Vẫn vướng mọi hướng M&A
(ANVI) – Mấy năm gần đây, thuật ngữ mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A) đã không còn quá xa lạ. Năm 2012 vừa qua là một năm kỷ lục của các thương vụ M&A, khi mà tổng giá trị toàn thị trường lên đến 5 tỷ đô la, với hơn 300 thương vụ (thống kê của Capital IQ).
Theo dự đoán của nhiều chuyên gia thì thị trường M&A ở VN hiện vẫn đang rất có tiềm năng và đặc biệt vẫn là hấp dẫn với khối ngoại.
Ngược với thực tế thị trường M&A đã, và sẽ còn diễn ra sôi động, thì hành lang pháp lý cho hoạt động này lại đang rất tù mù và khá bất cập. M&A được quy định rải rác tại gần chục đạo luật và khá nhiều nghị định, thông tư. Các văn bản này cũng chỉ mới nhắc đến một vài câu nguyên tắc chung chung về mua bán cổ phần và sáp nhập, hợp nhất doanh nghiệp.
Pháp luật mới chỉ ghi nhận một loại mua bán doanh nghiệp tư nhân (tức là không có mua bán loại hình doanh nghiệp khác) và sáp nhập các doanh nghiệp cùng loại hình (cùng là công ty TNHH hoặc cổ phần). Vì vậy, ngay cả việc mua bán đến bao nhiêu phần trăm vốn điều lệ hay chỉ cần chuyển nhượng dăm ba cổ phần cũng được tính vào mâm M&A?
Trước thực tế này, cần thiết phải ban hành sớm một đạo luật hoặc ít nhất cũng là một nghị định riêng biệt và chi tiết về M&A. Đồng thời kết hợp bằng nhiều biện pháp ưu tiên nâng cao sự cạnh tranh sòng phẳng, bình đẳng, minh bạch, công khai của thị trường, cùng với việc tiếp tục rút gọn thủ tục hành chính theo hướng hỗ trợ được các nhà đầu tư trong các thương vụ M&A.
Ngày 28-8-2013