122.  Hàng hoá, dịch vụ: Thiết yếu hay thứ yếu?

(DĐDN) – Hàng hoá, dịch vụ thiết yếu luôn có vai trò quan trọng cũng như tác động lớn tới đời sống xã hội. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có một văn bản quy phạm pháp luật định danh hàng hoá, dịch vụ này. Chính vì vậy, khi Bộ Công Thương đưa ra 15 mặt hàng trong danh mục “hàng hoá dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng mẫu, điều kiện giao dịch chung” đã bị hầu hết các DN và chuyên gia phản đối. DĐDN có cuộc trao đổi cùng LS Trương Thanh Đức.

Theo ông Đức, trong tổng số 15 loại hàng hoá, dịch vụ nêu trong Dự thảo Danh mục 15 loại hàng hoá, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung của Bộ Công Thương thì chỉ có 3 hàng hoá, dịch vụ đạt tiêu chí thiết yếu, đó là dịch vụ cung ứng điện sinh hoạt, dịch vụ cung ứng nước sạch sinh hoạt và dịch vụ thuê bao điện thoại cố định.

– Như vậy, cần phải định danh đâu là hàng hoá, dịch vụ thiết yếu trước khi ban hành danh mục, thưa ông?

Điều 19, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vừa có hiệu lực quy định: “tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục hàng hoá, dịch vụ thiết yếu do Thủ tướng Chính phủ ban hành phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”. Như vậy, chúng ta có thể hiểu, luật giao cho Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục trên. Tuy nhiên, cả luật, dự thảo Nghị định hướng dẫn và dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc “ban hành danh mục hàng hoá, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung” đều không giải thích thế nào là hàng hoá, dịch vụ thiết yếu.

Trong Từ điển tiếng Việt năm 1992 của Viện ngôn ngữ học giải thích: “Thiết yếu là rất cần thiết, không thể thiếu được”. Điều đó, có nghĩa là hàng hoá, dịch vụ thiết yếu là loại hàng hoá, dịch vụ cần thiết, không thể thiếu trong cuộc sống bình thường của đại đa số người tiêu dùng.

Thực tế, danh mục các hàng hoá, dịch vụ thiết yếu cũng đã được quy định tại những văn bản quy phạm pháp luật như quyết định, nghị định… của những năm 1980 có 6 mặt hàng, năm 1990 có 9 mặt hàng, năm 2000 có 7 mặt hàng, năm 2011 có 7 mặt hàng thiết yếu phải chấp hành pháp luật về giá… Tất cả các mặt hàng được gọi là thiết yếu này đều đạt tiêu chí như trong từ điển tiếng Việt là cần thiết và không thể thiếu được. Chúng là những thứ người dân phải sử dụng hàng ngày như lương thực, chất đốt, phân bón, thuốc chữa bệnh, thuốc trừ sâu, đồ dùng học tập…

– Chiểu theo các tiêu chí thiết yếu, thì hầu hết các “hàng hoá, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung” trong danh mục Bộ Công Thương đưa vào dự thảo đều phải bỏ ra ngoài, thưa ông?

Thẻ ghi nợ Debit Card ngay đến nhiều lãnh đạo ngân hàng
còn chưa dám dùng thì làm sao có thể gọi là dịch vụ thiết yếu?

 

Khó có thể nói những hàng hoá, dịch vụ như mua bán ôtô mới, mua bán nhà, căn hộ mới, bảo hiểm nhân thọ, phi nhận thọ, hay dịch vụ vận chuyển hàng không… là những thứ thiết yếu trong đời sống của đại cộng đồng dân cư. Nếu nói các loại hàng hoá, dịch vụ này là thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu và điều kiện giao dịch chung như trong dự thảo là trái luật. Vì chúng thuộc loại hàng hoá, dịch vụ cao cấp, nâng cao giá trị cuộc sống cá nhân, chứ không phải là loại hàng hoá, dịch vụ thiết yếu đối với đa số người tiêu dùng.

Tuy nhiên, việc mở rộng các đối tượng phải đăng ký hợp đồng theo mẫu là cần thiết. Vì điều này có lợi cho các giao dịch, bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng và giúp ổn định đời sống thương mại trong xã hội.

Không dừng lại những mặt hàng trên, Ban soạn thảo có thể mở rộng đối tượng rộng hơn nữa. Ví dụ, Ban soạn thảo chỉ yêu cầu đăng ký hợp đồng mẫu, điều kiện chung đối với mua bán ôtô mới, là mặt hàng dành cho số ít cá nhân khá giả.

Dự thảo Danh mục 15 loại hàng hoá, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung của Bộ Công Thương

1. Mua, bán ô tô mới;

2. Mua bán nhà, căn hộ mới;

3. Dịch vụ quản lý khu đô thị, khu chung cư;

4. Dịch vụ cung cấp điện sinh hoạt;

5.Dịch vụ cung cấp nước sạch sinh hoạt;

6. Dịch vụ truyền hình trả tiền;

7. Dịch vụ thẻ sử dụng máy rút tiền tự động (ATM);

8. Dịch vụ thẻ tín dụng (Credit Card), thẻ ghi nợ (Debit Card);

9. Dịch vụ bảo hiểm nhân thọ;

10. Dịch vụ bảo hiểm phi nhân thọ;

11. Dịch vụ thuê bao điện thoại cố định;

12. Dịch vụ thuê bao điện thoại di động trả sau;

13. Dịch vụ truy cập internet hoặc cung cấp nội dung trên nền tảng Internet;

14. Dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không;

15. Dịch vụ vận chuyển hành khách đường sắt.

Vậy tại sao không yêu cầu đăng ký hợp đồng mẫu, điều kiện chung đối với mua bán mô tô, xe máy, là mặt hàng thiết yếu đối với đông đảo người tiêu dùng cá nhân?

Thực tế, các hàng hoá, dịch vụ thiết yếu trong danh mục được Bộ Công thương đưa ra hầu hết đều có thể làm hợp đồng theo mẫu. Khi có hợp đồng mẫu và được đăng ký, quyền lợi người tiêu dùng cũng được quy định rõ ràng và đầy đủ hơn. Tuy nhiên, Ban soạn thảo không nên nói đây là những mặt hàng thiết yếu, mà bổ sung thành những mặt hàng thiết yếu và cần thiết. Cùng với đó, Quốc hội hay Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng nên sớm thảo luận để thống nhất tiêu chí hàng hoá, dịch vụ thiết yếu.

– Không ít hàng hoá, dịch vụ chưa phải là thiết yếu nhưng lại dễ dàng xây dựng được hợp đồng mẫu. Nhưng nhiều loại thiết yếu thì trong giao dịch thương mại lại khó có thể làm được hợp đồng mẫu. Theo ông, vấn đề này nên xử lý ra sao?

Nhiều dạng giao dịch như: gọi điện cũng có người chở gạo, chở gas… đến nhà, hay đi mua xăng, mua thuốc, sách vở… có thể xem là hàng hoá, dịch vụ thiết yếu thì lại không cần hợp đồng mẫu. Nhưng chính những giao dịch này là đối tượng cần có điều kiện giao dịch chung. Mặc dù, tranh chấp trong xã hội thường chỉ xảy ra với những giao dịch có giá trị lớn. Nhưng quyền lợi người tiêu dùng thì có thể bị ảnh hưởng ở mọi loại giao dịch. Vì giá trị nhỏ, không tương xứng với việc người tiêu dùng phải bỏ công ra kiện tụng, tranh chấp, nhưng bức xúc và thiệt hại thì vẫn luôn xảy ra.

Văn bản quy phạm pháp luật cần có hơi thở của cuộc sống. Việc ban hành danh mục “hàng hoá, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng mẫu, điều kiện giao dịch chung” lần này là cơ hội để xây dựng những quy tắc trong ứng xử thương mại thường ngày trong xã hội. Cơ quan soạn thảo không nên dễ làm, khó bỏ. Bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng là một trong những điều kiện quan trọng để xã hội phát triển lành mạnh và bền vững.

– Nếu nhìn dưới góc độ DN, việc phải đăng ký hợp đồng mẫu, điều kiện giao dịch chung có phát sinh thêm thủ tục phiền hà cho DN không, thưa ông?

Đúng là khi thêm những quy tắc, thêm thủ tục đăng ký thì DN phải mất thêm thời gian, công sức và chi phí để tuân thủ các thủ tục đó. Nhưng để hạn chế được thời gian và chi phí cho DN cần phát huy vai trò hiệp hội, vai trò nhóm. Một DN đăng ký hợp đồng mẫu sẽ mất thời gian, phiền hà và có điều kiện để tham nhũng phát sinh. Nhưng hiệp hội đại diện cho các DN đứng ra đăng ký hợp đồng mẫu sẽ đỡ tốn kém và ít nguy cơ dẫn đến tiêu cực hơn. Đây là lúc cần phát huy tính cộng đồng trong DN.

– Xin cảm ơn ông!

Ông Nguyễn Mạnh Hùng – Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiểu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng VN:
Hạn chế cửa quyền
Trong điều kiện nền kinh tế nước ta còn có một số mặt hàng mang tính độc quyền, mặt trái của nó là tính cửa quyền, dẫn đến sự thiếu bình đẳng trong quan hệ mua bán. Người bán có cơ hội áp đặt người mua. Còn người mua thì không có quyền lựa chọn nên buộc phải chấp nhận những điều kiện người bán, cho dù, điều kiện đó có bất lợi cho mình. Việc ban hành danh mục hàng hoá, dịch vụ thiết yếu buộc phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung sẽ góp phần hạn chế tính cửa quyền trong giao dịch.Ông Phùng Đắc Lộc – Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm VN:
Cần bảo vệ cộng đồng

Danh mục “hàng hoá, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng mẫu, điều kiện giao dịch chung” Ban soạn thảo đưa ra hướng nhiều tới bảo vệ những “người giàu”. Ôtô là mặt hàng Bộ Tài chính cho rằng không phải là mặt hàng thiết yếu thì Ban soạn thảo lại đưa vào danh mục. Bảo hiểm phi nhận thọ cũng rất ít người VN tham gia. Trong khi, những loại bảo hiểm khác như bảo hiểm y tế, bảo hiểm nông nghiệp là đối tượng nhà nước phải hỗ trợ rất nhiều và mang tính xã hội cao thì không thấy nói tới.

Ngoài ra, việc đăng ký hợp đồng theo mẫu sẽ ảnh hưởng tới 7 triệu hợp đồng bảo hiểm nhân thọ được ký từ năm 1996 đến nay. Rất nhiều trong số đó có thời hạn tới 20, 30 năm hoặc suốt đời. Vậy nếu các hợp đồng này không đúng với hợp đồng mẫu sẽ xử lý ra sao?

Ông Trương Đình Song – Hiệp hội Ngân hàng VN:
Chưa hiểu dịch vụ ngân hàng

Khi xây dựng dự thảo danh mục hàng hoá, dịch vụ thiết yếu, Ban soạn thảo chưa hiểu về dịch vụ ATM. ATM là máy giao dịch tự động. Cả hai loại thẻ ATM, thẻ tín dụng Credit Card và Debit Card được ghi trong danh mục đều có thể rút tiền tại máy giao dịch tự động. Hơn nữa, thẻ ghi nợ Debit Card ngay đến nhiều lãnh đạo ngân hàng còn chưa dám dùng thì làm sao có thể gọi là dịch vụ thiết yếu.

Bà Trịnh Hằng Nga – Vụ Pháp chế, Bộ Giao thông Vận tải:
Chọn nhầm đối tượng

Dịch vụ vận chuyển hành khách bằng đường sắt chỉ chiếm khoảng 1% trong tổng số các loại hình vận chuyển. Dịch vụ vận chuyển bằng hàng không còn thấp hơn nữa. Ban soạn thảo đã đưa hai loại hình vận chuyển trên vào danh mục hàng hoá, dịch vụ thiết yếu. Trong khi, hình thức vận tải bằng đường bộ chiếm khoảng 90% thị phần hiện nay thì lại không đưa vào danh mục.

Ban soạn thảo nói đăng ký hợp đồng theo mẫu không phát sinh thủ tục là thiếu cơ sở. Hợp đồng máy bay là cả một bộ hồ sơ bao gồm từ vé và nhiều giấy tờ khác. Các hãng hàng không đã phải đăng ký điều kiện bay với Bộ Giao thông Vận tải. Nếu phải đăng ký hợp đồng mẫu với Bộ Công Thương thì liệu có dẫn đến chồng chéo thủ tục?

Ông Phan Vũ Anh – Ban Pháp chế TCty Vinaconex:
Danh mục chưa rõ ràng

Danh mục Hợp đồng mua bán nhà, căn hộ là chưa rõ ràng. Thế nào là mua bán nhà? Nhà có nhiều loại, nhà xưởng, nhà công vụ, nhà ở… Khi xây dựng dự thảo phải thật rõ ràng, nếu chung chung quá sẽ khó triển khai. Ngoài ra, hợp đồng mua bán căn hộ, nhà ở cũng rất đa dạng, khó có thể có một hợp đồng mẫu. Vấn đề là làm thế nào có một tiêu chí chung để bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng.

Ban soạn thảo cũng cần ban hành cả các chế tài xử lý nếu hợp đồng mẫu bị vi phạm. Việc ban hành một Quyết định của Thủ tướng Chính phủ sẽ ảnh hưởng rất lớn tới đời sống xã hội. Để Quyết định đi vào cuộc sống là cả một hệ thống quy tắc ứng xử đồng bộ được áp dụng.

Bá Tú thực hiện

—————-

Diễn đàn Doanh nghiệp 26-10-2011:

http://dddn.com.vn/20111026105756538cat163/hang-hoa-dich-vu-thiet-yeu-hay-thu-yeu.htm

(1.293/2.329)

(Điểm báo trên VTV sáng 26-10-2011)

 

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.423. Will Duc Giang Chemical’s leadership breach lead to...

Will Duc Giang Chemical’s leadership breach lead to penalties? (VNN) - The leadership structure...

Trích dẫn 

3.973. Nợ xấu tiếp tục là thách thức đối với...

Nợ xấu tiếp tục là thách thức đối với ngành ngân hàng. (CT) –...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,031