Anh không đòi “quà”
(ANVI) – Lâu nay, muốn vay ngân hàng là cứ phải sẵn sàng tài sản bảo đảm, ít ra cũng là tài sản sẽ hình thành trong tương lai hay quyền tài sản loanh quanh những cái đã hoặc sẽ có.
Tài sản hiện hình, hay còn gọi là hiện hữu thì ví như cái cây đã mọc. Tài sản tương lai thì giống như cái quả sẽ ra. Còn quyền tài sản thì tựa như cái lợi sẽ có từ cây, từ quả, tạm gọi là “quà”. Thuật ngữ pháp lý thì gọi quà là hoa lợi của đất trời, lợi tức của làm ăn. Luật lệ của thế giới loài người cho được thế chấp cả “cây”, cả “quả” và cả “quà”.
Đối với bất động sản, thì không có thế chấp “quả” đất, vì nó đã hiện hữu từ muôn đời thượng cổ. Đối với nhà cửa, công trình xây dựng theo Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản thì “quả” tương lai lại dính vướng mắc, bắt bẻ về thủ tục công chứng và đăng ký thế chấp suốt bao năm trường. Do đó, trên thực tế, nếu chưa có tài sản hiện hữu là “cây”, thì cũng cực khó hái “quả”, nên chủ yếu đành dùng chiêu nhận “quà” thế chấp là quyền tài sản phát sinh từ các hợp đồng, giao dịch về bất động sản theo quy định của Bộ luật Dân sự.
Bỗng dưng nổi hứng, Điều 148, Luật Nhà ở 2014, phụ hoạ thêm Điều 81, Nghị định số 99/2015/NĐ-CP lại quy định đại ý, chỉ cho anh được quyền thế chấp “cây” và “quả”, nói không với “quà”, hay nói cách khác, bác luật cất giọng ca: Anh không đòi “quà”.
Một số ngân hàng vội vàng dừng cho vay gói 3 chục ngàn tỷ vì thế. Nhẽ là không dám đòi “quà”, bởi sợ rước hoạ vào thân!
Ngày 03-02-2016