Thêm… “giấy phép to”.
(DNVN) – Sau khi DĐDN có bài viết “10 năm lượng giấy phép con tăng 500%”, nhiều DN, chuyên gia quan tâm đến vấn đề này còn cho rằng đó mới là “bề nổi của tảng băng chìm”.
Trong một thập kỷ qua, số lượng ngành, nghề và hàng hoá, dịch vụ kinh doanh bị ngăn cấm đã gia tăng một cách nhanh chóng. Nếu như năm 1999 mới chỉ có 29 loại hàng hoá, dịch vụ bị đặt vào vòng cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện theo Nghị định số 11/1999/NĐ-CP, thì đến nay con số đó đã tăng đột biến lên 5 lần, lên đến con số 157 và còn đang có nguy cơ tiếp tục tăng qua từng ngày.
Tốc độ phi mã
Như vậy, trong suốt 11 năm qua, mỗi năm con số rào cản tăng đều trên 20% trong khi tốc độ tăng trưởng GDP chỉ đạt dưới 10%/năm. Có thể xem đó là 157 rào cản đối với kinh doanh (có 152 loại hàng hoá, dịch vụ đã được quy định trong các đạo luật, pháp lệnh và nghị định; 5 loại còn lại đang được quy định trong quyết định của Thủ tướng và các thông tư), trong đó có 33 rào cản cấm hoàn toàn. Đó là những “chướng ngại vật” mà DN buộc phải vượt qua trên con đường sinh tồn.
Thông qua việc tập hợp các điều kiện kinh doanh của hàng trăm văn bản quy phạm pháp luật (trong đó có 99 văn bản từ tầm nghị định trở lên), Dự thảo nghị định đang được lấy ý kiến để sửa đổi, bổ sung nghị định số 59/2006/NĐ-CP. Theo đó, dự thảo “Quy định chi tiết Luật Thương mại về hàng hoá cấm kinh doanh, hàng hoá hạn chế kinh doanh, hàng hóa kinh doanh có điều kiện” đã liệt kê ba danh mục gồm: Danh mục hàng hoá, dịch vụ cấm kinh doanh; Danh mục hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh và Danh mục hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện. Một yêu cầu đặt ra là hoặc là phải ít rào cản hoặc là rào cản nhiều thì phải minh bạch, để tránh cho DN rơi vào mê cung rào cản. Do đó, rất cần một Nghị định chung để điều chỉnh về các vấn đề nói trên của cả Luật Thương mại, Luật DN và Luật Đầu tư. Có thể đặt tên là “Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh”.
3 hay 9 hàng rào ?
Nhưng bên cạnh 3 hàng rào hàng hoá, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện nói trên, thì còn 4 hàng rào “đồng dạng” khác mà các DN khó có thể phân biệt được trong hoạt động kinh doanh. Đó là bốn nội dung về “ngành, nghề và điều kiện kinh doanh” trong Nghị định số 139/2007/NĐ-CP ngày 5/9/2007 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật DN năm 2005 gồm: ngành, nghề cấm kinh doanh; ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh; ngành, nghề kinh doanh phải có chứng chỉ hành nghề và ngành, nghề kinh doanh phải có vốn pháp định. Ngoài ra còn hai hàng rào khác là lĩnh vực cấm đầu tư và lĩnh vực đầu tư có điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư năm 2005.
Qua so sánh các hàng rào nêu trên của hai Nghị định số 59/2006/NĐ-CP và số 139/2007/NĐ-CP, cho thấy ba nhóm hàng hoá, dịch vụ theo Luật Thương mại là: “hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh”, “hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh” và “hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện” hoàn toàn bao trùm lên bốn nhóm ngành, nghề theo Luật DN là: “ngành, nghề cấm kinh doanh”, “ngành, nghề kinh doanh có điều kiện” và “ngành, nghề kinh doanh có chứng chỉ hành nghề và có vốn pháp định”. Tuy nhiên, không có quy định nào khẳng định ba danh mục với 157 loại hàng hoá, dịch vụ được hướng dẫn theo quy định của Luật Thương mại có phải chính là những rào cản theo quy định của Luật DN không ?
Như vậy, nếu sửa đổi, thì cần giải quyết các vấn đề nội dung của Nghị định số 59/2006/NĐ-CP và số 139/2007/NĐ-CP, chứ hoàn toàn không cần thiết sửa đổi ba danh mục hàng hoá, dịch vụ ban hành kèm theo Nghị định 59/2006/NĐ-CP. Vì các danh mục này chỉ đơn thuần thống kê và sao chép lại những quy định cấm, hạn chế hay đặt điều kiện của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, theo đúng những gì nó đang có, chứ không thêm bớt, thay đổi. Danh mục này chỉ có tác dụng giúp thuận lợi cho việc thực hiện, chứ không có ràng buộc gì về mặt pháp lý. Các danh mục hàng hoá, dịch vụ đó sẽ nhanh chóng lạc hậu, có thể chưa được liệt kê hết hoặc khi có văn bản được nêu hết hiệu lực hoặc có văn bản đặt ra những rào cản mới.
Trong khi đòi hỏi thực tế là cần các danh mục hàng hoá, dịch vụ phải được cập nhật và công bố thường xuyên. Và việc này hoàn toàn chỉ là những thao tác kỹ thuật, chứ không phải là các quy phạm pháp luật để phải ban hành riêng trong một nghị định. Các luật sư hay bất cứ ai cũng có thể tập hợp và công bố danh mục này cho mọi người tham khảo. Tuy nhiên, nếu một cơ quan nhà nước như Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hay Bộ Tư pháp đảm nhiệm việc này thì nó hợp lý hơn và thông tin sẽ tin cậy hơn.
Bao nhiêu hàng rào thì đủ ?
Những rào cản này ngày càng khó thay đổi, vì không còn ở tầm thấp của thông tư như trước kia, mà đều nằm trong các nghị định và luật, tức là đã chuyển từ các giấy phép “con” thành các giấy phép “to”. |
Điều quan trọng hơn là phải xem xét nới lỏng và bỏ bớt các rào cản, thay vì ngày càng siết chặt như hiện nay, đặc biệt là 34 lĩnh vực cấm kinh doanh. Những hàng hoá đặc biệt nguy hiểm, độc hại như ma tuý, vũ khí quân dụng, thì cấm kinh doanh là đúng. Nhưng còn rất nhiều thứ cần phải xem lại lý do cấm và hạn chế có thật sự cần thiết và thuyết phục không. Hay nếu như dịch vụ đòi nợ cũng đòi hỏi phải có vốn pháp định tới 2 tỷ đồng, thì hoàn toàn có thể lập luận rằng, bất kỳ hoạt động kinh doanh nào cũng phải có vốn pháp định, dù nhiều hay ít. Và như vậy thì đồng nghĩa với việc quay ngược lại với những quy định sai lầm và lỗi thời của Luật Cty năm 1990.
Sau nhiều năm ra sức tạo dựng môi trường pháp lý thông thoáng, thế nhưng kết cục lại có thêm quá nhiều rào cản cấm đoán và hạn chế kinh doanh. Cần khắc phục tình trạng xây dựng pháp luật kinh doanh vẫn tái diễn: Không quản được thì cấm và hạn chế. Và những rào cản này ngày càng khó thay đổi, vì không còn ở tầm thấp của thông tư như trước kia, mà đều nằm trong các nghị định và luật, tức là đã chuyển từ các giấy phép “con” thành các giấy phép “to”, đúng với hình thức yêu cầu của luật.
Đặc biệt là trong suốt thời gian nói trên, chỉ thấy tăng thêm, mà không thấy có lĩnh vực hàng hoá, dịch vụ nào được loại ra khỏi hàng rào. Đó cũng là một điều cần xem xét. Hàng rào nào thật sự có tác dụng bảo vệ lợi ích chung thì rất cần dựng lên và bảo đảm thật cứng rắn. Nhưng những hàng rào ngăn cản tự do thông thương, lợi ít hại nhiều, thậm chí là phản tác dụng, thì cũng cần gỡ bỏ hoặc chỉ cần lập hàng rào mềm dẻo, linh hoạt.
ThS Nguyễn Thị Yến – Khoa Pháp luật Kinh tế, Đại học Luật Hà Nội : Nên đưa sàn vàng vào hoạt động kinh doanh có điều kiện Trong Dự thảo “Danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh”, dịch vụ này được đưa vào và trích dẫn nguồn văn bản pháp luật là Nghị định 59/2006 chứ không phải văn bản của Ngân hàng nhà nước. Vì vậy, tôi không tán đồng quan điểm cấm dịch vụ kinh doanh vàng trên tài khoản, bởi đây là hoạt động đầu tư tài chính ở cấp cao và chuyên nghiệp, và thực tế các nhà kinh doanh VN hoàn toàn có nhu cầu đầu tư. Việc kinh doanh này không nhằm hướng tới việc giao và nhận vàng thực, hữu hình mà nhằm đầu cơ về giá vàng trong tương lai để kiếm lợi nhuận. Hoạt động này hoàn toàn tương đồng với hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa và ở mức độ nhất định, có nhiều nét tương đồng với hoạt động đầu tư trên thị trường chứng khoán. Do vậy, tôi đề nghị xem xét lại việc quy định dịch vụ này trong “Danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh”, nếu cần có thể chuyển sang dịch vụ kinh doanh có điều kiện và Ngân hàng nhà nước sẽ quy định điều kiện cụ thể cho hoạt động này. Hay nói cách khác, chúng ta nên tạo ra “sân chơi” an toàn để thu hút các nhà đầu tư với một “luật chơi” chặt chẽ, công bằng, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mọi chủ thể tham gia thay vì đưa vào Danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh như hiện nay. Luật sư Trần Vũ Hải – Công ty Luật Hà Nội : Tạm dừng quảng cáo game online là trái Luật Những ảnh hưởng của trò chơi trực tuyến (game online) hiện được dư luận rất quan tâm và Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT-TT) với tư cách là cơ quan quản lý dịch vụ này đã tỏ ra sốt sắng giải quyết những bức xúc mà dư luận đã nêu. Bộ TT-TT đã đưa ra giải pháp cắt đường truyền đến các đại lý Internet từ 23 giờ đêm đến 6 giờ sáng. Điều này không thực tế. Mặt khác, không có gì đảm bảo việc cắt Internet trong những giờ như trên sẽ làm giảm các tụ điểm truy cập Internet trong đêm vì những đại lý này có thể lách luật bằng cách sử dụng một thuê bao Internet khác hoặc phát sinh những điểm truy cập Internet lậu về đêm nếu không kiểm soát nổi. Hơn nữa, việc Bộ TT-TT yêu cầu tạm dừng quảng cáo game online là trái Pháp lệnh quảng cáo. Biện pháp này cũng không công bằng đối với những doanh nghiệp có sản phẩm mới được phép lưu hành, so với những doanh nghiệp có những sản phẩm đã chiếm lĩnh thị trường. Thêm nữa, việc tạm dừng thẩm định, phê duyệt các nội dung kịch bản trò chơi mới thực chất là một biện pháp hạn chế kinh doanh hoặc cấm kinh doanh có thời hạn, là biện pháp trái Luật Doanh nghiệp. Biện pháp này vô hình đã làm lợi cho những doanh nghiệp đang có dịch vụ game online trên thị trường, đóng cửa thị trường đối với những doanh nghiệp có ý định đầu tư vào ngành nghề này, tạo một môi trường kinh doanh bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Luật gia Cao Bá Khoát : Không nên cấm hoạt động môi giới kết hôn Chúng ta không nên cấm kinh doanh hoạt động môi giới kết hôn có yếu tố nước ngoài nhằm mục đích kiếm lời mà nên chuyển thành hoạt động kinh doanh đặc biệt có điều kiện. Khi DN được phép kinh doanh hoạt động này tức là DN này phải đáp ứng một số điều kiện do pháp luật quy định. Theo tôi nên cho phép kinh doanh hoạt động này vì: Trên thực tế thì giữa hai người kết hôn với nhau có sự rằng buộc về mặt pháp lý là giấy đăng ký kết hôn. Thực chất đây cũng chỉ là một hợp đồng bình thường. Tuy nhiên, nếu Nhà nước thừa nhận hình thức kinh doanh này thì Nhà nước cũng nên có một quy định khác. Chẳng hạn như: thay bằng giấy đăng ký kết hôn là hợp đồng kết hôn có điều kiện nếu như việc kết hôn của hai người được thực hiện qua hoạt động kinh doanh môi giới chứ không phải theo cách thông thường. Và tất nhiên trong đó phải nêu rõ điều kiện của các bên để xác định tính có hiệu lực của hợp đồng, nếu không đáp ứng được điều kiện thì sẽ không có hợp đồng này (hợp đồng có hiệu lực khi hai bên đáp ứng được điều kiện do pháp luật quy định) và nếu trong thời gian thực hiện hợp đồng mà một bên vi phạm điều kiện thì bên kia có quyền hủy hợp đồng kết hôn và bên vi phạm phải bồi thường thiệt hại cho bên bị vi phạm. Và chính DN kinh doanh hoạt động môi giới bị ràng buộc trách nhiệm phải thực hiện các biện pháp nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị hại trong hợp đồng hôn nhân này trong một thời gian nhất định (có thể là 5 năm chẳng hạn). Khi đã có hợp đồng này rồi mà một bên vi phạm nghĩa vụ và trách nhiệm thì bên kia có quyền khởi kiện.
Phương Hường ghi Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI Bài đăng trên Diễn đàn Doanh nghiệp 24-8-2010: |
———————
Giới thiệu trên trang 1
- Đăng lại
- http://agriseco.com.vn/Chiti%E1%BA%BFt/Chiti%E1%BA%BFttint%E1%BB%A9c/tabid/146/mid/425/ArticleID/91675/PreTabId/94/dnnprintmode/true/Default.aspx?SkinSrc=%5BG%5DSkins%2F_default%2FNo+Skin&ContainerSrc=%5BG%5DContainers%2F_default%2FNo+Container
- http://bst.com.vn/News/News.aspx?rssid=1601279
- http://doanhnghiep24g.vn/them-ldquogiay-phep-tordquo-2172.html
- http://doanhnghiepvietnam.com.vn/
- http://tinexpress.com/them-giay-phep-to-229145-3
- http://tintuc.xalo.vn/00-1701357954/them_giay_phep_to.html?mode=print
- http://vssc.com.vn/News/2010/8/29/138652.aspx
- http://www.baomoi.com/Info/Them-giay-phep-to/45/4777573.epi
- http://www.bsc.com.vn/NewsTools/Print.aspx?newsid=109267
- http://www.denthan.com/thamkhao/c36/1180563/them-giay-phep-to
- http://www.soixam.com/c36/1180563/them-giay-phep-to
- http://www.stockbiz.vn/News/2010/8/29/138842/them-giay-phep-to.aspx
- http://www.vids.org.vn/vn/asp/News_Detail.asp?tabid=1&mid=821&ID=1427
- http://www.vinacorp.vn/news/them-giay-phep-to/ct-409998