131. Nên hay không thêm danh mục hàng hóa bị cấm kinh doanh?

(CT) – Sẽ còn nhiều ngành nghề có tên trong “danh sách đỏ”
Nếu như năm 1999 mới chỉ có 29 ngành nghề, hàng hóa, dịch vụ bị cấm kinh doanh hoặc kinh doanh có điều kiện thì đến nay đã có tới 157 ngành nghề, tăng 500%. Ngoài ra, tại Nghị định số 139/2007 còn có 4 loại hàng rào khác trong hoạt động kinh doanh là ngành nghề, danh mục cấm kinh doanh; ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh; ngành nghề kinh doanh phải có chứng chỉ hành nghề, ngành nghề kinh doanh phải có vốn pháp định.

Ảnh minh họa

Với dự thảo lần này, sẽ có thêm nhiều mặt hàng, ngành nghề hoặc dịch vụ bị cấm kinh doanh hoặc hạn chế kinh doanh. Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), ông Trương Quang Hoài Nam cho biết: theo dự thảo, nhóm hàng hóa, dịch vụ bị cấm là 34, tăng so với Nghị định 59/2006/NĐ- CP là 11 ngành nghề. Cụ thể, nhóm ngành nghề cấm kinh doanh gồm: Thiết bị gây nhiễu thông tin tế bào; đèn trời; di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia…; hóa chất độc hại, tiền chất; thuốc lá điếu, xì gà và các sản phẩm thuốc lá thành phẩm nhập lậu; hoạt động quảng cáo đối với sản phẩm thay thế cho sữa mẹ dành cho trẻ em dưới 12 tháng tuổi; hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản… Đối với ngành nghề hạn chế kinh doanh có 12 ngành nghề, về nhóm hàng hóa là 8 và nhóm dịch vụ là 4, tăng so với Nghị định cũ là 5 nghề. Nhóm hàng hóa tăng 1 và dịch vụ tăng thêm 4. Nhóm hàng bị hạn chế kinh doanh là phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến, vi chất dinh dưỡng không có trong danh mục được phép sử dụng của Bộ Y tế, nhưng có trong danh mục cho phép sử dụng của quốc tế. Còn dịch vụ bị hạn chế là xoa bóp (massage, tẩm quất); dịch vụ tổ chức luyện tập thi đấu các môn thể thao mạo hiểm; dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng và dịch vụ phá dỡ tàu biển. Cũng theo dự thảo lần này, nhóm ngành nghề kinh doanh có điều kiện là 94, tăng 19 ngành nghề so với trước đây.

Tại buổi lấy ý kiến, đại diện một số công ty luật đã bày tỏ lo lắng cho các DN khi phải thực hiện vì còn nhiều vướng mắc. Bà Nguyễn Thị Mai, Công ty TNHH Luật Á Châu băn khoăn: việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 59 sẽ liên quan đến hàng loạt văn bản khác; sau khi Nghị định 59 được sửa đổi, bổ sung ban hành thì các văn bản khác chưa được bổ sung các danh mục hàng hóa mới, trong việc thực hiện sẽ gặp nhiều khó khăn, người thực hiện không biết áp dụng văn bản nào. Nhưng khi sửa đổi, bổ sung Nghị định 59 vẫn tập hợp cả danh mục hàng hoá được ban hành từ năm 1996, 2000… các văn bản này đã lạc hậu so với nền kinh tế phát triển hiện nay. Vì vậy nếu sửa đổi, bổ sung Nghị định 59/2006 thì đề nghị các bộ, ngành khác cũng nên đồng thời soát xét các văn bản liên quan để sửa đổi, bổ sung một cách đồng bộ để người thi hành dễ thực hiện. Đặc biệt, mặc dù dự thảo Nghị định đã tập hợp rất nhiều các hàng hóa, dịch vụ quy định trong các văn bản pháp luật chuyên ngành về việc cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện, nhưng vẫn không thể chủ quan khẳng định là đã bao quát hết và sau này không phát sinh các hàng hóa, dịch vụ kinh doanh mới. Đồng quan điểm này, luật sư Lê Nga, Công ty Luật Thiên Cơ cho rằng dự thảo này vẫn sa đà vào liệt kê chi tiết, chứ chưa có cái nhìn tổng thể và mang tính dự báo. Trong khi đó, liệt kê thường không đầy đủ. Mặt khác, có thể gây hiểu nhầm do liệt kê chưa chính xác.

Có nên “Không quản được thì cấm”?

Nhiều quan điểm tại buổi lấy ý kiến này cho rằng, việc cấm hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản là chưa hợp lý. Bên cạnh đó, một số luật sư cho rằng, điều quan trọng nhất là phải xem xét toàn diện, theo hướng nới lỏng thay vì ngày càng siết chặt các điều kiện kinh doanh.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Yến, Khoa Pháp luật kinh tế (Đại học Luật Hà Nội), hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản bị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấm là do thiếu quy chế pháp lý và mang tính rủi ro cao, ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế là phù hợp. Tuy nhiên, đây là hoạt động đầu tư tài chính ở cấp cao và chuyên nghiệp, hoạt động này hoàn toàn tương đồng với việc mua bán một số hàng hóa nhất định qua các sở giao dịch. Trên thực tế, sau khi các sàn giao dịch vàng bị cấm hoạt động, các nhà kinh doanh đã chuyển sang giao dịch bạc trên tài khoản (một hoạt động kinh doanh không bị cấm) hay chuyển sang một hình thức giao dịch tương tự vì họ vẫn có nhu cầu kinh doanh và chấp nhận rủi ro. Do vậy thay vì cấm nên cho các hoạt động này được tiến hành và quy định rõ các điều kiện. Luật sư Trương Thanh Đức đưa ra quan điểm: “Cần xem xét bỏ bớt các điều kiện hạn chế, đặc biệt là các lĩnh vực cấm kinh doanh. Chẳng hạn không nên cấm tiệt việc kinh doanh với 34 loại hàng hóa dịch vụ. Ví dụ, “Hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản” không nên đưa vào danh mục cấm kinh doanh (mới bổ sung theo Dự thảo Nghị định), mà chỉ cần đặt ra những điều kiện kinh doanh cần thiết (có thể là rất khắt khe). Hay cũng cần xem lại việc có tới gần 30 hoạt động phải có vốn pháp định cho đến thời điểm này là quá nhiều.

Các chuyên gia đã đề nghị Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo một Nghị định mới, có tên gọi là “Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh”. Điều kiện kinh doanh hoàn toàn có thể hiểu bao gồm những quy định về ngành, nghề và hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện.

Điều quan trọng nhất là phải xem xét toàn diện, theo hướng nới lỏng thay vì ngày càng siết chặt các điều kiện kinh doanh. Đối với những ngành, nghề, hàng hóa, dịch vụ chưa thể bỏ được các điều kiện ràng buộc, thì cần phải đặt ra các điều kiện đơn giản, rõ ràng, hợp lý, tránh tình trạng về quan điểm, chủ trương chung thì khuyến khích doanh nghiệp tự do kinh doanh, nhưng thực tế thì lại ngăn cấm bằng quá nhiều quy định, không chỉ có trong các đạo Luật và Nghị định như nêu trong Dự thảo Nghị định, mà còn bằng vô vàn những thông tư và cả công văn nữa.

Duy Minh

————————————–

Báo Công thương 14-8-2010

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.422. Bố làm chủ tịch, con là tổng giám đốc:...

Bố làm chủ tịch, con là tổng giám đốc: Tập đoàn nghìn tỷ Hóa chất...

Trích dẫn 

3.973. Nợ xấu tiếp tục là thách thức đối với...

Nợ xấu tiếp tục là thách thức đối với ngành ngân hàng. (CT) –...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 236,779