(DĐDN) – Hầu hết các diễn giả tới tham dự hội thảo “Góp ý hoàn thiện Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 59/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện” đều cho rằng, ngoài những điểm tích cực, có tác dụng điều chỉnh kịp thời các quan hệ phát sinh trong hoạt động thương mại, Nghị định này cần sửa đổi, bổ sung tạo môi trường “thông thoáng” cho hoạt động của doanh nghiệp.
Toàn cảnh hội thảo
Chủ trương tự do, thực tế ngăn cấm
Theo Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI, số lượng ngành, nghề, hàng hoá, dịch vụ bị ngăn cấm trong kinh doanh đã được gia tăng một cách nhanh chóng trong một thập kỷ qua. Nếu như năm 1999 mới chỉ có 29 loại hàng hoá, dịch vụ bị đặt vào vòng cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện, thì đến nay (2010), con số đó đã “tăng trưởng” vượt bậc trên 500%. “Chưa bàn đến chuyện “rào cản” nhiều là tốt hay không tốt, nhưng chắc chắn đó là các “chướng ngại vật” mà doanh nghiệp buộc phải vượt qua trên con đường sinh tồn” – Luật sư Đức nhận định – “để tránh cho doanh nghiệp đâm đầu vào bụi rậm, phạm luật mà không biết, thì hoặc là phải ít rào cản hoặc là đòi hỏi rào cản phải rõ ràng, minh bạch” – Luật sư Đức nhấn mạnh.
Cái khó ở đây theo Luật sư Đức là “bên cạnh 3 hàng rào hàng hoá, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện nói trên, thì còn 4 hàng rào “đồng dạng” khác mà các doanh nghiệp khó có thể phân biệt được trong hoạt động kinh doanh. Đó là quy định về ngành, nghề và danh mục ngành, nghề cấm kinh doanh; Quy định về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh; Quy định về ngành, nghề kinh doanh phải có chứng chỉ hành nghề; Quy định về ngành, nghề kinh doanh phải có vốn pháp định. Thế nhưng, không có quy định nào khẳng định 3 danh mục với 157 loại hàng hoá, dịch vụ được hướng dẫn theo quy định của Luật Thương mại có phải chính là những rào cản theo quy định của Luật Doanh nghiệp hay không? Hay mặc dù đã liệt kê tới 111 loại “Hàng hoá, dịch vụ kinh doanh có điều kiện” nhưng lại không phân biệt được đâu là những “Ngành, nghề kinh doanh có chứng chỉ hành nghề và có vốn pháp định” theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Nghị định số 139/2007/NĐ-CP”.
Theo Luật sư Lê Nga – Công ty luật Thiên Cơ, nhìn vào số lượng ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong dự thảo đã thấy có sự vượt trội so với NĐ 59/2006/NĐ-CP (101 so với 92, đó là chưa kể các ngành nghề đã quy định mà dự thảo chưa liệt kê và các ngành nghề khác mà chưa thống kê được). Điều đó cho thấy rằng dù chúng ta đã cố gắng tạo hành lang pháp lý thông thoáng và nâng cao chức năng quản lý của Nhà nước hơn là cấm, hạn chế hoặc “giấy phép con” nhưng các ngành nghề kinh doanh có điều kiện dường như vẫn ngày càng được quy định nhiều hơn. Tuy nhiên, việc sửa đổi nội hàm của nghị định này lại không do chính nó quyết định mà do các văn bản pháp luật chuyên ngành.
Đưa ra giải pháp cho vấn đề này, Luật sư Đức đề nghị “rất cần một Nghị định chung để điều chỉnh đồng thời các vấn đề nói trên của cả Luật Thương mại và Luật Doanh nghiệp”.
Luật sư Trần Vũ Hải – Cty Luật Hà Nội cho rằng, nếu doanh nghiệp vẫn phải chịu những cản trở này thì chúng ta sẽ gia nhập thị trường rất chậm. Chúng ta cấm, hạn chế và ra điều kiện cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước nhưng lại không cấm được doanh nghiệp nước ngoài hoạt động. Điều này vô hình chung chúng ta đã tạo hạn chế sự phát triển của các doanh nghiệp Việt Nam so với doanh nghiệp nước ngoài. Vì vậy, cần phải xem xét làm sao để tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp phát triển kinh tế thị trường trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Nên đưa sàn vàng vào hoạt động kinh doanh có điều kiện
Một trong những vấn đề được đưa ra thảo luận nhiều nhất tại hội thảo là có nên đưa “Hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản” (điểm 6 mục B Phụ lục I) vào danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh không? Hoạt động này mới bị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấm kinh doanh với lý do thiếu Quy chế pháp lý và mang tính rủi ro cao, ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế.
Ths Nguyễn Thị Yến – Khoa Pháp luật Kinh tế, Đại học Luật Hà Nội cho biết: “Trong Dự thảo “Danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh”, dịch vụ này được đưa vào và trích dẫn nguồn văn bản pháp luật là Nghị định 59/2006 chứ không phải văn bản của Ngân hàng Nhà nước. Vì vậy, tôi không tán đồng quan điểm cấm dịch vụ kinh doanh vàng trên tài khoản, bởi đây là hoạt động đầu tư tài chính ở cấp cao và chuyên nghiệp, và thực tế các nhà kinh doanh Việt Nam hoàn toàn có nhu cầu đầu tư. Việc kinh doanh này không nhằm hướng tới việc giao và nhận vàng thực, hữu hình mà nhằm đầu cơ về giá vàng trong tương lai để kiếm lợi nhuận. Hay nói cách khác, các nhà kinh doanh mua vàng trên tài khoản với giá thỏa thuận vào thời điểm hiện tại, nhưng mới phải nộp tiền ký quỹ bằng một phần giá trị hợp đồng, và sẽ chỉ thanh toán và nhận vàng vào thời điểm ấn định trong tương lai. Do đó, lợi nhuận hay rủi ro mà nhà kinh doanh được hưởng hay phải chịu hoàn toàn phụ thuộc vào độ chính xác phán đoán của họ về giá vàng trong tương lai, tại thời điểm giao nhận vàng”.
Hiện, các sàn vàng mới bị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấm kinh doanh với lý do thiếu Quy chế pháp lý và mang tính rủi ro cao, ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế
Cũng theo bà Yến, hoạt động này hoàn toàn tương đồng với hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa và ở mức độ nhất định, có nhiều nét tương đồng với hoạt động đầu tư trên thị trường chứng khoán. Trong khi, mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa được Luật Thương mại (2005) và các văn bản hướng dẫn thi hành quy định và cho phép; đầu tư trên thị trường chứng khoán được Luật Chứng khoán (2006) và các văn bản hướng dẫn thi hành quy định và đã tiến hành trên thị trường Việt Nam từ hàng chục năm qua, thì hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản lại bị cấm theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, và bây giờ là theo Nghị định này.
“Do vậy, tôi đề nghị xem xét lại việc quy định dịch vụ này trong “Danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh”, nếu cần có thể chuyển sang dịch vụ kinh doanh có điều kiện và ngân hàng Nhà nước sẽ quy định điều kiện cụ thể cho hoạt động này” – bà Yến nhấn mạnh.
Đồng quan điểm với Th.s Nguyễn Thị Yến, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội kinh doanh Vàng Việt Nam Đinh Nho Bảng khẳng định: “nên cần một định hướng chính sách để cho thị trường này phát triển ổn định bền vững chứ không nên cấm sàn vàng vì thực tế, trên thế giới thị trường vàng rất phát triển”.
Ông Bảng nhận định, kinh doanh vàng trên tài khoản là hoạt động đầu tư tài chính chứa đựng yếu tố rủi ro rất cao, nhiều nhà đầu tư đã kiếm những khoản lợi lớn nhưng cũng không ít nhà đầu tư phá sản. Nhưng cũng phải nhìn nhận về ưu điểm của sàn giao dịch vàng là: vàng kinh doanh là ảo nên sẽ không dẫn tới tình trạng nhập khẩu vàng, hoạt động giao dịch mua – bán là thông qua sàn nên hoàn toàn có thể kiểm soát được khối lượng mua – bán vàng, đồng thời giá giao dịch là khách quan và có sự liên thông mật thiết với giá vàng quốc tế.
Ông Bảng cũng nhấn mạnh rằng, hiện sàn vàng bị cấm là do thiếu một quy chế cho sàn vàng hoạt động. Tuy nhiên, không vì thế mà đưa việc giao dịch vàng trên tài khoản vào diện cấm mà nó chỉ tạm thời dừng để xây dựng một chính sách, một quy chế đầy đủ hơn. Vì thế, theo ông, nên đưa sàn vàng vào diện kinh doanh có điều kiện (có thể là rất khắt khe).
Thực tế, sau khi các sàn giao dịch vàng bị cấm hoạt động, các nhà kinh doanh lại chuyển sang giao dịch bạc trên tài khoản – một hoạt động kinh doanh không bị cấm; hay chuyển sang một hình thức giao dịch tương tự vì họ vẫn có nhu cầu kinh doanh và sẵn sàng chấp nhận rủi ro. “Do đó, thay vì “chạy” theo nhu cầu xã hội để cấm, luật pháp nên cho phép các hoạt động này được tiến hành và quy định rõ điều kiện thực hiện. Hay nói cách khác, chúng ta nên tạo ra “sân chơi” an toàn để thu hút các nhà đầu tư với một “luật chơi” chặt chẽ, công bằng, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mọi chủ thể tham gia thay vì đưa vào Danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh như hiện nay” – bà Yến bày tỏ.
Quan điểm từ phía đại diện ngân hàng Nhà nước cũng cho rằng, không nên cấm hoạt động giao dịch của sàn vàng và chỉ cấm khi điều kiện pháp luật và quy chế chưa đủ. Việc cấm này chỉ mang tính chất trước mắt còn về lâu dài, chúng ta cần xây dựng một quy chế cụ thể và một hệ thống pháp luật để cho phép kinh doanh sàn vàng.
Cần tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp
Đó là nhận định của Luật sư Trần Vũ Hải – Công ty Luật Hà Nội khi bình luận về vấn đề Game online và những giải pháp trái luật của Bộ Thông tin và Truyền thông. Theo Luật sư Hải, những ảnh hưởng của trò chơi trực tuyến (Game online) hiện được dư luận rất quan tâm; và Bộ thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) với tư cách là cơ quan quản lý dịch vụ này đã tỏ ra sốt sắng giải quyết những bức xúc mà dư luận đã nêu. Ngày 02/8/2010, Bộ TT&TT đã ra Công văn số 2455/BTTTT-PTTH&TTĐT về tăng cường công tác quản lý đối với các dịch vụ Internet, UBND các tỉnh, thành phố, và các Sở TT&TT cùng các đơn vị chức năng của Bộ. Sau đó Bộ TT&TT đã đưa ra giải pháp cắt đường truyền đến các đại lý Internet từ 23 giờ đêm đến 6 giờ sáng.
Không có gì đảm bảo việc cắt Internet trong những giờ như trên sẽ làm giảm các tụ điểm truy cập Internet trong đêm
Luật sư Hải đưa ra thực tế: “Sau giờ đóng cửa và giờ mở cửa, các đại lý Internet vẫn cần sử dụng Internet cho các công việc chuẩn bị kinh doanh, phục vụ khách hàng và cho nhu cầu của chính gia đình mình. Khi bị cắt Internet, họ vẫn phải đóng đủ tiền như trước. Mặt khác, không có gì đảm bảo việc cắt Internet trong những giờ như trên sẽ làm giảm các tụ điểm truy cập Internet trong đêm vì những đại lý này có thể lách luật bằng cách sử dụng một thuê bao Internet khác hoặc phát sinh những điểm truy cập Internet lậu về đêm nếu không kiểm soát nổi”.
Việc Bộ TT&TT yêu cầu tạm dừng quảng cáo game online là trái Pháp lệnh quảng cáo. Biện pháp này cũng không công bằng đối với những doanh nghiệp có sản phẩm mới được phép lưu hành, so với những doanh nghiệp có những sản phẩm đã chiếm lĩnh thị trường.
Thêm nữa, việc tạm dừng thẩm định, phê duyệt các nội dung kịch bản trò chơi mới thực chất là một biện pháp hạn chế kinh doanh hoặc cấm kinh doanh có thời hạn, là biện pháp trái Luật doanh nghiệp. Biện pháp này vô hình đã làm lợi cho những doanh nghiệp đang có dịch vụ game online trên thị trường, đóng cửa thị trường đối với những doanh nghiệp có ý định đầu tư vào ngành nghề này, tạo một môi trường kinh doanh bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp.
Nam Phương – Hồ Hường
————————————-