130. Nhà đầu tư “tố” VSH không mời dự ĐHCĐ

(ĐTCK) – Theo NĐT Thảng: “VSH đã tổ chức ĐHCĐ thường niên năm 2010 vào ngày 21/7, nhưng chỉ gửi giấy mời cho một số cổ đông lớn. Gia đình tôi có tất cả 4 người sở hữu cổ phiếu (CP) của VSH, nếu ủy quyền cho một người đi dự ĐHCĐ, thì đại diện cho trên 9.000 CP (người ít nhất sở hữu 1.200 CP, nhiều nhất trên 3.000 CP), vậy mà vẫn không được mời dự ĐHCĐ là sao? VSH thực hiện theo luật nào? VSH không thể nói là đã mời cổ đông trên website của Công ty được, bởi vào các ngày gần diễn ra ĐHCĐ, trang thông tin này không truy cập được. Đúng ra, VSH phải gửi giấy mời đến từng cổ đông sở hữu ít nhất là 10 CP tham dự ĐHCĐ…”.

Trao đổi với ĐTCK ngày 11/8, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch HĐQT CTCP Thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh cho biết, trước hết, phản ánh của NĐT Thảng về thời điểm tổ chức ĐHCĐ là không chính xác, bởi ĐHCĐ diễn ra ngày 23/7, chứ không phải ngày 21/7. Về bức xúc của NĐT tại sao VSH không mời cổ đông tham dự ĐHCĐ, ông Thanh giải thích, do số lượng cổ đông của Công ty đông, nên trong nhiều kỳ ĐHCĐ trước năm 2008, VSH mất rất nhiều thời gian, công sức in ấn tài liệu, mời cổ đông tham dự. Điều đáng nói là dù gửi giấy mời đến tất cả cổ đông, nhưng rất ít cổ đông nhỏ tham dự. Bên cạnh đó, một số lượng lớn giấy mời, tài liệu tham dự ĐHCĐ sau khi gửi đi đã bị trả lại do địa chỉ của cổ đông thay đổi. Để giải quyết những bất cập này, ĐHCĐ thường niên năm 2008 đã quyết định đưa ra thảo luận về phương thức mời cổ đông tham dự ĐHCĐ. Vấn đề này đã được thông qua với tỷ lệ 98,97% và được thể hiện trong Nghị quyết ĐHCĐ thường niên năm 2008, với nội dung: “Người triệu tập họp ĐHCĐ chỉ cần gửi thông báo triệu tập và biên bản/nghị quyết họp ĐHCĐ bằng một trong các hình thức: gửi tận tay hoặc qua đường bưu điện đối với các cổ đông sở hữu từ 10.000 cổ phần trở lên và gửi đến tổ chức lưu ký để thông báo, hoặc công bố trên phương tiện thông tin của Sở GDCK, website của Công ty hoặc đăng 3 kỳ liên tiếp trên một tờ báo Trung ương hoặc địa phương”. Nội dung  này đã được VSH tuân thủ trong các kỳ ĐHCĐ năm 2009 và 2010. Bởi vậy, theo ông Thanh, có thể cổ đông Hồ Trọng Thảng không nắm được nghị quyết trên, nên đưa ra phản ánh như vậy.

Câu hỏi đặt ra là Nghị quyết của VSH có trái quy định của pháp luật? Luật sư Cao Bá Trung, Giám đốc Công ty Luật INCIP (Hà Nội) cho rằng, nghị quyết trên của VSH không trái quy định của pháp luật, không vi phạm quyền tham dự ĐHCĐ của các cổ đông. Sở dĩ như vậy là bởi VSH chỉ thay đổi cách thức thông báo triệu tập ĐHCĐ, sao cho có lợi nhất cho Công ty và ở một khía cạnh nhất định là có lợi cả cho cổ đông, chứ không tước quyền tham dự ĐHCĐ của họ theo luật định. Quan trọng là cách thức này đã được ĐHCĐ của VSH nhất trí thông qua.

Hữu Đạo

“Theo Luật, DN phải gửi thông báo mời họp đến tất cả các cổ đông”

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI

Khoản 1, Điều 100, Luật DN về “Mời họp Đại hội đồng cổ đông” quy định rất rõ ràng: “Người triệu tập họp ĐHCĐ phải gửi thông báo mời họp đến tất cả cổ đông có quyền dự họp chậm nhất bảy ngày làm việc trước ngày khai mạc nếu Điều lệ công ty không quy định thời hạn. Thông báo được gửi bằng phương thức bảo đảm đến được địa chỉ thường trú của cổ đông. Thông báo mời họp phải có tên, địa chỉ trụ sở chính, số và ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, nơi đăng ký kinh doanh của công ty; tên, địa chỉ thường trú của cổ đông hoặc người đại diện theo uỷ quyền của cổ đông; thời gian và địa điểm họp”. Như vậy, cổ đông dù chỉ sở hữu 1 cổ phiếu, mệnh giá 10.000 đồng của VSH cũng có quyền được nhận thông báo mời họp. Không chỉ có vậy, nếu theo khoản 2, Điều 100, Luật này, thì: “Kèm theo thông báo mời họp phải có mẫu chỉ định đại diện theo uỷ quyền dự họp, chương trình họp, phiếu biểu quyết, các tài liệu thảo luận làm cơ sở thông qua quyết định và dự thảo nghị quyết đối với từng vấn đề trong chương trình họp. Nếu Công ty có trang thông tin điện tử thì thông báo mời họp và các tài liệu gửi kèm theo phải được công bố trên trang thông tin điện tử đó đồng thời với việc gửi thông báo cho các cổ đông”.

Như vậy, việc đăng thông báo mời họp trên trên trang web của Công ty chỉ là việc phải làm thêm, chứ không thể thay thế cho thông báo mời họp gửi đến địa chỉ thường trú của từng cổ đông.

Đó là chưa kể, tại điểm c, khoản 2, Điều 17, Điều lệ Công ty năm 2009 quy định rõ, “Người triệu tập ĐHCĐ phải thực hiện nhiệm vụ thông báo và gửi thông báo họp ĐHCĐ cho tất cả cổ đông có quyền dự họp” và khoản 3, Điều 17, Điều lệ này cũng nêu rõ “thông báo họp ĐHCĐ phải được công bố trên website của Công ty đồng thời với việc gửi thông báo cho các cổ đông”. Nhưng rất tiếc VSH đã không thực hiện theo Điều lệ Công ty.

Kim Lan thực hiện

———————————————

Đầu tư Chứng khoán 13-8-2010:

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.422. Bố làm chủ tịch, con là tổng giám đốc:...

Bố làm chủ tịch, con là tổng giám đốc: Tập đoàn nghìn tỷ Hóa chất...

Trích dẫn 

3.973. Nợ xấu tiếp tục là thách thức đối với...

Nợ xấu tiếp tục là thách thức đối với ngành ngân hàng. (CT) –...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 236,779