Khổ vì di chúc
(ANVI) – Bộ luật Dân sự 1995 và cả 2005, với những luận lý rất chi cao cả về nghĩa vợ, tình chồng, đã xồng xộc đặt ra loại di chúc chung của 2 vợ chồng.
Các cặp vợ chồng không sinh 1 ngày, chẳng chết 1 lúc, nhưng tình nghĩa keo sơn, thắm thiết, kết chặt cùng nhau gửi gắm, nhắn nhủ tâm tình và phân chia, chuyển giao tài sản tới con cháu trước lúc nhắm mắt tắt hơi.
Ác nỗi, trên đời mấy đôi được cùng chết, mà có khi còn đi cách nhau vài chục mùa hoa ổi, khi trần gian đã vật đổi sao dời. Ôi thôi là bế tắc, rắc rối, chối tỷ về vụ chia chác thừa kế. Muốn chia phần của nả của người chết trước thì tắc tị, vì luật lý quy định di chúc chỉ có hiệu lực để chia khi cả 2 đã lìa cõi đời. Người chết sau muốn thay đổi phần di chúc tài sản của mình thì cũng án binh bất động, vì luật đòi phải có sự đồng lòng của cả người đã cười nơi chín suối.
Nghe đồn, cũng như nhiều ý tưởng làm luật lạ lùng lâu nay, đẻ ra thứ di chúc chung này, chỉ vì thấy có hiện tượng cha mẹ mới chết một vế, thế mà con cái đã đòi bán nhà cửa để chia nhau. Luật thừa kế là nhằm định đoạt, phân chia tài sản, thế nhưng lại nặng tình, mà quên lý: Chết rồi thì thôi, phần tài sản di chúc cho ai, thì người thừa hưởng phải có quyền quyết định. Tại sao cứ bắt kẻ goá, con côi phải chờ thêm 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Mà luật thì lại trói 10 năm chết là hết cả thời hiệu khởi kiện chia thừa kế.
Đổi mới là sửa sai. Bộ luật Dân sự 2015 chỉ việc bỏ đi cái di chúc tập thể như thế. Bà không dính vào phần của ông, chồng không chia phần của vợ. Bỏ được một chế định cưỡng tình đoạt lý.
Ngày 20-01-2016