128a. Không thể đồng nhất “từ” và “chữ”

Không thể đồng nhất “từ” và “chữ”

(ANVI) – “Từ” và “chữ” là những khái niệm rất thông dụng trong ngôn ngữ. Tuy nhiên, nó đang bị sử dụng sai một cách phổ biến, đáng báo động, với quá nhiều “chữ” đang bị đồng nhất với “từ”.

Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học Việt Nam năm 1992 định nghĩa: “từ” là “Đơn vị ngôn ngữ nhỏ nhất có nghĩa hoàn chỉnh và cấu tạo ổn định, dùng để đặt câu”. Còn “chữ” là “Tên gọi thông thường của âm tiết; tập hợp chữ viết một âm tiết. Câu thơ 7 chữ, bức điện 20 chữ”. Từ điển tiếng Việt tại trang web http://www.informatik.uni-leipzig.de/~duc/Dict/ định nghĩa “từ” (với ý nghĩa là danh từ) là “Âm, hoặc toàn thể những âm không thể tách khỏi nhau, ứng với một khái niệm hoặc thực hiện một chức năng ngữ pháp: Ăn, tư duy, đường chim bay, và, sở dĩ… là những từ.” Đó chính là lý do để gọi tên cuốn “Từ điển” chứ không thể gọi là “Chữ điển”.

Như vậy, “từ” và “chữ” là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Có thể kể ra một số ví dụ như sau:

  • Sử dụng “từ” trong trang 5, sách Luyện từ và câu lớp 3, Nhà Xuất bản Giáo dục 2009, đoạn nói về mức độ yêu cầu của nội dung luyện từ: “Học khoảng 400 đến 450 từ mới (kể cả thành ngữ và tục ngữ) thuộc các chủ điểm trong sách giáo khoa: Măng non, mái ấm, tới trường, cộng đồng, quê hương,…”;
  • Sử dụng “chữ” như trong Thể lệ cuộc thi “Tìm hiểu tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, Báo Quân đội Nhân dân, Báo Thanh Niên, Báo Tiền Phong và Báo Tuổi Trẻ TP Hồ Chí Minh tổ chức năm 2007-2008 đã đặt ra yêu cầu: “Bài dự thi không quá 1.000 chữ”;
  • Điểm 5 và 6, mục I, Quy định tạm thời về viết hoa tên riêng trong sách giáo khoa, ban hành kèm theo Quyết định số 07/2003/QĐ-BGDĐT ngày 13-3-2003 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhắc đến “từ” và “chữ” (âm tiết) như sau: “Từ và cụm từ chỉ các con vật, đồ vật, sự vật được dùng làm tên riêng của nhân vật: Viết hoa chữ cái đầu của âm tiết tạo thành tên riêng. Ví dụ: (chú) Chuột, (bác) Gấu, (cô) Chào Mào, (chị) Sáo Sậu; (bác) Nồi Đồng, (cô) Chổi Rơm, (anh) Cần Cẩu; (ông) Mặt Trời, (chị) Mây Trắng.” và “Tên cơ quan, tổ chức, đoàn thể: Viết hoa chữ cái đầu của âm tiết đầu tiên và các âm tiết đầu của các bộ phận tạo thành tên riêng. Ví dụ: Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.”

Tuy nhiên, các trường hợp sử dụng đúng “từ” và “chữ” như trên không nhiều. Đã xảy ra quá nhiều sai sót, nhầm lẫn trên văn bản. Có thể kể ra một số ví dụ dưới đây:

  • Thể lệ cuộc thi tìm hiểu “Thăng Long – Hà Nội nghìn năm Văn hiến và Anh hùng”  được Ban chỉ đạo Quốc gia kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội và UBND TP Hà Nội chỉ đạo; do Báo Hà Nội mới khởi xướng, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương (Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh), Vụ Tuyên truyền (Ban Tuyên giáo Trung ương), Cục Văn hóa Cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Văn phòng Ban chỉ đạo Quốc gia kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức năm 2010. Trong đó, phần câu hỏi tự luận có yêu cầu “Bạn viết một bài không quá 1.000 từ”;
  • Thể lệ cuộc thi “Sự hy sinh thầm lặng” do Báo Sức khoẻ và Đời sống tổ chức từ ngày 01-5-2010 đến ngày 01-01-2011 đã đặt ra “luật chơi”: “Số lượng chữ: không quá 3.500 từ”. Thật kỳ lạ với số lượng trước thì tính bằng “chữ” mà số lượng sau thì lại là “từ”;
  • Đáng tiếc nhất là cả hai đề thi được đánh giá là rất hay của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2010 đều sai về việc sử dụng “từ”. Đó là câu 2 của đề thi tốt nghiệp Trung học phổ thông môn Văn: “Viết một bài văn ngắn (khoảng 400 từ) trình bày suy nghĩ về lòng yêu thương con người của tuổi trẻ trong xã hội hiện nay.” Và câu 2 của đề thi đại học môn Văn: “Như một thứ axit vô hình, thói vô trách nhiệm ở mỗi cá nhân có thể ăn mòn cả một xã hội. Từ ý kiến trên, anh/chị hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 600 từ) trình bày suy nghĩ của mình về tinh thần trách nhiệm và thói vô trách nhiệm của con người trong cuộc sống hiện nay.” E rằng không có học sinh nào đếm được đúng số “từ” trong bài văn của mình, mà chỉ có thể đếm được số “chữ” mà thôi. Chẳng hạn đoạn văn “Viết một bài văn ngắn (khoảng 400 từ) trình bày suy nghĩ về lòng yêu thương con người của tuổi trẻ trong xã hội hiện nay.” nói trên gồm 26 “chữ”, chứ khó có thể tính được là bao nhiêu “từ”. Chỉ có một chắc chắn, đoạn văn này không thể là 26 “từ”, vì “cá nhân” hay “xã hội” chỉ là một từ có hai chữ. Như vậy khác nào Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh đố học trò về số lượng 400 và 600 “từ” nói trên?

Có một thời kỳ, đã thực hiện cách viết sử dụng gạch nối giữa các chữ để thể hiện đó là một từ, như “cộng-hoà”, “Việt-Nam” hay “Hồ-chí-minh”. Bây giờ, phân biệt “chữ” thì vô cùng đơn giản, trong khi không dễ gì phân biệt được đâu là “từ”. Tất nhiên, có nhiều trường hợp, “từ” cũng chính là “chữ”, thậm chí cũng chính là “chữ cái”. Chẳng hạn, trong câu thơ “O du kích nhỏ dương cao súng”, thì “o” vừa là chữ cái (là “con chữ thứ mười bảy của bảng chữ cái quốc ngữ”), vừa là “chữ” (âm tiết) và vừa là “từ”. Từ điển tiếng Việt năm 1992 nêu ví dụ ““người ấy” là một ngữ gồm 2 từ “người” và “ấy”” trong mục giải nghĩa về “ngữ”. Như vậy, “người” và “ấy” trong trường hợp này vừa là “từ”, đồng thời cũng vừa là “chữ”.

Cũng theo Từ điển tiếng Việt  năm 1992 nói trên, thì: Ranh giới của từ trong tiếng Việt là một vấn đề cực kỳ phức tạp, trong nhiều trường hợp ý kiến chưa có được sự nhất trí (trang 13). Nhưng không thể vì “vấn đề cực kỳ phức tạp” mà lại đánh đồng “chữ” với “từ”. Cũng không thể vin vào cách đếm “từ” trong các file văn bản của máy vi tính để cho rằng đếm “chữ” cũng đồng nhất với đếm “từ” (“words”). Đối với tiếng Anh, thì đúng là “từ” cũng chính là “chữ” và phân biệt với nhau đơn giản trên văn băn bằng một ký tự trống. Nhưng đối với tiếng Việt, nếu căn cứ vào công cụ đó, thì chỉ đếm được “chữ”, chứ không thể đếm được “từ”. Làm sao có thể chấp nhận được việc gọi 16 “chữ” vàng thể hiện quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc: “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” là 16 “từ vàng” (?!).

————————————–

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC. 


Bài viết gửi đăng Tạp chí Ngôn ngữ và Đời sống:

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.393. Đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng pháp...

Đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng pháp luật đáp ứng yêu cầu phát...

Trích dẫn 

3.913. Giá vàng ngày một "nóng", có nên nắm giữ...

Giá vàng ngày một "nóng", có nên nắm giữ dài hạn? (KTCK) - Giá vàng tăng...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 232,520