Luật tố tụng ngăn cản tranh tụng?
Bài viết gửi đăng Báo:
Dự thảo Luật Tố tụng hành chính quy định về việc giải quyết các tranh chấp hành chính tại Toà án, hiện đang được chuẩn bị trình Quốc hội để chính thức thông qua tại kỳ họp thứ 8 vào tháng 10 năm 2010. Tuy nhiên, xuất hiện một điều luật ngăn cản việc tranh tụng tại Toà giữa người khởi kiện, người bị kiện và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Không cần người tham gia tố tụng có mặt?
Dự thảo 4 Luật Tố tụng hành chính đã xác định: “Những người tham gia tố tụng hành chính gồm đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người làm chứng, người giám định, người phiên dịch.” Trong đó, “nhân vật” trung tâm không thể thiếu của quá trình tố tụng hành chính, đó là các đương sự, gồm người khởi kiện, người bị kiện và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hành chính.
Thế nhưng, điểm b, khoản 1, Điều 117 về “Tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án hành chính” lại nhắc đến việc Toà án “có thể xét xử vắng mặt các đương sự” mà không phải do yêu cầu của họ. Đặc biệt là khoản 3, Điều 189 về “Sự có mặt của những người tham gia tố tụng” của bản Dự thảo lại có quy định như sau: “Đối với các vụ án khi xét xử sơ thẩm không cần sự có mặt của người tham gia tố tụng hoặc người tham gia tố tụng không có yêu cầu tham gia phiên toà phúc thẩm thì Toà án tiến hành phiên toà phúc thẩm không cần sự có mặt của họ.”
Chỉ qua một câu nêu trên của Điều luật, đã cho thấy ba tình huống sau:
– Thứ nhất, sẽ có một số vụ án hành chính không cần sự có mặt của người tham gia tố tụng tại phiên toà sơ thẩm;
– Thứ hai, nếu vụ án hành chính không cần sự có mặt của người tham gia tố tụng tại phiên toà sơ thẩm, thì cũng không cần sự có mặt của họ tại phiên toà phúc thẩm.
– Thứ ba, nếu người tham gia tố tụng không có yêu cầu tham gia phiên toà phúc thẩm, thì Toà án được quyền tiến hành phiên toà phúc thẩm mà không cần sự có mặt của họ.
Cả ba tình huống nói trên đều phát sinh những bất hợp lý rất nghiêm trọng. Đặc biệt là trường hợp không có sự tham gia phiên toà của đương sự là người khởi kiện và người bị kiện.
Tình huống thứ nhất, không cần sự có mặt của người tham gia tố tụng tại phiên toà sơ thẩm, là điều kỳ lạ, không thể chấp nhận được. Điều này là trái với một loạt nguyên tắc và đòi hỏi của quá trình tố tụng, tước đoạt một trong những “vũ khí” quan trọng nhất của dân quyền khởi kiện công quyền. “Con kiến” kiện “củ khoai”, mà còn không được ba mặt một lời với “củ khoai” nữa thì hoá ra là kiện vỏ khoai hay là chấp nhận vụ kiện kiểu nước đổ lá khoai ư?
Tình huống thứ hai, không cần sự có mặt của người tham gia tố tụng tại phiên toà sơ thẩm, cũng không thể đồng nghĩa với việc không cần sự có mặt của họ tại phiên toà phúc thẩm. Vì như vậy, thì tính độc lập của quá trình xét xử phúc thẩm sẽ bị ảnh hưởng từ quá trình xét xử sơ thẩm, vì khác nào phiên toà phúc thẩm chỉ “ăn các món” đã dọn sẵn, theo “khẩu vị” của phiên toà sơ thẩm.
Tình huống thứ ba, người tham gia tố tụng không có yêu cầu, không có nghĩa là Toà án cứ tiến hành phiên toà phúc thẩm mà không cần sự có mặt của họ. Điều này chỉ hợp lý đối với đương sự đề nghị không tham gia phiên toà, thì cần phải tôn trọng quyết định của họ. Còn không thì hoặc sẽ đương nhiên được quyền tham gia phiên toà, Điều này khác với việc họ lại phải có yêu cầu thì mới được tham gia phiên toà. Điều này cũng có thể là rất bất hợp lý đối với một số người liên quan như người làm chứng, người giám định, người phiên dịch. Đối với những người này, toà án phải xem xét triệu tập họ để làm sáng tỏ vụ án, chứ không thể nào phụ thuộc vào việc yêu cầu theo ý thích của họ là muốn hay không muốn tham gia.
Phiên toà vắng mặt cả đôi bên đương sự cùng với những người liên quan thì sẽ chẳng khác gì một chiếc ti vi chỉ hiện chữ mà không có hình và cũng chẳng có tiếng. Và luật sư tranh tụng bảo vệ quyền lợi của người khởi kiện sẽ chỉ được làm luật sư tư vấn, vì mất quyền tham dự phiên toà. Trong khi, ngay đến như phiên toà giám đốc thẩm, về nguyên tắc, không có sự tham gia của đương sự, thế nhưng khoản 1, Điều 71 của Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính năm 1996 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2006) còn mở rộng bằng quy định: Toà án triệu tập đương sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến kháng nghị, nếu “Toà án thấy cần phải nghe ý kiến của họ trước khi quyết định”. Cũng tương tự như vậy là quy định tại khoản 2, Điều 295 về “Thủ tục phiên toà giám đốc thẩm” của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004.
Vô hiệu hoá một loạt điều luật
Quy định “không cần có mặt” nêu trên là trái với quy định tại Điều 133 của Hiến pháp Nước Cộng hoà XHCN Việt Nam năm 1992: “Toà án nhân dân bảo đảm cho công dân nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thuộc các dân tộc quyền dùng tiếng nói và chữ viết của dân tộc mình trước Toà án.”Đồng thời cũng trái với Điều 21 về “Tiếng nói và chữ viết dùng trong tố tụng hành chính” của Dự thảo với quy định: “Tiếng nói và chữ viết dùng trong tố tụng hành chính là tiếng Việt” và “Người tham gia tố tụng hành chính có quyền dùng tiếng nói và chữ viết của dân tộc mình. Trong trường hợp này cần phải có người phiên dịch”. Nếu quy định không cần có mặt, thì đương sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan chỉ còn được sử dụng một nửa quyền là chữ viết (từ trước), mà không được quyền sử dụng tiếng nói tại phiên toà.
Quy định nêu trên của Dự thảo sẽ vô hiệu hoá một loạt những quy định cơ bản, có tính chất quyết định đối với việc thành bại trong quá trình tố tụng của chính Dự thảo như dưới đây:
- Quy định tại khoản 1, Điều 125 về “Xét xử trực tiếp, bằng lời nói và liên tục”: “Toà án phải trực tiếp xác định những tình tiết của vụ án bằng cách hỏi và nghe lời trình bày của người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người đại diện hợp pháp, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự và những người tham gia tố tụng khác; xem xét, kiểm tra tài liệu, chứng cứ đã thu thập được; nghe Kiểm sát viên phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về việc giải quyết vụ án. Bản án chỉ được căn cứ vào kết quả tranh tụng, việc hỏi tại phiên toà và các chứng cứ đã được xem xét, kiểm tra tại phiên toà.”:
- Quy định tại Điều 128 về “Sự có mặt của người khởi kiện”; Điều 129 về “Sự có mặt của người bị kiện”; Điều 130 về “Sự có mặt của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan”; Điều 132 về “Sự có mặt của người làm chứng”; Điều 133 về “Sự có mặt của người giám định”; Điều 134 về “Sự có mặt của người phiên dịch”. Theo đó những người này “phải có mặt tại phiên toà theo giấy triệu tập của Toà án” hoặc “có nghĩa vụ tham gia phiên toà theo giấy triệu tập của Toà án”. Và hầu hết các trường hợp nếu họ vắng mặt lần thứ nhất (có lý do chính đáng) thì Toà án phải hoãn phiên toà,…;
- Một loạt quy định khác như về việc chuẩn bị xét xử, về việc mở phiên toà, về thủ tục tố tụng tại phiên toà,… cũng sẽ trở thành vô nghĩa.
Ngoài ra, quy định về việc xét xử vắng mặt không tự nguyện này còn là sự phủ nhận yêu cầu tranh tụng tại phiên toà được nêu ra Nghị quyết số 49-NQ-TƯ ngày 02-6-2005 của Bộ Chính trị về Cải cách tư pháp.
Bước lùi của pháp luật
Quy định “xét xử sơ thẩm không cần sự có mặt của người tham gia tố tụng” tại Điều 189 của Dự thảo nếu được Quốc hội thông qua sẽ là một bước thụt lùi ghê gớm về mặt pháp lý so với quy định hiện hành tại đoạn 2, Điều 7 của Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính năm 1996: “Đối với các vụ án hành chính mà nội dung đã rõ ràng, có đủ chứng cứ được các bên thừa nhận và không có yêu cầu tham gia phiên toà, thì Toà án xét xử mà không cần sự có mặt của các đương sự và những người tham gia tố tụng khác.” Quy định này của Pháp lệnh là hợp lý, vì một khi đương sự đã tự nguyện rút lui khỏi phiên toà (và chỉ trong vụ án mà “nội dung đã rõ ràng, có đủ chứng cứ được các bên thừa nhận”), thì không có lý gì mà pháp luật lại bắt họ phải hầu toà. Nhưng Dự thảo thì lại đặt ra một nghịch lý không có lý do, cũng không hề giải thích: Vắng mặt đương sự trái ngược 180o với ý chí của họ. Những nội dung ngăn cản đương sự đến phiên toà nói trên không được quy định thành một điều khoản trực tiếp, rõ ràng, mà chỉ được nêu một cách khôn khéo, ẩn khuất ở trong các điều khoản liên quan. Nhưng nếu Quốc hội thông qua những nội dung ấy, thì sẽ có một Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Toà án Nhân dân Tối cao hướng dẫn về những trường hợp Toà án được tự quyết định loại trừ sự có mặt của đương sự và những người tham gia tố tụng khác.
Vì vậy đề nghị phải bỏ hẳn tất cả những nội dung liên quan đến việc xét xử không cần “có mặt các đương sự và những người tham gia tố tụng khác”. Nếu còn duy trì quy định này, là đóng cửa xét xử, là khoá miệng người khởi kiện. Quy định này có thể là “tốt” với người bị kiện hành chính vì các quan chức Nhà nước không phải hầu Toà để “phục vụ” các đối tượng bị mình quản lý, áp đặt. Nhưng nó sẽ quá “xấu” với người khởi kiện vụ án hành chính. Không thể vì thực tế gần như tất cả các quan chức nhận được trát Toà đều không muốn ra Toà, thì người dân cũng đành cam chịu bị “cấm” ra Toà, bị tước mất quyền tranh tụng. Như vậy sẽ dễ dẫn đến nguy cơ “xử kiểu gì cũng được”.
————————————–
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC.