123. Nên điều chỉnh lại các bậc thuế thu nhập cá nhân

(ĐT) “Nhiều quy định trong Luật Thuế thu nhập cá nhân thiếu công bằng, không hợp lý, nếu không sớm sửa đổi, bổ sung sẽ gây bất bình cho người nộp thuế”, ông Trương Thanh Đức, Phó tổng giám đốc Maritime Bank, đại diện cho Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nhận định.

Thưa ông, có nhiều ý kiến cho rằng, mức thu nhập khởi điểm phải nộp thuế 4 triệu đồng/tháng là quá thấp, người dân không đủ sống mà vẫn phải nộp thuế là hết sức vô lý?

Tôi nghĩ rằng, mức khởi điểm chịu thuế hiện nay là hợp lý, bởi với mức khởi điểm 4 triệu đồng/tháng, nếu không phải nuôi người phụ thuộc thì cá nhân có thu nhập 10 triệu đồng/tháng, mỗi tháng cũng chỉ phải nộp 350.000 đồng. Tuy nhiên, bất hợp lý nằm ở nhiều vấn đề khác.

Ở những vấn đề nào, thưa ông?

Mức thuế suất bậc 1 được xem ra khá nhẹ nhàng, người nộp thuế không phải “tính đếm” đến khoản thuế phải nộp, nên không tìm cách gian lận thuế. Nhưng khoảng cách giữa các bậc thuế quá ngắn. Cụ thể, khoảng cách mức thuế phải nộp từ bậc 1 (thuế suất 5%) đến bậc 2 (thuế suất 10%) chỉ có 5 triệu đồng/tháng, từ bậc 2 đến bậc 3 (thuế suất 15%) chỉ có 8 triệu đồng/tháng. Khoảng cách mức thuế phải nộp giữa bậc cao nhất với thuế suất 35% cũng chỉ gấp bậc thấp nhất 16 lần. Trong khi ở Trung Quốc, khoảng cách này là 200 lần, Malaysia là 100 lần, Thái Lan là 50 lần…

Với các bậc thuế suất bất hợp lý như hiện nay, người có thu nhập 100 triệu đồng/tháng phải nộp thuế gần 24% thu nhập, còn thu nhập 160 triệu đồng/tháng phải bỏ ra tới 28% thu nhập để nộp thuế.

Hệ quả của bất hợp lý này là gì?

Cá nhân tìm cách trốn thuế. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trả lương cho người lao động nước ngoài bên ngoài lãnh thổ Việt Nam, nên Nhà nước thất thu thuế.

Ngoài ra, còn những bất cập gì lớn khác?

Tiền học phí cho con của cá nhân người nước ngoài học tại Việt Nam theo bậc học phổ thông được giảm trừ gia cảnh còn tiền học phí cho con cá nhân người Việt Nam không được giảm trừ. Người phụ thuộc có thu nhập không thể đủ mức sống tối thiểu không được giảm trừ gia cảnh. Người nộp thuế mặc dù phải đi chữa bệnh, số tiền chữa bệnh có khi còn lớn hơn cả thu nhập vẫn phải nộp thuế… là những bất cập lớn trong thuế thu nhập cá nhân.

Khi tham gia xây dựng Luật Thuế thu nhập cá nhân, ông từng có quan điểm cần đánh thuế đối với cả tiền gửi ngân hàng. Bây giờ ông có bảo lưu quan điểm này không?

Tôi vẫn bảo lưu quan điểm này và đề xuất Bộ Tài chính nghiên cứu đánh thuế đối với tiền gửi ngân hàng, vì gửi ngân hàng cũng là một trong những kênh đầu tư, mà đã đầu tư thì phải nộp thuế.

Tôi cho rằng, không đánh thuế thu nhập cá nhân đối với tiền gửi ngân hàng là bất bình đẳng với các kênh đầu tư khác. Bởi một người phải bỏ công sức lao động vất vả cả tháng, có thu nhập trên 4 triệu đồng đã phải nộp thuế còn người khác chẳng phải làm gì nếu gửi ngân hàng 1 tỷ đồng, với lãi suất thấp nhất là 14%/năm, không tính các hình thức khuyến mãi, quà tặng khác của ngân hàng đã có thu nhập 12 triệu đồng/tháng mà không phải nộp thuế thì hết sức mất bình đẳng, Nhà nước không điều tiết được thu nhập như mục tiêu của thuế thu nhập cá nhân.

Mạnh Bôn

————-

Đầu tư 18-11-2011:

(676/676)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Bình luận 

427. Bình luận về Luật siêu dễ: Hồi hộp đến...

(VTV3) Bình luận về Luật siêu dễ: Hồi hộp đến phút cuối với chủ đề...

Phỏng vấn 

4.362. Xôn xao "nghi án" trang cờ bạc trực tuyến...

Xôn xao "nghi án" trang cờ bạc trực tuyến quảng cáo trá hình thông qua...

Trích dẫn 

3.860. Chung cư mini lần đầu được quy định cụ...

(VOV GT) - Luật Nhà ở năm 2023 có hiệu lực từ 01/8/2024, nhà ở nhiều tầng nhiều...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 224,143