141. Bình luận chế định pháp nhân và đại diện pháp nhân trong Bộ luật Dân sự năm 2005.

(ANVI) – Hội thảo về Bộ luật Dân sự năm 2005:                        BTP – JICA 30-8-2011

 

  1. Khái niệm pháp nhân:

Điều 84 về “Pháp nhân” của Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định: “Một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi có đủ các điều kiện sau đây:

  1. Được thành lập hợp pháp;
  2. Có cơ cấu tổ chức chặt chẽ;
  3. Có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó;
  4. Nhân danh mình tham gia các quan hệ pháp luật một cách độc lập.”

Bốn điều kiện cụ thể, rõ ràng nói trên áp dụng cụ thể vào thực tế thì lại rất khó phân biệt và không hề đơn giản. Chẳng hạn Ban quản trị nhà chung cư theo quy định của Luật Nhà ở năm 2006 (sửa đổi năm 2009) và văn bản hướng dẫn, thì hoàn toàn cũng đáp ứng được cả 4 điều kiện của một pháp nhân nêu trên:

–        Được Hội nghị nhà chung cư bầu ra và được “Uỷ ban nhân dân cấp quận chấp thuận”;

–        “Có từ 05 đến 15 thành viên, gồm 01 Trưởng ban, 01 hoặc 02 Phó ban, trong đó có 01 Phó ban là thành phần do Chủ đầu tư hoặc đơn vị quản lý nhà chung cư cử tham gia Ban quản trị”;

–        “Nhiệm kỳ tối đa là 3 năm”;

–        “Hoạt động theo nguyên tắc tập thể, quyết định theo đa số”;

–        Có tài sản là nguồn thu độc lập với cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó;

–        Có quyền “Lựa chọn và ký hợp đồng với doanh nghiệp quản lý vận hành nhà chung cư; huỷ bỏ hợp đồng trong trường hợp doanh nghiệp đó không thực hiện đúng cam kết; giám sát hoạt động của doanh nghiệp quản lý nhà chung cư theo nội dung hợp đồng đã ký.” (khoản 2, Điều 72 về “Quyền và trách nhiệm của Ban quản trị”, Luật Nhà ở).

Hay, một tổ chức hội, thì ngoài cả hội là một pháp nhân ra, tổ chức nào khác thuộc hội sẽ là hay không có tư cách pháp nhân? Ví dụ, Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam ra quyết định thành lập và xác định “Văn phòng Trung ương Hội khuyến học Việt Nam phía Nam” có tư cách pháp nhân, thì văn phòng ấy có tài sản độc lập hay chỉ là một bộ phận hoàn toàn phụ thuộc vào với Hội Khuyến học. Khó tìm được căn cứ pháp lý rõ ràng để khẳng định hay bác bỏ tư cách pháp nhân của Văn phòng ấy.

Bốn điều kiện nói trên cũng gần như trùng với 4 điều kiện của pháp nhân đã được quy định tại Điều 94 của Bộ luật Dân sự năm 1985 trước đây. Thế nhưng công ty hợp danh theo quy định tại Luật Doanh nghiệp năm 1999 thì được xác định là không có tư cách pháp nhân. Còn cũng công ty hợp danh với cùng những đặc điểm như vậy, trong Điều 130 về “Công ty hợp danh” của Luật Doanh nghiệp năm 2005 thì lại được xác định là có tư cách pháp nhân.

Cần phải xem lại 4 điều kiện của pháp nhân, mà thực chất là 5, vì riêng điều kiện thứ ba có thể tính gồm 2 điều kiện nhỏ là: “Có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác” và “Tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó”.

Trong 4 điều kiện nói trên, xét ở một góc độ khác, thì chỉ cần 2 điều kiện, đó là “Được thành lập hợp pháp” và “Có tài sản độc lập với cá nhân và pháp nhân khác”. Còn “Có cơ cấu tổ chức chặt chẽ” là điều kiện không cần thiết. Một vài trong số trong những bằng chứng là:

–        Tổ hợp tác là một tổ chức quá đơn giản cũng có thể là pháp nhân theo quy định tại đoạn 2, khoản 1, Điều 111 về “Tổ hợp tác”, Bộ luật Dân sự năm 2005;

–        Công ty TNHH 1 thành viên là pháp nhân theo quy định tại khoản 2, Điều 63 về “Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên”, Luật Doanh nghiệp năm 2005. Cơ cấu tổ chức của công ty TNHH 1 thành viên có thể chỉ có 1 người duy nhất vẫn đúng luật: Chủ tịch công ty đồng thời là giám đốc (người quản lý đồng thời là người điều hành). Không cần có Ban kiểm soát. Kế toán trưởng thì có thể đi thuê ngoài (theo Luật Kế toán năm 2003). Không cần các chức danh khác, hoặc giám đốc có thể kiêm nhiệm công việc của bất kỳ người lao động nào của pháp nhân công ty;

–        Cũng theo quy định của Luật Doanh nghiệp, tất cả các công ty TNHH, công ty cồ phần và công ty hợp danh đều có tư cách pháp nhân kể từ khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Vậy thì tại thời điểm đã được công nhận là pháp nhân, nhưng doanh nghiệp hoàn toàn chưa có gì là “cơ cấu tổ chức chặt chẽ”.

Nếu bảo đảm điều kiện “Có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác”, thì đương nhiên cũng đồng nghĩa với việc “tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó”. Hay nói cách khác, nếu không “tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó” thì cũng không thể coi là “Có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác”.

Cuối cùng là điều kiện “Nhân danh mình tham gia các quan hệ pháp luật một cách độc lập”, thì đó là hệ quả tất yếu của pháp nhân, chỉ có sau khi đã được công nhận pháp nhân, chứ không thể là một trong những điều kiện để hình thành và xem xét công nhận pháp nhân.

  1. Các loại pháp nhân:

Điều 100 về “Các loại pháp nhân”, Bộ luật Dân sự quy định có các loại pháp nhân như sau:

1. Cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân.

  1. Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội.
  2. Tổ chức kinh tế.
  3. Tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp.
  4. Quỹ xã hội, quỹ từ thiện.
  5. Tổ chức khác có đủ các điều kiện quy định tại Điều 84 của Bộ luật này.”

Việc phân chia pháp nhân như trên dường như không theo một tiêu chí rõ rệt, hợp lý nào. Theo đó, có 3 loại pháp nhân có chung yếu tố “chính trị” là: “Tổ chức chính trị”, “Tổ chức chính trị – xã hội” và “Tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp”. Và có 3 loại pháp nhân có chung yếu tố “xã hội” là: “Tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp”, “Tổ chức xã hội” và “Tổ chức xã hội – nghề nghiệp”.

Bộ luật Dân sự không liệt kê một số chủ thể đã được nhắc đến với hàm nghĩa là các tổ chức pháp nhân, được Nhà nước giao đất, cho thuê đất hoặc công nhận quyền sử dụng đất trong Luật Đất đai năm 2003 (đã được ban hành trước Bộ luật Dân sự 2 năm). Đó là “tổ chức kinh tế – xã hội” và “tổ chức sự nghiệp công”.

Nhiều tổ chức khác không được Bộ luật Dân sự cũng như các đạo luật xác định rõ có hay không có tư cách pháp nhân, như phòng và văn phòng công chứng, bệnh viện, trung tâm trọng tài, trường học,… Những tổ chức này xuất hiện rất phổ biến, liên quan đến rất nhiều giao dịch quan trọng nhưng lại không được chỉ ra cụ thể khi liệt kê các loại pháp nhân mà đều thuộc nhóm “các tổ chức khác”, trong khi lại kể đến quỹ xã hội và quỹ từ thiện.

Trong khi đó, ngoại trừ quy định tại Điều 100 của Bộ luật Dân sự nói trên, các văn bản quy phạm pháp luật khác khi liệt kê các chủ thể giao dịch là pháp nhân thì lại không bao giờ nhắc đến quỹ xã hội và quỹ từ thiện. Ví dụ, Điều 1 về “Phạm vi điều chỉnh và nhiệm vụ của Bộ luật Tố tụng dân sự” của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 (sửa đổi năm 2011), khi liệt kê các chủ thể tham gia quan hệ tố tụng dân sự, đã nhắc lại các loại pháp nhân theo quy định tại Điều 100 của Bộ luật Dân sự, nhưng lại không thấy có “quỹ xã hội, quỹ từ thiện.”

Do đó, cần xem xét phân loại các loại pháp nhân vào một số nhóm xác định, chẳng hạn có thể phân chia thành 4 nhóm sau: Cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội và tổ chức hành nghề, trong đó:

–        Nhóm pháp nhân Cơ quan nhà nước, bao gồm cả đơn vị vũ trang nhân dân;

–        Nhóm pháp nhân Tổ chức kinh tế, bao gồm các công ty TNHH, công ty hợp danh và công ty cổ phần, hợp tác xã và các tổ chức kinh tế khác;

–        Nhóm pháp nhân Tổ chức xã hội, bao gồm tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, quỹ xã hội, quỹ từ thiện và các tổ chức mang đặc tính xã hội khác;

–        Nhóm pháp nhân Tổ chức hành nghề, bao gồm quỹ xã hội, quỹ từ thiện, tổ chức sự nghiệp công, tổ chức bảo hiểm tương hỗ (theo Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000, sửa đổi năm 2010), trường học (theo Luật Giáo dục năm 2005, sửa đổi năm 2009), sở giao dịch chứng khoán, trung tâm lưu ký chứng khoán (theo Luật Chứng khoán năm 2006, sửa đổi năm 2010), công ty luật (theo Luật Luật sư năm 2006), phòng, văn phòng công chứng nhiều thành viên (theo Luật Công chứng năm 2006), bệnh viện (theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009), trung tâm trọng tài (theo Luật Trọng tài thương mại năm 2010),…

Ngoài ra, còn một vấn đề dường như không tương thích giữa chi nhánh của một pháp nhân với tổ chức đoàn thể xã hội của chi nhánh. Đó là chi nhánh của pháp nhân thì không bao giờ có tư cách pháp nhân (theo quy định tại khoản 4, Điều 92 về “Văn phòng đại diện, chi nhánh của pháp nhân”, Bộ luật Dân sự. Nhưng Công đoàn của một Chi nhánh pháp nhân (gọi là công đoàn cơ sở thành viên) thì lại có thể có tư cách pháp nhân (theo quy định tại khoản 2, Điều 1, Nghị định số 133-HĐBT ngày 20-4-1991 của Hội đồng Bộ trưởng Hướng dẫn thi hành Luật Công đoàn).

  1. Tổ chức không phải là pháp nhân:

Không thấy Bộ luật Dân sự quy định sự khác nhau về tư cách tham gia giao dịch dân sự giữa các tổ chức là pháp nhân với các tổ chức khác (chủ thể khác) không có tư cách pháp nhân.

Theo quy định hiện nay, chỉ thấy rõ ràng đối với tổ chức kinh tế là doanh nghiệp tư nhân là phải chịu trách nhiệm vô hạn trong giao dịch dân sự. Còn các tổ chức khác, dù có hay không có tư cách pháp nhân, thì cũng không thấy quy định về giới hạn trách nhiệm dân sự.

Hộ gia đình trong Bộ luật Dân sự năm 2003 và trong Luật Đất đai năm 2003, Tổ hợp tác trong Bộ luật Dân sự năm 2005 và trong Luật Hợp tác xã năm 2003, Hộ kinh doanh trong Luật Doanh nghiệp năm 2005, Ban Quản trị nhà chung cư trong Luật Nhà ở năm 2006, đều không được xác định rõ trong giao dịch dân sự là cá nhân, nhóm cá nhân, tổ chức hay một thể loại nào khác? Trong khi đó, lại là chủ thể được đăng ký kinh doanh, ký hợp đồng, vay vốn, hoạt động kinh doanh,…

Thậm chí, đoạn 2, khoản 1, Điều 111 về “Tổ hợp tác” của Bộ luật Dân sự năm 2005 còn quy định: “Tổ hợp tác có đủ điều kiện để trở thành pháp nhân theo quy định của pháp luật thì đăng ký hoạt động với tư cách pháp nhân tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.” Quy định này mâu thuẫn với Điều 100 về điều kiện của pháp nhân và không biết đặt ra nhằm mục đích gì? Nếu tổ hợp tác có đủ các điều kiên của pháp nhân thì phải chuyển đổi thành hợp tác xã hoặc một hình thức tổ chức khác, chứ không thể ưu ái cho “đi ngang về tắt” như vậy. Trong khi pháp nhân hợp tác xã thì phải có Điều lệ, với nhiều ràng buộc chặt chẽ, còn pháp nhân tổ hợp tác thì lại chỉ cần “Hợp đồng hợp tác” với những nội dung và đòi hỏi vô cùng đơn giản.

Nhiều tổ chức phi kinh tế cũng như tổ chức kinh tế đang có sự mập mờ, rất khó phân biệt giữa pháp nhân và không phải là pháp nhân. Ví dụ như liên quan đến một Tập đoàn kinh tế của Nhà nước với lần lượt 5 đơn vị là các tổ chức dưới đây, mà tổ chức ở dưới là một bộ phận cấu thành tổ chức ở trên:

–        “Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Quốc gia Việt Nam” (1);

–        “Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam” (2);

–        “Tổng Công ty Viễn thông Việt Nam” (3);

–        “Viễn thông TP Hồ Chí Minh” (4);

–         “Công ty Điện thoại Đông thành phố” (5).

Trong đó:

–        Đầu tiên, cùng mang danh Tập đoàn, nhưng tổ chức số (1) thì không có tư cách pháp nhân (chỉ là một nhóm công ty có tư cách pháp nhân độc lập);

–        Tổ chức số (2) thì có tư cách pháp nhân (là tương đương với một công ty nhà nước hạng đặc biệt);

–        Tổ chức số (3) là có tư cách pháp nhân (là công ty con của Tập đoàn số 2);

–        Tổ chức số (4) là chi nhánh của tổ chức số (3), vì vậy không có tư cách pháp nhân (theo đúng quy định tại khoản 4, Điều 92 về “Văn phòng đại diện, chi nhánh của pháp nhân”, Bộ luật Dân sự năm 2005);

–        Cuối cùng, tổ chức số (5) là chi nhánh của tổ chức số (4) (là chi nhánh của chi nhánh);

Điều kỳ lạ ở chỗ, tổ chức số 5 là một chi nhánh, hoàn toàn không có tư cách pháp nhân, nhưng lại đàng hoàng được đặt tên chính thức trên giấy cũng như khắc trên con dấu là “công ty”. Mà theo Luật Doanh nghiệp, thì tất cả các công ty đều có tư cách pháp nhân (Điều 38 về “Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên”, Điều 63 về “Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên”, Điều 77 về “Công ty cổ phần” và Điều 130 về “Công ty hợp danh”). Một hệ thống lắt léo như thế thì ai có thể phân biệt nổi tổ chức nào có hay không có tư cách pháp nhân?

Vì vậy, Bộ luật Dân sự cần có sự phân biệt về việc tham gia giao dịch dân sự của hai loại hình tổ chức có và không có tư cách pháp nhân. Về nguyên tắc, tổ chức không có tư cách pháp nhân không được tham gia giao dịch dân sự, trừ trường hợp có quy định cụ thể của pháp luật cho phép.

  1. Tên gọi của pháp nhân:

Khoản 1, Điều 87 về “Tên gọi của pháp nhân” của Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định: “Pháp nhân phải có tên gọi bằng tiếng Việt, thể hiện rõ loại hình tổ chức của pháp nhân và phân biệt với các pháp nhân khác trong cùng một lĩnh vực hoạt động.”

Khoản 1, Điều 31 về “Tên doanh nghiệp”, Luật Doanh nghiệp năm 2005 thì quy định: “Tên doanh nghiệp phải viết được bằng tiếng Việt, có thể kèm theo chữ số và ký hiệu, phải phát âm được

Để đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, khoản 1, Điều 13 về “Tên doanh nghiệp”, Nghị định số 43/2010/NĐ-CP ngày 15-4-2010 của Chính phủ về Đăng ký doanh nghiệp còn mở rộng hơn khi quy định: “Tên doanh nghiệp phải viết được bằng các chữ cái trong Bảng chữ cái tiếng Việt, có thể kèm theo các chữ cái F, J, Z, W, chữ số và ký hiệu, phát âm được”.

Như vậy, quy định chung của Bộ luật Dân sự về tên gọi của pháp nhân có phần hẹp hơn quy định của pháp luật doanh nghiệp về tên doanh nghiệp.

  1. Thành viên sáng lập của pháp nhân:

Khoản 1, Điều 88 về “Điều lệ của pháp nhân”, Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định: “Trong trường hợp pháp luật quy định pháp nhân phải có điều lệ thì điều lệ của pháp nhân phải được các sáng lập viên hoặc đại hội thành viên thông qua…”. Đối chiếu với quy định tại khoản 10 và 11, Điều 4 về ”Giải thích từ ngữ”, Luật Doanh nghiệp năm 2005, thì không gọi là “sáng lập viên” mà là “thành viên sáng lập” (đối với công ty TNHH và công ty hợp danh) và “cổ đông sáng lập” (đối với công ty cổ phần). Không gọi là “đại hội thành viên”, mà gọi là ”Hội đồng thành viên” (đối với công ty TNHH và công ty hợp danh) và “Đại hội đồng cổ đông” (đối với công ty cổ phần). Còn “Đại hội thành viên” thì chỉ được sử dụng để chỉ cơ quan của ngân hàng hợp tác xã và quỹ tín dụng nhân dân theo quy định tại Điều 75 về ”Cơ cấu tổ chức” của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010.

Như vậy, cụm từ “sáng lập viên hoặc đại hội thành viên” của Bộ luật Dân sự đã không khái quát được một cách chính xác các đối tượng cần đề cập đến của pháp nhân.

  1. Cơ quan điều hành của pháp nhân:

Điểm đ, khoản 2, Điều 88 về “Điều lệ của pháp nhân”, Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định Điều lệ của pháp nhân phải có nội dung về “thể thức cử, bầu, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, nhiệm vụ và quyền hạn của các chức danh của cơ quan điều hành”. Điều 89 về “Cơ quan điều hành của pháp nhân”, Bộ luật Dân sự cũng quy định “Pháp nhân phải có cơ quan điều hành” và “Tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan điều hành của pháp nhân được quy định trong điều lệ của pháp nhân hoặc trong quyết định thành lập pháp nhân”. Bộ luật Dân sự không định nghĩa thế nào là cơ quan điều hành. Trong khi đó, các đạo luật khác không có quy định về “cơ quan điều hành”. Luật Doanh nghiệp năm 2005 cũng không có lần nào nhắc đến “cơ quan điều hành”, mà chỉ có quy định về “cơ quan quản lý” (điểm c, khoản 17, Điều 4 về “Giải thích từ ngữ”) và “người điều hành” (khoản 1, Điều 55 về “Giám đốc hoặc Tổng giám đốc”).

Như vậy, khái niệm “cơ quan điều hành” của Bộ luật Dân sự là chưa rõ ràng và không thống nhất với khái niệm chỉ các cơ quan đóng vai trò “điều khiển” doanh nghiệp.

  1. Đơn vị phụ thuộc pháp nhân:

Điều 92 về “Văn phòng đại diện, chi nhánh của pháp nhân”, Bộ luật Dân sự năm 2005 chỉ quy định pháp nhân có văn phòng đại diện và chi nhánh. Nhưng một số đạo luật khác lại quy định thêm “chân rết” của pháp nhân là những cơ cấu không hề được đề cập đến trong Bộ luật Dân sự. Chẳng hạn, Điều 37 về “Văn phòng đại diện, chi nhánh, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp”, Luật Doanh nghiệp năm 2005, ngoài việc ghi nhận doanh nghiệp có “Văn phòng đại diện, chi nhánh” lại còn có thêm “địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp” (nội dung này chưa có trong Luật Doanh nghiệp năm 1999). Theo khoản 3 của Điều này, thì “Địa điểm kinh doanh là nơi hoạt động kinh doanh cụ thể của doanh nghiệp được tổ chức thực hiện”. Và địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp không được đặt ở tỉnh (thành phố) chưa có chi nhánh, mà chỉ được mở tỉnh (thành phố) nơi có chi nhánh của doanh nghiệp.

Luật các TCTD năm 1997 trước đây và năm 2010 hiện hành cũng chỉ nhắc đến văn phòng đại diện và chi nhánh của pháp nhân là các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên các văn bản dưới Luật thì lại cho phép thành lập hoạt động của phòng giao dịch, quỹ tiết kiệm và các điểm giao dịch khác (tổ giao dịch) ngoài chi nhánh và văn phòng đại diện. Ngoài ra, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 còn đặt ra một hình thức tổ chức nữa của tổ chức tín dụng là các đơn vị sự nghiệp, có con dấu riêng, không phải là hình thức chi nhánh hay văn phòng đại diện.

Như vậy, Bộ luật Dân sự đã không có những quy định đủ để bao quát hết các đơn vị phụ thuộc của pháp nhân trong các trường hợp này.

  1. Đại diện của pháp nhân:

Trong mọi trường hợp, một bên của quan hệ dân sự chỉ có thể giao dịch thông qua một cá nhân cụ thể với tư cách của chính cá nhân ấy hay đại diện cho một tổ chức, cá nhân khác.

Đối với các pháp nhân, thì người đại diện theo pháp luật có thẩm quyền đại diện cho pháp nhân tham gia giao dịch dân sự theo quy định tại khoản 3, Điều 86 về “Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân”, Bộ luật Dân sự năm 2005: “Người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo uỷ quyền của pháp nhân nhân danh pháp nhân trong quan hệ dân sự.

Điều 49 về “Trách nhiệm của người đại diện theo pháp luật của đơn vị kế toán”, Luật Kế toán năm 2003 cũng quy định trách nhiệm của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là bố trí người làm kế toán trưởng, quyết định thuê người làm kế toán trưởng. Tuy nhiên, Điều 47 về “Hội đồng thành viên”, Luật Doanh nghiệp năm 2005 lại quy định, Hội đồng thành viên của công ty TNHH có 2 thành viên trở lên có thẩm quyền “quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, ký và chấm dứt hợp đồng” đối với Kế toán trưởng.

Hoặc điểm h, khoản 2, Điều 108 về “Hội đồng quản trị”, Luật Doanh nghiệp năm 2005 lại quy định: Hội đồng quản trị có một trong những quyền và nhiệm vụ là “ký hợp đồng, chấm dứt hợp đồng đối với Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người quản lý quan trọng khác do Điều lệ công ty quy định”.

Điều 45 của Bộ luật Lao động năm 1994 (sửa đổi các năm 2002, 2006 và 2007) còn có một quy định bất hợp lý là: Đại diện thương lượng và ký kết Thoả ước lao động của bên doanh nghiệp là “Giám đốc doanh nghiệp hoặc người có giấy uỷ quyền của Giám đốc doanh nghiệp”. Điều này có nghĩa là “Người đại diện theo pháp luật” không có quyền đương nhiên ký Thoả ước lao động, nếu như không phải là giám đôc doanh nghiệp.

Như vậy, Bộ luật Dân sự cũng chưa lường trước được các trường hợp người đại diện theo pháp luật của pháp nhân không đương nhiên được “nhân danh pháp nhân” trong mọi giao dịch dân sự.

Ngoài ra, khoản 3, Điều 143 về “Quản lý doanh nghiệp”, Luật Doanh nghiệp năm 2005 quy định: “Chủ doanh nghiệp tư nhân là nguyên đơn, bị đơn hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài hoặc Toà án trong các tranh chấp liên quan đến doanh nghiệp.” Như vậy, có thể suy diễn là, một tổ chức không có tư cách pháp nhân như doanh nghiệp tư nhân, khi tham gia tố tụng dân sự, thì không được tham gia với tư cách của một tổ chức, mà chỉ được tham gia với tư cách trực tiếp của một cá nhân chủ doanh nghiệp.

Như vậy, Bộ luật Dân sự cũng cần quy định tư cách tham gia giao dịch dân sự của các tổ chức không phải là pháp nhân, khi tham gia quan hệ dân sự, thì với tư cách là một tổ chức hay là một cá nhân. Nếu tham gia với tư cách là một tổ chức, thì cần xem lại quy định về việc tham gia tố tụng của doanh nghiệp tư nhân nói trên.

  1. Phạm vi đại diện của pháp nhân:

Khoản 5, Điều 144 về “Phạm vi đại diện”, Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định: “Người đại diện không được xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự với chính mình hoặc với người thứ ba mà mình cũng là người đại diện của người đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.” Quy định này đang gây khó khăn cho một số giao dịch dân sự, mà điển hình là việc ký hợp đồng thế chấp tài sản của người thứ ba.

Chẳng hạn hợp đồng thế chấp ký giữa 3 bên như sau:

–        Ông A., là cá nhân có tài sản thế chấp (Bên thế chấp);

–        Ngân hàng B., là bên cho vay vốn (Bên nhận thế chấp);

–        Công ty C., là bên vay vốn của Ngân hàng B. (Bên được thế chấp).

Trong trường hợp ông A. đồng thời là người đại diện theo pháp luật của Công ty C. thì đương nhiên ông A. ký trên hợp đồng thế chấp với 2 tư cách:

–        Thứ nhất là đại diện của Bên thế chấp (chủ sở hữu tài sản thế chấp) và;

–        Thứ 2 là đại diện hợp pháp của Công ty C.

Nếu cứ theo đúng câu chữ quy định tại khoản 5, Điều 144 nói trên, thì ông A. đã vi phạm điều cấm của pháp luật và có thể dẫn đến hậu quả pháp lý là hợp đồng thế chấp bị vô hiệu. Hiện nay cũng chưa có quy định nào khác của pháp luật để có thể áp dụng loại trừ vi phạm điều cấm “trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”.

Qua đây cho thấy một tình huống hết sức vô lý xảy ra một cách tương đối phổ biến là: Hợp đồng thế chấp như trên chỉ cần hai bên là ông A. và Ngân hàng B. ký là đã hoàn toàn bảo đảm giá trị pháp lý. Nhưng cẩn thận bằng cách cho ông A. ký thêm một chữ ký với tư cách là người đại diện theo pháp luật của Bên được thế chấp để bảo đảm chặt chẽ, rõ ràng hơn, thì lại bị xem là vô hiệu, mặc dù việc đó là không ảnh hưởng gì đến bản chất của giao dịch bảo đảm, không hề đổi khác ý chí tự nguyện giao kết hợp đồng, không làm thay đổi quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan. Để khắc phục cái “bẫy” nguy hiểm này, nhiều cơ quan công chứng đã không cho đại diện của bên được thế chấp ký vào hợp đồng hoặc không cho ông A. ký vào hợp đồng thế chấp, mà ký vào văn bản uỷ quyền cho người khác đại diện cho Công ty C. ký vào hợp đồng. Điều này cũng không hợp lý, vì về bản chất không có gì khác nhau giữa việc ông A. ký trực tiếp và uỷ quyền cho người khác ký hợp đồng.

  1. Uỷ quyền của pháp nhân:

Trong giao dịch dân sự, pháp nhân không chỉ được uỷ quyền cho cá nhân, pháp nhân khác, mà hoàn toàn có thể uỷ quyền cho chi nhánh của chính pháp nhân đó. Tuy nhiên trên thực tế đang bị nhiều cơ quan công chứng, nhiều Phòng đăng ký kinh doanh và nhiều cơ quan nhà nước bắt bẻ là việc giám đốc chi nhánh ký văn bản theo uỷ quyền của pháp nhân thì phải đóng dấu pháp nhân chứ không được đóng dấu của chi nhánh.

Khoản 1, Điều 583 về “Uỷ quyền lại”, Bộ luật Dân sự quy định: “Bên được uỷ quyền chỉ được uỷ quyền lại cho người thứ ba, nếu được bên uỷ quyền đồng ý hoặc pháp luật có quy định.” Căn cứ vào đây, nhiều nơi không chấp nhận giao dịch được uỷ quyền cho tiếp cho người thứ 3, thứ 4, mặc dù được các cấp uỷ quyền trước đó đồng ý. Thậm chí nhiều trường hợp còn áp dụng các quy định của Chính phủ về công tác văn thư và việc sử dụng con dấu để từ chối việc uỷ quyền của pháp nhân. Ngoài ra, còn đòi hỏi đầy đủ đồng thời con dấu ở cả 2 văn bản, đó là văn bản uỷ quyền và văn bản ký theo uỷ quyền. văn bản.

Vì vậy, Bộ luật Dân sự cần quy định rộng hơn và rõ hơn để tránh tình trạng uỷ quyền hợp pháp, hợp lý của pháp nhân không được thừa nhận do vướng các thủ tục hành chính nhà nước.

Khoản 1, Điều 143 về “Người đại diện theo uỷ quyền”, Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định: “Cá nhân, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân có thể uỷ quyền cho người khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.” Nhưng, Điều 10, Nghị định số 41-CP ngày 06-7-1995 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về kỷ luật lao động và trách nhiệm vật chất, đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 33/2003/NĐ-CP ngày 02-4-2003 quy định: Người có thẩm quyền xử lý vi phạm kỷ luật lao động là người sử dụng lao động. “Người được người sử dụng lao động uỷ quyền chỉ được xử lý kỷ luật lao động theo hình thức khiển trách”.

Vì vậy, Bộ luật Dân sự cần quy định rõ việc uỷ quyền dưới đây để tránh bị hiểu theo nhiều cách khác nhau trên thực tế:

–        Uỷ quyền của pháp nhân cho pháp nhân;

–        Uỷ quyền của pháp nhân cho cá nhân;

–        Uỷ quyền của pháp nhân cho chi nhánh, văn phòng đại diện và các đơn vị phụ thuộc khác của pháp nhân;

–        Uỷ quyền của cá nhân cho pháp nhân;

–        Uỷ quyền của cá nhân trong pháp nhân cho chi nhánh, văn phòng đại diện và các đơn vị phụ thuộc khác của pháp nhân;

–        Uỷ quyền của cá nhân cho cá nhân trong pháp nhân;

–        Uỷ quyền của cá nhân cho cá nhân và tổ chức khác và ngược lại.

 

BÌNH LUẬN CHẾ ĐỊNH PHÁP NHÂN VÀ ĐẠI DIỆN PHÁP NHÂN

TRONG BỘ LUẬT DẤN SỰ NĂM 2005[1]

 

Trân trọng tham gia!

———————————————

Địa chỉ liên hệ:

—————————–

ĐC: Công ty Luật ANVI, tầng 2, Tòa nhà Savina, số 1 Đinh Lễ, phố Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, HN

FB: Trương Thanh Đức (www.facebook.com/LSTruongThanhDuc)

E-mail: duc.tt @anvilaw.com

Web: www.anvilaw.com

ĐT: 090.345.9070

[1]   Bài thứ 3 trong loạt bài tham gia xây dựng Bộ luật Dân sự năm 2015.

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

436. Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài...

Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài sản công. Cố vấn: Luật...

Phỏng vấn 

4.414. Lấp lỗ hổng quản lý trong đầu tư trực...

Lấp lỗ hổng quản lý trong đầu tư trực tuyến tiền ảo, tài chính, chứng...

Trích dẫn 

3.969. Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ...

Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ xấu gia tăng nhưng tốt...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 235,665