136. Nghị định 59 sửa đổi: Cần nâng cao tính rõ ràng, minh bạch hơn

(KTVN) – Đây là điều được khá nhiều diễn giả góp ý nhằm hoàn thiện Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 59/2006/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Thương mại liên quan đến hàng hóa dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện (Nghị định 59 sửa đổi), do cơ quan chức năng của Bộ Công Thương đang tiến hành soạn thảo.

Khắc phục hạn chế

Sau 4 năm thực hiện, Nghị định 59/2006/NĐ-CP được coi đã đạt được mục tiêu ban đầu là minh bạch hóa về hàng hóa dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện theo yêu cầu hội nhập WTO, tạo điều kiện cho các thương nhân kinh doanh, góp phần phát triển thị trường nội địa, duy trì kỷ cương kinh doanh và đảm bảo an toàn cho nền kinh tế… Tuy nhiên, đến nay nghị định này đã bộc lộ hạn chế không thể bao quát được việc quản lý, đặc biệt là đối với nhiều loại hình kinh doanh mới ra đời đã kéo theo các văn bản pháp luật điều chỉnh nó, cùng với một số văn bản pháp luật khác như Luật Doanh nghiệp… cũng qui định về một số lĩnh vực cấm kinh doanh… gây ra chồng chéo, xung đột pháp luật cần phải sửa Nghị định 59/2006/NĐ-CP, đồng thời qua đó thống nhất các qui định liên quan vào một văn bản để quản lý hiệu quả hơn, doanh nghiệp cũng tiện theo dõi pháp luật hơn…

Theo luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, số lượng ngành, nghề, hàng hóa, dịch vụ bị cấm kinh doanh đã gia tăng một cách nhanh chóng trong vòng một thập kỷ lại đây. Nếu như năm 1999 mới chỉ có 29 loại hàng hóa, dịch vụ bị đặt vào vòng cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện, thì đến tháng 8/2010 con số này đã là 152, tăng gấp hơn 5 lần.

Thống kê của luật sư Phan Thông Anh, Ủy viên Ban thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho thấy, dự thảo Nghị định 59 sửa đổi trong danh mục cấm kinh doanh đã có 24 ngành nghề (tăng 6 ngành nghề) và 10 nhóm dịch vụ (tăng 5 nhóm dịch vụ) so với Nghị định 59/2006/NĐ-CP; với danh mục hạn chế kinh doanh thì có 12 ngành nghề và 8 nhóm hàng hóa, dịch vụ, trong đó nhóm hàng hóa tăng 1, nhóm dịch vụ tăng 4; đối với danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, dự thảo Nghị định 59 sửa đổi đã có 94 nhóm ngành nghề, 15 nhóm hàng hóa, 79 nhóm dịch vụ, danh mục này tăng 19 ngành nghề so với Nghị định 59/2006/NĐ-CP.

Cần rõ ràng, minh bạch hơn

Quản lý suy cho cùng là để cho nền kinh tế phát triển lành mạnh, tốt hơn. Tuy nhiên, quản lý như thế nào cho phù hợp, cho hiệu quả, qua đó thúc đẩy được phát triển sản xuất, kinh doanh, phát triển nền kinh tế thị trường… là vấn đề các chuyên gia bày tỏ nhiều băn khoăn, trăn trở trước đại diện cơ quan quản lý chức năng của Nhà nước cũng như Ban soạn thảo Nghị định 59 sửa đổi.

Để tạo điều kiện thông thoáng, thuận lợi cho phát triển sản xuất, kinh doanh, tránh cho DN vi phạm pháp luật mà không biết, ông Trương Thanh Đức cho rằng, hoặc là các “rào cản” phải sửa theo hướng ít đi, hoặc là phải qui định một cách hết sức rõ ràng và minh bạch. Còn theo luật sư Cao Bá Khoát, thuộc Công ty TNHH tư vấn doanh nghiệp K và Cộng sự thì ban soạn thảo cần phải cân nhắc, xem xét một cách thấu đáo nên cấm cái gì, hạn chế cái gì, cái gì kinh doanh cần có điều kiện, đặc biệt là phải xem xét những lý do cấm, hạn chế, và các điều kiện kinh doanh đưa vào Nghị định 59 sửa đổi này có phù hợp với thực tiễn phát triển không. Bởi lẽ, lâu nay vẫn tồn tại một thói tư duy yếu kém của không ít cơ quan quản lý là hễ cái gì khó quản, không quản được là cấm, là hạn chế…

Ông Trần Thanh Tùng, Công ty Luật Phước & Partners cho rằng, đây là một nghị định động chạm đến những lĩnh vực kinh doanh nhạy cảm. Việc sửa đổi cần phải giải quyết tốt hai vấn đề trái ngược nhau, một bên là nhu cầu quản lý của cơ quan nhà nước với một bên là quyền tự do kinh doanh của DN. Nếu nghiêng nhiều về góc độ quản lý sẽ hạn chế quyền tự do kinh doanh của thương nhân, còn nếu nghiêng quá về quyền tự do kinh doanh cũng rất có thể sẽ phải giải quyết những hậu quả tiêu cực của việc “mở” rộng các hoạt động kinh doanh các loại hàng hóa, dịch vụ, ngành nghề có tính nhạy cảm.

Để giải quyết tốt vấn đề nêu trên, theo ông Tùng, cần phải phân tích sâu sắc và vạch ra được các tiêu chí cụ thể, rõ ràng về mức độ ảnh hưởng tiêu cực của các ngành nghề, hàng hóa và dịch vụ khi thực hiện kinh doanh sẽ có tác động đến kinh tế, xã hội, đời sống…, qua đó có thể loại bỏ hoặc xếp chúng vào danh mục cấm, hạn chế, hay kinh doanh phải có điều kiện cho phù hợp…/.

Việt Anh

———————————————–

Kinh tế Việt Nam ngày 19-8-2010:

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.393. Đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng pháp...

Đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng pháp luật đáp ứng yêu cầu phát...

Trích dẫn 

3.913. Giá vàng ngày một "nóng", có nên nắm giữ...

Giá vàng ngày một "nóng", có nên nắm giữ dài hạn? (KTCK) - Giá vàng tăng...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 232,497