(PL) – Một lần nữa, vấn đề kinh doanh (KD) vàng trên tài khoản lại được xới lên tại Hội thảo lấy kiến vào Dự thảo Nghị định (NĐ) sửa đổi, bổ sung NĐ 59/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hàng hoá (HH), dịch vụ (DV) cấm KD, hạn chế KD và KD có điều kiện. Khá nhiều HH, DV được Ban soạn đưa vào danh mục cấm KD, hạn chế KD và KD có điều kiện mà cũng không lý giải được tại sao…
Nếu như năm 1999 mới chỉ có 29 loại HH, DV bị đặt vào vòng cấm KD, hạn chế KD và KD có điều kiện, thì đến nay con số đó đã “tăng trưởng” vượt bậc trên 500% |
“Lợi bất cập hại”
“Tôi không tán đồng quan điểm cấm DV KD vàng trên tài khoản, bởi đây là hoạt động đầu tư (ĐT) tài chính ở cấp cao và chuyên nghiệp, và thực tế các nhà KD VN hoàn toàn có nhu cầu ĐT. Hoạt động này hoàn toàn tương đồng với hoạt động mua bán HH qua Sở giao dịch HH và ở mức độ nhất định, có nhiều nét tương đồng với hoạt động ĐT trên TTCK. Trong khi 2 hoạt động đó đã được tiến hành trên thị trường VN hàng chục năm qua thi hoạt động KD vàng trên tài khoản lại bi cấm theo quy định của NHNN, và bây giờ là theo NĐ này. Phải chăng không quản đựơc thì cấm???”- Ths Nguyễn Thị Yến, ĐH Luật Hà Nội phát biểu.
Đồng tình với quan điểm này, ông Đinh Nho Bảng, Tổng thư ký Hiệp hội KD Vàng cho rằng VN đang đi ngược lại xu hướng thế giới. Trong khi thế giới cho phép KD vàng trên tài khoản thì VN chỉ cho KD vàng vật chất. “KD vàng vật chất có nghĩa phải nhập khẩu, tốn ngoại tệ, ảnh hưởng đến nhập siêu. Trong khi ước tính trong dân có khoảng 600 tấn vàng, trị giá khoảng 15 tỷ USD, lâu nay chỉ có ngân hàng huy động được, thì nay cấm các ngân hàng mở tài khoản KD vàng ở nước ngoài, vậy huy động rồi lấy đâu để trả cho dân?”- Ông Bảng phân tích.
Theo ông Bảng, KD vàng trên tài khoản giá rất khách quan, liên thông với quốc tế, cần phải khuyến khích, phải có quy chế cho hoạt động này… “Thực ra ngày 1/10/2008, Chính phủ giao NHNN soạn thảo văn bản quản lý sàn vàng. Sau 3 năm không ra được văn bản, Chính phủ yêu cầu tạm dừng hình thức KD này, đó là quyết định đúng và chỉ dừng tạm thời, không nên lấy cái tạm thời, ngắn hạn để đưa vào NĐ để cấm. Nên đưa vào danh mục KD có điều kiện thì hợp lý hơn…”- Ông Bảng đề nghị.
Rào cản … “tăng trưởng” vượt bậc!!!
Tiếng là “NĐ sửa đổi, bổ sung…” nhưng thực tế Dự thảo NĐ sửa đổi, bổ sung NĐ 59/2006/NĐ-CP chỉ thay 3 cái phụ lục: HH, DV cấm KD; HH, DV hạn chế KD và HH, DV KD có điều kiện, tất nhiên với độ dày dặn hơn nhiều so với phụ lục của NĐ 59/2006/NĐ-CP. Ông Nguyễn Minh Chí – Chủ tịch VIAC, thành viên Ban soạn thảo – thừa nhận, thực ra Dự thảo các danh mục này cũng chỉ “nhặt” các văn bản pháp luật đã ban hành, “cũng có ý kiến đề nghị Ban soạn thảo giải thích vì sao đưa HH, DV đó và danh mục HH, DV cấm KD; HH, DV hạn chế KD và HH, DV KD có điều kiện, nhưng cũng rất … khó để giải thích” (!?)
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, đã kỳ công tổng hợp số lượng ngành, nghề, HH, DV bị cấm trong KD trong một thập kỷ qua. Nếu như năm 1999 mới chỉ có 29 loại HH, DV bị đặt vào vòng cấm KD, hạn chế KD và KD có điều kiện, thì đến nay con số đó đã “tăng trưởng” vượt bậc trên 500%, bình quân tăng 23,5% mỗi năm. “Chưa bàn đến chuyện “rào cản” nhiều là tốt hay không tốt, nhưng chắc chắn đó là các “chướng ngại vật”, mà DN buộc phải vượt qua trên con đường sinh tồn, bị ném đá, chăng dây tới tấp…”- Ông Đức phát biểu.
Danh mục HH, DV bị cấm KD, hạn chế KD và KD có điều kiện
HH,DV | Năm 1999 | Năm 2002 | Năm 2006 | Đến tháng 8/2010 | Cuối năm 2010 |
Cấm KD | 10 | 11 | 23 | 33 | 34 |
Hạn chế KD | 5 | 5 | 8 | 11 | 12 |
KD có điều kiện | 14 | 22 | 92 | 108 | 111 |
Tổng cộng | 29 | 38 | 123 | 152 | 157 |
NĐ 59/2006/NĐ-CP ngày 12/6/2006 và Dự thảo NĐ này là nhằm vào mục tiêu giúp cho DN tránh “đâm đầu vào bụi rậm”, phạm luật mà không biết, thế nhưng bên cạnh 3 hàng rào HH, DV cấm KD, hạn chế KD và KD có điều kiện nói trên, thì còn 4 hàng rào “đồng dạng” khác mà các DN khó có thể phân biệt, được quy định tại NĐ 139/2007/NĐ-CP ngày 05/9/2007 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết thi hành một điều của Luật DN năm 2005. Theo Luật sư Đức, rất cần một NĐ chung để điều chỉnh đồng thời các vấn đề nói trên của cả Luật Thương mại, Luật DN, Luật ĐT và các Luật liên quan khác, NĐ mới này có tên gọi là “NĐ quy định về điều kiện KD”.
Thanh Lan
———————————
Pháp luật VN 11-8-2010