121. Nhiều tranh cãi về danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm, hạn chế, kinh doanh có điều kiện

(EF) – Sau khi Việt Nam gia nhập WTO, Chính phủ đã sửa đổi và ban hành mới nhiều chính sách và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh hoạt động kinh doanh đối với các hàng hoá, dịch vụ, góp phần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước thực hiện theo đúng cam kết gia nhập WTO.

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: K.H.

Chính vì vậy, các Danh mục hàng hoá, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện ban hành kèm theo Nghị định 59/2006/NĐ-CP (ngày 12/6/2006) đã có những điểm không còn phù hợp, thống nhất với hệ thống luật pháp nói chung và sự phát triển của kinh tế – xã hội hiện nay. Việc sửa đổi, bổ sung các Danh mục này là yêu cầu cấp bách đặt ra hiện nay.

So với Nghị định gốc, danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện trong Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung được tăng thêm: Tại danh mục cấm kinh doanh có 34 loại hàng hóa, dịch vụ, tăng 10 loại. Nhóm hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh có 12 loại, tăng 4 loại. Nhóm hàng hóa, dịch vụ có điều kiện kinh doanh tăng 19 loại so với nghị định 59.

Để lắng nghe các ý kiến đóng góp thiết thực của các nhà quản lý, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu và cộng đồng doanh nghiệp cho việc xây dựng và hoàn thiện Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 59/2006/NĐ-CP, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) và Dự án Hỗ trợ Thương mại Đa biên giai đoạn III, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo “Góp ý hoàn thiện Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 59/2006/NĐ-CP ngày 12 tháng 6 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hàng hoá, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện” diễn ra sáng nay (10/8) tại Hà Nội.

Theo đánh giá của các chuyên gia luật, danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm, hạn chế kinh doanh trong Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 59/2006/NĐ-CP mới chỉ dừng ở việc tổng hợp, liệt kê danh mục hàng hóa, ngành nghề cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện trong các văn bản pháp luật khác. Bên cạnh đó, Dự thảo Nghị định chưa sát thực tế.

Luật sư Cao Bá Khoát, Công ty TNHH Tư vấn Doanh nghiệp K&Cộng sự cho rằng: Tại phụ lục II, mục 5 của Dự thảo Nghị định quy định: “Thuốc lá điếu, xì gà và các dạng thuốc lá thành phẩm khác” thuộc loại hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh, cần xem xét lại vì trùng ý với mục 11 trong mục cấm kinh doanh. Ở đây chỉ nói chung chung là thuốc lá điếu, xì gà và các dạng thuốc lá thành phẩm khác mà không rõ nói là các hàng hóa này nhập lậu hay sản xuất trong nước.

“Như vậy, theo tôi hiểu thì hàng hóa này mà nhập lậu thì vừa bị hạn chế kinh doanh và vừa bị cấm kinh doanh như trong mục 11 của cấm kinh doanh, như vậy là thế nào?”, ông Khoát đặt câu hỏi.

Theo Điều 5 – Nghị định số 119/2007/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày18/07/2007 quy định về sản xuất và kinh doanh thuốc lá thì Nhà nước thống nhất quản lý đối với các hoạt động sản xuất và kinh doanh thuốc lá, thực hiện độc quyền sản xuất, nhập khẩu sản phẩm thuốc lá. Nếu như vậy thì nhà nước tự hạn chế sản xuất thì mặc nhiên kéo theo việc mua bán các sản phẩm trên thị trường về mặt hàng này cũng giảm. Nếu cho mặt hàng này vào danh mục hàng hóa hạn chế kinh doanh thì đồng nghĩa với việc nhà nươc tự ra quy định và tự thực hiện.

Đối với dịch vụ karaoke, vũ trường, xoa bóp, chúng ta không nên hạn chế kinh doanh mà nên cho vào kinh doanh có điều kiện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh. Vì nếu cho vào kinh doanh có điều kiện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thì giấy chứng nhận này chính là ràng buộc trách nhiệm pháp lý của chủ kinh doanh dịch vụ đồng thời bảo vệ quyền và  lợi ích hợp pháp cho công dân. Nếu để kiểm soát được mọi hành vi cũng như hoạt động dịch vụ này thì ngoài quy định các điều kiện như trên để được phép kinh doanh dịch vụ này thì chúng ta nên tăng cường các biện pháp kiểm tra của cơ quan nhà nước đối với các cơ sở cũng như doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ này.

Đại diện Công ty TNHH Luật Á Châu – Nguyễn Thị Mai cho rằng: Tại điểm 11 đưa ra “Thuốc lá điếu, xì gà và các dạng thuốc thành phẩm khác nhập lậu”. Thực tế cho thấy trên thị trường vẫn được lưu hành các mặt hàng này, ngay cả trong cửa hàng miễn thuế. Nhà nước chỉ cấm hành vi nhập lậu. Việc nhập lậu là hành vi vi phạm pháp luật đã được quy định trong Bộ luật hình sự, nhưng tên Danh mục là hàng hoá cấm kinh doanh. Viết như dự thảo là không hợp lý. Đề nghị bỏ cụm từ “nhập lậu”. Để hạn chế lưu thông mặt hàng này trên thị trường nên chăng chuyển mặt hàng này vào Danh mục tại Phụ lục III- hàng hoá kinh doanh có điều kiện.

Theo bà Mai, Dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 59 lần này đã có 23 mặt hàng cấm kinh doanh thay thế cho 18 mặt hàng theo Nghị định 59/2006, bổ sung 3 loại dịch vụ cấm kinh doanh, bổ sung một số dịch vụ hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện. Nên bổ sung thêm một số hàng hoá và dịch vụ sau đây: Về Phụ lục I. Danh mục hàng hoá cấm kinh doanh: Sự xuất hiện của việc bán cả các loại động, thực vật rừng trên các hè phố tại TP Hồ Chí Minh, bán rau quả biến đổi gien, đồ chơi nhiễm chất độc hại, quần áo có chất độc…chơi game không lành mạnh dẫn đến nguy hiểm tính mạng và sức khỏe cho con người trong thời gian gần đây đã gây xôn xao trong dự luận và làm mọi người lo sợ cho thế hệ mai sau. Trong khi chờ các cơ quan chức năng kiểm nghiệm và thông báo kết quả kiểm nghiệm các độc tố hoặc các chất gây hại trong các sản phẩm nêu trên, trước mắt nên bổ sung các loại hàng hoá nêu trên vào các Danh mục hàng hoá tại Phụ lục I, II, III. Ví dụ: bổ sung các hàng hoá sau đây vào Danh mục hàng hoá cấm kinh doanh: thực vật, động vật và sản phẩm thực vật, động vật biến đổi gien; sản phẩm thực vật, động vật tẩm chất độc; động vật, thực vật độc (như: rùa tai đỏ, cây cảnh gây độc đã được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng) nguyên liệu làm vải, vải may quần áo, quần áo có chất độc; các loại thuốc chữa bệnh cho người, các loại vác xin, sinh phầm y tế, mỹ phẩm, hoá chất và chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn trong lĩnh vực gia dụng, y tế đã quá hạn sử dụng hoặc gần hết hạn sử dụng; đồ chơi trẻ em có chứa chất độc. Việc kinh doanh mắt kính (mặt hàng này vừa được đưa lên thông tin đại chúng) nên bổ dung vào Danh mục hàng hoá kinh doanh có điều kiện.

Luật sư Lê Nga, Công ty luật Thiên Cơ bình luận: Tại phụ lục I – danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, tôi thấy cần quan tâm hai cụm từ được dùng để mô tả tính chất của hai ngành nghề cấm kinh doanh là “nhập lậu” và “chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép”. Trên thực tế, chúng ta thấy rằng bất cứ hàng hóa nào nhập lậu cũng là hàng hóa cần phải cấm kinh doanh. Bất cứ hàng hóa dịch vụ nào chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép đều là hàng hóa dịch vụ cấm kinh doanh. Do đó, dùng một từ mô tả tính chất chung để cấm kinh doanh hai ngành nghề cụ thể (thuốc lá điếu, xì gà và các dạng thuốc lá thành phẩm khác và Hoạt động khám bệnh, chữa bệnh) là không chính xác và dễ gây hiểu nhầm rằng ngoài hai hàng hóa dịch vụ có tính chất như trên, các hàng hóa dịch vụ khác “nhập lậu” và “chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép” sẽ vẫn được phép kinh doanh.

Luật sư Lê Nga gợi ý: Nên bỏ hai ngành nghề “thuốc lá điếu, xì gà và các dạng thuốc lá thành phẩm khác nhập lậu” và “Hoạt động khám bệnh, chữa bệnh chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép” khỏi phụ lục I – danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh (thuốc lá điếu, xì gà và các dạng thuốc lá thành phẩm khác cũng đã được liệt kê tại phụ lục II – danh mục hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh và dịch vụ y tế; dịch vụ y, dược cổ truyền ở phụ lục III – danh mục hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện). “Hoạt động quảng cáo các hàng hoá, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hoá, dịch vụ cấm kinh doanh” và “Hoạt động quảng cáo đối với các sản phẩm thay thế sữa mẹ dành cho trẻ dưới 12 tháng tuổi” nên gộp lại thành “Hoạt động quảng cáo các hàng hoá, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hoá, dịch vụ cấm kinh doanh và hoạt động quảng cáo đối với hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo”. Như vậy sẽ bổ sung được việc cấm quảng cáo tất cả hàng hóa dịch vụ cấm kinh doanh và tất cả các hàng hóa dịch vụ cấm quảng cáo chứ không chỉ cấm quảng cáo đối với các sản phẩm thay thế sữa mẹ dành cho trẻ dưới 12 tháng tuổi.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI đề nghị: Điều quan trọng nhất là phải xem xét toàn diện, theo hướng nới lỏng thay vì ngày càng xiết chặt các điều kiện kinh doanh. Cần xem xét bỏ bớt các điều kiện hạn chế, đặc biệt là các lĩnh vực cấm kinh doanh. Chẳng hạn không nên cấm tiệt việc kinh doanh với 34 loại hàng hoá dịch vụ. Ví dụ, “Hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản” không nên đưa vào danh mục cấm kinh doanh (mới bổ sung theo Dự thảo Nghị định), mà chỉ cần đặt ra những điều kiện kinh doanh cần thiết (có thể là rất khắt khe).

Hay cũng cần xem lại việc có tới gần 30 hoạt động phải có vốn pháp định cho đến thời điểm này là quá nhiều. Nếu như dịch vụ đòi nợ cũng đòi hỏi phải có vốn pháp định tới 2 tỷ đồng, thì có thể lập luận rằng bất kỳ hoạt động kinh doanh nào cũng phải có vốn pháp định, dù nhiều dù ít, cũng như phải có vốn điều lệ. Và như vậy thì chúng ta sẽ quay ngược lại với những quy định sai lầm và lỗi thời của Luật Công ty năm 1990.

Cần kiên quyết bài trừ hiện tượng xây dựng pháp luật kinh doanh: Cứ không quản được thì cấm. Đối với những ngành, nghề, hàng hoá, dịch vụ chưa thể bỏ được các điều kiện ràng buộc, thì cần phải đặt ra các điều kiện đơn giản, rõ ràng, hợp lý, tránh tình trạng về quan điểm, chủ trương chung thì khuyến khích doanh nghiệp tự do kinh doanh, nhưng thực tế thì lại ngăn cấm bằng quá nhiều quy định, không chỉ có trong các đạo Luật và Nghị định như nêu trong Dự thảo Nghị định, mà còn bằng vô vàn những thông tư và cả công văn nữa.

Kim Hoa

——————————————————–

Cập nhật lúc : 4:07 PM, 10/08/2010:http:

//www.taichinhdientu.vn/Home/Nhieu-tranh-cai-ve-danh-muc-hang-hoa-dich-vu-cam-han-che-kinh-doanh-co-dieu-kien/20108/94788.dfis

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.393. Đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng pháp...

Đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng pháp luật đáp ứng yêu cầu phát...

Trích dẫn 

3.913. Giá vàng ngày một "nóng", có nên nắm giữ...

Giá vàng ngày một "nóng", có nên nắm giữ dài hạn? (KTCK) - Giá vàng tăng...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 232,479