132. Góp ý Dự thảo Công văn v/v quyết toán thuế năm 2010.

(ANVI) – Theo đề nghị của Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tôi xin tham gia một số ý kiến vào Dự thảo Công văn của Bộ Tài chính v/v quyết toán thuế năm 2010 như sau:

  1. Đây là một Công văn, không phải là văn bản quy phạm pháp luật, vì vậy cần xác định đúng hình thức và tính chất của loại hình văn bản này:
  • Không nên đặt ra đề mục “Phạm vi áp dụng” của Công văn (Mục I, Phần A);
  • Không được đặt ra các nội dung quy định mới, khác với văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Ví dụ, nếu đoạn sau “Trường hợp TSCĐ thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp đang dùng cho SXKD nhưng phải tạm thời dừng do sản xuất theo mùa vụ (dưới 9 tháng); tạm thời dừng để sửa chữa, để di dời di chuyển địa điểm, để bảo trì, bảo dưỡng theo định định kỳ, với thời gian ngắn (dưới 12 tháng), sau đó TSCĐ tiếp tục đưa vào phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh thì trong khoảng thời gian tạm dừng đó doanh nghiệp được trích khấu hao và khoản chi phí khấu hao TSCĐ trong thời gian tạm dừng được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế”, được trích dẫn từ văn bản quy phạm pháp luật thì hợp lý, nhưng nếu là nội dung mới do Công văn này đưa ra thì không có cơ sở pháp lý, không đúng pháp luật.
  1. Đây là một dự thảo rất dài (25 trang), đề cập đến rất nhiều nội dung, liên quan đến nhiều văn bản quy phạm pháp luật, vì vậy cần có sự phân biệt rõ ràng:
  • Thể hiện hai nội dung hoàn toàn khác nhau:
  • Đoạn nào là nội dung của văn bản quy phạm pháp luật, cần viện dẫn một cách rõ ràng, cụ thể đến từng điểm, khoản, điều của văn bản gốc; thậm chí cần trích dẫn nguyên văn trong ngoặc kép;
  • Đoạn nào là phần nhắc nhở, lưu ý thêm của Công văn, kể cả các ví dụ minh hoạ.
  • Tránh tình trạng chỉ căn cứ vào nội dung Công văn này sẽ không đầy đủ, chính xác và tạo ra thói quen thực hiện pháp luật theo công văn, mà không nắm bắt quy định của văn bản quy phạm pháp luật chính thức.
  1. Công văn chỉ nên tập trung vào những vấn đề đặc biệt, hay bị sai sót, nhầm lẫn, hay dễ bị bỏ qua trên thực tế; không nên nhắc lại những nội dung quen thuộc thông thường ví dụ:
  • Không cần thiết nhắc đến một số khoản chi phí, thu nhập của doanh nghiệp đã được hướng dẫn cụ thể, rõ ràng trong nhiều văn bản;
  • Đoạn 3, điểm 6, Mục II, về “Chi phí được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế”, Phần A, nhắc đến chi phí đi công tác trong nước có đề cập đến 2 Thông tư số 23/2007/TT-BTC ngày 21-3-2007 (đã hết hiệu lực) và số 97/2010/TT-BTC ngày 06-7-2010. Trong trường hợp này, cần chỉ rõ từ ngày 19-8-2010 trở về trước, thì áp dụng Thông tư số 23/2007/TT-BTC và sau thời điểm đó thì áp dụng Thông tư số 97/2010/TT-BTC.
  1. Đề nghị xem lại hướng dẫn tại điểm 10, Mục II, Phần A: “Trích lập quỹ dự phòng trợ cấp mất việc làm và chi trợ cấp thôi việc cho người lao động” theo Thông tư số 82/2003/TT-BTC:
  • Năm 2010, chỉ còn giải quyết các vấn đề tồn đọng trước đây về cho cấp thôi việc và mất việc;
  • Từ năm 2009 trở đi phải thực hiện chi phí theo chế độ nộp bảo hiểm thất nghiệp.
  1. Đề nghị chỉ rõ một số công văn hết giá trị trong trường hợp có sự mâu thuẫn, không rõ ràng, ví dụ như việc chịu thuế giá trị gia tăng đối với bán tài sản bảo đảm tiền vay của các TCTD:
  • Điểm 1, Mục I về “Đối tượng không chịu thuế”, Phần B của của Công văn có hướng dẫn: “Các khoản thu cảu tổ chức tín dụng: các khoản thu về xử lý trả nợ trước hạn, chậm trả nợ, cơ cấu lại nợ, mua bán nợ, quản lý khoản vay, các công việc liên quan đến giao dịch tài sản (quản lý và trông giữ, xử lý, thay đổi, định giá tài sản đảm bảo), phát hành thư bảo lãnh (bao gồm cả phát hành, xác nhận, thông báo thư tín dụng L/C) thuộc quy trình cho vay, bảo lãnh của tổ chức tín dụng đối với khách hàng thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng”;
  • Trong khi tại Công văn số 3755/TCT-CS ngày 27-9-2010 của Tổng Cục thuế V/v trả lời câu hỏi tại Hội nghị đối thoại doanh nghiệp thì đã hướng dẫn: “từ ngày 01/01/2009, hoạt động “bán tài sản đảm bảo tiền vay” của các tổ chức tín dụng thuộc đối tượng chịu thuế GTGT. Tổ chức tín dụng khi bán tài sản đảm bảo tiền vay phải xuất hoá đơn GTGT, thực hiện kê khai, nộp thuế GTGT theo quy định của pháp luật” (trước đó Bộ Tài chính lại hướng dẫn không phải nộp thuế GTGT tại Công văn số 3316/BTC-CST ngày 18-03-2010 V/v “thuế GTGT đối với các khoản thu dịch vụ cấp tín dụng, bảo lãnh”);
  • Trước đây, việc bán tài sản bảo đảm tiền vay không phải nộp thuế giá trị gia tăng đã được chỉ rõ trong Thông tư số 32/2007/TT-BTC ngày 09-4-2007 Hướng dẫn thi hành Nghị định số 158/2003/NĐ-CP ngày 10-12-2003, Nghị định số 148/2004/NĐ-CP ngày 23-7-2004 và Nghị định số 156/2005/NĐ-CP ngày 15-12-2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thuế Giá trị gia tăng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế Giá trị gia tăng. Nhưng đến nay, Thông tư này đã hết hiệu lực và vấn đề trên hoàn toàn không được đề cập đến trong bất kỳ văn bản quy phạm pháp luật nào.

Trân trọng tham gia!

 

 

—————————–

ĐC: Công ty Luật ANVI, tầng 2, Tòa nhà Savina, số 1 Đinh Lễ, phố Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, HN

FB: Trương Thanh Đức (www.facebook.com/LSTruongThanhDuc)

E-mail: duc.tt @anvilaw.com

Web: www.anvilaw.com

ĐT: 090.345.9070

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

436. Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài...

Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài sản công. Cố vấn: Luật...

Phỏng vấn 

4.414. Lấp lỗ hổng quản lý trong đầu tư trực...

Lấp lỗ hổng quản lý trong đầu tư trực tuyến tiền ảo, tài chính, chứng...

Trích dẫn 

3.969. Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ...

Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ xấu gia tăng nhưng tốt...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 235,609