Đủ “chứng” nhưng còn thiếu “minh”
(NQL) – Cuộc sống của mỗi người gắn liền với nhiều loại giấy tờ pháp lý khác nhau, như giấy khai sinh, sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân (CMND), giấy phép lái xe, các văn bằng, chứng chỉ,… Trong số đó, CMND là một minh chứng pháp lý quan trọng nhất đồng hành trong suốt mỗi cuộc đời.
Bằng chứng pháp lý
Khi còn nhỏ thì giấy khai sinh là thứ giấy tờ gốc để tạo lập các giấy tờ khác. Từ 15 tuổi trở lên, thì CMND đóng vai trò thay thế, là “vật chứng” pháp lý để một người khẳng định rằng “mình chính là mình”, để phân biệt giữa một người với 86 triệu người dân Việt Nam khác. Phải xuất trình CMND khi đề nghị công chứng, chứng thực; khi giao dịch với ngân hàng; khi thuê phòng nghỉ; khi đi máy bay; khi tham gia tổ tụng tại Toà án; khi ra vào các cơ quan; khi ký các hợp đồng mua bán nhà, xe, điện, nước, thông tin, liên lạc;… Số CMND được ghi nhận trên hộ khẩu, hộ chiếu, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà đất, giấy chứng nhận đăng ký kết hôn, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh,… Đối với Nhà nước, CMND là một phương tiện quan trọng để quản lý an ninh và trật tự an toàn xã hội.
Nghị định số 05/1999/NĐ-CP ngày 03-02-1999 của Chính phủ về CMND (sửa đổi năm 2007) đã quy định: Công dân được sử dụng CMND của mình làm chứng nhận nhân thân và phải mang theo khi đi lại, giao dịch; những người được giao nhiệm vụ bảo vệ, giải quyết công việc có liên quan đến công dân được quyền yêu cầu công dân xuất trình CMND trước khi giải quyết công việc;… Và Điều 12, Nghị định số 150/2005/NĐ-CP ngày 12-12-2005 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự an toàn xã hội đã quy định một loạt hành vi dưới đây có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 60.000 đồng đến 2.000.000 đồng:
– Không mang theo hoặc không xuất trình CMND khi có yêu cầu kiểm tra;
– Không làm CMND theo quy định;
– Sử dụng CMND đã hết thời hạn (quá 15 năm);
– Sử dụng CMND của người khác;
– Thuê, mượn hoặc cho người khác thuê, mượn CMND;
– Bỏ lại CMND sau khi bị kiểm tra, tạm giữ;
– Tẩy xoá, sửa chữa CMND;
– Tự ý thay ảnh của mình hoặc thay ảnh của người khác vào CMND;
– Khai man, giả mạo hồ sơ để được cấp CMND;
– Làm giả CMND;
– Sử dụng CMND không do cơ quan có thẩm quyền cấp.
Phá vỡ nguyên tắc
Về nguyên tắc, mỗi người chỉ được cấp một CMND và có một số CMND riêng. Dù có được cấp lại do mất, hỏng hay hết hạn thì cũng chỉ khác nhau về ngày cấp. Thế nhưng, trong nhiều trường hợp, thứ giấy tờ “độc nhất” ấy lại được cấp nhiều bản khác nhau. Đó là những người chuyển nơi thường trú đến tỉnh, thành phố khác. Họ được cấp CMND mới hoàn toàn khác với giấy cũ. Trong trường hợp này, thì Nhà nước đã vô tình khoác cho những người này một “chiếc áo pháp lý” mới và bắt họ phải từ bỏ giấy tờ tuỳ thân cũ. Bao nhiêu hồ sơ, giấy tờ pháp lý đã thiết lập và giao dịch trước đó với CMND cũ, có nguy cơ trở thành “hàng giả”. Vì theo quy định, khi được cấp CMND mới thì CMND cũ sẽ bị thu lại. Như vậy, một người được cấp CMND mới tại Hà Nội thật khó có thể chứng minh rằng mình chính là người có một CMND hoàn toàn khác tại TP Hồ Chí Minh. Thay đổi số nhà, thì có quyết định của UBND. Thay đổi tên đường phố thì cũng có Nghị quyết của Hội đồng nhân dân. Nhưng thay đổi CMND thì lại không có loại giấy tờ chính thức làm bằng chứng pháp lý. Khi sổ hộ khẩu mới (làm căn cứ để được cấp CMND mới) có ghi địa chỉ thường trú nơi ở cũ (địa chỉ nơi chuyển đến) thì còn có thể suy diễn được phần nào. Nhưng nếu sau đó, người được cấp CMND mới lại chuyển địa chỉ thường trú sang quận, huyện khác (phải làm lại hộ khẩu theo đúng quy định) thì sẽ hoàn toàn bị mất dấu vết pháp lý. Trong mọi trường hợp, sẽ gặp không ít khó khăn khi giấy tờ ghi CMND cũ, nay đến giao dịch lại xuất trình CMND mới mà lại không có cơ sở pháp lý nào để chứng minh mình vẫn chính là mình.
Còn nếu không thu lại CMND cũ, thì pháp luật lại gián tiếp thừa nhận một người có hai thân phận pháp lý. Nếu CMND chưa hết hạn sử dụng, thì người đó tha hồ xuất trình để giao dịch. Những người liên quan không thể biết được rằng CMND cũ ấy đã hết hiệu lực. Và như vậy, người đó đương nhiên được phép mở hai tài khoản chứng khoán, có thể đăng ký thành lập hai doanh nghiệp tư nhân, cứ xin cấp hai mã số thuế khác nhau để giảm thuế thu nhập cá nhân (trong khi pháp luật chỉ cho phép mỗi người được mở một tài khoản, thành lập một doanh nghiệp tư nhân và có một mã số thuế).
Cũng về nguyên tắc, không có số CMND nào được phép trùng nhau. Thế nhưng, tôi đã từng gặp một trường hợp hai người có số CNMD Hà Nội trùng nhau. Đặc biệt trong năm 2009, qua việc cấp mã số thuế thu nhập cá nhân, các cơ quan chức năng bỗng giật mình vì đã xảy ra tình trạng có tới 50.000 người bị trùng số CMND ở tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu trong suốt nhiều năm trời.
Như vậy, cần phải giữ đúng nguyên tắc cấp CMND, sao cho mỗi người thật sự chỉ có một số duy nhất trong suốt cuộc đời, không nên cứ phải thay đổi theo từng địa phương như hiện nay. Cần tính đến việc hạn chế sự rắc rối gây ra cho người dân và với các giao dịch khi việc di chuyển chỗ ở ngày càng gia tăng.
Những tồn đọng khác
Trong khi Nghị định số 05/1999/NĐ-CP nói trên xác định, CMND là một loại giấy tờ tuỳ thân “nhằm bảo đảm thuận tiện việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của công dân trong đi lại và thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam.” Nhưng Nghị định lại quy định, người từ đủ 14 tuổi trở lên, có nghĩa vụ đến cơ quan công an nơi đăng ký hộ khẩu thường trú làm thủ tục cấp CMND. Như vậy, xác định là một quyền và nghĩa vụ dân sự, nhưng độ tuổi cấp CMND thì lại không dựa trên quy định nào của pháp luật dân sự. Bộ luật Dân sự năm 1995 và 2005 đều chỉ quy định một trong những mốc tuổi là “từ đủ 15 tuổi” chứ không có mốc tuổi nào là đủ 14. Hay quy định của Bộ luật Lao động năm 1994, thì độ tuổi của người lao động cũng phải đủ 15 tuổi trở lên. Tương tự là Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 1991 và 2004 cũng đều quy định độ tuổi đối với trẻ em là “dưới 15 tuổi”. Như vậy, thì tại sao lại không lấy mốc làm CMND là từ đủ 15 tuổi trở lên, mà lại lấy theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 1985 và 1999, với độ tuổi được tính từ đủ 14 tuổi, là tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về loại tội rất nghiêm trọng trở lên?
CMND là một thứ giấy tờ “giắt lưng” và được sử dụng khá nhiều, nên đòi hỏi phải bảo đảm chất lượng bền bỉ theo thời gian. Thế nhưng nó đã không được làm tử tế, dễ bị bong, gẫy, trầy xước, ngấm nước, hư hỏng. Và nếu muốn cẩn thận ép nhựa thêm để bảo quản, thì lại bị coi là làm biến dạng, thậm chí còn bị xem như giấy tờ giả.
Nền kinh tế xã hội phát triển kéo theo các giao dịch tăng lên gấp bội, đòi hỏi tốc độ nhanh chóng. Nếu chỉ dựa vào kiểm tra CMND bằng mắt thường như hiện nay thì rất khó khăn và thực tế đã xảy ra không ít nhầm lẫn nguy hại. Nhất là những trường hợp làm giả hay sinh đôi hoặc nhận dạng có thay đổi nhiều qua thời gian. Trong khi đó, các yêu cầu mới của CMND như mã vạch; ghi họ tên cha, mẹ đã được Chính phủ quy định từ năm 2007, nhưng không biết bao giờ mới trở thành hiện thực.
CMND có thời hạn 15 năm là quy định đã có tử năm 1999, nhưng từ đó đến nay điều này vẫn không được ghi rõ trên giấy, cũng đã gây ra nhiều khó khăn vướng mắc cho cả người sử dụng lẫn người tiếp nhận.
Không chỉ dừng lại ở mỗi người có một mã số CMND, mà cần phải thống nhất một mã số chung cho nhiều thứ giấy tờ khác như mã số thuế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe,… Nhiều quốc gia đã thực hiện tốt từ bao nhiêu năm nay. Làm được việc này, sẽ có ý nghĩa to lớn đối với công cuộc cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho các giao dịch kinh tế, dân sự. Đáng tiếc là, chúng ta cứ bàn cãi mãi mà vẫn không ra được lộ trình triển khai.
Cuối cùng, đây là một vấn đề hệ trọng đối với mỗi con người cũng như cả xã hội, đã đến lúc cần đến một đạo luật điều chỉnh về CMND.
———————-
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC.
Bài đăng trên số 79+80 tháng 1+2/2010 Tạp chí Nhà Quản lý