141. Không quản được thì… cấm!

(DN) – Dự thảo Nghị định sửa đổi quy định về những hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, kinh doanh có điều kiện đang thiên về phần… cấm.

Bản dự thảo Nghị định sửa đổi nhằm thay thế Nghị định 59/2006/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Thương mại về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến rộng rãi. Đa số doanh nghiệp luật được hỏi ý kiến đều cho rằng dự thảo đang “khóa” nhiều ngành nghề kinh doanh.

Cấm là cách dễ nhất?!

Theo tính toán của luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, trong 10 năm qua, số lượng giấy phép con trong lĩnh vực này “tăng trưởng” tới 500%: năm 1999 mới chỉ có 29 loại hàng hóa, dịch vụ bị đặt vào vòng cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện; thì đến năm 2010 đã tăng lên 157 loại. Ông Đức nhận định: “Chưa bàn đến chuyện rào cản nhiều là tốt hay không tốt, nhưng chắc chắn đó là các chướng ngại vật mà doanh nghiệp buộc phải vượt qua trên con đường sinh tồn”. Đồng tình với quan điểm này, luật gia Cao Bá Khoát, Công ty Tư vấn doanh nghiệp K và Cộng sự nhận định: “Chúng ta có các văn bản pháp luật hạn chế, cấm kinh doanh, ảnh hưởng đến việc làm ăn của doanh nghiệp nhưng khi ban hành chưa nói rõ vì sao cấm, ngành nghề đó có hại cho ai. Trong thực tế, có nhiều doanh nghiệp rất bức xúc từ việc cấm đoán này”.

Nhiều doanh nghiệp trong ngành tư vấn luật cho rằng, ban soạn thảo xây dựng dự thảo Nghị định mới có vẻ thích… cấm. Luật sư Trần Cảnh An, Trưởng văn phòng luật sư Trần Cảnh An (Đà Nẵng) dẫn chứng: việc đưa dịch vụ “hoạt động quảng cáo đối với các sản phẩm thay thế sữa mẹ dành cho trẻ em dưới 12 tháng tuổi” vào danh mục cấm kinh doanh là chưa thỏa đáng, vì không phải phụ nữ nào khi sinh con cũng có đủ sữa. Với những trường hợp này, nhu cầu dùng sữa ngoài sau khi sinh là rất cần thiết. Vì thế, thay vì cấm, nên đưa vào các quy định cho hoạt động này, như thêm cụm từ “cấm quảng cáo sai sự thật”… Còn Luật sư Lê Văn Hạc (Đà Nẵng) lại không đồng tình việc dự thảo đưa “hoạt động kinh doanh môi giới kết hôn có yếu tố nước ngoài nhằm mục đích kiếm lời” vào danh mục dịch vụ cấm kinh doanh. Theo ông Hạc, nói như thế thì phải phân biệt giữa “mục đích kiếm lời” và không kiếm lời. Nhưng đã kinh doanh thì phải có lợi nhuận, vấn đề là quản lý, kiểm tra hoạt động đó thế nào. Về điểm này, luật sư Khoát cho rằng trong bối cảnh tự do hóa toàn cầu không cấm được quyền tự do đi lại, cấm môi giới hôn nhân sẽ dẫn đến môi giới chui và chúng ta đã phải trả giá. Việc kết hôn giữa người Việt và người nước ngoài thông qua môi giới có hợp đồng kết hôn thay vì đăng ký kết hôn, mà căn cứ vào các điều khoản hợp đồng, cô dâu Việt có thể kiện ra tòa đòi quyền lợi trong trường hợp bị xâm hại…

Dưới góc độ của một doanh nghiệp kinh doanh, ông Phạm Bắc Bình, Giám đốc Công ty TNHH Bình Vinh (Đà Nẵng) lo ngại về việc danh sách hàng hóa, dịch vụ cấm, hạn chế kinh doanh trong dự thảo Nghị định bổ sung, sửa đổi đang dài ra. Ông Bình cho rằng, đưa dịch vụ karaoke, vũ trường, xoa bóp (massage, tẩm quất) vào danh mục hạn chế kinh doanh là đánh đồng giữa hành vi và dịch vụ. Theo luật sư Trương Thị Hòa (Đoàn luật sư TPHCM), cần tách bạch hành vi vi phạm pháp luật với hàng hóa thuộc diện cấm kinh doanh. Bởi karaoke có mại dâm núp bóng là hành vi vi phạm pháp luật, nhưng bản thân karaoke là một loại hình giải trí lành mạnh, tại sao lại bị hạn chế kinh doanh? Vì thế nên đưa dịch vụ karaoke, vũ trường, xoa bóp vào danh mục kinh doanh có điều kiện, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện như trước đây để đảm bảo công tác kiểm tra, kiểm duyệt là đủ.

Ý kiến của luật sư Trần Vũ Hải, Công ty luật Hà Nội, lại nhấn khá sâu vào cách giải quyết của Bộ Thông tin và Truyền thông đối với loại hình kinh doanh internet. Theo luật sư Hải, việc yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ internet cắt đường truyền từ 23h đến 6h sáng là trái với Bộ Luật Dân sự và Luật Thương mại. Mặt khác, không có gì đảm bảo rằng việc cắt internet trong những giờ kể trên sẽ làm giảm các tụ điểm internet trong đêm, thậm chí sẽ phát sinh những điểm truy cập… lậu. “Hiện nay, hệ thống quản lý của cơ quan pháp luật quá yếu kém nên phải quay ra trói chặt thêm. Nếu tình trạng này tiếp diễn, nhiều doanh nghiệp sẽ chết”, luật sư Trương Thanh Đức bình luận.

Sao cho thỏa đáng?

Để tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất, kinh doanh, ông Trương Thanh Đức cho rằng, hoặc là phải bỏ bớt các “rào cản” hoặc là phải quy định một cách hết sức rõ ràng và minh bạch. Còn theo luật sư Cao Bá Khoát, ban soạn thảo cần phải cân nhắc, xem xét một cách thấu đáo nên cấm cái gì, hạn chế cái gì, cái gì kinh doanh cần có điều kiện, đặc biệt là phải xem xét những lý do cấm, hạn chế, đưa vào Nghị định sửa đổi này có phù hợp với thực tiễn phát triển không.

Ông Trần Thanh Tùng, Công ty luật Phước & Partners khuyến nghị, đây là một Nghị định tác động đến những lĩnh vực kinh doanh nhạy cảm, việc sửa đổi cần phải giải quyết tốt hai vấn đề trái ngược nhau, một bên là nhu cầu quản lý của cơ quan nhà nước với một bên là quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp. Nếu nghiêng nhiều về góc độ quản lý sẽ hạn chế quyền tự do kinh doanh của thương nhân, còn nếu nghiêng quá về quyền tự do kinh doanh cũng rất có thể sẽ phải giải quyết những hậu quả tiêu cực của việc “mở” rộng các hoạt động kinh doanh những hàng hóa, dịch vụ, ngành nghề có tính nhạy cảm. Vì vậy, theo ông Tùng, cần phải phân tích sâu sắc và vạch ra các tiêu chí cụ thể, rõ ràng về mức độ ảnh hưởng tiêu cực của các ngành nghề, hàng hóa và dịch vụ sẽ có tác động đến kinh tế, xã hội, đời sống… qua đó mới có thể cân nhắc xếp chúng vào danh mục cấm, hạn chế, hay kinh doanh phải có điều kiện cho phù hợp…

Ngọc Nhi

———————————

Doanh Nhân 28-8-2010

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu...

Mục "Bài viết" cập nhật các bài viết của các Luật sư ANVI đăng...

Bình luận 

429. Bình luận về việc sửa đổi Luật Thuế...

Bình luận về việc sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt. (Dự thảo Luật...

Phỏng vấn 

4.377. Thương mại điện tử bước vào cuộc chiến...

Thương mại điện tử bước vào cuộc chiến mới (*): Ứng phó cơn...

Trích dẫn 

3.892. Sửa đổi Luật Chứng khoán và bài toán...

Sửa đổi Luật Chứng khoán và bài toán nâng hạng thị trường. (TBNH)- Tại...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 228,353