134. Danh mục hàng hoá, dịch vụ cấm kinh doanh và kinh doanh hạn chế: Cần bổ sung, sửa đổi

(VBF) – Nghị định 59/2006/NĐ-CP ngày 12/6/2006 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện (gọi tắt là NĐ59/2006) đã ban hành được 4 năm.
Ngoài những điểm tích cực, có tác dụng điều chỉnh kịp thời các quan hệ phát sinh trong hoạt động thương mại, Nghị định này cũng bộc lộ một số điểm thiếu sót, bất cập cần sửa đổi, bổ sung, nhất là khi Việt Nam đang hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới.

Danh mục hàng hoá, dịch vụ bị cấm kinh doanh tăng thêm
Tại hội thảo “Góp ý hoàn thiện Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 59/2006/NĐ-CP ngày 12/6/2006 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hàng hoá, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện” do Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) và Dự án Hỗ trợ Thương mại đa biên giai đoạn III (Mutrap III), VCCI phối hợp tổ chức vừa qua tại Hà Nội, ông Trương Quang Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, dự thảo lần này, nhóm hàng hóa, dịch vụ bị cấm kinh doanh là 34, tăng so với Nghị định 59/2006/NĐ- CP là 11 ngành nghề. Trong đó, nhóm hàng hóa tăng thêm 6 và dịch vụ tăng thêm 5.

Trong đó, nhóm ngành nghề cấm kinh doanh bao gồm: Thiết bị gây nhiễu thông tin tế bào; đèn trời; di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia…; hóa chất độc hại, tiền chất; thuốc lá điếu, xì gà và các sản phẩm thuốc lá thành phẩm nhập lậu; hoạt động quảng cáo đối với sản phẩm thay thế cho sữa mẹ dành cho trẻ em dưới 12 tháng tuổi; hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản…

Cũng theo dự thảo sửa đổi lần này, nhóm ngành nghề kinh doanh có điều kiện có 111 nhóm, trong đó nhóm hàng hóa kinh doanh có điều kiện là 34, tăng 12 nhóm và nhóm dịch vụ là 79, tăng 10 nhóm so với Nghị định 59/2006/NĐ-CP.

Đối với ngành nghề hạn chế kinh doanh, theo dự thảo sửa đổi thì có 12 nhóm, trong đó nhóm hàng hóa bị hạn chế kinh doanh là 08 nhóm, tăng 01 nhóm và nhóm dịch vụ là 04, tăng 03 nhóm so với Nghị định 59/2006/NĐ-CP.

Như vậy, 10 năm qua, danh mục hàng hóa, dịch vụ bị cấm kinh doanh và kinh doanh có điều kiện liên tục tăng lên. Trong khi đó, dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 59/2006/NĐ-CP vẫn tiếp tục đi theo hướng này.

Tính hợp lý của danh mục hàng hoá, dịch vụ hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện

Theo Th.s Nguyễn Thị Yến, Khoa Pháp luật Kinh tế – Đại học Luật Hà Nội, danh mục hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện thực chất chỉ là sự tập hợp lại các quy định của các văn bản pháp luật chuyên ngành quy định về vấn đề này. Cụ thể, Ban soạn thảo đã liệt kê những văn bản quy định về điều kiện kinh doanh đối với từng nhóm hay từng hàng hóa, dịch vụ; bổ sung thêm một số hàng hóa, dịch vụ mới để đảm bảo tính cập nhật của pháp luật. Về cơ bản,Ban soạn thảo đang đi theo hướng tra từ các văn bản pháp luật đã quy định để đưa vào Danh mục hàng hóa, dịch vụ cần liệt kê. “Danh mục hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện cần xây dựng theo cách ngược lại, đó là tìm những hàng hóa hay nhóm hàng hóa, những dịch vụ hay nhóm dịch vụ nào cần quản lý bằng các điều kiện kinh doanh để điều chỉnh”, bà Yến nói.

Cụ thể, theo bà Yến, xuất phát từ nhu cầu quản lý đối với những hàng hóa, dịch vụ có khả năng gây ảnh hưởng đến đời sống kinh tế xã hội, Ban soạn thảo cần lấy ý kiến rộng rãi của các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp…, đặc biệt là các cơ quan quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa, dịch vụ đó để xem xét cần hay không cần áp dụng điều kiện kinh doanh đối với nó. Nếu cần áp dụng điều kiện kinh doanh, phải quy định rõ điều kiện đó là gì, áp dụng như thế nào? Việc quy định các điều kiện cụ thể không thể nằm trong Nghị định này, vì như vậy nội hàm Nghị định này sẽ quá rộng và Ban soạn thảo khó có khả năng thực hiện được.

Chính vì thế, Nghị định này vẫn phải dẫn chiếu sang các văn bản pháp luật chuyên ngành, xem hàng hóa dịch vụ đó đã có Luật, Pháp lệnh, Nghị định điều chỉnh chưa? Nếu chưa có, có thể áp dụng các văn bản pháp luật với nội dung tương tự được không?… Có nghĩa là, xuất phát từ nhu cầu cần điều chỉnh của Nhà nước đối với hàng hóa, dịch vụ cụ thể để dẫn chiếu sang các văn bản pháp luật quy định trực tiếp hoặc quy định tương tự, chứ không phải xuất phát từ các văn bản đã quy định để dẫn chiếu sang các hàng hóa, dịch vụ nằm trong các Danh mục này.

“Dự thảo Danh mục hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện còn khá thiếu sót. Cụ thể, một số lĩnh vực có thể gây ảnh hưởng đến trật tự, an ninh, môi trường; một số dịch vụ mới (thậm chí rất mới) cần có các điều kiện kinh doanh khắt khe để điều chỉnh nhưng Danh mục hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện đã ban hành chưa quy định, mà Dự thảo Danh mục này cũng chưa bổ sung vào”, bà Yến bình luận.

Còn theo bà Nguyễn Thị Mai, Công ty TNHH Luật Á Châu, mặc dù dự thảo Nghị định đã tập hợp rất nhiều các hàng hóa, dịch vụ quy định trong các văn bản pháp luật chuyên ngành về việc cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện, nhưng vẫn không thể chủ quan khẳng định là đã bao quát hết và sau này không phát sinh các hàng hóa, dịch vụ kinh doanh mới.

Trong thực tiễn, NĐ59/2006 có giá trị điều chỉnh khá khiêm tốn, bởi vì các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, ví dụ: cơ quan đăng ký kinh doanh khi xem xét ngành nghề kinh doanh của một chủ thể để cấp hay không cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp phải căn cứ vào văn bản pháp luật chuyên ngành quy định về ngành nghề đó; cơ quan quản lý thị trường khi kiểm tra hoạt động kinh doanh của một chủ thể kinh doanh cũng căn cứ vào các văn bản pháp luật chuyên ngành để xem xét về tính hợp pháp hay không hợp pháp của hoạt động kinh doanh của chủ thể kinh doanh đó… Hay nói cách khác, nếu căn cứ vào NĐ59/2006, họ chỉ biết đó là hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh hay kinh doanh có điều kiện, nhưng cụ thể điều kiện gì lại phải xem xét luật chuyên ngành. Vì thế, theo bà Yến, nếu vẫn giữ nguyên hình thức điều chỉnh là Nghị định, cần lấy ý kiến của các chủ thể liên quan để bổ sung đầy đủ tất cả các hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện vào các Danh mục này như một “cẩm nang” cho cơ quan Nhà nước và các doanh nghiệp dựa vào để hoạt động. Không những thế, các Danh mục này cần cập nhật thường xuyên, liên tục để kịp thời điều chỉnh hoạt động kinh doanh đa dạng phát sinh. Có như vậy, Nghị định sửa đổi bao gồm các Danh mục này mới phát huy hiệu quả điều chỉnh tốt hơn trong thực tiễn đời sống kinh tế Việt Nam.

Vietnam Business Forum xin giới thiệu ý kiến một số chuyên gia xoay quanh vấn đề này:

Luật Sư Trần Đức Sơn, Công ty Luật Bizlink

Dự thảo sửa đổi lần này có một số danh mục hàng hóa, dịch vụ quy định còn chung chung và chưa rõ ràng, ví dụ như nhóm dịch vụ số 8, Phụ lục số 1 (Danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh): “Dịch vụ tập luyện hoặc tổ chức thi đấu các môn thể thao, bài tập thể thao hoặc sử dụng phương pháp tập luyện thi đấu gây thiệt hại đến sức khoẻ, tính mạng con người, trái đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc hoặc ảnh hưởng tới an ninh, trật tự an toàn xã hội”. Quy định chung chung như vậy sẽ dẫn đến những cách hiểu khác nhau và không nhất quán khi áp dụng vào thực tế, điều này sẽ dẫn đến những khó khăn khi văn bản đi vào đời sống thực tế.

Bên cạnh đó, tại kỳ họp quốc hội vừa qua, dịch vụ game online, xuất khẩu than… đang trở thành vấn đề nóng ở nghị trường. Tuy nhiên, dự thảo sửa đổi lần này cũng chưa đề cập và quy định rõ đối với các ngành nghề, dịch vụ này, do đó nên xếp những hành hóa, dịch vụ này vào danh mục hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh hoặc kinh doanh có điều kiện để cơ quan có thẩm quyền dễ quản lý và kiểm soát có hiệu quả dịch vụ này.

Ông Cao Bá Khoát, Công ty TNHH tư vấn doanh nghiệp K và cộng sự

Cần phải quy định rõ những hàng hóa, dịch vụ cụ thể cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện. Trên thực tế có một số hàng hóa, dịch vụ chưa được đưa vào một trong ba danh mục trên để điều chỉnh. Như vậy sẽ rất khó khăn cho nhà nước trong việc quản lý các dịch vụ, hàng hóa trên. Các dịch vụ phục vụ cho nhu cầu thiết yếu của con người và đang được rất nhiều người quan tâm như internet, rau sạch, khám chữa bệnh, giáo dục… không được nêu trong các danh mục của NĐ 59.

Đặc biệt, không nên cấm kinh doanh dịch vụ điều tra bí mật xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân mà nên quy định dịch vụ này trong danh mục kinh doanh có điều kiện. Nói dịch vụ điều tra xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp là không đúng hoàn toàn vì trong một số trường hợp, dịch vụ điều tra này còn đem lại quyền và lợi ích hợp pháp cho cá nhân khác. Có thể là một người này bị người kia xâm phậm quyền lợi của mình nhưng do không có chứng cứ để khởi kiện người kia, họ sử dụng dịch vụ điều tra bí mật để tìm ra chứng cứ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình. Điều này không có gì sai.

Bà Nguyễn Thị Mai, Công ty TNHH Luật Á Châu

Việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 59 sẽ liên quan đến hàng loạt văn bản khác như Bộ Luật hình sự, Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính, các văn bản khác liên quan đến các lĩnh vực thuộc Bộ các ngành khác như Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công an, Bộ văn hoá thể thao và du lịch, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường… Sau khi Nghị định 59 được sửa đổi, bổ sung ban hành thì các văn bản khác chưa được bổ sung các danh mục hàng hoá mới, trong việc thực hiện sẽ gặp nhiều khó khăn, người thực hiện không biết áp dụng văn bản nào. Theo quy định của Luật ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thì văn bản được ban hành mới nhất sẽ được áp dụng. Nhưng khi sửa đổi, bổ sung Nghị định 59 vẫn tập hợp cả danh mục hàng hoá được ban hành từ năm 1996, 2000… các văn bản này đã lạc hậu so với nền kinh thế phát triển hiện nay và không phải ai cũng nắm rõ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Vì vậy nếu sửa đổi, bổ sung Nghị định 59/2006 thì đề nghị các bộ,  ngành khác cũng cần nên đồng thời soát xét các văn bản liên quan để sửa đổi, bổ sung một cách đồng bộ để người thi hành dễ thực hiện.

Ngoài ra, cũng nên so sánh thêm với các Hiệp ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia để xem những hàng hoá nào nêu trong danh mục không phù hợp để đảm bảo tính phù hợp, thống nhất.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI

Số lượng ngành, nghề, hàng hoá, dịch vụ bị ngăn cấm trong kinh doanh đã được gia tăng một cách nhanh chóng trong một thập kỷ qua. Nếu như năm 1999 mới chỉ có 29 loại hàng hoá, dịch vụ bị đặt vào vòng cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện, thì đến nay con số đó đã “tăng trưởng” vượt bậc trên 500%. Chưa bàn đến chuyện “rào cản” nhiều là tốt hay không tốt, nhưng chắc chắn đó là các “chướng ngại vật” mà doanh nghiệp buộc phải vượt qua trên con đường sinh tồn. Để tránh cho doanh nghiệp đâm đầu vào bụi rậm, phạm luật mà không biết, thì hoặc là phải ít rào cản hoặc là đòi hỏi rào cản phải rõ ràng, minh bạch.

Điều quan trọng nhất là phải xem xét toàn diện, theo hướng nới lỏng thay vì ngày càng siết chặt các điều kiện kinh doanh. Cần xem xét bỏ bớt các điều kiện hạn chế, đặc biệt là các lĩnh vực cấm kinh doanh. Chẳng hạn không nên cấm tiệt việc kinh doanh với 34 loại hàng hoá dịch vụ. Ví dụ, “Hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản” không nên đưa vào danh mục cấm kinh doanh (mới bổ sung theo Dự thảo Nghị định), mà chỉ cần đặt ra những điều kiện kinh doanh cần thiết (có thể là rất khắt khe). Hay cũng cần xem lại việc có tới gần 30 hoạt động phải có vốn pháp định cho đến thời điểm này là quá nhiều. Nếu như dịch vụ đòi nợ cũng đòi hỏi phải có vốn pháp định tới 2 tỷ đồng, thì có thể lập luận rằng bất kỳ hoạt động kinh doanh nào cũng phải có vốn pháp định, dù nhiều dù ít, cũng như phải có vốn điều lệ. Và như vậy thì chúng ta sẽ quay ngược lại với những quy định sai lầm và lỗi thời của Luật Công ty năm 1990. Cần kiên quyết bài trừ hiện tượng xây dựng pháp luật kinh doanh: Cứ không quản được thì cấm.

Đối với những ngành, nghề, hàng hoá, dịch vụ chưa thể bỏ được các điều kiện ràng buộc, thì cần phải đặt ra các điều kiện đơn giản, rõ ràng, hợp lý, tránh tình trạng về quan điểm, chủ trương chung thì khuyến khích doanh nghiệp tự do kinh doanh, nhưng thực tế thì lại ngăn cấm bằng quá nhiều quy định, không chỉ có trong các đạo Luật và Nghị định như nêu trong Dự thảo Nghị định, mà còn bằng vô vàn những thông tư và cả công văn nữa

Lan Anh

—————————————————-

Vietnam Business Forum 18-8-2010:

http://vccinews.vn/?page=detail&folder=62&Id=1775

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.422. Bố làm chủ tịch, con là tổng giám đốc:...

Bố làm chủ tịch, con là tổng giám đốc: Tập đoàn nghìn tỷ Hóa chất...

Trích dẫn 

3.973. Nợ xấu tiếp tục là thách thức đối với...

Nợ xấu tiếp tục là thách thức đối với ngành ngân hàng. (CT) –...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 236,779