140. Tự chủ in hoá đơn, Doanh nghiệp trở tay không kịp

(TCKD) – Đã có thời gian chuẩn bị khá lâu, Nghị định 51/2010/NĐ-CP thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong đổi mới về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, qua đó đẩy lùi những tiêu cực gây thất thu cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, với con số 350.000 doanh nghiệp (DN) ngoài quốc doanh, khối lượng công việc phục vụ cho việc in ấn, sử dụng hóa đơn mới sẽ là rất lớn và khiến cho DN “trở tay không kịp” nếu thông tư hướng dẫn thi hành Nghị định này không nhanh chóng được hoàn thiện trong những tháng “chạy nước rút” này.

Ông Cao Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế, cho biết dự thảo thông tư hướng dẫn thi hành Nghị định 51/2010/NĐ-CP của Chính phủ gồm 7 phần, 31 điều, quy định cụ thể và chi tiết 12 điều mà Chính phủ đã giao cho Bộ Tài chính hướng dẫn như: vốn điều lệ của DN tự in hóa đơn, ủy nhiệm lập hóa đơn, thanh lý hợp đồng in giữa DN, hủy hóa đơn, thanh kiểm tra hóa đơn…

Doanh nghiệp mong đợi

Cụ thể, từ ngày 1/1/2011, DN sẽ hoàn toàn tự chủ trong việc in ấn và sử dụng hóa đơn. Hóa đơn có thể được lập dưới nhiều hình thức như hóa đơn tự in, hóa đơn đặt in, hóa đơn điện tử. Hiện có rất nhiều điều đang được DN quan tâm và đòi hỏi quy định cụ thể về đặc điểm, quy mô của DN như thế nào thì được sử dụng loại hóa đơn nào, nội dung và hình thức thể hiện hóa đơn, đơn vị phụ trách in hóa đơn…

Thông qua những thắc mắc của DN, ông Tuấn đã giải thích một số điểm cơ bản về nội dung của thông tư này. Những nội dung bắt buộc phải có trên hóa đơn đều được hướng dẫn như hóa đơn hiện hành. Đối với một số trường hợp đặc thù, Bộ cũng quy định cụ thể hóa đơn không cần phải có đủ các nội dung bắt buộc, ví dụ như không bắt buộc có chữ ký của người mua đối với hóa đơn điện, nước, viễn thông, hóa đơn mua hàng trong siêu thị…

Bộ cũng đang cân nhắc về vốn điều lệ của DN được tự in hóa đơn, trước mắt vốn điều lệ bắt buộc sẽ là từ 10 tỷ đồng trở lên. Thông tư cũng quy định khá thoáng về điều kiện của DN chuyên trách việc in hóa đơn. Theo đó, DN chỉ cần có giấy phép in ấn sẽ được nhận in hóa đơn. Ngoài ra, thông tư cũng có thêm một số điểm sửa đổi cho phù hợp với mặt bằng xã hội chung hiện nay. Chẳng hạn, trường hợp mua bán hàng hóa dịch vụ phải lập hóa đơn được nâng lên mức 200.000 đồng trở lên, thay cho mức 100.000 đồng như trước kia.

Ông Tuấn cũng cho biết với những trường hợp DN đã mua số lượng lớn hóa đơn của cơ quan thuế và chưa sử dụng hết trước ngày 1/1/2011, thì có thể sử dụng tiếp, với điều kiện phải đăng ký với cơ quan thuế. Tuy nhiên, thời gian sử dụng tối đa chỉ đến hết ngày 30/4/2011. Quá thời gian này, nếu DN vẫn chưa sử dụng hết, số hóa đơn còn lại phải được hủy bằng cách cắt góc và nộp lại cho cơ quan thuế trước ngày 10/5/2011.
Ông Nguyễn Hoàng Giang, Công ty luật TNHH VLC tỏ ý lo ngại rằng nếu như Nghị định 89/2009/NĐ-CP quy định việc phát hành hóa đơn quá chặt chẽ, thì đến Nghị định 51 lại quá thoáng.

Quy định quá “thoáng”!

Điển hình là việc quy định bất cứ nhà in nào có giấy phép in ấn đều được thực hiện việc in hóa đơn, sẽ là tiếp tay cho các DN in hóa đơn trốn thuế nếu như Nhà nước không có biện pháp quản lý số hóa đơn được in. Chẳng hạn, một DN đặt in 10.000 cuốn hóa đơn, để trốn thuế, các bên sẽ thỏa thuận ghi 5.000 cuốn… Tuy nhiên, quy định khá thoáng này có thể được lý giải là do trong thời gian ít ỏi còn lại, nếu siết chặt kiểm tra chất lượng nhà in, e rằng sẽ không thực hiện kịp việc in hóa đơn cho hàng trăm nghìn DN!(?). Vấn đề đặt ra là trước khi trao quyền tự chủ in hóa đơn cho DN, đáng lẽ các cơ quan quản lý nhà nước phải đảm bảo rằng số lượng nhà in có đủ năng lực in hóa đơn đã sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của DN.

Bên cạnh đó, khoản 1 điều 12 dự thảo thông tư quy định: “Tổ chức, cá nhân khi in, phát hành hóa đơn có trách nhiệm ghi các ký hiệu nhận dạng trên hóa đơn do mình phát hành để phục vụ việc nhận dạng hóa đơn giả trong quá trình sử dụng”. Quy định trên là đúng, song dường như chỉ quy trách nhiệm ngăn chặn hóa đơn giả về phía DN. Trong khi đó, vấn đề đặt ra là với hóa đơn đặt in, nếu nhà in sử dụng bản kẽm để in hóa đơn giả hoặc in nối bản thì DN có phải chịu trách nhiệm không? Có biện pháp gì để ngăn chặn tình trạng này? Thiết nghĩ, vai trò của nhà in trong công tác bảo mật còn quan trọng hơn cả DN. Bởi vậy, thông tư nên quy định rõ hơn nữa về trách nhiệm của đối tượng này.

Trong khi đó, khoản 2 điều 6 dự thảo thông tư dường như đang… “giẫm” lên luật, khi quy định một loạt điều kiện về DN được tự in hóa đơn, trong đó có đoạn: “Trường hợp tổ chức, cá nhân đang thực hiện tự in hóa đơn có hành vi vi phạm pháp luật về thuế, vi phạm về hóa đơn và bị xử phạt thì vẫn tiếp tục được tự in hóa đơn”. Rõ ràng, quy định này đang vô tình “mở đường” cho DN mắc sai phạm trong việc in và sử dụng hóa đơn. Đáng lý ra, khi đã được tự in hóa đơn, DN phải có trách nhiệm chấp hành các pháp luật về thuế và thông tư phải làm rõ vai trò này của DN, thay vì “bao dung” đến nỗi đã vi phạm pháp luật rồi vẫn được tạo điều kiện để sai phạm tiếp!

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, nêu ý kiến: “Hóa đơn là một loại văn bản đặc biệt, do đó không cớ gì chúng ta không quy định chuẩn hóa nó. Theo tôi, nên chốt lại 2 cỡ A4 và A5. Ngoài ra, sẽ có một số trường hợp đặc thù được xếp vào ngoại lệ. Tuy nhiên, chúng ta nên hạn chế tới mức thấp nhất cái ngoại lệ đi.”

Nếu như phần lớn các quy định trong thông tư đều thể hiện quan điểm khá thoáng của ban soạn thảo, thì quy định về đối tượng được tạo hóa đơn tự in lại khiến nhiều người nghi ngại về tính khả thi nếu được áp dụng. Theo đó, để được tạo hóa đơn tự in thì “Doanh nghiệp có mức vốn điều lệ đã được hạch toán kế toán từ 10 tỷ đồng trở lên.” Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để xác nhận được đó là số vốn “đã được hạch toán kế toán”? Bởi lẽ, báo cáo tài chính của các DN nhỏ và vừa hiện nay đều chưa bắt buộc phải kiểm toán. Từ nay đến thời điểm ngày 1/1/2011, các cán bộ thuế có đủ thời gian kiểm tra hết mấy trăm nghìn DN hay không? Và việc kiểm tra này có thực sự cần thiết không, hay sẽ gây thêm tiêu cực, lãng phí?

Ngoài ra, ông Trương Thanh Đức cũng bày tỏ quan điểm: “Có một điều xuất phát từ thực tế cuộc sống mà chúng ta phải chấp nhận và điều chỉnh cho phù hợp. Đó là từ xưa đến nay, khi đi mua hàng có bao giờ phải xuất hóa đơn đâu, kể cả 2 triệu chứ đừng nói là 200.000 đồng, bởi DN có cách khấu trừ của họ”. Ông Đức cho rằng không nên “ép” xuất hóa đơn trong mọi trường hợp một cách máy móc và khiên cưỡng. Đặc biệt là những giao dịch nhỏ, mang tính cá nhân, nên chăng chỉ cần có phiếu thu, biên lai là đủ.

Phải dựa trên nhu cầu DN

(Luật gia Vũ Xuân Tiền, Ủy viên BCH Hội luật gia Hà Nội, Chủ tịch HĐTV Công ty tư vấn VFAM Việt Nam)

Tôi đề nghị nên xem lại tính hợp lý của quy định về tạo hóa đơn tự in: DN phải có mức vốn điều lệ đã được hạch toán kế toán từ 10 tỷ đồng trở lên. Không có tài liệu nào chứng minh rằng vốn điều lệ của DN càng cao thì DN càng phát hành nhiều hóa đơn. Trên thực tế có rất nhiều trường hợp đang chứng minh ngược lại. Chẳng hạn, một DN có vốn điều lệ 5 tỷ đồng, kinh doanh trong lĩnh vực dược phẩm, một tháng sử dụng tới 5 quyển hóa đơn bằng 250 số, còn một DN kinh doanh bất động sản, có vốn điều lệ 50 tỷ đồng, một năm chỉ sử dụng chưa hết 50 số hóa đơn. Quy định có số vốn điều lệ từ 10 tỷ đồng trở lên mới được tự in hóa đơn là một điều kiện kinh doanh. Số vốn điều lệ lại thể hiện quy mô của DN. Song, Luật DN không có điều khoản nào quy định quy mô DN là điều kiện kinh doanh. Do đó, quy định như trên là không có cơ sở pháp lý. Việc quy định DN đặt in hay tự in hóa đơn cần phải dựa vào chính đặc thù và nhu cầu của DN đó.
Ngoài ra, quy định thông tin địa chỉ của người bán trong phần thông tin bắt buộc phải có khi đặt in hóa đơn sẽ làm khó cho DN. Bởi lẽ hiện nay có rất nhiều DN nhỏ và siêu nhỏ đang phải thuê trụ sở làm việc. Những DN này thường thay đổi trụ sở bất ngờ do chủ nhà cho thuê chấm dứt hợp đồng hoặc bị cấm sử dụng nhà chung cư làm văn phòng công ty. Bắt buộc in thông tin sẵn như vậy chắc chắn sẽ dẫn đến tình trạng có nhiều hóa đơn bị hủy bỏ, gây thiệt hại cho DN và phức tạp cho quản lý. Do đó, đề nghị cho phép chỉ in tên, mã số thuế của DN, còn địa chỉ DN sẽ khắc dấu và đóng vào hóa đơn hoặc in từ máy tính khi phát hành. Như vậy, DN có thể đặt in với số lượng lớn và sử dụng được ngay cả khi thay đổi trụ sở.

————————

Cắt giảm thủ tục hành chính
(Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI)

Điều khoản quy định về việc thanh lý hợp đồng in hóa đơn, theo tôi cần phải xem lại. Vì luật hiện tại không bắt buộc thanh lý. Bởi chúng ta hiểu “thanh lý” ở đây là hai bên kết thúc hợp đồng tốt đẹp rồi, hóa đơn in đúng chỉ tiêu, chất lượng, thanh toán xong rồi thì mặc nhiên thanh lý chứ không cần thủ tục hành chính gì thêm nữa.
Hoặc quy định về hủy hóa đơn của tổ chức kinh doanh, với hội đồng hủy hóa đơn bao gồm rất nhiều thành phần: đại diện lãnh đạo đơn vị, bộ phận kế toán, bộ phận quản lý cấp phát hóa đơn, thủ kho, bộ phận kỹ thuật, nhà cung cấp phần mềm… Tôi đề nghị nên xem xét để cách làm đơn giản hơn. Bởi chỉ cần hủy vài ba tờ hóa đơn mà lập cả một hội đồng hoành tráng đến thế thì thật phiền hà, tốn kém cho DN. Nên chăng, chỉ cần đại diện pháp lý cho DN và cán bộ thuế trực tiếp lập biên bản và hủy hoá đơn là đủ.
Ngoài ra, tôi cũng đề nghị cho phép DN dùng hóa đơn cũ đến hết ngày 30/6/2011. Chúng ta ban hành văn bản này xong, 45 ngày sau mới bắt đầu cho hiệu lực. Trong khi đó, cuối năm có rất nhiều vấn đề phát sinh. Sắp tới lại phấn đấu 1 triệu DN được kiểm toán, trong số đó 300.000 DN/lượt kiểm toán là không thể làm hết được, nếu như báo cáo tài chính kết thúc vào đúng ngày 31/12. Trong khi đó, trong quá trình thực hiện, các công ty, DN in hóa đơn mới chắc chắn sẽ vấp phải những sai sót, chưa hiểu, thắc mắc nhiều điểm… Chúng ta cứ duy trì hóa đơn cũ, đặc biệt là hóa đơn đỏ do Bộ Tài chính ban hành, thực tế sẽ chẳng mất gì.

————————

Nhiều điểm khó khả thi
(Bà Phạm Thị Dung, Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam)

Chúng tôi muốn kiến nghị về quy định tại điều 14, khoản 5: người bán hàng phải ký, ghi rõ họ tên; trường hợp người bán hàng không phải là thủ trưởng đơn vị thì phải có giấy ủy quyền của thủ trưởng đơn vị. Điều này khiến chúng tôi rất băn khoăn bởi thủ trưởng đơn vị được hiểu là người đứng đầu công ty hay người phụ trách các điểm bán lẻ xăng dầu. Bởi số lượng người bán lẻ của công ty hiện nay là hàng nghìn người, nếu bắt buộc phải có giấy ủy quyền cho tất cả số người này thì sẽ rất khó thực hiện. Trong khi nội dung giấy ủy quyền lại phải ghi rõ là công nhân đó thuộc cửa hàng nào, nhưng việc luân chuyển lại xảy ra thường xuyên, rất khó theo dõi và cập nhật thường xuyên.
Ngoài ra, nếu hóa đơn quy định bắt buộc phải có chữ ký của người mua, thì với đặc thù ngành xăng dầu, tôi e rằng cũng rất khó khả thi. Bởi hiện nay, đối tượng khách hàng mua nguyên xe, nguyên bồn rất phổ biến và nằm ở khắp nơi. Trong khi đó, người nhận hàng lại chính là bên vận chuyển, và trong thỏa thuận hai bên, người vận chuyển sẽ nhận liên 2 của hóa đơn, và người nhận hàng chỉ ký được vào liên 2 của hóa đơn chứ không thể ký cả 3 liên như trong quy định.

————————

Không nên bắt buộc in hóa đơn
(Bà Nguyễn Thị Thanh Nguyên, Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam)

Đặc thù của bảo hiểm nhân thọ là khách hàng của chúng tôi hoàn toàn cá nhân. Hóa đơn của bảo hiểm nhân thọ không có rủi ro về thuế, bởi các bên không thể dùng hóa đơn này để nhận các khoản khấu trừ thuế. Trong khi đó, khách hàng đến nộp tiền đã có phiếu thu, bởi vậy bản thân khách hàng cũng không có yêu cầu xin lại hóa đơn. Hiện tại, khách hàng của Prudential là hơn 3,5 triệu, số lượng hóa đơn phát hành hàng tháng là 300.000 số. Khách hàng không yêu cầu in ra, nhưng quy định là bắt buộc phải in để lưu, như vậy chi phí sẽ là rất lớn cho việc in ấn và bảo quản. Mặt khác, vì hợp đồng mang tính chất dài hạn, được lưu trữ trong khoảng thời gian dài, và ngành bảo hiểm nhân thọ có hệ thống quản lý hợp đồng, dữ liệu trên máy tính rất chặt chẽ. Do đó, việc DN tự in hóa đơn, chúng tôi đề nghị sẽ lưu trữ dưới dạng file lưu trong máy vi tính, chỉ được in 1 lần duy nhất nếu khách hàng có yêu cầu.

————————
Quản lý chặt các nhà in
(Ông Nguyễn Viết Kiên, Công ty CP in Hàng không)

Trước mắt, việc quy định các nhà in hóa đơn nên được thực hiện theo lộ trình cụ thể. Các nhà in đã có chỉ định của Tổng cục Thuế trước đây vẫn sẽ tiếp tục việc in ấn. Những nhà in sau này muốn mở rộng việc in hóa đơn cần phải được kiểm tra chặt chẽ hơn về thiết bị, quy trình bảo mật… Bởi trong quy trình in hóa đơn, điều quan trọng là nội dung và bảo mật thông tin, tránh xảy ra tiêu cực. Còn những quy định như mực in, giấy in… thật ra không cần chi tiết quá. Quan trọng nhất vẫn là việc giữa nhà in và người đặt in phải thống nhất trong việc đặt mẫu thiết kế và quy trình in ấn.
Bên cạnh đó, theo tôi thấy có nhiều DN chỉ dùng 5 – 7 quyển hóa đơn/năm nhưng cũng phải đặt in, tạo ra lãng phí rất lớn. Bởi nếu in với số lượng ít, giá thành 1 quyển có thể lên tới 200.000 đồng, thậm chí 400.000 – 500.000 đồng, tùy theo mực, giấy, công nghệ bảo mật. Trong khi đó, với những DN in số lượng nhiều, giá thành 1 quyển có khi chỉ vài chục nghìn đồng. Bởi vậy, với những DN sử dụng hóa đơn ít, tôi nghĩ nên xem xét điều kiện sử dụng hóa đơn, giảm bớt các chi phí không cần thiết cho DN.

Khánh Ngọc

——————————————————-

Tạp chí Kinh doanh số 54 23-29/8/2010

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.393. Đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng pháp...

Đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng pháp luật đáp ứng yêu cầu phát...

Trích dẫn 

3.913. Giá vàng ngày một "nóng", có nên nắm giữ...

Giá vàng ngày một "nóng", có nên nắm giữ dài hạn? (KTCK) - Giá vàng tăng...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 232,497