pháp định lên 5.000 tỷ đồng vào năm 2012 và 10.000 tỷ đồng vào năm 2015. “Dường như chính sách là nhằm loại trừ các NH tốp dưới, để tạo ra toàn NH khổng lồ (so với nền kinh tế trong nước) chứ không phải với mục tiêu là nhằm nâng cao chất lượng và an toàn hoạt động của các NH như vẫn đang tuyên bố. Yêu cầu tăng vốn quá nhanh đồng nghĩa với sức ép mở rộng quy mô, tăng nhanh dư nợ tín dụng, tăng trưởng nóng. Điều này đã, đang và sẽ tất yếu dẫn đến rủi ro phát triển nóng, là một trong những rủi ro nguy hiểm nhất trong hoạt động NH”, LS Trương Thanh Đức cảnh báo.Thị trường chứ không phải là mức vốn pháp định tạo ra NH lớn. Mặt khác, cần có đủ loại NH lớn, vừa và nhỏ, phù hợp với đại đa số khách hàng trên thị trường là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Một NH có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, theo quy định được phép cho vay mỗi doanh nghiệp tới 150 tỷ đồng. Số tiền đó đã lớn gấp rưỡi tổng nguồn vốn của một doanh nghiệp được xếp vào loại lớn theo quy định của Chính phủ. Vậy liệu có cần thiết ép buộc tất cả các NH phải trở thành những doanh nghiệp siêu lớn? Là NH nhỏ, thì càng dễ hợp nhất, sáp nhập, giải thể. Nếu bị phá sản, thì NH càng nhỏ càng ít gây nguy hiểm cho hệ thống. Đó là vấn đề cần được đặt lên bàn cân của những nhà hoạch định chính sách hiện nay.

THẢO VY

————–

24-6-2010: http://baobinhduong.org.vn/newspreview.aspx?newsid=11934

 

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.421. Năm mới 2025: Cấp thiết gỡ "nút thắt của...

Năm mới 2025: Cấp thiết gỡ "nút thắt của nút thắt" để đất nước vươn...

Trích dẫn 

3.972. Những kỷ lục "khủng" liên quan đến đấu...

Những kỷ lục "khủng" liên quan đến đấu giá đất năm 2024. (ĐTM) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 236,619