136. Việc áp dụng pháp luật và việc định giá hàng hoá, dịch vụ.

(ANVI) – Hội thảo Góp ý Dự thảo Luật GiáHN 07-6-2011

Theo đề nghị của Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ tại Công văn số 335/PL ngày 23-5-2011, tôi xin tham gia một số ý kiến vào Dự thảo Luật Giá (bản trình Chính phủ) như sau:

  1. Về việc áp dụng pháp luật:
  • Đề nghị xem lại quy định sau tại khoản 2, Điều 3 về “Áp dụng luật”: “Trường hợp các Luật chuyên ngành có quy định về giá và quản lý giá đối với hàng hoá, dịch vụ chuyên ngành cụ thể hoặc có quy định cụ thể về thẩm định giá không trái với các nguyên tắc quy định của Luật này thì áp dụng quy định của luật chuyên ngành đó. Trường hợp có sự khác nhau giữa các quy định của Luật chuyên ngành về giá, thẩm định giá và Luật này thì áp dụng quy định của Luật này.” Theo Điều này, thì chỉ áp dụng quy định của luật chuyên ngành về giá, quản lý giá và thẩm định giá, nếu không trái với các nguyên tắc của Luật Giá, đồng thời không khác với quy định của Luật Giá. Quy định này thực chất là loại bỏ hoàn toàn hiệu lực quy định của Luật chuyên ngành liên quan đến lĩnh vực giá.
  • Ví dụ trong lĩnh vực ngân hàng, quy định sau tại khoản 3, Điều 91 về “Lãi suất, phí trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng”, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010: “Trong trường hợp hoạt động ngân hàng có diễn biến bất thường, để bảo đảm an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước có quyền quy định cơ chế xác định phí, lãi suất trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng.” và quy định sau tại khoản 2, Điều 12 về “Lãi suất”, Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: “Trong trường hợp thị trường tiền tệ có diễn biến bất thường, Ngân hàng Nhà nước quy định cơ chế điều hành lãi suất áp dụng trong quan hệ giữa các tổ chức tín dụng với nhau và với khách hàng, các quan hệ tín dụng khác.”, rõ ràng là khác với quy định của Luật Giá. Thậm chí quy định này còn trái với Điều 18 về “Cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định giá” của Dự thảo Luật Giá, trong đó xác định thẩm quyền của “Bộ trưởng các Bộ, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ quyết định giá hàng hoá, dịch vụ độc quyền có tác động nhiều đến phát triển kinh tế của ngành mình”, vì dịch vụ cho vay của các tổ chức tín dụng không phải là “hàng hoá, dịch vụ độc quyền”. Nếu cứ theo như quy định tại Điều 3 của Dự thảo nói trên, thì trường hợp này phải áp dụng quy định của Luật Giá, mà không được phép áp dụng theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng và Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam?
  • Ngoài ra, Dự thảo Luật có 3 Điều quy định về các nguyên tắc, đó là Điều 5 về “Nguyên tắc quản lý, điều hành giá”, Điều 16 về “Nguyên tắc định giá của Nhà nước” và Điều 33 về “Nguyên tắc hoạt động thẩm định giá”. Trên thực tế, rất khó có thể xác định được việc trái với các nguyên tắc này là thế nào. Ví dụ, việc định giá quá cao không dựa trên 6 căn cứ định giá được quy định tại Điều 6 thì có trái với 3 nguyên tắc quản lý, điều hành giá tại Điều 5 hay không? Hay việc định giá lãi suất huy động và cho vay quá cao của các tổ chức tín dụng (theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng), thì có trái với nguyên tắc nào của Luật này hay không?
  • Tương tự như trên, đề nghị xem lại quy định sau tại khoản 3, Điều 21 về “Thẩm quyền tổ chức hiệp thương giá”: “Việc hiệp thương giá đối với hàng hoá, dịch vụ cụ thể nếu pháp luật chuyên ngành có quy định không trái với các nguyên tắc quy định tại Luật này thì thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành; trường hợp có sự khác nhau thì áp dụng theo quy định tại Luật này.”
  • Vì vậy, đề nghị sửa lại quy định áp dụng luật nói trên theo hướng: Trường hợp các Luật chuyên ngành có quy định về giá và quản lý giá đối với hàng hoá, dịch vụ chuyên ngành hoặc về thẩm định giá khác với quy định của Luật này, thì áp dụng quy định của luật chuyên ngành.
  1. Về việc định giá hàng hoá, dịch vụ:
  • Đề nghị xem lại 6 căn cứ tại Điều 6 về “Căn cứ định giá”, mới chỉ phù hợp với việc định giá của Nhà nước, chứ chưa phù hợp với việc định giá hàng hoá, dịch vụ của tất cả các tổ chức, cá nhân. Liên quan đến việc này còn có quy định tại khoản 5, Điều 10 về “Các hành vi bị cấm trong lĩnh vực giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh”: “Áp dụng các căn cứ, nguyên tắc, phương pháp định giá, thoả thuận ấn định giá hàng hoá, dịch vụ một cách trực tiếp hoặc gián tiếp không đúng quy định của pháp luật.” Những tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh bình thường, nhất là hàng triệu hộ kinh doanh hiện nay hầu như không “Áp dụng các căn cứ, nguyên tắc, phương pháp định giá” theo quy định của Luật này cũng không có gì là bất hợp lý và không nên coi đó là vi phạm điều cấm.
  • Đề nghị xem lại quy định tại khoản 5, Điều 8 về “Quyền trong lĩnh vực giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh”: “Điều chỉnh giá tăng hoặc giảm giá hàng hóa, dịch vụ của mình (trừ hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá) khi các yếu tố hình thành giá hoặc quan hệ cung cầu thay đổi”. Việc tăng hoặc giảm giá bán hàng hoá dịch vụ không nhất thiết phải dựa trên “các yếu tố hình thành giá hoặc quan hệ cung cầu thay đổi”, mà còn dựa vào chiến lược thị phần, tiếp thị, giải quyết hàng tồn đọng,…
  • Đề nghị xem lại quy định tại khoản 2, Điều 9 về “Nghĩa vụ trong lĩnh vực giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh”: “Lập phương án giá hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục Nhà nước định giá trình cơ quan có thẩm quyền quyết định”. Quy định này không phù hợp với một số trường hợp thực tế như định giá Phí trông giữ xe đạp, xe máy, ô tô, thì tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ này không có nghĩa vụ lập phương án trình cơ quan có thẩm quyền quyết định (do Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh quyết định theo quy định tại Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03-6-2002 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Phí và lệ phí).
  • Đề nghị xem lại quy định tại khoản 6, Điều 10 về “Các hành vi bị cấm trong lĩnh vực giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh”: “Áp dụng phân biệt về giá (bao gồm phân biệt cả về giá bán buôn hoặc giá bán lẻ) khi cung cấp cùng một loại hàng hoá hoặc dịch vụ cho các tổ chức, cá nhân khác nhau.” Trên thực tế, việc áp dụng phân biệt về giá đối với cùng một loại hàng hoá, dịch vụ cho các tổ chức, cá nhân khác nhau là phổ biến và hoàn toàn hợp lý. Điển hình là cùng một sản phẩm cho vay của một tổ chức tín dụng, nhưng có nhiều mức lãi suất khác nhau đối với từng khách hàng, dựa trên sự tín nhiệm, thoả thuận và nhiều đặc điểm cụ thể khác.
  • Đề nghị xem lại quy định tại khoản 7, Điều 10 về “Các hành vi bị cấm trong lĩnh vực giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh”: “Tăng hoặc giảm giá trá hình bằng cách thay đổi các cam kết, thời gian, địa điểm, điều kiện cung ứng, phẩm cấp, chất lượng khi cung ứng hàng hóa, dịch vụ.” Việc tăng hoặc giảm giá khi thay đổi các cam kết, thời gian, địa điểm, điều kiện cung ứng hàng hoá, dịch vụ cũng là điều hoàn toàn hợp lý. Chẳng hạn giao hàng nhanh, giao ở địa điểm xa thì giá phải cao hơn giao chậm, giao ở địa điểm gần.
  1. Về một số khái niệm, từ ngữ và kỹ thuật soạn thảo:
  • Đề nghị xem lại giải thích tại khoản 5, Điều 4 về “Giải thích từ ngữ”: “Giá bán lẻ là giá bán hàng hóa, dịch vụ trực tiếp cho người tiêu dùng, hình thành ở khâu lưu thông cuối cùng khi hàng hóa kết thúc quá trình lưu thông và đi vào tiêu dùng cá nhân.” Giá bán lẻ không chỉ “đi vào tiêu dùng cá nhân.”, vì vậy đề nghị bỏ cụm từ này.
  • Đề nghị xem lại quy định tại khoản 1, Điều 36 về “Kết quả thẩm định giá”. Kết quả thẩm định giá, ngoài việc được làm căn cứ “thế chấp, giải chấp”, thì còn để thực hiện các biện pháp bảo đảm khác theo quy định của Bộ luật Dân sự như cầm cố, đặt cọc, kỹ quỹ.
  • Đề nghị xem lại quy định khoản 5, Điều 51 về “Đối tượng không được đăng ký hành nghề tại doanh nghiệp thẩm định giá”: “Cá nhân có tiền án vi phạm các tội nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.” Đã cấm đối với trường hợp phạm tội nghiêm trọng thì phải bổ sung cả tội rất nghiêm trọng có mức độ nặng hơn tội nghiêm trọng theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999.
  • Đề nghị xem lại quy định tại khoản 6, Điều 51 về “Đối tượng không được đăng ký hành nghề tại doanh nghiệp thẩm định giá”: “Cá nhân đang trong thời gian bị thi hành kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên đã có hành vi phạm về quản lý kinh tế.” Đề nghị ghi rõ hình thức “kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên” đối với công chức hay đối với cả cán bộ và viên chức theo Luật Cán bộ, công chức năm 2008 và Luật Viên chức năm 2010 (Bộ luật Lao động năm 1994 không quy định hình thức kỷ luật lao động cảnh cáo đối với người lao động).
  • Đề nghị rà soát chỉnh sửa lại một số điều khoản có các đoạn văn không thuộc kết cấu khoản, điểm nào của điều luật, để bảo đảm sự hợp lý và kết cấu chuẩn của văn bản, như:
  • Đoạn dưới tên Điều 19 về “Điều chỉnh mức giá do Nhà nước quy định giá” (nên chuyển đoạn này thành khoản 1 và 2 khoản hiện nay thành 2 điểm a và b của khoản 2);
  • Đoạn dưới tên Điều 20 về “Điều kiện tổ chức hiệp thương giá” (nên chuyển đoạn này thành khoản 1 và 2 khoản hiện nay thành 2 điểm a và b của khoản 2);
  • Đoạn dưới tên Điều và đoạn cuối Điều 27 về “Đối tượng kiểm soát giá độc quyền” (nên chuyển đoạn đầu thành khoản 1, 4 khoản hiện nay thành các điểm a, b, c, d của khoản 1 và đoạn cuối thành khoản 2).
  • Đoạn cuối của khoản 1, Điều 31 về “Công khai thông tin về giá” (nên chuyển đoạn này thành khoản 2).
  • Đoạn cuối của Điều 46 về “Tiêu chuẩn của thẩm định viên về giá” (nên chuyển xuống Điều 50 về “Điều kiện hành nghề của thẩm định viên về giá”.

Trân trọng tham gia!

 

—————————–

ĐC: Công ty Luật ANVI, tầng 2, Tòa nhà Savina, số 1 Đinh Lễ, phố Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, HN

FB: Trương Thanh Đức (www.facebook.com/LSTruongThanhDuc)

E-mail: duc.tt @anvilaw.com

Web: www.anvilaw.com

ĐT: 090.345.9070

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

436. Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài...

Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài sản công. Cố vấn: Luật...

Phỏng vấn 

4.414. Lấp lỗ hổng quản lý trong đầu tư trực...

Lấp lỗ hổng quản lý trong đầu tư trực tuyến tiền ảo, tài chính, chứng...

Trích dẫn 

3.969. Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ...

Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ xấu gia tăng nhưng tốt...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 235,609