Phải trái đại diện
(ANVI) – Thiên hạ văn minh, người ta chả có kiểu luật định, hễ giao dịch với pháp nhân thì cứ phải bám chân người đại diện theo pháp luật.
Luật mình thì cứ suy tôn độc quyền đại diện. Chán rồi thấy quá bất tiện, thì nay biến thành đa đại diện cho nó được đại tiện. Nhưng trò đời, gốc rễ không vững lý, thì càng sửa càng bí.
Công ty không còn phải lo vướng mắc, chậm trễ khi người đại diện duy nhất bất đắc kỳ tử hay vắng mặt mà chưa ký ủy quyền hoặc lý sinh sự, cứ ỳ ra không chịu ký. Số lượng người đại diện là bao và quyền, nghĩa vụ thế nào được trao cho Điều lệ cho doanh nghiệp tự quyết. Nhỏ bé, xinh xắn hay sợ chệch hướng thì cứ giữ 1 như cũ. Hứng thú, to lớn hay đổi mới với đời thì có thể bổ nhiệm cả chục, trăm, ngàn, vạn mớ người đại diện theo pháp luật.
Vấn đề là đối tác, khách hàng, nếu muốn ký tá, hạ bút với người đại diện, thì phải nghiền ngẫm Điều lệ của công ty họ: Cho hay không, được chỗ nào và nông sâu ra sao? Nếu chấp nhận chữ ký nhầm, ký lẫn, ký sai, ký quá thẩm quyền, thì rủi ro pháp lý không hề nhỏ. Vì Luật Doanh nghiệp 2014 quy định theo ý: Cha đại diện mà ký sai, thì hắn tự chịu, cấm chuyện níu kéo trách nhiệm pháp nhân.
Rủi ro của doanh nghiệp được đẩy phát ra cho bàn dân thiên hạ gánh chịu. Để căn đúng luật và giao dịch thật, thôi đành trước mỗi lần ký lại phải nghiên cứu kỹ Điều lệ người ta. Thêm mối lo Điều lệ thật giả, mới cũ thế nào, làm sao để biết?
Ngày 28-10-2015