135. Dẹp game gần trường, nói dễ làm khó

(DV) – Hà Nội là địa phương “tuyên chiến” mạnh nhất với các điểm game online gần trường học. Thời hạn đặt ra để giải quyết dứt điểm việc này là 16-8. Tuy nhiên, đến nay nhiều nơi vẫn án binh bất động.

Dù đến thời hạn di chuyển nhưng cửa hàng game vẫn hoạt động.

“Chưa nghe nói gì”

Ngày 17-8, một ngày sau thời điểm được UBND TP.Hà Nội ấn định là ngày “khai tử” các điểm game online gần trường học, chúng tôi có mặt tại cửa hàng game online Thanh2 tọa lạc ngay trước cổng Trường Tiểu học xã Mỹ Đình (huyện Từ Liêm). Biển bảng của cửa hàng này vẫn nghiêm chỉnh, không có bất cứ biểu hiện nào của việc phải di chuyển.

Dàn máy 40 chiếc của cửa hàng vẫn nguyên vẹn, đặt vững chãi trên các bàn bằng đá granit. Các game thủ trẻ măng vẫn hí hoáy ngồi trước màn hình. Ngay cả nhân viên cửa hàng cũng không mấy quan tâm đến việc di chuyển. “Em cũng có biết qua báo, đài nhưng ở đây chưa thấy ai nói gì. Khách đông thế này chuyển sao được” – nhân viên phụ trách cửa hàng nói.

Trao đổi với NTNN ngày 18-8, ông Phạm Quốc Bản – Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Để giải quyết dứt điểm vấn đề này, đến hết ngày 25-8, nếu các đại lý gần trường học không chịu di dời Sở sẽ đề nghị các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng cắt đường truyền đến các đại lý này.

Bà Nguyễn Thị Bích Luận – cán bộ phụ trách văn hóa xã Mỹ Đình cho biết, toàn xã có 18 cửa hàng Internet thì 2 cơ sở ở gần trường học. Tuy nhiên, đến thời điểm này chưa có cửa hàng nào di chuyển. Công tác triển khai vẫn chỉ dừng lại ở việc ký cam kết để các chủ cửa hàng tự nguyện di dời.

Không chỉ ở xã Mỹ Đình, theo ông Lê Bình Minh – Phó trưởng phòng Văn hóa huyện Từ Liêm, cả huyện có 20 cửa hàng gần trường học nhưng đến thời điểm này vẫn chưa di chuyển được điểm nào. Nguyên nhân do phòng bận bởi đang vào cao điểm kiểm tra các hạng mục 1.000 năm Thăng Long. Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội – đơn vị chủ trì việc dẹp các điểm game online gần trường học có lịch kiểm tra trong 2 ngày 15 và 16-8. Tuy nhiên đến nay các cuộc kiểm tra vẫn chưa được tiến hành dù thời điểm cuối cùng đặt ra đã qua với không ít vấn đề khó giải quyết.

Nhiều điểm vướng mắc

Căn cứ xác định điểm game online phải giải tỏa là cách cổng trường học dưới 200m. Tuy nhiên, cách tính này rất khó được áp dụng trong thực tế. Nhiều cửa hàng Internet, đặc biệt là ở các khu vực thị trấn, thị tứ như Trạm Trôi (Hoài Đức), Phùng (Đan Phượng)… nằm ngay sát tường của trường học; học sinh chỉ cần nhảy qua tường là có thể vào quán. Tuy nhiên, khi tính từ cổng trường thì cửa hàng này lại không thuộc diện phải di chuyển. Điều này đã làm hạn chế phạm vi tác động của phương án này.

Nếu như nội thành còn “án binh bất động” thì các khu vực ngoại thành, nông thôn Hà Nội, việc dẹp bỏ quán Internet trước cổng trường còn khá xa vời. Chị Phùng Thị Mỹ – chủ một quán Internet tại xã Chu Minh (Ba Vì) cho biết: “Quán Internet ở quê chúng tôi phải mở ở trung tâm xã, gần trường học mới có khách, chứ mở xa quá thì làm ăn gì được”.

Tuy nhiên, ngay cả khoảng cách 200m cũng không khiến các game thủ “xa mặt cách lòng”. Một game thủ tại cửa hàng game online trước Trường Tiểu học Mỹ Đình nói: “20m thì em đi bộ 2 phút, còn 300m em chạy cũng chỉ một phút là đến nơi. Không có gì phải lo”.

Tuy nhiên, điểm bất khả thi nhất trong phương án di chuyển các cửa hàng game online chính là từ phía các chủ cửa hàng. Nhiều người kinh doanh đã bỏ ra hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng để thuê mặt bằng cửa hàng trong thời gian dài; đầu tư lắp đặt bàn ghế, trang trí phòng ốc nên việc di chuyển sẽ gây thiệt hại lớn cho họ. Bà Nguyễn Thị Bích Luận cho biết, dù ký cam kết nhưng nhiều chủ cửa hàng đã phản ứng và khóc vì đã trót đầu tư hàng trăm triệu đồng.

PGS- TS. Trần Cao Sơn – Giám đốc Trung tâm Điều tra dư luận xã hội (Viện Xã hội học): Quản lý chậm so với thực tế

Những biện pháp quản lý mà Bộ Thông tin – Truyền thông đưa ra là chậm so với thực tế, nhưng dù sao những biện pháp đó cũng là cần thiết trước xu hướng tác động tiêu cực của game online đối với giới trẻ.

Giới trẻ “mắc nghiện” game online thì trước hết cần nhìn nhận thêm trách nhiệm của gia đình, nhưng người dân đổ lỗi cho nhà quản lý cũng có cái lý của người ta. Đã sinh ra dịch vụ game online thì phải có khách hàng, nhưng bán hàng gì, bán như thế nào thì phải có kiểm soát, nhất là những “mặt hàng” tác động mạnh tới nhân cách, tâm lý của giới trẻ.

Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI: Đành chấp nhận rủi ro về chính sách

Các quy định cắt đường truyền game online sau 23 giờ hay di dời các địa điểm gần trường học hiện nay đang nằm trong dự thảo quy chế quản lý game online do Chính phủ ban hành. Vì vậy, việc thực hiện là đi trước một bước, việc này sẽ được quy định trong nghị định chứ không phải là quy định ở cấp Bộ Thông tin và Truyền thông như hiện nay.

Trong việc di chuyển các điểm game online gần trường học, đáng ra, chỉ phải thực hiện đối với các trường hợp mới phát sinh sau này; những cửa hàng đã đầu tư hết thời hạn giấy phép thì phải di dời. Tuy nhiên, trong bối cảnh chung hiện nay, các cơ sở kinh doanh vẫn phải di chuyển. Điều này gọi là rủi ro chính sách.

Hồ Thường (Hồ Sỹ Lực)

——————————————–

Báo Dân Việt (Hội Nông dân VN):

Ngày 18-8-2010

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu...

Mục "Bài viết" cập nhật các bài viết của các Luật sư ANVI đăng...

Bình luận 

429. Bình luận về việc sửa đổi Luật Thuế...

Bình luận về việc sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt. (Dự thảo Luật...

Phỏng vấn 

4.377. Thương mại điện tử bước vào cuộc chiến...

Thương mại điện tử bước vào cuộc chiến mới (*): Ứng phó cơn...

Trích dẫn 

3.892. Sửa đổi Luật Chứng khoán và bài toán...

Sửa đổi Luật Chứng khoán và bài toán nâng hạng thị trường. (TBNH)- Tại...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 228,353