Cắm sổ cầm cố
(ANVI) – Sổ bảo hiểm xã hội ghi nhận chế độ bù trừ khi người lao động ốm đau, thai sản, tai nạn, bệnh tật, hưu trí hoặc vĩnh viễn ra đi, nhưng đang bị người ta thi nhau mang ra cầm cố cắm nợ.
Nguyên nhân là từ chỗ nó do cơ quan nhà nước giữ, tự dưng chuyển sang cho doanh nghiệp và từ 2016 lại được chuyển tiếp cho người lao động theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội 2014. Thế là người lao động đói khổ liền ăn vụng, túng quẫn đành làm liều. Các ngân hàng và tiệm cầm đồ thì thấy có cái lợi tội gì không chơi.
Đến khi bị xiết tiền bảo hiểm thì còn gì gọi là bản chất của chế độ an sinh xã hội nữa? Mặc dù, thằng xiết nợ thì chỉ bắt bí và xử lý theo kiểu sức ép ngoài luật thôi, chứ cơ quan bảo hiểm nào đồng ý khẩu trừ, chi trả như là cầm cố, thế chấp tài sản?
Có thể coi đó là một thứ quyền tài sản, không bị cấm cầm cố, nhưng quyền này lại gắn liến với thân nhân, không chuyển giao được, nên cũng không xử lý phát mại được. Nhưng nếu ông nhận thế chấp, cầm cố chấp nhận rủi ro thì khó xử. Dân tình và doanh nghiệp cứ thi nhau giao dịch, vì không có quy định nào cấm cản, kể cả thông tư, nghị định, chứ chưa nói chỉ có luật mới được cấm.
Vì không cấm nên cũng chẳng bị phạt, cầm rồi cứ tha hồ xin cấp lại sổ miễn phí, chỉ khi doanh nghiệp đánh mất sổ thì mới bị phạt 500.000 – 1 triệu đồng
Thời đại công nghệ cao làm sao cứ duy trì giấy trắng mực đen, in ấn tờ rời hằng nâm tốn kém? Điện tử hóa thì hóa giải tất cả.
Ngày 07-02-2018