(ANVI) – Góp ý văn bản quy phạm pháp luật | Hà Nội ngày 10-11-2010 |
Theo đề nghị của Ban Pháp chế VCCI, tôi xin góp một số ý kiến vào Dự thảo Thông tư “Hướng dẫn về trình tự, thủ tục thu hồi Giấy phép và thanh lý tài sản của tổ chức tín dụng, Chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện” như sau:
- Về tên gọi của Thông tư:
- Dự thảo Thông tư có tên gọi là: “Thông tư Hướng dẫn về trình tự, thủ tục thu hồi Giấy phép và thanh lý tài sản của tổ chức tín dụng, Chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện”. Cụm từ “văn phòng đại diện” còn được nhắc lại tại Điều 1 về “Phạm vi điều chỉnh” và chỉ được chỉ rõ là “Văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng” tại khoản 3, Điều 2 về “Đối tượng áp dụng”. Việc sử dụng từ ngữ như trên là không rõ ràng, dễ gây ra sự nhầm lẫn là: Thu hồi Giấy phép và thanh lý tài sản của “văn phòng đại diện” của ngân hàng trong nước, thậm chí là tất cả các loại “văn phòng đại diện”, nhất là “Chi nhánh” thì lại gắn với “ngân hàng nước ngoài”.
- Vì vậy đề nghị nêu rõ tên cụm từ “văn phòng đại diện của ngân hàng nước ngoài” hoặc có thể viết tắt cho ngắn gọn là “… của tổ chức tín dụng, chi nhánh và văn phòng đại diện của ngân hàng nước ngoài”.
- Về căn cứ ban hành Thông tư:
- Thông tư đưa ra một trong những căn cứ pháp lý ban hành là “Nghị định số 05/2010/NĐ-CP ngày 18/1/2010 của Chính phủ quy định việc áp dụng Luật phá sản đối với các tổ chức tín dụng”. Căn cứ này không cần thiết, vì toàn bộ Dự thảo Thông tư không dựa vào quy định của Nghị định này. Điều này đã thể hiện rõ tại khoản 2, Điều 6 của Dự thảo về “Nguyên tắc áp dụng quy định về thu hồi Giấy phép và thanh lý tài sản của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài” là: “Trường hợp tổ chức tín dụng bị phá sản, Ngân hàng Nhà nước thu hồi Giấy phép ngay sau khi Toà án ra quyết định mở thủ tục thanh lý tài sản của tổ chức tín dụng. Việc thanh lý tài sản của tổ chức tín dụng được thực hiện theo quy định của pháp luật về phá sản.”
- Về bố cục các Chương của Thông tư:
- Dự thảo Thông tư gồm 4 Chương, trong đó phần nội dung chủ yếu được nêu tại Chương II hiện nay với tên gọi “Những quy định cụ thể”, trong đó gồm 2 mục “Mục I: Thu hồi giấy phép đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện” và “Mục II: Thanh lý tài sản của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài dưới sự giám sát của Ngân hàng Nhà nước”.
- Việc đặt ra một chương với tên gọi “Những quy định cụ thể” như trên là không hợp lý, vì không thể hiện được mục đích, nội dung và sự phân biệt cần thiết giữa phần này so với các chương còn lại, không những thế còn làm cho bố cục văn bản phức tạp thêm. Vì vậy đề nghị bỏ tên chương này, đồng thời chuyển 2 mục hiện nay trong chương này thành 2 chương.
- Về các hành vi bị cấm trong quá trình thu hồi Giấy phép (Điều 7):
Đề nghị bổ sung thêm các hành vi bị cấm trong quá trình thu hồi Giấy phép của Văn phòng đại diện.
- Về quy trình thu hồi Giấy phép đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh NHNN (Điều 8):
- Đề nghị bổ sung trường hợp chi nhánh NHNN đề nghị thu hồi giấy phép vào điểm 1.1, khoản 1.
- Đề nghị quy định theo hướng, khi tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã có đề nghị thu hồi Giấy phép, thì cần chấp nhận, chứ không nên quy định thủ tục chặt chẽ và yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chi nhánh cũng như Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh phải cho ý kiến về nhiều vấn đề như khi cho phép thành lập. Để rồi cuối cùng, nếu các cơ quan này không có ý kiến trong thời hạn 15 ngày làm việc, thì cũng “coi như đồng ý với việc thu hồi Giấy phép”. Như vậy thì việc cho ý kiến nói chung, ý kiến rất cụ thể, chuyên sâu nói riêng là không thật sự cần thiết.
- Điểm 2.2, khoản 2 của Điều này quy định: “Trong thời hạn tối đa 60 ngày kể từ ngày Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có văn bản yêu cầu chấm dứt hoạt động, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải xây dựng xong phương án thanh lý tài sản kèm hồ sơ thu hồi Giấy phép quy định tại Điều 9 Thông tư này trình Ngân hàng Nhà nước xem xét, quyết định.” Đề nghị làm rõ, nếu như quá thời hạn 60 ngày mà tổ chức tín dụng vẫn không xây dựng phương án thanh lý thì sẽ giải quyết như thế nào. Nếu chỉ áp dụng chế tài xử phạt vi phạm hành chính thì vẫn không có gì bảo đảm rằng việc trên sẽ được thực hiện. Vì vậy cần có phương án giải quyết dứt điểm, chẳng hạn khi đó Ngân hàng Nhà nước có thể đứng ra lập phương án thanh lý. Việc này nhằm tình trạng rất có thể xảy ra là tổ chức tín dụng đã ngừng hoạt động nhiều năm mà vẫn không thu hồi được Giấy phép và tiến hành xong việc thanh lý. Việc này sẽ gây ảnh hưởng rất xấu đến môi trường kinh doanh. Tương tự là đối với một số thời hạn khác mà tổ chức tín dụng phải hoàn thành nghĩa vụ.
- Về hồ sơ thu hồi Giấy phép đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh NHNN (Điều 9):
Đề nghị sửa “nước nguyên xứ” tại khoản 4 thành “nước nơi ngân hàng nước ngoài đặt trụ sở chính” cho thống nhất với quy định tại Điều 123 của Luật các tổ chức tín dụng năm 2010.
- Về quy trình thanh lý tài sản của tổ chức tín dụng, chi nhánh NHNN (Điều 12):
Đề nghị làm rõ văn bản của NHNN chi nhánh, tổ chức tín dụng khác hoặc chi nhánh NHNN tại khoản 3 là văn bản gì.
- Về Thứ tự phân chia tài sản (Điều 15)
- Khoản 1 Điều này quy định thứ tự phân chia giá trị tài sản của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, trong đó “Các khoản nợ được bảo đảm bằng tài sản thế chấp hoặc cầm cố” được xếp thứ tự thứ 6, sau cả “Các khoản tiền của Nhà nước” và “Các khoản nợ thuế” là không hợp lý. Nghĩa vụ bảo đảm bằng tài sản thế chấp hoặc cầm cố phải được ưu tiên hơn một số nghĩa vụ không có bảo đảm khác, ít nhất là so nghĩa vụ thuế và các khoản tiền khác phải trả cho Nhà nước.
- Về Hội đồng thanh lý (Điều 16):
- Thông tư quy định Hội đồng thanh lý, ngoài một số thành viên thuộc bộ máy quản trị, kiểm soát, điều hành các cổ đông lớn (đối với tổ chức tín dụng cổ phần) còn có “5 khách hàng có số dư tiền gửi lớn nhất tại tổ chức tín dụng”. Đề nghị xem lại thành phần này, vì họ có quyền chứ không có nghĩa vụ phải tham gia, và không có gì bảo đảm họ có thời gian và chuyên môn để giúp cho việc này.
- Ngoài ra, trong giai đoạn tiến hành thủ tục thu hồi Giấy phép, không đặt ra vấn đề dừng chuyển nhượng cổ phần và dừng trả tiền cho khách hàng gửi tiền (trường hợp vẫn đủ khả năng thanh toán nợ). Như vậy thì những cổ đông lớn và 5 khách hàng gửi tiền lớn nhất có thể thay đổi. Vậy, cần quy định rõ thời điểm dừng các hoạt động này (một trong những nội dung bắt buộc trong phương án thanh lý) hoặc quy định về việc thay đổi thành viên Hội đồng thanh lý trong các trường hợp này.
- Về các vấn đề khác:
- Đề nghị sửa lại các cụm từ “trong thời hạn tối đa” thành “trong thời hạn”, vì “trong thời hạn” đã bao hàm nghĩa giới hạn thời gian “tối đa”.
- Đề nghị sửa lại bố cục điều khoản theo hướng không sử dụng quá nhiều cấp độ đề mục trong một Điều luật như (i), (ii),… trong điểm a, b và 1.1, 1.2,… trong khoản 1, 2,… (như tại Điều 8).
- Đề nghị sửa từ “qui định” thống nhất thành “quy định”.
- Một số điều khoản dẫn chiếu chưa chính xác như Điều 11, thay vì Điều 9 tại tiết a, điểm 1.1, khoản 1, Điều 8.
Trân trọng tham gia!
—————————–
ĐC: Công ty Luật ANVI, tầng 2, Tòa nhà Savina, số 1 Đinh Lễ, phố Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, HN
FB: Trương Thanh Đức (www.facebook.com/LSTruongThanhDuc)
E-mail: duc.tt @anvilaw.com
Web: www.anvilaw.com
ĐT: 090.345.9070