115. Thu thuế như vậy liệu có hợp lý?

Thu thuế như vậy liệu có hợp lý?

(KTSG) – Một trong những nội dung quan trọng nhất về chính sách miễn giảm thuế đã được quy định tại Điều 4 của Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2007 cũng như Nghị định số 100/2008/NĐ-CP ngày 08-9-2008 của Chính phủ là: Cá nhân được miễn thuế thu nhập đối với “Thu nhập từ chuyển nhượng nhà ở, quyền sử dụng đất ở và tài sản gắn liền với đất ở của cá nhân trong trường hợp cá nhân chỉ có một nhà ở, đất ở duy nhất”. Khoản 2, Mục III, Phần A, Thông tư số 84/2008/TT-BTC ngày 30-9-2008 của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hướng dẫn thi hành vấn đề trên cũng chỉ rõ: “Căn cứ xác định thu nhập từ chuyển nhượng nhà ở, đất ở duy nhất được miễn thuế do người chuyển nhượng bất động sản tự khai và chịu trách nhiệm về tính trung thực trong bản khai.”

Không có bất cứ quy định nào yêu cầu người dân phải xác nhận hay chứng minh rằng mình chỉ có một căn nhà hay mảnh đất ở duy nhất thì mới được miễn thuế. Nhưng không hiểu tại sao các cơ quan thuế cứ đặt thêm điều kiện. Người dân đang khốn khổ vì phải đáp ứng thêm yêu cầu xác nhận về việc chỉ có duy nhất một căn nhà.

Xin đơn cử, vợ chồng ông Lê Hải Phong bán nhà ở đường Phan Xích Long, quận Phú Nhuận, TP HCM phải xin xác nhận của UBND phường thì mới được miễn thuế. Còn vợ chồng bà Nguyễn Thị Thu Hương, bán nhà ở phố Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội thì đành phải “nghiến răng” nộp mấy chục triệu đồng tiền thuế, vì không thể nào xin được xác nhận của bất cứ cơ quan nào. Đòi hỏi của cơ quan thuế tại TP HCM thì chính quyền còn đáp ứng được cho người dân. Nhưng ở Hà Nội, thì điều này là bất khả thi. Cứ giở lý ra thì không một ai “cả gan” xác nhận, vì không có cơ sở nào để khẳng định rằng, ngoài căn nhà trên phường sở tại, một người nào đó không sở hữu bất động sản khác ở trên 63 tỉnh, thành phố trong toàn quốc. Thậm chí còn không thể khẳng định được điều này chỉ trong phạm vi thành phố Hà Nội. Thế là chính sách miễn thuế rất hợp lý và nhân đạo của Nhà nước, chỉ còn là “bàn tiệc” để chiêm ngưỡng, vì được quyền “xơi” thoải mái nhưng lại không được phép đụng vào đồ ăn.

Trong nhiều thủ tục hành chính, cơ quan nhà nước có gây khó bao nhiêu chăng nữa thì người dân cũng phải “nghiến răng” mà làm, miễn là cuối cùng vẫn được việc. Nhưng đối với trường hợp này, thì đành bất lực và cam chịu thiệt thòi.

Người bán một căn nhà duy nhất ở Hà Nội vẫn cứ phải nộp đủ thuế thu nhập theo một trong hai cách tính thuế sau: Nếu có cơ sở xác định giá mua và chi phí liên quan đến việc chuyển nhượng bất động sản, thì phải nộp 25% trên thu nhập tính thuế (là chênh lệch giữa giá bán trừ đi giá vốn và các chi phí liên quan). Trường hợp không xác định được giá vốn và các chi phí liên quan làm cơ sở xác định thu nhập tính thuế, thì phải nộp 2% trên giá chuyển nhượng.

Một câu chuyện tương tự đè dân ra để thu thuế chuyển nhượng bất động sản nữa đang xảy ra ở một số địa phương (như ở Hải Phòng chẳng hạn), đó là: Thu thuế tính trên hai lần chuyển nhượng đối với các trường hợp mua bán nhà thông qua người uỷ quyền. Người thu thuế đã “vơ đũa cả nắm” mà lý sự rằng, các trường hợp dùng đến hình thức uỷ quyền mua bán là “bài” trốn thuế, đã mua đi bán lại qua vài “cầu”.

Như vậy một số cơ quan thuế đã thẳng cánh (báo sửa thành máy móc) đánh thuế bất chấp những quy định miễn thuế rất rõ ràng, cụ thể của Quốc hội và Chính phủ. Người ta thu những khoản thuế lớn không dựa trên bất kỳ cơ sở pháp lý nào, thậm chí không có cả công văn hướng dẫn, mà chỉ là “tự nghĩ” hoặc theo “khẩu dụ lưu truyền” từ đâu đó.

Nếu sợ thất thu, nếu thấy vô lý thì kiến nghị Quốc hội bãi bỏ quy định miễn thuế nói trên, chứ không thể quay ra “đánh” thẳng vào người dân. Nếu công chức nhà nước cứ tự mình “sáng tác” thêm công cụ để hạn chế quyền lợi, tăng thêm nghĩa vụ của dân, thì chính là hành động phạm luật, bóp méo, chà đạp pháp luật. Thậm chí, khi Thông tư số 84/2008/TT-BTC nói trên của Bộ Tài chính đã hướng dẫn rằng “có nhà ở, quyền sử dụng đất ở duy nhất” nghĩa là “có quyền sở hữu một căn nhà duy nhất hoặc chỉ có quyền sử dụng một thửa đất duy nhất ở Việt Nam” thì phải hiểu đúng nghĩa pháp lý của khái niệm này, đó là có quyền sở hữu theo quy định của pháp luật, chứ không phải “có” theo ngôn ngữ cuộc sống. Tức là, nếu một người đã mua vài căn nhà nhưng thuộc dự án đang xây dựng, thì cũng chưa thể coi là đã sở hữu vài căn nhà. Trường hợp này, không thể suy diễn là người ấy đã ký hợp đồng mua nhà là đã “có quyền sở hữu” nhà để cộng vào đánh thuế.

Nếu sòng phẳng ra, dù đấy có là những “chiêu lách luật” thì cơ quan chức năng cũng phải chấp nhận. Vì công khai lách luật có nghĩa là tận dụng những điều được phép, là không gian lận và chưa phạm vào một điều luật cụ thể nào. Việc đè dân ra tận thu thuế, mới chính là hành vi phạm luật, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền lợi chính đáng của công dân đang được pháp luật bảo hộ.

———————————————

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC. 


Bài đăng Thời báo Kinh tế Sài Gòn số 50 ngày 03-12-2009:

Báo đổi thành “Thu thuế như vậy liệu có hợp lý?” và cắt một số đoạn (bôi đỏ)

 

Tên gốc: ĐÈ DÂN THU THUẾ

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

436. Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài...

Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài sản công. Cố vấn: Luật...

Phỏng vấn 

4.416. Nhân viên ngân hàng lại dụ khách góp vốn...

Nhân viên ngân hàng lại dụ khách góp vốn vào công ty con, "núp bóng" gửi tiết kiệm. (TBTC)...

Trích dẫn 

3.969. Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ...

Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ xấu gia tăng nhưng tốt...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 236,115