Rào cản cơ bản
(ANVI) – Luật ta vạch ra nhiều loại lãi: Lãi suất vay tiền, lãi suất chậm trả, lãi suất chậm thi hành án,… cái nào cũng có cái lý cứng cựa của nó.
Nhưng duy có lãi suất cơ bản hay còn gọi là nền tảng thì chán từ lúc sinh ra trong Luật Ngân hàng Nhà nước 1997, rồi nhân bản trong nhiều luật lệ khác, cho đến nay vẫn loay hoay tranh cãi rất gay go trong lò Quốc hội: Bỏ quách hay giữ cho oách trong Bộ luật Dân sự đang được nhăm nhe thông qua?
Lãi suất cơ bản 9%/năm đã án binh bất động trong suốt 5 năm qua. Do đó, cứ theo như Điều 476 về “Lãi suất”, Bộ luật Dân sự 2005, thì lãi vay không được quá 150% mức đó, tức không quá 13,5%/năm, không hề có ngoại lệ. Quy định này đã trở thành trò đùa trên thực tế, tha hồ vượt rào mà chả làm sao. Cánh buôn tiền chuyên nghiệp, thì bám vào cái lý khác, nên thoải mái áp lãi, 50 – 70%/năm hay cao hơn nữa cũng chưa bị tuýt còi.
Muốn quản trần lãi suất thì cứ đặt ra trần cụ thể, rõ ràng cho cả làng đều biết, ít thì một hai chục, nhiều thì dăm ba chục % gì đó[1]. Muốn nhiều loại trần thì cứ cân đo áp đặt, cớ gì Luật lại cứ phải dựa dẫm vào thông tư? Vẫn muốn xử tội cho vay lãi nặng, thì cứ đóng đinh cỡ lãi 100% gì đó.
Mỗi điều quan trọng nhất: Trần của kinh tế tự do mà chật chội, thấp tè, thì thị trường nó đè cho chết không tha.
Ngày 04-11-2015
[1] Bộ luật Dân sự 2015 đã ấn định trần lãi suất cho vay 20%/năm.