126. Cấm không có nghĩa là tạo rào cản

(VOV.vn) – Trong bối cảnh Việt Nam đã gia nhập WTO, việc thiết lập những hàng hoá, dịch vụ cấm, hạn chế kinh doanh hay kinh doanh có điều kiện trước hết cần tính đến yếu tố thực tế và bảo vệ doanh nghiệp trong nước.  

Theo Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 59/2006/NĐ-CP ngày 12/6/2006 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hàng hoá, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện, có thêm 6 loại hàng hoá và 5 loại hình dịch vụ cấm kinh doanh, 1 loại hàng hoá và 3 dịch vụ hạn chế kinh doanh và 7 hàng hoá, 11 dịch vụ bị liệt kê vào danh mục kinh doanh có điều kiện.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây không chỉ là số lượng các mặt hàng, dịch vụ được “thêm” hay “bớt”, mà tính thực tiễn của những quy định trên cũng nhận không ít “thắc mắc” của các chuyên gia, doanh nghiệp.

Có nên cần một Nghị định bổ sung?

Phát biểu tại Hội thảo Góp ý hoàn thiện Dự thảo Nghị định sủa đổi, bổ sung Nghị định số 59/2006/NĐ-CP diễn ra ngày 10/8 tại Hà Nội, ông Trương Quang Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho rằng, trong những năm qua, Chính phủ đã sửa đổi và ban hành mới nhiều chính sách và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh hoạt động kinh doanh đối với các hàng hoá, dịch vụ, góp phần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước thực hiện theo đúng cam kết gia nhập WTO.

Nhiều ý kiến cho rằng không nên cấm “Hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản” (Ảnh minh hoạ:dnvn.com.vn)

Do đó, các danh mục hàng hoá, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện ban hành theo Nghị định 59 có những điểm không còn phù hợp, thống nhất với hệ thống luật pháp nói chung và sự phát triển kinh tế- xã hội hiện nay. Việc sửa đổi, bổ sung các danh mục này là yêu cầu cấp bách. Tuy nhiên, những nội dung được đề cập trong Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 59 đang đặt ra những vấn đề cần xem xét một cách thấu đáo.

Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, số lượng ngành, nghề, hàng hoá, dịch vụ bị ngăn cấm trong kinh doanh được gia tăng một cách chóng mặt trong một thập kỷ qua. Nếu như năm 2009 chỉ có 29 loại hàng hoá, dịch vụ bị đặt vào vòng cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện, thì đến nay con số đó đã “tăng trưởng” vượt bậc trên 500%.

Theo đó, đến tháng 8/2010, tổng cộng các mặt hàng nằm trong phạm vi quy định theo 3 loại trên là 152 hàng hoá, dịch vụ, và dự kiến đến cuối năm 2010, con số này sẽ tăng lên 157. Trong khi đó, nhiều nội dung lại trùng hoặc tương đương với các quy định của các Bộ, ngành. Và trong tương lai, nếu các quy định của các Bộ, ngành không còn phù hợp, bị bãi bỏ thì liệu Nghị định bổ sung phải sửa đổi thế nào?

Theo Luật sư Trương Thanh Đức, có thể ban hành những phụ lục kèm theo Nghị định 59/2006 NĐ-CP và công khai hoá trên internet để các doanh nghiệp tiện theo dõi, cũng như dễ dàng trong việc sửa đổi, bổ sung nội dung.

Trước hết phải vì doanh nghiệp trong nước

Theo Luật sư Trần Vũ Hải, Công ty Luật Hà Nội, các quy định dù ở cấp độ nào cũng đều vì mục đích bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp cũng như người dân. Tuy nhiên, trong điều kiện hội nhập, những điều kiện được đặt ra trước hết phải tạo điệu kiện cho doanh nghiệp trong nước cạnh tranh với nhà đầu tư nước ngoài, phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới. Trong đó, nhiệm vụ của các quy định là nói được yếu tố: Thị trường Việt Nam rất tốt, để thu hút các nhà đầu tư.

Cùng quan điểm trên, nhiều luật sư cũng nêu ví dụ việc cấm “Hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản” là không hợp lý. Bởi lẽ, theo ông Đinh Nho Bảng, Tổng Thư ký Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam, thành công của thế giới đã chứng minh rõ điều đó.

Theo ông Đinh Nho Bảng, Việt Nam đang tốn một lượng lớn ngoại tệ vào nhập khẩu vàng

Theo ông Bảng, kinh doanh vàng ở Việt Nam là vàng vật chất và đương nhiên phải có nhập khẩu, xuất khẩu vàng. Điều đó đồng nghĩa với việc chúng ta đang tốn một lượng ngoại tệ rất lớn vào giao dịch này, thậm chí, tính minh bạch không cao bằng kinh doanh qua tài khoản.

Còn theo Luật sư Trương Thanh Đức, “Hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản” không nên đưa vào danh mục cấm kinh doanh (mới bổ sung theo Dự thảo Nghị định) mà chỉ cần đặt ra những điều kiện kinh doanh cần thiết, có thể là rất khắt khe.

Theo Th.s Nguyễn Thị Yến (Khoa Pháp luật Kinh tế- Đại học Luật Hà Nội), kinh doanh vàng trên tài khoản là hoạt động đầu tư tài chính ở cấp cao và chuyên nghiệp. Thực tế các nhà kinh doanh Việt Nam hoàn toàn có nhu cầu đầu tư và lợi nhuận hay rủi ro mà nhà kinh doanh được hưởng hay phải chịu hoàn toàn phụ thuộc vào độ chính xác của phán đoán của họ về giá vàng trong tương lai, tại thời điểm giao nhận vàng.

Bà Yến cho rằng, nếu cần có thể chuyển “Hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản” sang dịch vụ kinh doanh có điều kiện và Ngân hàng Nhà nước sẽ quy định điều kiện cụ thể cho hoạt động này. Thay vì “chạy” theo nhu cầu xã hội để cấm, luật pháp nên cho phép các hoạt động này được tiến hành và quy định rõ điều kiện thực hiện. Hay nói cách khác, chúng ta nên tạo ra sân chơi an toàn để thu hút các nhà đầu tư với một luật chơi chặt chẽ, công bằng, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mọi chủ thể tham gia thay vì đưa vào danh mục hàng hoá, dịch vụ cấm kinh doanh như hiện nay.

Ở một khía cạnh khác, theo Luật sư Trương Thanh Đức, điều quan trọng nhất là phải xem xét toàn diện, theo hướng nới lỏng thay vì ngày càng siết chặt các điều kiện kinh doanh. Cần xem xét bỏ bớt các điều kiện hạn chế, đặc biệt là các lĩnh vực cấm kinh doanh.

Đối với những ngành, nghề, hàng hoá, dịch vụ chưa thể bỏ được các điều kiện ràng buộc, thì cần phải đặt ra các điều kiện đơn giản, rõ ràng, hợp lý, tránh trình trạng về quan điểm, chủ trương chung thì khuyến khích doanh nghiệp tự do kinh doanh, nhưng thực tế lại ngăn cấm bằng quá nhiều quy định, không chỉ có trong các đạo Luật và Nghị định mà còn bằng vô vàn những thông tư và cả công văn nữa.

Thế nào là “rào cản”?

Ông Nguyễn Minh Chí, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam cho rằng, không phải cứ có nhiều quy định, nhiều mặt hàng, dịch vụ bị cấm thì hạn chế sự phát triển, không tạo điều kiện cho doanh nghiệp.

Th.s Nguyễn Thị Yến (Khoa Pháp luật Kinh tế- Đại học Luật Hà Nội): Cần xem xét tính thực tế khi cấm hay hạn chế kinh doanh hàng hoá, dịch vụ nào đó

Thực tế, các nước, kể cả các nước phát triển đều có những rào cản để bảo vệ kinh tế nội địa. Do đó, cần hiểu thế nào là “rào cản”, nếu các quy định đó tác động tích cực thì dù đã được quy định từ rất lâu hay mới được đưa ra lấy ý kiến đều phải được đón nhận, ủng hộ.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Minh Chí cũng công nhận rằng, hiện nay, các quy định nói chung còn chồng chéo, chưa thật sự chặt chẽ và gây khó dễ cho doanh nghiệp; thiếu tính tương thích giữa Nghị định với các luật chuyên ngành.

Lý giải về điều này, ông Chí cho rằng, thông thường các Bộ Luật, Luật đều được giao cho các Bộ quản lý liên quan nghiên cứu, đề xuất. Xét một cách chủ quan, điều đó dễ nảy sinh tâm lý “tự vệ”, tức các điều khoản được đưa ra sẽ thiên về bảo vệ quyền của các Bộ, ngành mình.

Theo ông Chí, không phải cứ “cái gì không quản được thì cấm”, mà mọi quy định đều đã được tính toán, lấy ý kiến và dựa trên những tiêu chí nhất định. Việc các quy định không phù hợp và được sửa đổi, bổ sung là chuyện bình thường. Riêng với Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 59, ông Chí cũng công nhận còn nhiều nội dung cần được bàn bạc, lấy ý kiến kỹ lưỡng hơn./.

Ngọc Thành

—————–

http://vovnews.vn/Home/Cam-khong-co-nghia-la-tao-rao-can/20108/151786.vov

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Bình luận 

427. Bình luận về Luật siêu dễ: Hồi hộp đến...

(VTV3) Bình luận về Luật siêu dễ: Hồi hộp đến phút cuối với chủ đề...

Phỏng vấn 

4.362. Xôn xao "nghi án" trang cờ bạc trực tuyến...

Xôn xao "nghi án" trang cờ bạc trực tuyến quảng cáo trá hình thông qua...

Trích dẫn 

3.860. Chung cư mini lần đầu được quy định cụ...

3.860. Chung cư mini lần đầu được quy định cụ thể trong Luật Nhà ở...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 224,075